Thursday 13 September 2012

'ANH PHẢI SỐNG' (Tạp ghi Huy Phương)





Tạp ghi Huy Phương
Friday, September 07, 2012 6:53:41 PM

“Ta nợ những người chết sông chết biển
Nợ những người ở lại để ta đi.”

“Trên đê Yên Phụ vào một buổi chiều mùa hạ...” Ðó là dòng chữ mở đầu cho chuyện ngắn “Anh Phải Sống!” của Khái Hưng mà chúng ta, những người yêu Tự Lực Văn Ðoàn, ngày nay đã luống tuổi, đều đã đọc hay còn ghi lại trong trí nhớ.

Một buổi chiều, sau những cơn mưa lớn, trong dòng nước lũ hung hãn, hai vợ chồng anh Phó Thức đem con thuyền nan ra sông vớt củi. Sau khi thuyền bị lật, người chồng phải dìu vợ bơi vào bờ, đã đuối sức. Người vợ đã nói với chồng lời cuối cùng trước khi buông tay để cho anh có thể bơi một mình vào bờ:

“Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!... Không?... Anh phải sống!”

Hai vợ chồng không thể cùng chết để lại đàn con dại, mà “Anh phải sống!” để nuôi con.

Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, trong khổ đau tận cùng, bị đày đọa bởi những tên cai tù cộng sản và cả những tên tay sai “thi đua-văn hóa” tại nhà tù Thanh Cẩm, trong lúc kề cận với cái chết, Linh Mục Lễ đã thức tỉnh và giữ lời thề: “Tôi phải sống!” Ông sống để viết lại một cuốn sách mang lời thề của ông để tố cáo chế độ nhà tù tập trung quân cán chính miền Nam sau năm 1975, và cả những con người cùng chiến tuyến đã mất hết lương tâm. Cuốn hồi ký lao tù “Tôi Phải Sống” được xem là một best-seller ở hải ngoại trong những năm 2003-2005. Sống, để ông làm những công việc vạch trần tội ác của cộng sản và Hồ Chí Minh qua những phương tiện truyền thông.

Hơn năm nay, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ bắt đầu yếu dần vì những vết thương trong thời gian tù tội. Suốt trong thời gian từ ngày ông khỏi nhà tù đến nay, ông đã làm đủ cho mục đích cho sự sống còn của ông qua lời nguyện đẫm máu và nước mắt của ông trong những đêm bị còng trong nhà biệt giam Thanh Cẩm.

Trận chiến Okinawa giữa Nhật và Mỹ kéo dài 82 ngày, trong những giờ phút cuối cùng biết không giữ nổi đất đai của tổ quốc, ngày 15 tháng 6, trong một hang động, trước khi mổ bụng tự sát như là một cách chết trong danh dự, một truyền thống anh hùng của giới võ sĩ đạo Nhật, nghi lễ này gọi là “seppuku” hay “harakiri,” Ðại Tá Kanayama, trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 27BB, tập hợp 102 người còn lại sau trận chiến của trung đoàn.

Ông làm lễ đốt quân kỳ trung đoàn và nói: “Trong ba tháng vừa qua, anh em đã cùng tôi chiến đấu. Lòng dũng cảm, chí hy sinh, sức chịu đựng của anh em, lịch sử sẽ khắc sâu. Nay tôi nói lời cám ơn anh em đã phục vụ quên mình. Giờ đây, tôi tuyên bố giải thể trung đoàn. Từ nay trở đi, anh em không còn bị ràng buộc, tôi lãnh trách nhiệm về việc này. Riêng tôi, tôi sẽ vĩnh viễn ở lại đây. Nhưng tôi cấm anh em theo tôi. Ra lệnh cho anh em phải sống để kể lại cho hậu thế biết quân đội Nhật đã anh dũng chiến đấu như thế nào ở Okinawa.”

Cũng trong ngày 21 tháng 6, trong chỉ huy sở của mình tại Mabumi, Tướng Ushijima và mọi người đều hớt tóc, cạo râu. Sau đó ông viết thư trình lên Thiên Hoàng Hiro Hito báo cáo về tình hình chiến sự tại Okinawa và tạ tội không giữ được đảo.

Trong giờ phút cuối cùng, ông nói với Ðại Tá Yahara: “Ðại Tá Yahara, ông cũng như tôi lẽ ra phải tự sát. Nhưng tôi ra lệnh cho ông ở lại. Nếu ông chết, sau này còn ai có thẩm quyền để kể lại về trận chiến Okinawa này. Mặc dù sống sau khi thua trận là nhục nhã, nhưng tư lệnh của ông ra lệnh cho ông phải chịu cái nhục này.”

Yahara là sĩ quan cao cấp phía Nhật Bản đã sống sót sau trận đánh, và về sau ông đã cho xuất bản cuốn sách mang tựa đề “Trận Ðánh Vì Okinawa.”

Chết là oanh liệt, nhưng sống can trường cũng là anh hùng. Rất nhiều người đã thương yêu mong mỏi cho chúng ta còn sống sót qua chiến tranh, tù đày, vượt biển, nhưng liệu sự sống hôm nay của chúng ta có ý nghĩa gì không?
Anh Phó Thức trong câu chuyện “Anh Phải Sống” của Khái Hưng phải sống để thay vợ nuôi con khôn lớn thành người. Những người tù khốn khổ sau bao nhiêu năm bị đày đọa trong các trại tù tập trung, phải sống để trở về nói lên tiếng nói tố cáo cho cả nước và thế giới biết thế nào là chế độ lao tù và sự trả thù tàn độc của những người cộng sản. Cũng như hồi ký “Tôi Phải Sống,” hàng trăm đầu sách về hồi ký lao tù của các tác giả cựu tù nhân chính trị đã được viết ra là một bản cáo trạng về tội ác của cộng sản để cho con cháu đời sau biết đến một giai đoạn lịch sử khổ đau của dân tộc.

