Tại sao chế độ Putin bền bỉ đến vậy?
Julian G. Waller
| Foreign Affairs
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
22/08/2024
https://nghiencuuquocte.org/2024/08/22/tai-sao-che-do-putin-ben-bi-den-vay/
Việc
dự đoán sự sụp đổ chế độ ở Nga là suy nghĩ viển vông.
Chế
độ chính trị mà Tổng thống Vladimir Putin lãnh đạo ngày hôm nay khác với chế độ
khi ông bắt đầu cuộc chiến vào năm 2022. Nga đã là một quốc gia chuyên chế suốt
nhiều năm, với các cuộc bầu cử quốc gia nghiêng hẳn về đảng của Putin, và giới
tinh hoa cầm quyền được kết nối thông qua mạng lưới những người bảo trợ lâu
năm. Nhưng kể từ cuộc xâm lược Ukraine, Nga đã trở thành một chế độ chuyên chế
theo chủ nghĩa cá nhân thực sự, với quyền lực không được kiểm soát nằm gọn
trong tay một người – Putin – trong khi các thể chế chính trị còn lại của đất
nước bị đẩy xuống các vị trí phụ thuộc trong hệ thống phân cấp chuyên chế.
VIDEO
:
Tại sao chế độ
Putin bền bỉ đến vậy?
https://www.youtube.com/watch?v=7XAzvqdkBS0
Nhà
lý luận chính trị người Đức Carl Schmitt đã định nghĩa người cai trị tối cao là
“người quyết định ngoại lệ,” một mô tả rất phù hợp với quyền lực đặc biệt trong
thời chiến của Putin. Khi chiến tranh bước sang năm thứ ba, chế độ của Putin đã
trở nên khép kín hơn bao giờ hết, với các cuộc bầu cử chủ yếu để thể hiện lòng
trung thành, cùng một hệ thống cưỡng chế và kiểm duyệt nghiêm ngặt nhằm duy trì
trật tự xã hội. Các thể chế chỉ còn liên kết với cử tri về mặt hình thức, như
quốc hội hoặc văn phòng thống đốc, đã bị gạt sang một bên để nhường chỗ cho các
cơ quan an ninh hoặc các cơ quan cố vấn tinh hoa, không do dân bầu, như Hội đồng
An ninh Quốc gia, vốn phục vụ trong chính quyền của Putin như một tòa án của sa
hoàng.
Bởi
vì trong một hệ thống như vậy có rất ít cơ chế để đối trọng với những ý định bất
chợt của người cai trị, nên nhiều nhà quan sát, đặc biệt ở các nước dân chủ
phương Tây, có xu hướng cho rằng hệ thống đó rất mong manh và chỉ cần thêm một
quyết định tồi tệ thôi là nó sẽ sụp đổ. Ví dụ, viết trên tạp chí Foreign
Affairs vào tháng 4, nhà phân tích Maksim Samorukov lập luận rằng việc
cá nhân hóa quyền lực ở Nga khiến Moscow “nhiều khả năng sẽ phạm phải những sai
lầm ngớ ngẩn và tự chuốc lấy thất bại.”
Cũng
dễ hiểu khi người ta diễn giải hệ thống của Putin như vậy. Tuy nhiên, chuỗi sự
kiện kể từ khi bắt đầu chiến tranh đã cho thấy chế độ Nga bền bỉ hơn so với dự
đoán của nhiều người. Các bằng chứng là đặc biệt thuyết phục vì đã có rất nhiều
lần Điện Kremlim có thể tự chuốc lấy thảm họa. Trong hai năm qua, các tranh cãi
chính trị về việc tiến hành chiến tranh, cuộc nổi dậy vũ trang của cựu lãnh đạo
lực lượng bán quân sự Wagner Yevgeny Prigozhin, và gần đây nhất là cuộc cải tổ
trong giới tinh hoa đều đã đặt ra những thách thức nội bộ đối với trật tự chính
trị ở Nga. Nhưng Điện Kremlin đã dẹp yên từng sự kiện một. Những trường hợp này
không chỉ chứng tỏ khả năng cai trị vững vàng của Putin, mà còn chứng tỏ khả
năng phản ứng và tái định hướng của chế độ này. Điện Kremlin đã vượt qua nhiều
thời khắc nhạy cảm về mặt chính trị – thậm chí cả các cuộc khủng hoảng sống còn
– và tiếp tục tồn tại tương đối bình yên.
