Đào Tiến Thi
Được đăng ngày Thứ tư, 30 Tháng 11 -0001 00:00
Bình Luận :
Bài của ông Đào Tiến Thi còn tệ hơn bài của ông Dương Văn
Cừ mà ông Đào Tiến Thi muốn phản bác. Ông Dương Văn Cừ dù sao cũng đưa ra một
định nghĩa tuy không hoàn chỉnh nhưng chấp nhận được của Xã Hội Dân Sự, đồng
thời trình bày tương đối đúng vai trò của nó trong sinh hoạt quốc gia. Ông Cừ
cũng đã lương thiện nhìn nhận rằng nhà nước cộng sản không chấp nhận xã hôi dân
sự. Đây là một chọn lựa thiển cận và tệ hại của Đảng Cộng Sản mà ông Cừ đã
lương thiện nhìn nhận.
Ông Đào Tiến Thi trái lại cố tình ngụy biện rằng Đảng CSVN khộng chống xã hôi dân sự. Ông Thi cố làm ngơ một sự thực sừng sững trước mắt là chính quyền này rất thô bạo với xã hội dân sự. Chỉ những tổ chức ngoại vi của Đảng trong Mặt Trận Tổ Quốc được phép hoạt động. Ngay cả những tổ chức từ thiện độc lập với Đảng CS cũng bị cấm đoán hoặc sách nhiễu. Ông Thi đã không thành thực khi cố tình làm ngơ trước sự thực này.
Hữu Thanh
Ông Đào Tiến Thi trái lại cố tình ngụy biện rằng Đảng CSVN khộng chống xã hôi dân sự. Ông Thi cố làm ngơ một sự thực sừng sững trước mắt là chính quyền này rất thô bạo với xã hội dân sự. Chỉ những tổ chức ngoại vi của Đảng trong Mặt Trận Tổ Quốc được phép hoạt động. Ngay cả những tổ chức từ thiện độc lập với Đảng CS cũng bị cấm đoán hoặc sách nhiễu. Ông Thi đã không thành thực khi cố tình làm ngơ trước sự thực này.
Hữu Thanh
-----------------------------
Thư ngỏ gửi ông
Tổng biên tập báo Nhân dân
Kính gửi ông Thuận Hữu, Tổng biên tập báo
Nhân dân điện tử.
Tôi hết sức ngỡ ngàng khi đọc bài Xã hội dân sự –
một thủ đoạn của diễn biến hòa bình * của tác giả Dương Văn
Cừ (DVC) đăng trên báo Nhân dân điện tử do ông làm tổng biên tập.
Nhận thấy bài báo này có những sai trái
trầm trọng, có hại cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt là có
hại cho sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay nên tôi viết cho ông
bức thư này.
Tôi xin kể một vài quan niệm sai của tác giả DVC:
Cái sai thứ nhất, tác giả cho rằng “các thế lực thù địch đã tổ chức thành
công việc lật đổ chế độ XHCN” tại các nước Đông Âu như Ba Lan, Ucraina, Tiệp
Khắc và gần đây là các nước Trung Ðông – Bắc Phi. Tôi chưa nói các chế độ XHCN
tại các nước Ba Lan, Ucraina, Tiệp Khắc bị đổ là do sai lầm của chính các đảng
cộng sản cầm quyền ở các nước ấy như chính các giảng viên của Ban Tuyên giáo
Trung ương đã giảng cho chúng tôi nghe qua các đợt học chính trị, mà tôi hãy
nói tại thời điểm này nói như thế có đúng không, có lợi không? Nếu ta coi chính
phủ đang cầm quyền hiện nay tại các nước Đông Âu (vốn trước kia theo chế độ
XHCN) là “thế lực thù địch” thì làm sao chúng ta có thể “làm bạn với tất cả các
nước” như đường lối ngoại giao của nhà nước ta hiện nay? Làm sao mà khi gặp gỡ,
thăm viếng nhau, các nguyên thủ quốc gia của ta có thể nói với họ “tăng cường
hợp tác, hữu nghị” được?
