27-9-2012
Đọc được tin sáng ngày 24/09/2012
sẽ diễn ra phiên tòa xét xử công khai 3 blogger tại tòa án nhân dân thành phố
Hồ Chí Minh. Tôi tò mò, không biết rằng phiên tòa công khai trong thành phố Hồ
Chí Minh có khác hơn so với phiên tòa công khai tại tòa án nhân dân thành phố
Hà Nội không? Tại vì chính bản thân tôi đã từng nhiều lần tham gia phiên tòa về
sự việc bố tôi bị công an đánh chết tại Hà Nội, những phiên tòa được gọi là
công khai, nhưng hành xử thì không khác gì xử kín, thậm chí đến thân nhân của
người bị hại còn bị cản trở, không cho tham dự phiên tòa.
Nhưng thật ái ngại vì “phiên tòa
công khai” ở thành phố Hồ Chí Minh còn “KHAI” hơn nhiều. Thậm chí không cần
biết người ta có đi hay không, những ai họ không muốn cho đến Tòa thì họ ngang
nhiên để an ninh, công an ngăn chặn và bắt giữ người trái pháp luật giữa đường
phố đông người.
Rất muốn vào tham dự “phiên tòa
công khai” xét xử 3 blogger này, nhưng tôi và anh Thành lại có hẹn với đối tác
làm ăn đúng vào sáng ngày 24/09. Vì muốn theo dõi diễn tiến tại phiên tòa và
cũng vì nhà của đối tác trùng hợp lại trên quận Nhất, gần tòa án nên sẵn tiện
chúng tôi hẹn đối tác gặp nhau bàn bạc công việc tại quán café gần đó để vừa
bàn bạc công việc, vừa có thể tranh thủ coi thông tin về vụ xử.
Chúng tôi biết rằng có rất nhiều an
ninh mặc thường phục theo sát chúng tôi từ nhà, và cũng không phải từ sáng 24
mà từ 2 ngày trước đó. Tôi không biết tại sao họ lại sợ chúng tôi tham dự một
phiên tòa công khai đến vậy và không nghĩ là họ lại hành xử côn đồ, bất chấp
pháp luật đến thế. Khi chúng tôi đi về phía quận 1, khoảng 8 người an ninh mặc
thường phục này áp sát dồn xe chúng tôi vào vỉa hè ngay trước Trụ sở công an
quận 3, đường CMT8. Họ tính lao vào giựt chìa khóa xe của chúng tôi nhưng không
được. Họ quát tháo ầm ĩ: “Đi đâu?” Chúng tôi nói với họ là chúng tôi đi uống
café bàn việc với khách hàng nhưng họ không nghe và nhất định chặn chúng tôi
lại không cho đi. Sau đó những người mặc thường phục tự xưng là an ninh này vào
trong trụ sở đồn công an quận 3 gọi rất nhiều công an trong đồn ra, cả công an
giao thông lẫn công an quận đứng vây lấy 2 người chúng tôi. Bất chấp nói lý lẽ,
lực lượng an ninh luôn có hành vi và những lời nói khiêu khích, ép người quá
đáng. Cảnh sát giao thông tại đây yêu cầu chúng tôi xuất trình giấy tờ xe kiểm
tra, mặc dù chúng tôi không hề vi phạm lỗi giao thông nào. Chúng tôi yêu cầu họ
giải thích vì sao lại đòi kiểm tra giấy tờ xe chúng tôi? Anh này không nói và
chỉ cùng những người an ninh kia buộc chúng tôi phải xuất trình giấy tờ xe.
Chúng tôi cũng đồng ý và đưa giấy tờ xe ra cho anh cảnh sát giao thông kiểm
tra, tại vì chúng tôi biết mặc dù chúng tôi hành xử đúng với quy trình pháp
luật nhưng nếu không xuất trình giấy tờ, họ sẽ dễ dàng gán ghép cho chúng tôi
vào cái tội danh nào đấy trong tình thế như vậy. Sau khi kiểm tra, giấy tờ của
chúng tôi hoàn toàn đầy đủ, thậm chí đến chứng minh thư của người ngồi sau xe
máy là tôi cũng phải xuất trình cho họ coi nhưng họ vẫn tiếp tục gây khó dễ.