Qua
đó, chế độ Nga đã cho thấy họ hoàn toàn có khả năng duy trì quyền lực của mình
và đảm bảo sự đồng thuận của cả giới tinh hoa và quần chúng. Họ đã chứng minh rằng
họ có thể làm những gì cần làm để tồn tại. Họ vẫn có thể gặp phải những thách
thức bất ngờ, và câu hỏi về người kế nhiệm chính trị sau khi Putin rời chính
trường vẫn còn đó. Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật nhất trong giai đoạn cai trị hiện
tại của Putin không phải là sự dễ tổn thương mà quá trình thâu tóm quyền lực của
ông tạo ra, mà là khả năng phục hồi của chế độ và khả năng tự điều chỉnh đã được
chứng minh của nó.
BẤT
ĐỒNG TRỰC TUYẾN
Thử
thách đầu tiên mà Putin phải đối mặt sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine là
hậu quả của việc ông không đạt được chiến thắng nhanh chóng. Nhìn chung, mục
tiêu của người Nga vào đầu năm 2022 là thay đổi chế độ: Moscow có ý định thủ
tiêu giới lãnh đạo Ukraine và thành lập một chính phủ thân thiện ở Kyiv. Nhưng
sự phản kháng mạnh mẽ của quân đội Ukraine, cam kết kiên định của Tổng thống
Volodymyr Zelensky và các nhà lãnh đạo khác trong cuộc chiến, cũng như nguồn
cung vũ khí, viện trợ, và tình báo của phương Tây đã giúp Ukraine ngăn chặn các
lực lượng Nga và cản trở các mục tiêu chính trị của Moscow.
Xuyên
suốt mùa hè và mùa thu năm 2022, khi Nga rút lui sau đợt tấn công ban đầu vào
Kyiv và Kharkiv, một nhóm các nhà bình luận ủng hộ chiến tranh nhưng hoài nghi
về chế độ đã bắt đầu nghi ngờ về hiệu quả của nỗ lực chiến tranh của Nga và
năng lực lãnh đạo quân sự của nước này. Dù nhóm “phóng viên chiến trường” này,
như cách họ được biết đến ở Nga, không có vai trò chính thức nào trong hệ thống
chính trị của đất nước, nhưng những lời chỉ trích mà họ lan truyền trên mạng đã
dần hủy hoại tính chính danh của các quyết định của các quan chức chính phủ
trong mắt công chúng. Các báo cáo trên mạng xã hội của các phóng viên chỉ trích
những thất bại trên chiến trường của quân đội đã tiếp cận hàng triệu người Nga,
mang lại cho những nhà phê bình này một mức độ ảnh hưởng nhất định.
Thay
vì chống lại những nhà bình luận này, Điện Kremlin đã hợp tác với họ. Ngay từ
tháng 6/2022, Putin đã bắt đầu gặp gỡ các thành viên của nhóm này. Cuối năm đó,
ông thành lập một nhóm làm việc gồm các blogger quân sự để mở các kênh đối thoại
giữa các phóng viên chiến trường và chính phủ, theo đó nâng cao vị thế của họ
trước công chúng.
Ảnh
hưởng của các nhà bình luận đối với việc ra quyết định ở Moscow có lẽ đã kết
thúc với các cuộc thảo luận trong nhóm làm việc nếu Ukraine không thành công
trong cuộc phản công vào tháng 9/2022. Mùa thu năm đó, dường như đồng tình với
các phóng viên chiến trường về sự thiếu năng lực lãnh đạo quân sự của Nga, Điện
Kremlin đã can thiệp vào cơ cấu chỉ huy quân sự và phát động một đợt động viên,
đưa hàng trăm nghìn tân binh ra tiền tuyến. Sang tháng 10, Putin chỉ định Tướng
Sergei Surovikin làm chỉ huy các lực lượng ở Ukraine, báo hiệu ý định của quân
đội là sẽ chuyển sang thế phòng thủ và giáng một đòn vào danh tiếng của Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng Sergei Shoigu cũng như Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov, những
người đã chỉ đạo nỗ lực chiến tranh.