Cái sai thứ hai, ông DVC cho rằng mới đây “các thế lực thù địch” cũng đã
thành công việc lật đổ chế độ” ở Bắc Phi – Trung Đông. Chúng ta biết thời gian
qua các phương tiện truyền thông của nhà nước ta khi đưa tin về Ai Cập, Tunizi,
Lybia đều đưa tin một cách khách quan, không đứng về phía lực lượng nổi
dậy, cũng không đứng về phía chính phủ, nhưng các tin tức, bình luận đều cho
thấy đó là các chính phủ độc tài, bị nhân dân oán ghét và sự nổi dậy của nhân
dân như một tất yếu. Thế mà ông DVC lại coi nhân dân nổi dậy là lực lượng “thù
địch” thì hỏi ràng thù địch với ai? chẳng hóa ra ông bênh vực các chế độ độc
tài đó? Trong khi tôi chưa thấy một quan chức nào của chính phủ ta ra tuyên bố
ủng hộ các chế độ độc tài đó cả. Và với quan niệm như ông DVC thì làm sao chúng
ta chơi được với các chính phủ mới của các nước này?
Tổng hợp cả hai ý tôi muốn nói là: chính phủ cầm quyền các quốc gia nói trên (bất kể ở giai
đoạn nào) nếu họ sai trái, phản động thì ta có quyền chỉ trích nhưng chỉ trích
sự lựa chọn của nhân dân các nước ấy có nên không, cũng như khi ta bị các nước
khác chỉ trích, người phát ngôn của nhà nước ta đều khẳng định đây là quyền lựa
chọn riêng của nhân dân ta, không ai có quyền áp đặt một chế độ lên một nước
khác.
Tóm lại, phát ngôn của ông DVC rất có hại
cho đường lối ngoại giao “làm bạn với tất cả nhân dân các nước” của chính phủ
ta hiện nay. Tuy nhiên, hai điều trên vẫn chưa phải điều cơ bản tôi muốn nói
trong thư này. Trong thư này, tôi muốn nói, quan điểm tẩy chay xã hội dân sự
(XHDS) của ông DVC là một quan điểm sai lầm và đi ngược chủ trương của Đảng
CSVN.
Chủ trương của Đảng CSVN là xây dựng Việt
Nam thành một nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Tên nước ta lúc từ mới thành lập cho đến ngày giải phóng miền Nam là “Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa”. Rõ ràng dân chủ là mục tiêu, là ý nguyện của Đảng và nhân
dân ta. Trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, dân chủ còn là điều
kiện quan trọng, vì nếu không có nó thì làm sao chống được tham nhũng, lạm
quyền, vi phạm pháp luật, làm sao có được xã hội “công bằng” và “văn minh”? Mà
muốn có dân chủ thì phải xây dựng XHDS.
Sau đây, tôi dùng chính cách hiểu về XHDS của ông DVC và
thực tế để chứng minh cái việc tẩy chay XHDS của ông DVC là hoàn toàn mù quáng
và phản động.
1.
Ông DVC nêu nội dung XHDS qua trích dẫn
định nghĩa của Tổ chức Liên minh Thế giới vì sự tham gia của Công dân
(CIVICUS): “XHDS là diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà
mọi con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung”. Đoạn khác ông lại
viết:
“Nhìn từ cấu thành cơ bản một xã hội với ba
thành phần là nhà nước, doanh nghiệp và XHDS, một số nhà nghiên cứu nước ngoài
cho rằng, nếu ba yếu tố này cân bằng thì xã hội, chế độ chính trị sẽ ổn định,
phát triển hài hòa. Ngược lại, nhà nước mạnh sẽ dẫn tới chế độ độc tài, nếu
XHDS mạnh, thì sẽ dẫn tới vô chính phủ, bất ổn về xã hội và chế độ sẽ sụp đổ”.
Như vậy XHDS đảm bảo cho việc xây dựng một
xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. XHDS chỉ mới yếu thôi thì đã dẫn
đến chế độ độc tài, vậy nếu không có XHDS nữa thì ra sao? Mặt khác, chỉ vì sợ
XHDS mạnh, dẫn đến vô chính phủ mà dứt khoát từ chối XHDS thì có đúng không?
