Saturday, 1 September 2012

CÂU CHUYỆN CHÍNH QUYỀN (Lê Phan)





Lê Phan
Saturday, September 01, 2012 2:39:18 PM

Có một cuộc tranh luận muôn thuở, đặc biệt ở Hoa Kỳ, về “big government vs. small government,” chính quyền nên lớn hay nên nhỏ.

Cuộc tranh luận này ngày nay là giữa bên Cộng Hòa, muốn “starve the beast”, muốn làm cho con quái vật tức là bộ máy công quyền chết đói bằng cách cắt giảm ngân sách, bởi chỉ có cách đó thì mới làm nhỏ chính quyền lại và giải quyết được vấn đề. Bên Dân Chủ lý luận ngược lại là cách duy nhất để giải quyết sự bế tắc của chính trị Hoa Kỳ là giới hạn doanh nghiệp vốn đã gây nên cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008.

Ứng cử viên phó tổng thống của đảng Cộng Hòa, Dân Biểu Paul Ryan, là một đệ tử chân thành của trường phái chính quyền nhỏ. Ông lý luận hủy bỏ mọi chương trình công ích của chính quyền (hệ thống y tế quốc gia, chăm sóc sức khỏe cho người già...), sau đó cắt giảm thuế thật mạnh để bỏ tiền vào túi của những chủ nhân để họ có thể dùng tiền đó kích thích nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Ở Anh này, hình thức chính quyền nhỏ được mặc cho cái áo “big society”, công thức của ông David Cameron, với giả định là nếu xã hội lớn thì chính quyền đương nhiên phải nhỏ. Và chính sách tương đương là “giải tư” các tài sản quốc gia, với một giả định là “khu vực tư” sẽ điều hành hữu hiệu hơn. Mặc dầu kinh nghiệm của thời bà Thatcher cho thấy chuyện đó chưa chắc đã là đúng.

Theo một cuộc thăm dò mới đây của tờ Washington Post, 55% người Mỹ thích “chính quyền nhỏ” và ủng hộ “ít dịch vụ công hơn”. Dĩ nhiên bên phe Tea Party chẳng hạn, số ủng hộ cho chính quyền nhỏ lên đến 98%, trong khi nhóm cấp tiến thành thị thì chỉ có 9%. Nói cách khác đa số người Cộng Hòa và độc lập ủng hộ một chính phủ nhỏ và do đó hoạt động ít hơn. Ðó chính là nghị trình của đảng Cộng Hòa và nó là nền tảng của ngân sách họ đề ra.

Nhìn từ đại thể, nhiều người Mỹ hẳn tin là chính quyền lớn có những chính sách xâm phạm đến tự do của mình, đánh thuế cao, tạo thâm thủng ngân sách, tất cả đều vô cùng tiêu cực. Nhưng khi đi vào chi tiết, hỏi những việc cụ thể, về Medicare, đầu cơ vào hạ tầng cơ sở, giáo dục, nghiên cứu khoa học, công chi cho quốc phòng, trợ cấp cho cựu quân nhân, và ngay cả đến những biện pháp an sinh xã hội khác, câu trả lời lại khác hẳn. Hôm Tháng Giêng năm nay, 63% người theo đảng Cộng hòa và 74% độc lập nói là cắt giảm food stamps là cách sai để cắt giảm công chi. Một cuộc thăm dò khác cho thấy 70% phe Tea Party chống lại cắt giảm Medicare.

Cái khổ của cắt giảm ngân sách như Anh Quốc đang trải qua là nó tạo nên một vòng xoắn ốc đi xuống. Khi chính phủ cắt giảm ngân sách thì công chức bị sa thải, công chức bị sa thải, không có tiền, doanh nghiệp cũng giảm hoạt động, phải sa thải nhân công. Dân chúng không có tiền, mất việc làm, doanh nghiệp giảm làm ăn, tất cả đều có nghĩa là công thu qua thuế cũng giảm. Kết quả là sau ba năm thắt lưng buộc bụng, chính phủ Anh mới phải công nhận là thâm thủng ngân sách tiếp tục tăng.