Ban
lãnh đạo quốc phòng của đất nước đã đáp trả. Đến tháng 1/2023, Shoigu và
Gerasimov đã gạt Surovikin sang một bên, gây ngờ vực giữa các tướng lĩnh Nga
đang chiến đấu ở chiến trường và giới lãnh đạo quân đội ở Moscow. Tuy nhiên, việc
bổ nhiệm Surovikin và bổ sung lực lượng đã giúp ổn định chiến tuyến và chuẩn bị
cho lực lượng Nga vượt qua cuộc phản công tiếp theo của Ukraine vào mùa hè năm
2023. Trong khi đó, công chúng Nga đã dần thích nghi với giai đoạn mới của cuộc
chiến. Không có vụ rối loạn chính trị lớn nào xảy ra và Điện Kremlin đã tìm
cách kiềm chế căng thẳng trong bộ máy quân đội, chí ít là trong một thời gian.
Tất cả là bằng chứng cho thấy rằng thách thức đã được giải quyết thành công.
BINH
BIẾN
Mâu
thuẫn giữa lực lượng quân đội chính quy của Nga và các lực lượng không chính thức
của nước này, cụ thể là các chiến binh Wagner, vẫn tồn tại sau khi Surovikin bị
loại khỏi cuộc chơi. Trong suốt mùa xuân năm 2023, Prigozhin đã công khai xung
đột với Shoigu về tình trạng thiếu nguồn cung ở Bakhmut và về những nỗ lực của
Bộ Quốc phòng nhằm khẳng định quyền lực đối với nhóm bán quân sự. Prigozhin chỉ
trích bộ máy quốc phòng Nga vì binh lính của ông thiếu đạn dược, đổ lỗi cho
Shoigu về thương vong nặng nề của Wagner, đồng thời đưa ra nhiều tuyên bố phỉ
báng giới lãnh đạo quân sự trên mạng xã hội, mà sau đó đã được mạng lưới phóng
viên chiến trường lan truyền rộng rãi.
Sức
mạnh và quyền tự chủ của Wagner khiến những lời phàn nàn của Prigozhin trở nên
nguy hiểm đối với giới lãnh đạo Nga. Prigozhin nắm trong tay hàng chục nghìn
binh sĩ, bao gồm những chiến binh được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm, và những
cựu tù nhân được chính phủ ân xá để đổi lấy nghĩa vụ quân sự. Chỉ riêng nhóm cựu
tù nhân đã lên tới 48.000 người, trong đó 17.000 người đã thiệt mạng trong các
trận chiến đẫm máu để giành Bakhmut và Soledar.
Wagner
hoạt động độc lập với lực lượng vũ trang Nga và các cơ quan ra quyết định của lực
lượng này, nhưng Wagner vẫn nhận được hỗ trợ tài chính và hậu cần từ chính phủ
Nga. Prigozhin thực sự là một “nam tước” chính trị-quân sự, duy trì các quan hệ
cá nhân theo kiểu thuộc cấp với Putin và những người nắm quyền chủ chốt trong
Điện Kremlin (đây là một vị trí kỳ lạ, tương tự như của lãnh đạo Chechnya,
Ramzan Kadyrov). Do đó, Prigozhin và đội quân của ông ta đã đi chệch khỏi trật
tự thông thường trong quan hệ dân sự-quân sự ở Nga. Quyền tự chủ tương đối của
Wagner khỏi hệ thống phân cấp của quân đội và năng lực đáng kể của tổ chức này
về quy mô và trang thiết bị đã mang lại cho Prigozhin một loại quyền lực cưỡng
chế, độc lập khác thường. Nhận thức được mối đe dọa mà Prigozhin đặt ra, Bộ Quốc
phòng Nga đã tìm cách nắm quyền kiểm soát tất cả các lính hợp đồng của Wagner
vào tháng 6/2023 – một động thái khiến Prigozhin phát động một cuộc nổi dậy vũ
trang và yêu cầu Putin thay thế ban lãnh đạo của bộ máy quân đội.