Vai trò của nhà nước với bộ máy công cụ khổng lồ để đi đâu? Cứ cái lý lẽ như
thế thì chắc khi ông DVC mắc bệnh, ông thà chết chứ không uống thuốc, vì sợ
thuốc gây ra tác dụng phụ. Còn bảo “Ðây chính là lý do để các thế lực thù
địch quan tâm nghiên cứu, vận dụng, nhằm lợi dụng vai trò của XHDS trong hoạt
động lật đổ một chế độ” thì không sợ “thế lực thù địch” nó cười cho hay
sao? Chả lẽ “các thế lực thù địch” nó mạnh đến thế và nhà nước mình yếu kém đến
thế? Thật cứ như người cớm nắng sợ ra nắng gió vậy.
2.
Tôi là người thường xuyên đi nghe giảng về
tình hình đất nước. Không ít lần tôi được nghe chính các giảng viên lý luận cao
cấp nói rằng một xã hội văn minh hiện đại được cấu thành bởi ba thành phần chủ
yếu: Kinh tế thị trường – Nhà nước pháp quyền – Xã hội dân sự. Có giảng viên
còn cho rằng nhiều vấn nạn hiện nay như tham nhũng, kỷ cương, đạo đức xuống
cấp, ách tắc và tai nạn giao thông,… là vì chúng ta không có XHDS. Theo tôi,
nói chính xác, XHDS ở nước ta không phải không có nhưng mà nó hoạt động quá
yếu: công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh,… nhiều tổ chức
lắm nhưng lại hoàn toàn thụ động. Thế nên mới luôn luôn xảy ra hiện tượng các
ôsin và người làm công bị chủ đối xử tệ bạc, hành hung mà không bị lên án,
không bị đưa ra xử lý kịp thời, trong khi các tổ chức dân sự ở cơ sở như đoàn
thanh niên, hội phụ nữ, tổ dân phố đều biết! Trong khi đó ở các nước văn minh,
một người chỉ vẽ bậy lên tường, xéo lên cỏ ở công viên đã không thể yên với các
tổ chức XHDS ở xung quanh, chả cần đến nhà nước phải xử lý. Cách đây mấy năm,
một lần đi nghe một chuyên gia về xã hội học văn học người Pháp nói
chuyện, tôi có hỏi, rằng bên Pháp, chế độ kiểm duyệt các xuất bản phẩm diễn ra
như thế nào, thì ông ấy bảo ở Pháp hiện nay chính phủ không thực hiện chế độ
kiểm duyệt. Một xuất bản phẩm nếu vi phạm pháp luật thì ngành tòa án sẽ xử, còn
nếu chỉ vi phạm đạo đức, lối sống,… thì sẽ bị các tổ chức dân sự (không thuộc
chính phủ) lên án, tẩy chay.
3.
Nhìn lại lịch sử thì mầm mống XHDS ở nước
ta hình thành từ rất sớm và đã đóng góp rất to lớn vào công cuộc xây dựng và
bảo vệ đất nước. Các công xã nông thôn là hình thức tự quản trước khi có
nhà nước. Khi có nhà nước phong kiến rồi thì công xã nông thôn vẫn tồn tại ở
địa phương, song song với nhà nước trung ương dưới hình thức xóm và làng,
gọi chung là làng xã. Tổ chức làng xã theo nhà nghiên cứu văn hóa,
GS.VS. Trần Ngọc Thêm: “Nó là nguồn gốc của tính dân chủ (nhấn mạnh của
Trần Ngọc Thêm), bởi lẽ muốn giúp đỡ nhau, muốn có quan hệ lâu dài thì phải
tôn trọng nhau, bình đẳng với nhau. Đó là loại dân chủ sơ khai, dân chủ làng
mạc; trong lịch sử, nền dân chủ nông nghiệp này có trước nền dân chủ tư sản của
xã hội phương Tây”[1]
Cũng theo Trần Ngọc Thêm, tính cộng đồng
và tính tự trị là hai đặc trưng cơ bản của làng xã Việt Nam trong suốt
trường kỳ lịch sử. Tính cộng đồng thể hiện sự liên kết các thành viên trong làng
lại với nhau, mỗi người đều hướng tới người khác, còn tính tự trị thể hiện làng
xã tự bầu lên người lãnh đạo, tự xây dựng luật lệ cho riêng mình. Chính nhờ cái
XHDS ấy mà nhiều lúc chúng ta mất nước nhưng chưa bao giờ mất làng, và khi làng
còn là còn có điều kiện để lấy lại nước.