Những quân nhân VNCH không phải ai cũng có can đảm tự sát để bảo vệ thanh danh của một người lính không giữ được thành, phải sống như lệnh của Tướng Ushijima cho Ðại Tá Yahara: “Nếu ông chết, sau này còn ai có thẩm quyền để kể lại về trận chiến này!” Sống là phải mang trách nhiệm của một người lính trong câu chuyện này, dù là một người lính thất trận, chứ không phải sống để chạy theo kẻ thù, đem ô nhục cho đồng đội và cho những người đã chết cho đại cuộc.

Cuộc chiến tranh Nam Bắc đã qua, những người chết giữ trọn thanh danh đã đành, nhưng không phải ai sống cũng can trường, xứng đáng với kỳ vọng của những người đã chết, thi hành được chúc thư của những người đã nằm xuống. Chúng ta là những người thất trận “may mắn,” những người tù sống sót. Trong ý niệm và trong sự tuyệt vọng vô bờ, bản năng sinh tồn của con người trỗi dậy khiến chúng ta phải bám víu lấy sự sống. Nhưng một sinh vật sống có nghĩa là có ăn, có ngủ, có bài tiết, chắc chắn khác hẳn với sự sống của một con người. Chúng ta thương tiếc những người có cuộc sống quá ngắn ngủi, họ chết để lại những thương tiếc cho hậu thế, nhưng cũng chán chường với những người sống kéo lê tuổi thọ, như những chiếc bình vôi dưới gốc cây đa của nhà văn Phan Khôi. Những người này không những đã phản bội lại những người đã mong cho họ sống mà còn phản bội lại chính con người của mình trước đó.

Ðã bao nhiêu người trước cái chết kề cận, giữa bom đạn, đói khát, tuyệt vọng, giữa biển cả muôn trùng mà sự sống như ngọn đèn trước cơn bão đã ước ao, đã thề nguyện, đã ân hận, nhưng khi đã bước chân lên bờ, họ không còn ngoảnh lại một lần. Cái chết bây giờ đã qua, nỗi sợ hãi không còn.

Trong một bức thư công khai được đưa lên Internet vào tháng 12, 2008, một thương binh ở Việt Nam là Trần Nhân đã viết những dòng chữ xót xa, trách móc: “Các anh! Bây giờ thì buồn quá! Các anh - những sĩ quan hào hùng của QLVNCH ngày nào, những người anh của chúng tôi, những Ðại Bàng, những Bắc Ðẩu, Hắc Báo của một thời oanh liệt, một thời tung hoành ngang dọc khắp các chiến trường, các anh đã có một thời vinh quang và một thời nhục nhã, giờ đây sau hơn 33 năm lặng lẽ, các anh cũng bị nhòa đi hình ảnh của ngày xưa? Các anh đã quên rồi sao? Quên rồi những chiến sĩ thuộc cấp của các anh đã nằm xuống vĩnh viễn trên đất mẹ thiêng liêng, quên đi những đồng đội còn sống sót trong một tấm thân tật nguyền đau khổ, sống lây lất ở đầu đường xó chợ,” và: “Các anh đã làm họ oán ghét, oán ghét đến độ khinh bỉ khi các anh áo gấm về làng, chễm chệ ngồi dựa ngửa ở nhà hàng khách sạn 5 sao, tung tiền ra để chứng tỏ mình là một “Việt kiều yêu nước” là “khúc ruột xa ngàn dặm” về thăm “quê hương là chùm khế ngọt.”

Dù tác giả bức thư này là một nhân vật có thật hay không, thì những điều được viết ra trong bức thư đều là những sự thật đắng cay không thể chối cãi.

Sau ngày 30 tháng 4, 1975 chúng ta có 96 tướng lãnh được may mắn di tản trước khi Sài Gòn thất thủ (*), định cư yên ổn ở nước ngoài, nhưng đã mấy ai có được ý nghĩ tìm cách gây quỹ, kiếm một đồng đô la cho thương binh thuộc cấp hay thắp một nén hương cho “vạn cốt khô” đang chết dở sống dở mà họ đã bỏ lại ở quê nhà. Ðể mãi tới 20 năm sau, một nhóm quân nhân lâm vòng tù tội, vừa vượt thoát ra khỏi những ngày tăm tối đã cùng nhau ngồi lại, từ những đồng bạc tiện tặn, quyên góp để có một sự giúp đỡ cho thương binh VNCH quy mô như ngày hôm nay, để chịu bao nhiêu lời nhục mạ, búa rìu, sỉ nhục, vu oan, chống phá của kẻ thù.

Bao nhiêu người lính đã nằm lại trên chiến trường, bao nhiêu sinh mạng đã bỏ mình oan khuất trên biển cả chỉ mong cho anh thay họ, anh phải sống.

“Tôi ra lệnh cho anh phải sống!” Ðó là mệnh lệnh của người đã chết!
Nhưng sống như thế này cũng gọi là sống hay sao, thưa anh?

(*)Theo tài liệu “Lược Sử Quân lực VNCH” của Trần Ngọc Thống-Hồ Ðắc Huân-Lê Ðình Tụy (California, tháng 5, 2012).




No comments:

Post a Comment

View My Stats