Cuộc
nổi dậy của Prigozhin không chỉ là đỉnh điểm của cuộc tranh giành quyền lực gay
gắt giữa các phe phái quân sự ở Nga. Chỉ huy Wagner cũng đặt ra một thách thức
chính trị. Prigozhin đã cố gắng lôi kéo sự ủng hộ của các chính trị gia Nga
trong những ngày trước cuộc nổi dậy. Một đảng thuộc phe đối lập “trong hệ thống”
đã được chế độ đồng ý, Đảng Nước Nga Công bằng (A Just Russia – For Truth), đã
cân nhắc việc đảm nhận vai trò “những người yêu nước giận dữ” của Nga, một bộ
phận công chúng ủng hộ chiến tranh nhưng chỉ trích cách tiến hành chiến tranh
và đã trở nên thân thiết với Prigozhin. Khi tranh chấp về các hợp đồng với
Wagner lên đến đỉnh điểm, Prigozhin đã dự kiến tham dự một sự kiện bàn tròn ở
Duma Quốc gia Nga và có bài phát biểu trước công chúng nhằm tố cáo giới lãnh đạo
quân sự Nga, tiếp nối chiến dịch của ông nhằm kêu gọi sa thải Shoigu và
Gerasimov.
Việc
thể hiện sự bất mãn công khai như vậy trong hội trường quốc hội sẽ vi phạm các
quy tắc bất thành văn của hệ thống chuyên chế nước Nga. Theo lời một nguồn tin
chia sẻ với Moscow Times, “[Prigozhin] sẽ lên tiếng về toàn bộ những
vấn đề liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt, đến Bộ Quốc phòng, con số
thương vong thực sự của các chiến binh của chúng ta… Về tất cả những thứ khốn
khiếp đó.” Những tin đồn chưa được xác thực thậm chí còn cho rằng Surovikin đã
có ý định đi cùng Prigozhin, và sự hiện diện của một vị tướng hàng đầu sẽ nhấn
mạnh thách thức đối với giới lãnh đạo dân sự của Nga. Cảnh tượng này chưa bao
giờ diễn ra, nhưng nếu có, nó sẽ giúp Prigozhin vốn đã có ảnh hưởng lớn có thể
đặt một chân vào cánh cửa của các thể chế chính thức ở Nga. Tuy nhiên, hội nghị
bàn tròn đã diễn ra mà không có Prigozhin, và vài giờ sau, thủ lĩnh Wagner phát
động cuộc nổi dậy, sử dụng vũ lực để kêu gọi sa thải giới lãnh đạo quân sự Nga.
Chế
độ đã phản ứng nhanh chóng và hiệu quả trước hành động khiêu khích của
Prigozhin. Đầu tiên, Điện Kremlin đàm phán một giải pháp với thủ lĩnh Wagner để
ngăn chặn bước tiến của Prigozhin và chuyển lực lượng bán quân sự của ông ta
sang Belarus. Rồi chỉ hai tháng sau, vào tháng 8/2023, Prigozhin bị ám sát.
Theo báo cáo trên tờ Wall Street Journal, cái chết của ông trong một
vụ tai nạn máy bay bên ngoài Moscow đã được dàn xếp và bật đèn xanh bởi Nikolai
Patrushev, khi đó là thư ký Hội đồng An ninh Nga. Patrushev là một nhân vật có
vai trò như tể tướng phi tự do, đủ thân thiết với Putin để đóng vai trò là chỉ
huy thứ hai của ông ta.
Một
năm sau, cuộc nổi dậy được xem như chưa từng xảy ra. Không có hoạt động tưởng
nhớ nào dành riêng cho Prigozhin, và chính phủ Nga đã đảm bảo rằng không một ai
còn có thể nắm giữ quyền lực như cựu lãnh chúa Wagner. Trang thiết bị và nhân lực
của nhóm này cũng đã được phân bổ cho nhiều cơ quan an ninh khác nhau, nơi
chúng được quản lý bởi những người trung thành hơn và ít tham vọng hơn. Các
nhóm vũ trang bán nhà nước còn lại của Nga đều phục tùng Điện Kremlin và có rất
ít khả năng hoạt động tự chủ.
