Nguyễn Quang
Đồng
Viet Studies 2-9-2012
Hôm nay, Viet-studies link một bài trên báo Nhân dân phê phán về Xã hội dân sự
và các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Việt Nam. Bản thân mình cũng đã có một vài
năm làm việc cho Phi Chính phủ, trải qua ba tổ chức NGO quốc tế, tiếp xúc cũng
nhiều với các NGO Việt Nam, bình thường chẳng đọc báo Nhân dân bao giờ, nhưng
thấy cái tiêu đề liên quan đến Xã hội dân sự nên tò mò vào xem sao.
Đọc xong bài báo, dù có bực mình với lối viết cẩu
thả, suy diễn tùy tiện của tác giả nhưng lúc đầu mình cũng định kệ, chẳng muốn
nói lại làm gì bởi luận điệu này chẳng có gì mới mẻ, có nói lại chỉ phí thời
gian. Nhưng nghĩ lại chuyện hôm nọ có đứa em, nghe mình nói mình làm cho en di
âu (NGO), nó cứ ngơ ngơ ngơ ngác ngác, nói em cũng nghe nói đến NGO nhưng không
hiểu NGO là cái ông nào, làm cái gì; thì mình lại muốn viết vài dòng. Bởi lẽ
còn nhiều người giống em ấy lắm, nghe đến các tổ chức phi chính phủ (NGO), nếu
không hình dung nó như tổ chức từ thiện, chuyên đem tiền đi cho, thì cũng liên
tưởng cụm từ này với khái niệm vô chính phủ hay chống đối nhà nước gì gì đó.
Khoảng ba năm trước, một ông phó chủ tịch huyện,
nơi tổ chức mình có làm dự án, nói cái bọn “ngo ngoe” này là lắm chuyện lắm.
Tết năm kia, mình gặp một đồng chí công an (cũng đã trung trung tuổi, chắc cũng
có chức vụ hẳn hoi) tại nhà ông anh họ mình, đồng chí lúc đó cũng hơi ngà ngà
say rồi, khi được giới thiệu là mình làm việc cho một tổ chức phi chính phủ,
bác ấy lên lớp ngay: em phải cẩn thận, cái bọn phi chính phủ là nguy hiểm lắm,
nó chuyên chống đối chính quyền, đội lốt làm dự án này, từ thiện nọ để truyền
đạo, để lật đổ chính quyền, tóm lại là diễn biến hòa bình, em phải cẩn thận
không khéo tiếp tay cho bọn phản động. Lúc đó mình cũng chỉ cười trừ, không
muốn tranh luận làm gì. Ngẫm lại thấy nhiều người hiểu chưa đúng về NGO (và cả
về xã hội dân sự/xã hội công dân nữa) mình cũng muốn giải thích đôi lời, theo
những gì mình biết từ góc độ thực tế hơn là từ góc độ sách vở, hàn lâm.
Thực ra cả hai khái niệm Tổ chức phi
chính phủ và Xã
hội dân sự đều là sản phẩm “nhập khẩu” từ phương tây. Tổ chức
Phi chính phủ tiếng anh là Non-governmental
Organization, vì thế hay gọi tắt là NGO và Xã hội dân sự là Civil Society, cộng thêm một khái niệm con đẻ của
cụm từ này là Tổ chức xã hội dân sự
-Civil Society Organizations.
Theo mình thì có lẽ người Việt Nam làm quen với
khái niệm tổ chức phi chính phủ trước khái niệm Xã hội dân sự, bởi ngay trong
chiến tranh Việt Nam, ở Miền Nam Việt Nam đã có những tổ chức phi chính phủ
phương tây vào hoạt động nhân đạo, cứu trợ nạn nhân chiến tranh. Những hoạt
động này bị gián đoạn một thời gian sau khi hai miền thống nhất và được nối lại
sau khi Việt Nam đổi mới và mở cửa. Đầu thập kỷ 1990, vào lại Việt Nam đầu tiên
vẫn là những phi chính phủ quốc tế hoạt động vì mục đích nhân đạo. Khoảng hơn
chục năm gần đây chứng kiến sự tăng vọt các NGO quốc tế đến Việt Nam và theo đó
những tổ chức phi chính phủ Việt Nam (dân trong nghề hay gọi là Local NGO – tạm
dịch NGO địa phương) cũng ra đời hoặc là dưới sự “đỡ đầu” hoặc là cộng tác mật
thiết với những phi chính phủ quốc tế này.
