Thursday, 30 August 2012

DU HỌC SIN H VIỆT NAM - MỘT THẾ HỆ "VƯỢT BIÊN" THỜI HIỆN ĐẠI (Paulo Thành Nguyễn)




Paulo Thành Nguyễn
Đăng bởi pleikly lúc 8:04 Sáng 30/08/12

VRNs (30.08.2012) – Facebook – Sau “hiệp định Geneve” hàng triệu người, đa số là người Công giáo, rời khỏi miền Bắc VN năm 1954 theo chương trình Passage to Freedom (Con đường đến Tự Do). Tính đến giữa năm 1954 và 1956, trên 1 triệu người đã di cư từ Bắc vào Nam, trong đó có khoảng 800.000 người Công giáo, tức khoảng 2/3 số người Công giáo ở miền Bắc đã bỏ vào miền Nam.

Theo tuần báo Time, những người di cư vào miền Nam, đặc biệt những người Công giáo Việt Nam, cho rằng họ đã bị đàn áp tôn giáo dưới chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều người thật sự ra đi vì lý do kinh tế và chính trị: họ là những người làm việc cho Pháp, hay giới tư sản không có cảm tình với chính phủ Cộng sản. Một số người là nạn nhân của cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam, bị lấy mất tài sản nên phải bỏ ra đi.

Biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc chiến hai miền Bắc-Nam chấm dứt. Chế độ Việt Nam Cộng hòa thua trận với hậu quả hai đợt di dân lớn từ Việt Nam đến Hoa Kỳ và các nước Tây phương.

Năm 1977 bắt đầu đợt thứ hai khi phong trào vượt biển tỵ nạn kéo dài cho đến giữa thập niên 1980.
Tiếp đến vào năm 1990 các chương trình đoàn tụ đón tù cải tạo, con lai, tái định cư cho đến nay.
Tổng cộng các đợt di dân lịch sử này tính riêng tại Mỹ hiện là 1.223.736 người. (theo Wikipedia)

Nguyên nhân dẫn đến sự ra đi lịch sử này bắt đầu từ việc người dân miền nam lo sợ chính quyền Cộng sản trả thù sau ngày 30/4/1975. Một phần vì đời sống kinh tế khó khăn và phần lớn bởi chính sách hà khắc của chính phủ lúc bấy giờ đã đẩy số lượng lớn con người rời bỏ quê hương.

Nhưng đến hôm nay, sự ra đi đó vẫn tiếp diễn…

Theo thống kê của Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT), nước ta hiện có trên 100.000 du học sinh (DHS) theo học tại 49 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhiều nhất là Úc (khoảng 25.000 người). Xếp thứ nhì là Mỹ (14.888 người), kế tiếp là Trung Quốc (12.500), Singapore (7.000), Anh (6.000), Pháp (5.540), Nga (5.000), Nhật Bản (3.500). Trong đó khoảng 90% đi học bằng kinh phí tự túc.

Đa số DHS sau khi tốt nghiệp đều tìm cách định cư tại nước sở tại vì điều kiện làm việc và môi trường sống ở nước ngoài. Nhiều DHS không muốn về Việt Nam vì không có cơ hội phát triển và xã hội ẩn chứa quá nhiều rủi ro về các vấn nạn xã hội, một phần vì thích môi trường sống tự do ở các nước Tư bản.

Nếu vượt biên chính thức ngày trước bằng cách “mua bãi” với 6 lượng vàng thì du học ngày nay cần chứng minh tài chính và khả năng chi trả học phí, ăn ở trung bình khoảng 30,000 USD/ năm.

Nếu sự ra đi ngày trước vì lo sợ trả thù, vì cái đói của thể xác thì sự ra đi của một bộ phận thế hệ hôm nay là sự chạy trốn cái nghèo đói về kiến thức và vươn đến sự tự do trong tư tưởng, tự do sáng tạo.

Việc chấp nhận cho con cái du học đồng nghĩa với việc chấp nhận xa lìa con cái như cảnh ly tán ngày trước của rất nhiều gia đình. Chỉ khác là điều kiện liên lạc và phương tiện đi lại hôm nay thuận tiện hơn, nhưng rõ ràng sự chia ly là không ai muốn và càng không muốn làm một người tha hương…

Tuy sự so sánh trên có phần khập khểnh nhưng nhìn chung sự ra đi cũng bởi hy vọng tìm một nguồn kiến thức tốt hơn, môi trường làm việc tốt hơn, môi trường sống thông thoáng hơn hay đơn giản chỉ để tự do hơn…

Một vị giáo người Nga trong một giai thoại về cuộc triễn lãm nghệ thuật “con cá” nói :
Con cá là một sinh vật. Là một sinh vật, nó chỉ có thể sống trong môi trường nước, chứ không thể sống bằng khái niệm “nước”. Người Nga chúng ta cũng như vậy. Là những con người, chúng ta chỉ có thể sống được trong một môi trường với các mối quan hệ xã hội và tự nhiên cụ thể, chứ không thể sống được bằng khái niệm “chủ nghĩa xã hội”. (FB Nguyên Hưng)

Người Việt Nam chúng ta cũng như con cá đó!
Chúng ta không thể “hòa hợp dân tộc” bằng khái niệm khi luôn tồn tại bóng ma “thế lực thù địch”.
Chúng ta không thể phát triển khả năng sáng tạo trong khái niệm tư duy một chiều.
Chúng ta không thể phát triển nhân trí khi bỏ mặc tình hình đất nước cho khái niệm ” Đảng và nhà nước lo”.
Chúng ta không thể phát triển đạo đức khi chỉ dựa theo khái niệm “tấm gương đạo đức” của người khác.
Và rõ ràng chúng ta đã không thể sống đúng nghĩa là một con người bằng khái niệm “ xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Sự rời bỏ của thế hệ trước từ năm 1954 cho đến hôm nay là minh chứng rõ nhất cho sự sống trong cái khái niệm gọi là “thiên đường xã hội chủ nghĩa”. Xa hơn, nó còn là dấu hiệu cái chết của một dân tộc..

Paulo Thành Nguyễn







1 comment:

View My Stats