Điều
này không có nghĩa là sẽ không có hậu quả lâu dài. Sau cuộc nổi dậy của
Prigozhin, Surovikin đã bị quản thúc tại gia, và các sĩ quan cấp cao khác từng
chỉ trích Bộ Quốc phòng đều bị cách chức. Quân đoàn sĩ quan và cựu chiến binh
Nga sẽ không quên những cuộc thanh trừng này, họ cũng sẽ không quên đất nước đã
tiến gần đến xung đột dân sự như thế nào. Nhưng chí ít là ở hiện tại, chế độ
Nga đã chứng tỏ rằng họ có thể ứng phó thành công trước một thách thức vũ trang
nghiêm trọng, và sửa chữa sai lầm trước đó – là việc tạo điều kiện cho một mối
đe dọa như vậy xuất hiện ngay từ đầu.
THAY
THẾ NHÂN SỰ
Kể
từ cuộc nổi dậy của Wagner, bước phát triển quan trọng nhất trong nền chính trị
Nga là quá trình chuẩn bị để Putin được bầu vào ghế tổng thống trong nhiệm kỳ
thứ năm vào tháng 3 – và việc cải tổ chính phủ sẽ diễn ra sau đó. Dù hầu hết
các quan chức cấp cao vẫn giữ được chức vụ của mình sau kỳ bầu cử, đặc biệt là
những người trong ngành an ninh, nhưng Bộ Quốc phòng đã trải qua một cuộc cải tổ
nhân sự đáng chú ý. Nhà kinh tế học ủng hộ chủ nghĩa quốc gia Andrei Belousov
đã thay thế Shoigu làm người đứng đầu Bộ vào tháng 5, và các cuộc thanh trừng cấp
dưới đã nhanh chóng bắt đầu, chủ yếu được biện minh là các cuộc điều tra chống
tham nhũng nhắm vào các quan chức và tướng lĩnh quân đội. Shoigu đã thoát khỏi
nỗi ô nhục của việc bị thanh trừng bằng cách thay thế Patrushev – hiện là trợ
lý tổng thống – làm thư ký Hội đồng An ninh đầy quyền lực của Nga.
Bức
tranh toàn diện về những thay đổi trong Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa được làm
sáng tỏ. Một số người bị cách chức là những người trung thành với Shoigu, trong
khi những người khác có lịch sử chỉ trích giới lãnh đạo quân sự. Nhiều quan chức
khác nữa có thể bị điều tra, và Gerasimov, thành viên cấp cao nhất của quân đội
Nga, có thể trở thành mục tiêu bị sa thải tiếp theo, nhất là nếu việc lực lượng
Ukraine xâm nhập vào khu vực Kursk càng khiến người ta thất vọng về hoạt động bảo
vệ lãnh thổ của Nga. Nhưng Belousov, người mới đảm nhận vị trí của mình, có lẽ
vẫn còn quá bận rộn trong việc tích hợp các hoạt động hành chính, hậu cần, và
mua sắm của Bộ với nền kinh tế chiến tranh và tổ hợp công nghiệp-quân sự của
Nga, để có thể tập trung giải quyết các vấn đề cá nhân hoặc giải quyết các
tranh chấp nội bộ một cách hiệu quả.
Việc
quản lý quá trình thay thế nhân sự sau bầu cử đòi hỏi một mức độ khéo léo nhất
định. Shoigu không được ưa thích và thường bị nghi ngờ khi giữ chức bộ trưởng
quốc phòng, nhưng việc loại bỏ ông luôn là một công việc khó khăn. Nhìn lại,
Putin đã chọn một nước cờ khôn ngoan: ông đã đợi một thời gian đáng kể sau khi
Prigozhin công khai đòi lấy đầu Shoigu, nên việc sa thải bộ trưởng quốc phòng
không bị xem là một sự nhượng bộ đối với lãnh chúa. Những thay đổi nhân sự khác
đều tương đối nhỏ, tạo cơ hội cho Điện Kremlin làm mới các vị trí quan trọng
trong giới lãnh đạo quân sự và an ninh Nga mà không gây ra lo ngại về những biến
động tiếp theo trong giới tinh hoa chính trị rộng lớn hơn.