Trong khi tổ chức Phi chính phủ (trước nhất trong
thực tế bối cảnh Việt Nam) là những thực thể tương đối dễ hiểu, khái niệm Xã
hội dân sự lại là một phạm trù rộng lớn và phức tạp, mang nhiều tính học thuật
(academic) và tranh cãi hơn. Tuy vậy, để hiểu NGO, trước hết
cần biết sơ qua về Xã hội dân sự và các tổ chức Xã hội dân sự. Về
hai ông này, như vừa nói, lý thuyết thì lắm đường, nhiều ý nhưng có một cách
tiếp cận đơn giản nó là như thế này: tất cả các thể loại tổ chức, nhóm, hội
đoàn, câu lạc bộ; dù chính thức và hay không chính thức nếu (1) không thuộc về
nhà nước (tức là không có quyền lực công (authority) hoặc (2) hoạt động vì lợi
nhuận thì tất tần tật gộp chung vào một nhóm gọi là Xã hội dân sự. Cụ thể hơn:
từ cái Hội những người phát cuồng vì bình luận viên Tạ Biên Cương và đồng
nghiệp trên Facebook mà mình rất khoái đến Hội những người đã từng đi biểu tình
chống Trung Quốc; từ Hội những người thích chơi chim của các cụ ông, Câu lạc bộ
thái cực trường sinh của các cụ bà, Hội cổ động viên Sông Lam Nghệ An hay Fan
Club của Mr Đàm, Mỹ Tâm đến Kiến nghị phản đối khai thác Boxit của nhóm
boxite.vn hay xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, tất cả đều là những
hình thái của xã hội dân sự. A ma tơ như hội cá cảnh, gà tre của các bác gần
nhà mình; đầy trách nhiệm như “Cơm có thịt” của bác Tuấn VTV mà Bọ Lập trên
quechoa.vn đang hết lòng cổ súy hoặc đao to búa lớn hơn “you can save the
Arctic” (Bạn có thể cứu được Bắc Cực) như tổ chức Greenpeace (Hòa bình Xanh):
đó là xã hội dân sự. Đa dạng như chính bộ mặt của nó, hoạt động của xã hội dân
sự muôn hình vạn trạng: nhẹ nhàng, vui vẻ là bữa họp mặt hàng năm, vừa đánh
chén vừa ôn lại chuyện xưa trường cũ dưới cái tên mỹ miều “Hội đồng môn trường
X niên khóa Y” của mình; ồn ào huyên náo, có cả nụ cười lẫn nước mắt như Fan
club của sao nọ, sao kia; đến quyết liệt, máu lửa như 3 cô gái Nga Pussy Riot
vào nhà thờ Thiên chúa hát nhạo báng ông Putin, như các chị em phong trào nữ
quyền (Feminist) khỏa thân để ủng hộ quyền phụ nữ ở Euro và Olympic London
tháng trước.