XHDS xưa còn thể hiện ở hàng loạt sự kiện
và nhân vật như những trang sử đẹp còn truyền mãi. Bà Linh Từ Quốc mẫu (vợ Thái
sư Trần Thủ Độ), giữa lúc giặc Mông Cổ tràn vào Thăng Long (1258), đã tự mình
tổ chức việc sơ tán cho các thái tử, cung phi, công chúa, vợ con các tướng lĩnh
về vùng an toàn, rồi bà còn trưng mua vũ khí riêng của các gia đình chuyển cho
quân đội. Trần Quốc Toản gặp lúc giặc Nguyên lăm le ngoài bờ cõi, mới 16 tuổi
đã tự thành lập đội dân binh 1000 người, tự tập luyện, rèn đúc vũ khí, và khi
giặc tràn vào xâm lược (1285, lúc ông 18 tuổi) đã giương cao lá cờ “Phá cường
địch, báo hoàng ân” xông ra trận. Đốc học Phạm Văn Nghị (1805 – 1880), gặp lúc
giặc Pháp đánh Đà Nẵng, đã tự mộ được 300 nghĩa binh xin đi đánh giặc; đội
nghĩa binh của ông từ Nam Định vào đến Huế thì vừa lúc quân Pháp rút vào Gia
Định, ông lại xin tiếp vua Tự Đức vào Gia Định nhưng vua không cho. Trong công
cuộc chống Pháp cuối thế kỷ XIX có sự đóng góp rất lớn của các đội dân binh do
những người áo vải tự tổ chức như Trương Định, Nguyễn Trung Trực và bao đội
nghĩa binh vô danh khác. Họ đã phối hợp với quân triều đình trong việc đẩy lui
quân địch. Họ tiếp tục chiến tranh du kích ngay cả khi triều đình đã thua trận
hoặc đầu hàng.
Đầu thế kỷ XX, Đông Kinh nghĩa thục cũng là
một hình ảnh sinh động của một tổ chức dân sự đã làm nhiệm vụ khai dân trí,
bước khởi đầu để dân ta thoát khỏi đêm trường trung cổ.
Thời kỳ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam, liệu cách mạng có thành công không, thậm chí có hoạt động
được không, nếu không có các tổ chức dân sự như Mặt trận Dân chủ Đông Dương,
Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ, Hội Văn hóa Cứu quốc, Liên minh các lực lượng Dân
chủ và Hòa bình Việt Nam,… Tất cả đều là hình ảnh của XHDS.
Chỉ sơ sơ như vậy cũng đủ thấy XHDS như là
vốn dĩ cần thiết của nền văn minh nhân loại. Nó là hình thức tự quản đã có từ
rất xa xưa, tồn tại song song với nhà nước, bất kể là chế độ nào. Trong xã hội
hiện đại, XHDS lại càng quan trọng, để nhân dân tham gia vào mọi mặt của đời
sống đất nước, để duy trì sự cân bằng quyền lực giữa nhà nước và nhân dân,
tránh nạn độc tài, lạm quyền, vi hiến. Tôi nghĩ XHDS có thể cùng với nhà nước
hoặc tự mình giải quyết hàng loạt vấn đề của đời sống. Hình ảnh các cháu thanh
niên áo xanh, mũ tai bèo điều khiển giao thông, hình ảnh một ông Tây đứng ra
phân luồng giao thông, hình ảnh một bà lão nghèo chuyên đi nhặt thủy tinh, kim
tiêm vứt bừa bãi,… không phải là hình ảnh đẹp của XHDS hay sao? Nếu họ rủ nhau
dăm ba người thành một nhóm, vài chục vài trăm người thành một tổ chức, hỗ trợ
nhau để làm những việc có ích như trên thì xã hội lành mạnh biết bao, lại khỏi
tốn kém gì của nhà nước. Tất cả chỉ cần tuân thủ hiến pháp và pháp luật, thế
thì hại ở chỗ nào, lật đổ ở chỗ nào? Tại sao ở các nước văn minh người ta có
XHDS hàng trăm năm rồi mà họ không sợ bị lật đổ chế độ?