Anh Thành bức xúc nói: “Mấy anh là
an ninh, công an nhân dân phải làm việc cho ngời ta nể chứ không thể làm việc
tùy tiện như vậy được. Mấy anh giữ gìn an ninh trật tự đâu phải là mấy anh chặn
cái quyền của người ta là mấy anh giữ gìn? Mấy anh sợ tui mà đi đâu thì mấy anh
đi theo, tui làm gì sai thì mấy anh bắt, còn vấn đề anh không có quyền chặn
người ta. Mấy anh làm vậy thì dân coi mấy anh ra gì nữa, mấy anh là công an
nhân dân thì phải làm sao cho dân nể chứ?” Thì ngay lúc đó, một người an ninh
mặc áo kẻ sọc xanh đáp: “Nhân dân có nhiều loại…” Thiết nghĩ, chúng tôi không
tiền án, tiền sự, không trộm cắp giết người vậy theo ý anh ta chúng tôi là loại
nhân dân gì? Câu hỏi này anh ta không trả lời được mà một người an ninh khác ở
đó quát lên: “Kệ mẹ chúng nó nói đi, đừng có nói nữa”. Chúng tôi đề nghị họ để
chúng tôi ra về vì dù sao cũng lỡ mất cuộc hẹn với khách, nhưng họ vẫn cứ giằng
co không chịu. Họ bắt chúng tôi dắt xe vô đồn để họ kiểm tra. Chúng tôi hỏi họ
“bây giờ giấy tờ của chúng tôi đầy đủ, các anh kiểm tra cái gì?”. Anh Thành
nói: “Tui sai cái gì mà mấy anh mời tôi?” Cảnh sát giao thông đáp: “Không, anh
không có sai cái gì hết”. “ Ủa tui không sai sao mấy anh đòi bắt tôi vào đồn?”.
Anh an ninh áo kể sọc lề rề nói “Chị kia đòi đi tham dự phiên tòa xét xử CÔNG
KHAI kìa”.
Trước câu nói phi lý của anh ta,
tôi cũng bức xúc chỉ vào anh ta mà nói: “Nếu mà chúng tôi có ra thì các anh
cũng không có quyền cản chúng tôi. Tại sao các anh có quyền chặn một phiên tòa
công khai? Các anh có biết công khai là như thế nào không? Có biết chữ công
khai viết như thế nào không? Các anh có hiểu tôi đang nói gì không?” Có lẽ họ
vẫn không hiểu hoặc cố tình không hiểu chúng tôi nói gì nên anh an ninh chửi
thề lúc nãy hung hăng lao đến dắt xe của chúng tôi thẳng vào trong một cách
ngang nhiên. Vào trong đồn, người an ninh này còn định hành hung anh Thành khi
anh Thành không chịu ở lại vì sự vô lý của họ. Người cảnh sát giao thông tiếp
tục đề nghị chúng tôi mở cốp xe ra kiểm tra. Trong cốp xe không hề có gì ngoài
chiếc áo mưa cũ, chúng tôi một lần nữa lại yêu cầu họ thả chúng tôi ra và để
chúng tôi về nhưng những người an ninh đó vẫn cố tình thực hiện hành vi giam
giữ người trái pháp luật. Họ là những người thực thi luật pháp nhưng lại thản
nhiên chà đạp lên pháp luật một cách công khai dưới sự trợ giúp của những người
đồng đội mang mác công an nhân dân.
Vào đến trong đồn, chúng tôi và họ
lại tiếp tục tranh luận đúng sai. Chúng tôi cho rằng hành động của họ là sai
trái, còn họ thì nói là do chúng tôi? Chúng tôi hỏi họ sao lại bắt nhốt chúng
tôi vô cớ thì họ trả lời rằng thì phải tự hỏi lại xem chúng tôi làm gì? Khi
được hỏi: “Chúng tôi đã làm gì? Chúng tôi mà làm gì sai các anh đã bỏ tù chúng
tôi rồi chứ còn ngồi đây để tranh luận được với mấy anh nữa sao?” Chúng tôi chỉ
từng đi biểu tình chống Trung Quốc, bày tỏ thái độ mỗi khi thấy vấn nạn trong
xã hội, khen ngợi những tấm gương việc tốt, người tốt và tôi thì có thêm việc
đi tìm công lý cho người cha bị công an đánh chết. Chính họ cũng không biết
phải đáp lại ra sao nên chỉ có thể nói: “Bao nhiêu người chúng tôi không bắt
tại sao lại chỉ có mấy anh chị là chúng tôi bắt?” Chúng tôi trả lời: “Cái đó ai
mà biết được mấy anh, mấy anh phải tự hỏi lại mình chứ? Chắc có lẽ chính các
anh cũng không hiểu vì sao phải bắt chúng tôi đâu.”
Anh Thành nói thêm: “Cùng là thanh
niên với nhau, tôi nói các anh nghe nè, con người nó khác con vật ở chỗ có đầu
óc để suy nghĩ và biết đâu là đúng, đâu là sai? Các anh có lý tưởng của các anh
nhưng không phải lúc nào cũng hành động tùy tiện như vậy được”. Anh an ninh có
vẻ không hiểu thiện ý của anh Thành trong câu nói mà thay vào đó là thái độ cay
cú anh nói giọng hằn học: “Ờ con vật đó, những con vật đang ở trên quận Nhất
kia kìa, đã bị chúng tôi bắt nhốt hết rồi đó, đó con vật đó”. Nghe xong câu nói
này của anh an ninh, chúng tôi sững người lại, rồi anh Thành nói tiếp: “Nếu mà
anh nói như vậy thì anh không có đủ tư cách, cũng không có đủ nhân cách để nói
chuyện với tôi.”