Việc
phát động một lượng nhỏ các cuộc thanh trừng cấp thấp trong Bộ Quốc phòng như một
động lực chống tham nhũng sẽ làm suy yếu chiến lược này ở một mức độ nhất định,
khiến nó chỉ là một lời cảnh báo đối với các thành viên khác của giới tinh hoa,
rằng việc truy tố hình sự đang được cân nhắc đối với những ai là mục tiêu,
nhưng cho đến nay, vẫn chưa có kháng cự nào đáng kể. Putin dường như đã lèo lái
cuộc cải tổ này với cái giá tương đối thấp đối với sự ổn định của chế độ của
ông. Trên thực tế, sự tán thành của công chúng đối với các lựa chọn quan chức cấp
cao trong suốt quá trình đã tái khẳng định hệ thống phân cấp chuyên chế của Nga
và vị trí của Putin ở đỉnh cao của nó.
KHẢ
NĂNG THÍCH ỨNG CỦA CHẾ ĐỘ CHUYÊN CHẾ
Trải
qua những thời kỳ căng thẳng dân sự-quân sự đáng kể, cùng sự gián đoạn trật tự
công cộng ngắn ngủi do cuộc nổi dậy thất bại của một lãnh chúa, và những thay đổi
nhân sự quan trọng có nguy cơ khuấy động bất đồng chính kiến trong giới tinh
hoa, chế độ chuyên chế thời chiến của Nga vẫn trụ vững. Tương tự như cách quân
đội Nga đã cập nhật chiến lược và hoạt động của mình để ứng phó với tình hình
chiến trường ở Ukraine, hệ thống chính trị Nga cũng đã xây dựng được thành tích
thích ứng ấn tượng.
Tất
nhiên, thành tích trong quá khứ không đảm bảo kết quả trong tương lai. Việc chế
độ của Putin cho đến nay đã ngăn chặn được mọi mối đe dọa nội bộ không có nghĩa
là họ sẽ không bao giờ gặp phải một thách thức không thể giải quyết. Những lãnh
đạo lão thành ở Điện Kremlin có thể xa cách với tâm trạng chung của giới tinh
hoa, hoặc những khó khăn kinh tế ngày càng gia tăng và sự mệt mỏi vì chiến
tranh trong công chúng cuối cùng có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Và rủi ro
hỗn loạn là đặc biệt đáng kể. Hiện tại, các khoản thanh toán thời chiến và các
đặc quyền mới dành cho cựu chiến binh đã mang lại lợi ích cho các tầng lớp thấp
hơn ở Nga, củng cố cơ sở hỗ trợ của chế độ. Nhưng những cựu chiến binh từng chiến
đấu ở Ukraine cuối cùng sẽ phải tái hòa nhập vào xã hội Nga, và nhiều người sẽ
mang theo mình cái nhìn kém tươi sáng hơn về trải nghiệm thời chiến.
Trong
khi đó, các cuộc chiến giành quyền lực trong bộ máy quân đội vẫn tiếp diễn, và
di sản của Prigozhin, Surovikin, cùng những người nhận thấy mình ở sai phe
trong các cuộc đấu tranh chính trị, theo thời gian, sẽ kết tinh thành oán giận
và trở thành điểm tập hợp cho một thế hệ sĩ quan Nga mới. Và nếu các vấn đề đấu
đá nội bộ dai dẳng hoặc các vấn đề về chỉ huy và kiểm soát làm suy yếu khả năng
phòng thủ của Nga trước chiến dịch tấn công gần đây của Ukraine vào Kursk, thì
sự bất mãn của giới tinh hoa có thể gây ra một cuộc khủng hoảng khác cho Điện
Kremlin.
Nước
Nga không bất khả chiến bại, và trật tự chính trị của nước này cũng không vĩnh
cửu. Bất ổn là một kịch bản có thể xảy ra thường xuyên, đặc biệt là khi chế độ
cuối cùng cũng chọn ra được người kế nhiệm Putin. Tuy nhiên, thành tích của Điện
Kremlin kể từ năm 2022 đã chứng tỏ khả năng điều chỉnh và phục hồi khi đối mặt
với căng thẳng nội bộ. Hệ thống chính trị chuyên chế của Nga thực sự bền bỉ và
các nhà quan sát không nên nói khác đi.
---------------------
Julian
G. Waller
là nhà phân tích thuộc Chương trình Nghiên cứu Nga tại Trung tâm Phân tích Hải
quân và là giảng viên về khoa học chính trị tại Đại học George Washington.
Nguồn: Julian G.
Waller, “Putin the Resilient,” Foreign
Affairs, 14/08/2024
No comments:
Post a Comment