Thật đáng buồn, chúng ta đang sợ nhiều cái
không đáng sợ, trong đó có nhiềi cái đẹp, cái quý; còn nhiều cái đáng sợ như
tham nhũng, buôn lậu, bạo lực,… thì chúng ta lại để nhởn nhơ, coi như sự
thường?
Không, tôi không tin Đảng CSVN chủ trương
tẩy chay XHDS. Chỉ có thái độ còn e dè, sợ mất tầm kiểm soát. Cái khó có lẽ là
chưa có lộ trình cho nó. Nhưng nếu tin vào dân, không quá sợ hãi cái gọi là
“các thế lực thù địch” thì chẳng đến nỗi khó khăn.
Quan niệm như ông DVC mới chính là tiếp tay
cho các thế lực thù địch (thù địch thực sự, ví dụ các thế lực hiếu chiến ở
Trung Quốc đang âm mưu thôn tính Việt Nam). Vì ông gieo giắc nỗi sợ hãi cho xã
hội về một kẻ thù không nhìn thấy. Vì ông tạo ra sự đối lập giữa Đảng, Nhà nước
với nhân dân. Vì ông tạo ra hình ảnh xấu về Đảng và Nhà nước Việt Nam trước
quốc tế, cứ như Việt Nam khước từ dân chủ, tạo ra sự đối lập Việt Nam với phần
còn lại của thế giới, khiến Việt Nam mất hết bạn bè.
Tôi không nghĩ một cơ quan ngôn luận của
Đảng lại đi làm cái việc hại Đảng như thế. Ban biên tập nào, biên tập viên nào
để lọt bài viết sai trái và yếu kém về lý luận như trên cần phải kiểm điểm, xử
phạt.
Trân trọng kính chào ông Tổng biên tập.
Đào Tiến Thi
Nguồn:
Phụ Lục:
“Xã
hội dân sự” – một thủ đoạn của diễn biến hòa bình
(Dương Văn Cừ -
Báo Nhân Dân)
Thời gian qua, việc tác động để hình thành
một “xã hội dân sự” (XHDS) ở Việt Nam theo tiêu chí phương Tây đang được một số
người cổ vũ và thực hiện. Vậy thực chất “xã hội dân sự” là gì, đây có phải là
một trong các phương thức hoạt động nhằm chuyển hóa chế độ mà những thế lực chủ
mưu diễn biến hòa bình (DBHB) đã áp dụng thành công ở Ðông Âu, Trung Ðông, Bắc
Phi, và hy vọng sẽ thành công ở Việt Nam?
Theo một số học giả và tổ chức nước ngoài,
khái niệm XHDS (civil society) xuất hiện sớm nhất ở nước Anh, và được hiểu là
việc những con người sống trong cộng đồng. Theo lý thuyết của Scottish (thế kỷ
XVIII), XHDS có nghĩa là xã hội văn minh với một nhà nước không độc đoán. Ðến
thế kỷ XIX, Hegel mô tả XHDS như là một phần của đời sống đạo đức, bao gồm ba
yếu tố gia đình, XHDS và nhà nước, trong đó các cá nhân theo đuổi những lợi ích
riêng trong giới hạn đã được pháp luật thừa nhận… Theo tổ chức Liên minh thế
giới vì sự tham gia của công dân (CIVICUS) – một tổ chức phi chính phủ (NGO)
tại Nam Phi, XHDS là “diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà
mọi con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung”. Cùng với khái niệm
XHDS, còn có một số cụm từ, khái niệm khác có liên quan, như: “xã hội công dân”
(citizens society – CS), “tổ chức XHDS” (Civil Society Organization – CSO), “tổ
chức phi chính phủ” (Non governmental organization – NGO)… Ðây là những khái
niệm ra đời từ các chủ thể khác nhau nhưng lại có liên quan chặt chẽ, trong đó
nổi bật là quan niệm không có NGO (tổ chức quần chúng, hội, đoàn thể…) thì
không thể hình thành XHDS. Trong một xã hội, nếu có nhiều tổ chức NGO hoạt động
mạnh thì sẽ có XHDS phát triển và ngược lại. Nhìn từ cấu thành cơ bản một xã
hội với ba thành phần là nhà nước, doanh nghiệp và XHDS, một số nhà nghiên cứu
nước ngoài cho rằng, nếu ba yếu tố này cân bằng thì xã hội, chế độ chính trị sẽ
ổn định, phát triển hài hòa. Ngược lại, nhà nước mạnh sẽ dẫn tới chế độ độc
tài, nếu XHDS mạnh, thì sẽ dẫn tới vô chính phủ, bất ổn về xã hội và chế độ sẽ
sụp đổ. Ðây chính là lý do để các thế lực thù địch quan tâm nghiên cứu, vận
dụng, nhằm lợi dụng vai trò của XHDS trong hoạt động lật đổ một chế độ như họ
đã thực hiện tại một số nước trong thời gian qua.