Vả lại ở một khía cạnh nào đó, cuộc tranh luận về chính quyền lớn với chính quyền nhỏ có vẻ đã là đặt vấn đề sai. Mà nó cũng không phải là cuộc tranh luận giữa chính quyền lớn và “big business,” như lý luận của bên Dân Chủ.
Như Giáo Sư Allison Stanger giải thích trên website của đài CNN, vấn đề là hầu hết chúng ta hiểu nhầm về hình dạng của chính quyền trong thế kỷ thứ 21 ở Hoa Kỳ. Khi bên cánh hữu chỉ trích Tổng Thống Obama là “đã làm chính quyền bành trướng ở một mức độ kỷ lục”, thì thực ra họ chỉ nói đến ngân sách của chính phủ. Chính quyền thật sự của Hoa Kỳ, hiểu theo nghĩa số công chức đang làm việc cho chính phủ hiện nay vẫn chỉ bằng năm 1966, nhưng ngân sách chính quyền liên bang trên thực tế đã tăng gấp ba.

Vậy nếu chúng ta hỏi ai đang làm công việc của chính quyền thì câu trả lời là những nhà thầu tức là doanh nghiệp.
Trong một tiến trình mà cả bên Cộng Hòa lẫn bên Dân Chủ đều theo đuổi, chính quyền Hoa Kỳ bây giờ ngày càng “rỗng ruột”, với chính phủ trao các nhiệm vụ phân tích, đánh giá và thực thi cho khu vực tư ở bất cứ nơi nào có thể được. Và cả hai bên đều coi đó là những phương tiện nhằm giảm chi phí và tăng hiệu năng. Niềm tin mù quáng vào khả năng tốt hơn của giải pháp thị trường đã có một hậu quả không lường. Chính phủ nay hoàn toàn tùy thuộc vào khu vực tư để thực hiện công việc hàng ngày, làm lu mờ lằn ranh rõ ràng trước kia giữa doanh nghiệp và chính quyền.

Những chuyện mà hồi xưa không bao giờ có thể trao cho tư nhân bây giờ đã đương nhiên là việc của tư nhân. Hồi chiến tranh Việt Nam chẳng hạn, canh giữ các cơ sở của Hoa Kỳ ở Sài Gòn và các nơi khác là các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến. Ngày nay, nhiều cơ sở của các nhiệm sở ngoại giao Hoa Kỳ được bảo vệ bởi những công ty an ninh tư.
Ấy là chưa kể sự thay đổi vị trí ngày càng nhanh chóng giữa doanh nghiệp của Wall Street và chính quyền ở K Street. Cứ lấy thí dụ Ngân hàng Goldman Sachs chẳng hạn. Cựu Bộ Trưởng Tài Chánh Henry Paulson cũng như đương kim Bộ Trưởng Tài Chánh Timothy Geithner đều đã từng là viên chức của ngân hàng.

Trình bày những điều này ra không phải để chỉ trích chính quyền hay doanh nghiệp.

Một trong những nguyên lý căn bản của chính trị học là khi con người tập hợp thành cộng đồng, một cá nhân, vì những lợi ích được sống trong cộng đồng, đã đồng ý nhượng lại một số tự do cá nhân của mình. Nếu chúng ta không chấp nhận nguyên tắc này thì một cộng đồng chính trị, một polity, không thể tồn tại được.

Khi những người cực đoan từ tả sang hữu, từ nhóm “Chiếm đóng Wall Street” ở bên cực tả đến nhóm Tea Party ở bên cực hữu đòi phá bỏ chính quyền, họ đều sai. Chúng ta không thể tiếp tục sống trong cộng đồng mà không chấp nhận luật chơi của cộng đồng, nhất là trong một chính thể dân chủ.

Thái độ của nhóm cực hữu từ chối chấp nhận Tổng Thống Barack Obama, tìm đủ mọi cách để chối bỏ sự việc là đa số người Mỹ đã bỏ phiếu chọn ông làm tổng thống, cũng vô lý không kém gì thái độ của những người cực tả muốn bác bỏ Hạ Viện Cộng Hòa vì không đồng ý lập trường với các vị dân cử đó.

Một nền chính trị dân chủ đặt trên một định đề là những công dân tham gia vào hoạt động chính trị của cộng đồng qua lá phiếu và một khi cuộc bỏ phiếu đã hoàn tất thì tất cả mọi người đồng ý chấp nhận quyết định của đa số. Nếu không có sự chấp thuận đó thì cộng đồng đổ vỡ. Ngày hôm nay có những người Mỹ nói là họ không chấp nhận ông Obama là tổng thống của họ. Ngày mai, nếu ông Romney thắng cử, sẽ có những người Mỹ nói họ không chấp nhận ông Romney làm tổng thống của mình.

Lúc đó cuộc tranh luận sẽ không còn là giữa chính quyền lớn hay chính quyền nhỏ nữa mà sẽ là chiến tranh. Liệu chúng ta có muốn đi vào con đường đó hay không?







No comments:

Post a Comment

View My Stats