Ở Việt Nam mình, dù chưa có nhiều người quen tên,
biết mặt, vì nghe nó có vẻ tây quá, Xã hội dân sự thực ra đã là chuyện thường
ngày ở huyện, hiện diện khắp hang cùng ngõ hẻm: các anh thuộc “nhóm sở thích”
tắm tiên ở bãi sông Hồng họp nhau bơi lội hàng tuần; cô gái ăn chay mặc váy rau
xanh đứng bên Bờ hồ để cứu trái đất; nhiều tiền thì tổ chức đoàn siêu xe đi
xuyên Việt như bạn Cường đô la; ít tiền thì đạp xe đạp qua vài con phố dõng dạc
lên tiếng ta là người đồng tính như nhóm bạn “Gay” ở Hà Nội. Xa xưa hơn nữa, xã
hội dân sự/ xã hội công dân đã là một phần hiển nhiên của đời sống xã hội Việt
Nam: những hội hè, lễ lạt của làng quê; những thiết chế dòng họ, những cộng
đồng tín ngưỡng…tất cả, áp nó theo khuôn lý thuyết tây thì nó là Xã hội dân sự
chứ có gì đâu. T
óm lại: xã hội dân sự là quyền nói lên tiếng nói
và hành động một cách ôn hòa, không vị lợi của cá nhân hay nhóm người - tiếng
nói/hành động độc lập với nhà nước. Như mình “phát cuồng” vì anh Biên Cương thì
mình vào Hội FB “ném đá” anh ấy (nhà nước không thể cấm mình ném đá anh ấy trên
FB nhưng sẽ cho mình ra tòa, vào tù nếu ra đường, gặp anh ấy mà cầm gạch choảng
nhau); bác Tuấn rất thương các em nhỏ ở miền núi thì quyên tiền cho các em có
thịt ăn; bạn Nguyễn Quang Thạch muốn mọi người đọc sách vận động làm Tủ sách
dòng họ, tủ sách nông thôn; bạn Ngọc Quyên người mẫu yêu cỏ cây muông thú nên
lột bỏ xiêm y hòa mình vào thiên nhiên để kêu gọi “bảo vệ môi trường”; Sư thầy
Thích Tâm Mẫn nhất bộ nhất bái cổ vũ hòa bình, hoằng dương phật pháp; Bác Huệ
Chi, Bác Quang A cùng các bác trí thức khác trăn trở với tình hình đất nước thì
làm kiến nghị thư. Xã hội dân sự đơn giản là thế, muôn màu muôn vẻ, muôn hình
vạn trạng khác nhau. Nếu nhà nước thấy nó hiền lành, vô hại như cái hội đồng
môn của mình, hội chơi chim của các cụ hay vui vẻ như bạn Ngọc Quyên thì nhà
nước ok, kệ nó, nó thích làm cho nó làm. Tuy nhiên, khi nhà nước “đánh hơi”
thấy nó có vẻ có màu sắc chính trị hay thách thức: bướm mà đòi nổi loạn như 3
cô Nga Pussy Riot thì cho nó vào tù, hoặc ít ra thì cũng hốt lên xe bus, ngồi
chơi tạm chục tiếng, ngày ở Trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà như Công an đối xử
với nhóm biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội.
Trong cái xã hội dân sự đa màu sắc đó, trong hàng
ty tỷ tổ chức xã hội dân sự đủ các thể loại đó, chỉ có những nhóm có đăng ký
hoạt động với chính quyền; có “tầm nhìn”, có “sứ mệnh”, có ban có bệ, có đường
có hướng, có tổ chức đường hoàng mới gọi là tổ chức Phi chính phủ. Phi chính
phủ - để phân biệt với ông chính phủ có quyền lực công, có ngân sách tiêu xài
xả láng từ tiền đóng thuế của người dân và sẵn sàng tống bất kỳ ông bà công dân
nào vào tù nếu dám riot-nổi loạn; và cũng để phân biệt với ông Thị trường (market)
tự bỏ vốn ra để kiếm lời, làm cái gì cũng cân đo đong đếm lời với lãi. (Do đó
những cái hội, đoàn như Hội nhà văn, Đoàn thanh niên, hội Phụ nữ…. đúng lý ra
cũng là phi chính phủ nhưng lại không được xếp vào hàng ngũ này vì nó là hội
quốc doanh, tiêu tiền nhà nước, phục vụ mục tiêu chính trị của nhà nước và
đương nhiên, không hề độc lập với nhà nước). Ngo ngoe, nhưng không phải là vô
chính phủ - vô luật lệ và chống chính phủ, cũng không phải là phi lung tung,
phi ầm ầm không định hướng (Thế nên cũng là giúp bữa cơm của em học sinh nghèo
ở Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái … “có chất” hơn một chút, Tầm nhìn Thế giới (World
Vision) hay Plan là những tổ chức phi chính phủ, nó làm qua những dự án, chương
trình chính thức (chẳng hạn chương trình Chăm sóc và phát triển trẻ em toàn
diện) và được chính quyền cho phép; còn Cơm có thịt của bác Tuấn VTV thì là một
phong trào từ thiện – một hình thức của xã hội dân sự chứ nó không phải là một
tổ chức, mặc dù cũng là phi chính phủ về bản chất).