Một số học giả trên thế giới có quan điểm
chống cộng rất đề cao vai trò của XHDS trong các cuộc “cách mạng màu” lật đổ
chế độ XHCN tại Ðông Âu trước đây. Bronislaw Geremek, nhà sử học, cố vấn đặc
biệt của Tổng thống Ba Lan Lech Valesa từ những ngày đầu xuất hiện Công đoàn
Ðoàn kết cho rằng: “Khái niệm XHDS, được hiểu như một chương trình chống lại
chủ nghĩa cộng sản, xuất hiện đầu tiên tại Ba Lan vào cuối những năm 70 và đầu
những năm 80 của thế kỷ XX, ban đầu chỉ đặt trong mối liên quan đến phong trào
Ðoàn kết. Thời gian dài sau đó, trong thế giới cộng sản xuất hiện một phong
trào độc lập của quần chúng đòi tẩy chay hệ thống cầm quyền”. Bronislaw Geremek
đánh giá cao vai trò của XHDS trong việc lật đổ chế độ XHCN tại Ba Lan: “Ðối
đầu với phong trào quần chúng khổng lồ này là sức mạnh của bộ máy chế độ, gồm:
quân đội, cảnh sát và bộ máy hành chính (kể cả guồng máy Ðảng Cộng sản). Tuy
nhiên, đến khi đó, tất cả đều không còn tính hợp pháp, họ bị loại ra khỏi tầm
kiểm soát xã hội, đồng thời cũng mất đi mọi sự ủng hộ của xã hội. Trong phong
trào Ðoàn kết, chúng tôi đặt hy vọng bao vây, cô lập bộ máy công quyền đó bằng
một thứ giống như cái kén tằm, từng bước cô lập và sau đó là đặt bộ máy đảng –
nhà nước ra bên lề”.
Tại Ðông Âu trước đây, có những “tổ chức
chính trị đối lập” hình thành, phát triển và hoạt động với danh nghĩa là “tổ
chức XHDS”, như Công đoàn Ðoàn kết ở Ba Lan, Hội Văn hóa Ucraina ở Liên Xô
trong những năm 80 của thế kỷ XX… Thông qua việc lôi kéo công nhân, với sự hỗ
trợ từ nước ngoài (như Trung tâm Ðoàn kết Lao động Quốc tế Mỹ – ACILS) và một
số tổ chức Công giáo, từ những năm 70 tại Ba Lan đã xuất hiện các tổ chức như:
Ủy ban bảo vệ công nhân (KOR), Phong trào Bảo vệ các quyền dân sự và con người
(ROPCiO), sau đó Công đoàn Ðoàn kết Ba Lan được thành lập. Thông qua Công đoàn
Ðoàn kết, các thế lực thù địch đã tổ chức thành công việc lật đổ chế độ XHCN
tại nước này. Tương tự, tại Tiệp Khắc, với sự hỗ trợ của bên ngoài, các đối
tượng chống đối chế độ đã thành lập Phong trào Hiến chương 77 làm hạt nhân. Các
cuộc “cách mạng đường phố” tại các nước vùng Trung Ðông – Bắc Phi thời gian qua
cũng cho thấy vai trò của các cơ quan đặc biệt nước ngoài, các NGO, trong việc
hỗ trợ các tổ chức XHDS lôi kéo, kích động quần chúng lật đổ chế độ.