“Anh là ai mà tui không có đủ tư
cách nói chuyện với anh? Anh hơn gì tui?” anh an ninh hỏi anh Thành. “Tôi không
là ai cả, tôi chỉ là một con người, nhưng là một con người tự chủ, tôi thích
làm gì thì tôi làm cái đó, tôi thấy điều gì đúng thì tôi làm. Còn anh là một
người công cụ, anh đâu có thể tự ý muốn làm gì thì làm, anh làm gì cũng phải
nghe lệnh, theo lệnh, người khác bảo sao thì anh theo vậy. Anh là một công cụ,
không hơn không kém.” Nói thế đáp sao? Thôi ngồi im cho yên tĩnh.
Ngồi được khoảng nửa tiếng thì họ
nói chúng tôi có thể về, nhưng họ lại ép chúng tôi ngồi lên xe chuyên dụng của
công an, mặc dù chúng tôi có xe máy ở đó. Anh Thành bức xúc “ Các anh nói có
nghe được không, chúng tôi có xe máy, vô cớ bắt chúng tôi vào đây, rồi áp giải
chúng tôi về như tội phạm, chúng tôi có phải là trộm cướp đâu mà bắt chúng tôi
ngồi cái xe đó được?” Còn tôi thì càng bức xúc hơn. Tôi nhất quyết không chịu
về. Tôi nói: “Chúng tôi đâu phải là những con lợn, hay con vật mà các anh thích
nhốt là nhốt, thích thả là thả được, cho dù có để chúng tôi đi xe máy về thì
tôi cũng không đồng ý về nữa là ép chúng tôi lên xe chuyên dụng.” Tôi yêu cầu
phải có người đứng ra xin lỗi chúng tôi vì hành vi xâm phạm quyền tự do đi lại,
bắt giam người trái phép, hành xử côn đồ của những người an ninh, công an bắt
giữ chúng tôi hôm đó tôi mới đồng ý ra về.
Họ biết họ làm sai, nhưng họ vẫn lờ
đi, bởi chuyện thường thấy là khi làm sai thì không bao giờ họ chịu nhận lỗi về
mình. Nên bên an ninh và bên trụ sở quận họ chỉ còn cách đùn đẩy về địa phương,
cho phường nơi chúng tôi đang tạm trú. Họ buộc khu vực phải bằng mọi cách để
chúng tôi chịu ra về. Bên phường chúng tôi tạm trú họ nói nếu giờ chúng tôi
không chịu về thì họ phải ở lại đồn, đợi cho đến khi chúng tôi về họ mới được
về. Sau một hồi tìm kiếm những người hành xử sai trái mà không thấy đâu, họ năn
nỉ chúng tôi ra về. Chúng tôi cũng không muốn hành xử quá đáng theo cái cách mà
họ đã xử sự với chúng tôi nên chúng tôi đồng ý ra về sau đó.
Trong khi 2 người chúng tôi ngồi
trong đồn, có một người mặc quần áo thường đi bên ngoài nhòm qua cửa sổ, chắc
là người của công an quận, hỏi chúng tôi một cách bất lịch sự và trống không:
“Này, ở trong đó làm gì đấy?”. Tôi cũng nhanh miệng vọng ra: “Ai mà biết được,
anh đi mà hỏi mấy anh an ninh ý, các anh không biết chúng tôi có tội gì, chúng
tôi cũng chẳng hiểu chúng tôi có tội gì luôn”. Anh này nghe xong, quay mặt đi
mất. Sau hôm 24, thì tôi lại có thêm một định nghĩa mới về một phiên tòa được
gọi là công khai ở Việt Nam. Những người đáng lẽ ra phải làm gương cho xã hội,
thực thi đúng chức trách và pháp luật thì lại ngang nhiên ngồi xổm trên luật
pháp. Quyền tham dự phiên tòa công khai của người dân đã bị tước đoạt công khai
và thô bạo. Họ không thể lấy lý do để đảm bảo trật tự của phiên tòa để tước
đoạt đi quyền công dân của người dân được. Chỉ vì sự yếu kém trong quản lý của
chính quyền mà có thể ngang nhiên hành động phi pháp sao?
Phần 1:
* Ngày hiển thị trên clip là ngày
sản xuất của thiết bị quay chưa được điều chỉnh lại.
Phần 2:
Phần 3:
Chứng từ :
No comments:
Post a Comment