Phi chính phủ cũng có nhiều loại. Có nhóm quan tâm
tới môi trường, lo tê giác ở ta bị bắn chết hết để lấy sừng hay lo cá heo nước
ngọt trên sông Dương Tử ở Tàu sắp tuyệt chủng như mấy ông World Wild Fund
(WWF); có nhóm quan tâm đặc biệt tới đặc biệt đến trẻ em như Tầm nhìn Thế giới
(World Vision), Cứu trợ trẻ em (Save the Children); lại có nhóm quan tâm đến
người khuyết tật, từ nạn nhân da cam (Quỹ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam)
đến các em bé không may mắn bị sứt môi hở hàm ếch (Operation Smile). Nhưng đông
hơn cả là nhóm hoạt động vì người nghèo, chống lại đói nghèo. Nhóm này vừa thực
hiện các dự án ngắn hạn khi có thiên tai, dịch họa xảy ra: từ cứu trợ người
nghèo bị bão lụt ở Việt Nam, Pakistan, Miến Điện; sóng thần ở Indonesia,
Srilanca; động đất ở Haiti đến cấp phát lương thực người đói vì hạn hán ở vùng
Sừng Châu Phi (Sudan, Somalia); lại có cả những chương trình dài hạn hỗ trợ
người nghèo đủ các khía cạnh: cải thiện chất lượng y tế; nước sạch, vệ sinh môi
trường, HIV/AIDS đến phát triển sinh kế; thị trường cho người nghèo; thương mại
công bằng, vận động chính sách... Có thể gọi chung nhóm này là các tổ chức phi
chính phủ làm về phát triển (development), những cái tên tiêu biểu nhất là
Care, Plan, Oxfam, Action Aid. Phần lớn các tổ chức được gọi là phi chính phủ
Việt Nam, ban đầu ra đời dưới sự hỗ trợ của phi chính phủ quốc tế loại này (còn
gọi là INGO – international NGO vì nó hoạt động rộng khắp thế giới). Những
người sáng lập NGO Việt Nam đa phần là những người hoặc từng là nhân viên, hoặc
từng có quan hệ hợp tác với các INGO nay đủ lông đủ cánh tự lập ra những tổ
chức riêng dưới các hình thức như viện, trung tâm nghiên cứu, trung tâm phát
triển cộng đồng, chuyên làm nghiên cứu, đánh giá hay cung cấp các dịch vụ tư
vấn, đào tạo, và triển khai dự án theo đơn đặt hàng của các phi chính phủ quốc
tế hay từ nguồn vốn tài trợ của một số nhà tài trợ quốc tế khác. Thêm một nhóm
nữa là những phi chính phủ chỉ quan tâm đến lĩnh vực chính trị (loại này Việt
Nam chưa có) từ đấu tranh cho tự do báo chí, tự do ngôn luận như RFS (Reporter
Sans Frontières - Phóng viên không biên giới) (hàng năm ra báo cáo và xếp hạng
về tự do báo chí thế giới); chống tham nhũng như Transparency International -
Minh bạch quốc tế (chuyên xếp hạng chỉ số tham nhũng của các nước) hay bảo vệ
nhân quyền như Human Right Watch (Quan sát Nhân quyền). Mấy ông này thường
xuyên chỉ trích chính phủ, kêu gọi bỏ kiểm duyệt báo chí; dỡ tường lửa, trả tự
do cho các bloggers, cho người “bất đồng chính kiến”…vì vậy bị nhà nước mình
ghét nhất. Tiếng nói của nhóm này rất có trọng lượng đối với công chúng phương
tây, cho nên, mấy bác phát ngôn viên của bộ ngoại giao, sau mỗi đợt các ông NGO
này ra báo cáo với cả phúc trình này nọ, lại phải vội vàng cải chính, bảo rằng
các ông phản ánh không chính xác tình hình ở VN, rằng nước tôi chỉ có những
người vi phạm pháp luật chứ không có tù nhân lương tâm (conscience prisoners)
như mấy ổng rêu rao cả. Ngoài ra có một nhóm nữa là các phi chính phủ hoạt động