Hiện nay, các nước, các tổ chức quốc tế,
các NGO nước ngoài đang tìm mọi cách để hình thành, phát triển XHDS theo tiêu
chí phương Tây ở Việt Nam, qua đó thực hiện mục tiêu lật đổ chế độ XHCN bằng
biện pháp “bất bạo động”, “phi vũ trang”. Hoạt động này nằm trong ý đồ thực
hiện “tiến trình dân chủ ở Việt Nam” với mục đích lợi dụng XHDS để gây mất ổn
định chính trị, tiến tới thay đổi chế độ như xảy ra tại các nước Ðông Âu, SNG
và Trung Ðông – Bắc Phi thời gian qua. Báo cáo Khỏa lấp sự cách biệt: XHDS mới
nổi tại Việt Nam của một tổ chức quốc tế cho rằng, các NGO Việt Nam và các tổ
chức tại cộng đồng đã tạo ra một thách thức to lớn. Bản báo cáo khuyến nghị một
số lĩnh vực cần quan tâm để thúc đẩy XHDS tại Việt Nam, như cải thiện môi
trường xã hội, luật pháp và kinh tế cho các NGO, tăng cường năng lực các tổ
chức xã hội cho việc thực hiện nghiên cứu và đánh giá các hoạt động của các tổ
chức XHDS tại Việt Nam. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, một số NGO nước
ngoài rất quan tâm đến các tổ chức chính trị, xã hội ở nước ta và tìm cách xâm
nhập, tác động, chuyển hóa các tổ chức này để chuyển hướng hoạt động chính trị
trong khi chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức đối lập. Thông qua các hoạt động
như triển khai dự án, hỗ trợ, tài trợ, tổ chức hội thảo với các NGO Việt Nam,
một số tổ chức nước ngoài đã cố gắng tìm hiểu nội bộ, xu hướng quan điểm của
các NGO Việt Nam về sự lãnh đạo của Ðảng đối với tổ chức quần chúng, kích động
sự thoát ly vai trò lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, cổ vũ quyền tự do lập hội
theo tiêu chí phương Tây. Ngoài ra, một số tổ chức nước ngoài còn tài trợ tài
chính cho một số NGO Việt Nam để hỗ trợ việc xuất bản, phát hành tài liệu
nghiên cứu, văn bản luật nước ngoài nhằm tuyên truyền quan điểm, pháp luật phương
Tây đến với công chúng Việt Nam một cách công khai.
Các tổ chức phản động nước ngoài cũng tìm
cách phát triển XHDS tại Việt Nam để phục vụ ý đồ chống phá từ bên trong. Tổ
chức Bảo vệ người lao động (của Trần Ngọc Thành tại Ba Lan) gia tăng hoạt động
nhằm chuyển hướng hoạt động xâm nhập vào trong nước với ý đồ xây dựng các tổ
chức công đoàn tự do. Tổ chức Mạng lưới tuổi trẻ Việt Nam lên đường đã tiến
hành Ðại hội thanh niên sinh viên Việt Nam trên thế giới lần thứ V vào tháng
1-2008 tại Malaysia với chủ đề XHDS: dân chủ từ sức mạnh quần chúng với mục
đích trao đổi để tìm cách cho ra đời một XHDS độc lập với chính quyền, tôn
trọng nhân quyền, có các công đoàn độc lập, có tự do báo chí… Tại đại hội này,
các đối tượng tham gia đã đề ra mục tiêu để tiến hành “cuộc cách mạng hòa bình”
tại Việt Nam là phải xây dựng được một XHDS bền vững và muốn thay đổi xã hội
thì không chỉ trên phương diện chính trị, mà còn trên các phương diện kinh tế,
luật pháp, trong mỗi cộng đồng dân cư. Tại hội thảo Chuyển đổi Nhà nước Việt
Nam: Các tác động lên Việt Nam và khu vực do các đối tượng bên ngoài tổ chức ở
Hồng Công tháng 8-2008 đã tập trung bàn luận các nội dung: thách thức tự nhiên
của XHDS đối với chế độ độc đảng ở Việt Nam; XHDS trong bối cảnh Việt Nam, sự
trỗi dậy của XHDS qua việc tập trung vào hoạt động của Khối 8406 và Việt Tân.
