Wednesday, 29 August 2012

HÚY KỴ THỜI NAY (Tống Văn Công)




Tống Văn Công
Viet Studies ngày 24-8-12

Thời phong kiến húy kỵ tên của vua chúa khiến bao người tài giỏi như cụ Tú Xương(1870 -1907) đã phải “Tám khoa chưa khỏi phạm trường qui” . Húy kỵ còn làm biến dạng ngôn ngữ như hoàng biến thành huỳnh, cảnh hóa ra kiểng, đến như tên cha mẹ đặt từ đời trước cũng phải đổi lại bởi húy kỵ tên của ông vua đời sau, như Ngô Thì Nhậm(1746 – 1803) sau khi qua đời hơn 40 năm phải đổi thành Ngô Thời Nhiệm. Bởi vì tên của ông trùng với 2 tên của vua Tự Đức (1829 – 1883) là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm và Nguyễn Phúc Thì. Đến thời nay tưởng ngôn ngữ không còn bị húy kỵ vô lối, hóa ra nó vẫn bị nạn húy kỵ theo một dạng khác rất lạ lùng.

Nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân chuyển thể tiểu thuyết Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng sang kịch bản sân khấu cho nhà hát kịch Phú Nhuận. Gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng yêu cầu phải giữ đúng tên Làm đĩ của tiểu thuyết. Vậy là gặp rắc rối, Sở Văn hóa Thông tin TP HCM không chấp nhận vì cho rằng hai tiếng Làm đĩ thô tục, nhất thiết không cho phép có chữ “đĩ”. Cuối cùng, phía nhà hát tìm được cách xử lý cho tình huống “tế nhị” này bằng cách bỏ từ thứ hai, vỡ kịch phỏng tác được mang tên “Làm…” và được cấp phép. Đó là vận dụng lại bài học kinh nghiệm đã có, Xin lỗi em chỉ là con đĩ cũng đã bị cắt bỏ hai từ cuối: “Xin lỗi em chỉ là…”

Cũng lạ không hiểu vì sao các nhà quản lý văn hóa của chúng ta có xu hướng không chấp nhận dùng tiếng ta, nhưng lại rất dễ dàng chấp nhận một ngôn từ Trung Quốc đồng nghĩa là mại dâm. Thật ra thì mại dâm bẩn thỉu hơn làm đĩ, vì nó có nghĩa là đem bán đi cái quý giá của mình cho người ta vui chơi. Hai tiếng cha mẹ thiêng liêng, ngành giáo dục thay bằng “phụ huynh”, nhiều khi dưới bức ảnh của người mẹ có dòng chú thích: “phụ huynh của em…” !

Cách đây đã lâu quyển tiểu thuyết Phong nhũ phì đồn của nhà văn Mạc Ngôn (Trung Quốc) nếu dịch sát nghĩa là mông to vú nở. Nhưng có lẽ vì muốn tránh sự húy kỵ , dịch giả đã chuyển ngữ là Báu vật của đời, nghe đèm đẹp, nhưng không rõ nghĩa. Hóa ra ở xứ sở “Khổng giáo gốc” người ta ăn nói cởi mở hơn hẳn xứ “Không giáo ăn theo” của ta. Tại sao vậy nhỉ?

Nhớ lại bậc danh nho Nguyễn Khuyến (1835-1909) được xem là nhà thơ có “tâm hồn tiêu biểu cho bản sắc dân tộc Việt Nam”, đã sáng tác bài thơ Đĩ Cầu Nôm trước phong trào thơ mới và tiểu thuyết Làm đĩ hơn 30 năm, có những câu:

“Thiên hạ bao giờ cho hết đĩ ?
“Trời sinh ra cũng để mà chơi!
“Dễ mấy khi làm đĩ gặp thời,
“Chơi thủng trống long dùi âu mới thích.
“Đĩ bao tử càng chơi càng lịch,
“Tha hồ cho khúc khích chị em cười:
“Người ba đấng, của ba loài,
“Nếu những như ai thì đĩ mốc.
“Đĩ mà có tàn, có tán, có hương án, có bàn độc.
“Khá khen thay làm đĩ có tông…”

Như vậy là từ thời nho học cho đến thời Tây học đều không húy kỵ từ “Làm đĩ” .

Chẳng rõ những nhà quản lý văn hóa thời nay lấy căn cứ của nền văn hóa nào mà thực hiện sự húy kỵ chưa từng có, không làm trong sáng cho tiếng Việt mà làm cho nó rối loạn .

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 24-8-12





1 comment:

View My Stats