vì mục đích tôn giáo, tức là truyền đạo. Ở Việt Nam, mình chỉ nghe nói chứ chưa
trực tiếp biết nhóm này. Nhóm vì tôn giáo này bị nhà nước Việt Nam nghi kỵ
nhất; sau vài vụ như nhà nước Đề Ga ở Tây Nguyên hồi trước hay vụ Mường Nhé năm
kia, họ càng bị cảnh giác tợn. Và có lẽ những trường hợp này càng khiến bác
Dương Văn Cừ nói ở trên thêm tự tin dán cho các NGO và rộng hơn là Xã hội dân
sự cái nhãn “diễn biến hòa bình”, xếp nó vào hàng “thế lực thù địch”. Thành
thực mà nói, mình cũng tin là có những tổ chức phi chính phủ hoạt động vì mục
đích chính trị, nhưng ở Việt Nam, nó không nhiều và chắc chắn chính phủ cũng
chẳng đời nào cho phép. Tuyệt đại đa số các NGO hoạt động với mục đích tốt,
mang tính xây dựng và nhắm đến các mục tiêu xã hội hơn là chính trị. Mối quan
tâm và các lĩnh vực chính là chống đói nghèo, bảo vệ môi trường, cải thiện các
dịch vụ xã hội (y tế, giáo dục) bảo quyền lợi của các nhóm dễ bị tổn thương
(trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, nhóm dân tộc thiểu số). Đóng góp của họ cho
những thành quả phát triển của Việt Nam là không hề nhỏ và chính phủ Việt Nam
cũng nhiều lần thừa nhận điều đó. Đả kích Xã hội dân sự một cách vô căn cứ đồng
thời dán nhãn “diễn biến hòa bình” cho NGO ở Việt Nam, dù là NGO quốc tế hay
NGO Việt Nam là cách nhìn thiếu cẩn trọng, “vơ đũa cả nắm”, phản ánh thái độ
thiếu khách quan và đầy định kiến của một người ngoài cuộc với giới NGO.
Ở Việt Nam, cũng đã có nhiều nỗ lực vận động để ra
luật về tổ chức, lập hội nhằm xác lập vị thế pháp lý chính thức cho các hội
đoàn hay là tổ chức phi chính phủ Việt Nam. Mình biết một số anh chị làm vụ
này, nỗ lực chưa đi đến đâu thì có cái Chỉ thị 97 của anh Ba làm cho các NGO
Việt Nam mới từ trứng nước bước ra chưng hửng, khiến viện IDS của bác Quang A,
bác Nguyên Ngọc phải tự giải thể để phản đối. Gần đây một số bạn bè mình ở các
bộ (trong đó có Bộ Kế hoạch Đầu tư chuyên quản lý đám NGO ngoe này) nói rằng
cụm từ “Xã hội dân sự” đã bị xếp vào nhóm từ húy kỵ. Kể cũng tội cho NGO và cái
Xã hội dân sự ở nước mình, trong khi cũng là nó ở Tây thì được xưng tụng như
một trong ba rường cột của xã hội, bằng vai phải lứa với hai người anh em Nhà
nước và Thị trường; thì ở ta nó bị hắt hủi, bị xem như thế lực thù địch. Chơi
chim, chơi chó, cá cảnh, gà tre thì các bác cứ thoải mái mà hội họp; cởi xiêm
lột áo vì môi trường cũng chẳng chết ai, cứ tự do mà làm; cơm có thịt, trái tim
cho em, lục lạc vàng, đèn đom đóm … cũng tốt thôi, không sao cả nhưng Kiến nghị
này kiến nghị nọ, hô hào Trường Sa, Hoàng Sa thì coi chừng, đó là xã hội dân sự
đấy, là âm mưu diễn biến hòa bình, là cách mạng màu này màu kia đấy. Ngành tư
tưởng văn hóa nước nhà mà còn những nhà lý luận như bác như Dương Văn Cừ thì
thân phận của xã hội dân sự, xã hội công dân mơ cho đến ngày nào khá lên được
như bạn bè phương tây đây.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 2-9-12
--------------------------------------------------------------------
DƯƠNG VĂN CỪ - Nhân
Dân Điện Tử
Cập nhật lúc 02:14, Thứ sáu,
31/08/2012 (GMT+7)
No comments:
Post a Comment