Qua đây cho thấy, các thế lực phản động bên ngoài rất quan tâm đến việc lợi
dụng XHDS để thực hiện âm mưu lật đổ chế độ.
Ðáng chú ý là một số đối tượng cơ hội chính
trị có quan điểm chống đối cực đoan đã lợi dụng một số tổ chức quần chúng hợp
pháp để tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn có nội dung đòi hỏi đưa Hiến
pháp 1992 trở về Hiến pháp năm 1946, trưng cầu ý dân về Ðiều 4 cũng như toàn bộ
Hiến pháp, lập Tòa án Hiến pháp, thúc đẩy XHDS và thực hiện các quyền tự do dân
chủ, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội theo tiêu chí phương Tây, tư hữu hóa đất
đai… Nếu thực hiện các nội dung này theo ý đồ của họ thì chế độ XHCN thực tế sẽ
không còn tồn tại ở Việt Nam. Ðây là phương thức đấu tranh công khai rất nguy
hiểm, nếu không cảnh giác có thể sẽ giúp các thế lực thù địch lợi dụng các tổ
chức XHDS để đưa ra những kiến nghị nhằm thay đổi thể chế, thay đổi hệ thống
luật pháp XHCN bằng luật pháp dân chủ, tư sản.
Ðể góp phần phòng, chống âm mưu và hoạt
động tác động hình thành XHDS theo tiêu chí phương Tây, chúng ta cần đề cao
cảnh giác trước các âm mưu và hoạt động tác động hình thành XHDS của các thế
lực thù địch, đặc biệt là tác động, ảnh hưởng của vấn đề này đối với an ninh
quốc gia. Bên cạnh việc tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực
tiễn, cần thường xuyên tổ chức, tiến hành các hoạt động tuyên truyền về âm mưu,
ý đồ của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề XHDS để tác động chuyển hóa chính
trị. Ðảng, Nhà nước cần ban hành các chủ trương, chính sách, xây dựng hệ thống
văn bản pháp luật phù hợp, điều chỉnh hoạt động của các tổ chức chính trị, xã
hội phù hợp với định hướng phát triển đất nước. Cùng với việc nghiêm túc thực
hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về tổ chức,
hoạt động của các hội, đoàn thể cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới công
tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, sao cho phù hợp với đặc điểm kinh tế
– xã hội, truyền thống văn hóa Việt Nam. Ðồng thời tăng cường công tác quản lý
các tổ chức xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng. Trong bối cảnh các
tổ chức xã hội đang có xu hướng ngày càng phát triển, cần thường xuyên nắm chắc
tình hình, diễn biến hoạt động của các tổ chức này nhằm phát hiện kịp thời
những vấn đề phức tạp có liên quan đến an ninh quốc gia để chủ động xây dựng
các biện pháp, giải pháp đấu tranh phòng, chống hiệu quả. Ðặc biệt, cần kiên
quyết xử lý các hành vi hoạt động vi phạm pháp luật, đồng thời tăng cường đối
thoại, tiếp xúc, cảm hóa, không để các thế lực thù địch lôi kéo nhằm thực hiện
ý đồ chống đối từ bên trong…
DƯƠNG VĂN CỪ
Nguồn: Nhân dân
Ghi chú (sau
khi đăng bài): thử
tìm trên mạng bút danh Dương Văn Cừ xem có bài viết nào khác
từ trước tới nay thì tuyệt nhiên không thấy. Tuy nhiên, có một nhân vật trùng
họ tên đáng chú ý, đó là “Cử nhân
Dương Văn Cừ- Đại tá- Bộ Công an“
trong Hội đồng hương Chí Linh tại Hà Nội.
-----------------------------------
XEM THÊM :
No comments:
Post a Comment