Wednesday, 29 August 2012

TRÀN NGẬP PHIM TRUNG, HÀN (Hoàng Lan Anh - Tiểu Quyên)




Hoàng Lan Anh – Tiểu Quyên
Thứ Hai, 27/08/2012 21:50

Phim Trung Quốc, Hàn Quốc chiếu dày đặc trên các đài truyền hình dù ai cũng biết điều này là phạm luật

Không phải đến thời điểm này, dư luận mới lên tiếng cảnh báo có quá nhiều phim Hàn Quốc, Trung Quốc được phát sóng dày đặc trên các kênh truyền hình từ Trung ương đến địa phương.

Yêu cầu hạn chế phát sóng phim truyền hình của 2 quốc gia này tại hội nghị giao ban báo chí khu vực miền Trung - Tây Nguyên vừa qua đã thêm một lần nữa nhấn mạnh tính cấp thiết, cần phải có quy định, thậm chí chế tài để “định chuẩn” lại việc phát sóng phim nước ngoài trên các kênh truyền hình hiện nay.

Mở ti vi là thấy

Điểm lại lịch phát sóng trong tuần của các kênh truyền hình mới thấy gần như phim Hàn Quốc, Trung Quốc phủ sóng dày đặc trong các giờ phim nước ngoài. Hệ thống các kênh của VTV (từ VTV1 đến VTV9) là các phim: Chúng ta là anh em, Bằng chứng ngoại tình, Chốn hậu cung, Lần thứ hai mình yêu nhau, Vịnh Xuân quyền, Xin anh hãy nhấn chuông lần nữa…; HTV7 cũng liên tục “Trung - Hàn” thay phiên lên sóng: Muôn mặt hôn nhân, Thái Bình công chúa, Tình yêu vô tận…; HTV2 “hút” khán giả từ Đen trắng, Vua bánh mì, Sát thủ hào hoa đến Bạn thân là tình địch, Kim Đại ban, Thư kiếm ân cừu lục…

Một đài lớn khác là Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội chiếu liên tiếp từ 12 giờ đến 14 giờ trên kênh H1 các phim: Bản sắc nam nhi, Lấy chồng triệu phú, Được sống cùng thần tượng, Hãy yêu đừng e ngại… Kênh H2 cũng không thua kém, từ 6 giờ sáng, kênh này đã chiếu bộ phim Trung Quốc đầu tiên là Hãy yêu vợ cũ của tôi, sau đó là Chàng quản gia, Ánh sáng tình yêu, Hạnh phúc ở phía trước và lúc 23 giờ là bộ phim Thất kiếm hạ thiên sơn.

Tất cả khung phim truyện trên kênh H1, H2 của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội ngày 24-8 đều là phim Trung Quốc, Hàn Quốc, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng phim Việt.

Đó là chưa kể phim Hàn Quốc, Trung Quốc cũng “chiếm đóng” gần như thường trực giờ phim trên các kênh của nhiều đài truyền hình tỉnh, như: Vĩnh Long, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và hàng loạt kênh truyền hình cáp, kỹ thuật số.

Nhắm mắt làm ngơ

Thực trạng phim ngoại lấn át phim nội đã kéo dài nhiều năm và trở thành bài toán nan giải tại các đài truyền hình, cho dù Luật Điện ảnh đã quy định rõ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình phải đạt ít nhất 30% so với tổng số lượng phim phát sóng và số phim này phải được phát sóng trong khung 20-22 giờ trong ngày, ngoài ra, còn có thể phát sóng vào các giờ khác...

Với những gì đang được trình chiếu cho khán giả, cảm giác như luật quy định thì mặc luật, còn các đài truyền hình thì cứ có gì chiếu nấy. Một điều cũng khá bất ngờ là phần lớn các đài truyền hình đều phạm luật nhưng chưa thấy đơn vị nào bị xử phạt hay nhắc nhở.

Giải thích về điều này, lãnh đạo một đài truyền hình cho biết không phải các đài có gan làm ngơ quy định của luật mà chỉ là “lực bất tòng tâm”. Để bảo đảm không bị thủng sóng, nhiều đài phải nhắm mắt phát sóng phim Hàn Quốc, Trung Quốc trên đài của mình. Thực tế hiện nay chỉ có một vài đài truyền hình lớn như VTV, HTV… chủ động cân đối được tỉ lệ phim nội, phim ngoại trên sóng của mình.

Các đài này không chỉ có tiềm lực tài chính để đặt hàng và liên kết sản xuất với các đơn vị bên ngoài mà còn có khả năng tự sản xuất phim cung ứng cho đài của mình. Phần lớn các đài truyền hình khác, kể cả đài truyền hình Hà Nội, đều không có khả năng tự sản xuất phim. Vì thế, phim phát sóng của các đài hoàn toàn phải mua từ bên ngoài.

-----------------------

Đổi phim bằng quảng cáo
Do kinh phí có hạn nên các đài truyền hình chủ yếu tìm tới thị trường phim nước ngoài, trong đó chủ yếu mua lại phim “nước hai”, “nước ba”, đã được chiếu nhiều lần rồi về chiếu lại vì “cũ người mới ta”. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Giang, cho biết phần lớn phim nước ngoài chiếu trên sóng của đài này là phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông… Nguồn phim này có được nhờ đổi quảng cáo vì đài không lấy đâu ra tiền mua phim, lại càng không có kinh phí để phối hợp sản xuất phim. Ông Phan Hữu Minh, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, cho biết giá mua phim Trung Quốc, Hàn Quốc tương đối rẻ, trong khi đó nguồn thu từ quảng cáo ở những bộ phim này lại cao hơn hẳn so với phim Việt. Ông Bùi Hoàng Việt, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng, cũng cho rằng có nhiều phim Hàn Quốc, Trung Quốc chất lượng thì không có lý gì đài truyền hình lại không phát sóng, nhất là trong khi phim Việt không đủ để chiếu.

HOÀNG LAN ANH - TIỂU QUYÊN


No comments:

Post a Comment

View My Stats