Saturday 24 August 2024

CHIẾN TRANH UKRAINA : THẾ "TRUNG LẬP" KHÓ THỂ BIỆN MINH CỦA ẤN ĐỘ (Thanh Phương / RFI)

 



Chiến tranh Ukraina: Thế “trung lập“ khó thể biện minh của Ấn Độ

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 23/08/2024 - 13:58  -  Sửa đổi ngày: 23/08/2024 - 13:59

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20240823-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-th%E1%BA%BF-trung-l%E1%BA%ADp-kh%C3%B3-th%E1%BB%83-bi%E1%BB%87n-minh-c%E1%BB%A7a-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99

 

Sau chuyến đi Matxcơva cách đây 6 tuần, hôm nay, 23/08/2024, ông Narendra Modi là thủ tướng Ấn Độ đầu tiên đến thăm Ukraina. Chuyến đi mang tính lịch sử “nhằm thúc đẩy nỗ lực hòa bình” cũng chính là nhằm cân đối lại mối quan hệ giữa New Delhi với Matxcơva và Kiev. Nhưng thực ra cho tới nay Ấn Độ, vốn vẫn giữ quan hệ tốt đẹp với Nga, chưa thật sự “chọn bên” trong cuộc xung đột ở Ukraina. 

 

HÌNH :

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T) tiếp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Kiev, Ukraina, ngày 23/08/2024. © AP/Ukrainian Presidential Press Office

 

Đối với cuộc chiến tranh xâm lược do tổng thống Putin phát động vào tháng 02/2022, Ấn Độ vẫn khẳng định giữ lập trường “trung lập”, chưa hề công khai lên án Nga về cuộc chiến tranh này. Trong hai cuộc biểu quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về nghị quyết lên án điện Kremlin, để tỏ thái độ trung lập, New Delhi đều đã không tham gia bỏ phiếu. Nhưng đối với Ukraina và các nước phương Tây, hành động của Ấn Độ chẳng khác gì là ủng hộ Nga, nhất là vì đã có đến 193 nước bỏ phiếu thuận cho các nghị quyết đó.

 

Tờ nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay cũng nhắc lại là mặc dù đã chấp nhận tham dự hội nghị hòa bình do Ukraina được tổ chức tại Thụy Sĩ vào tháng 6 vừa qua (mà Nga không được mời ), Ấn Độ lại từ chối ký tên vào bản thông cáo kết thúc hội nghị.

 

Đọc thêm : Ấn Độ tiếp tục coi Nga như một chỗ dựa chính trong thế đối đầu với Trung Quốc

 

Không những thế, vào đầu tháng 7, ngay sau khi nhiều thành phố của Ukraina bị quân Nga oanh kích dồn dập, khiến hàng chục thường dân thiệt mạng và gây hư hại nặng nề một bệnh viện nhi ở Kiev, thủ tướng Modi lại sang Matxcơva, tươi cười với tổng thống Putin, rồi lại được chủ nhân điện Kremlin trao tặng huân chương. Lãnh đạo Ấn Độ còn ca ngợi những cuộc trao đổi “đạt nhiều kết quả” với tổng thống Nga và “những quyết định quan trọng về tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại, an ninh, nông nghiệp và công nghệ”. Tổng thống Ukraina Zelensky lúc đó đã tỏ vẻ rất bất mãn, xem chuyến thăm Matxcơva của ông Modi là một “đòn phá hoại các nỗ lực hòa bình”. 

 

Theo Les Echos, trong cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 9, Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO cũng đã bày tỏ sự bực tức về chuyến thăm Matxcơva của thủ tướng Modi, một thái độ mà ông phải để ý đến, bởi vì dầu sao Ấn Độ vẫn cần đến sự yểm trợ của phương Tây để đối đầu với láng giềng nguy hiểm Trung Quốc. Tuy là thành viên của nhóm BRICS, quy tụ cả Nga và Trung Quốc, cũng như là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng cường hợp tác về an ninh với Hoa Kỳ.

 

Cân bằng lại quan hệ giữa Ấn Độ với Nga và Ukraina 

 

Cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây cũng như quan hệ ngay càng chặt chẽ giữa Matxcơva với Bắc Kinh trong bối cảnh chiến tranh Ukraina đã ảnh hưởng nhiều đến quan hệ giữa Nga với Ấn Độ. Thế nhưng Nga hiện vẫn là nguồn cung cấp chủ yếu vũ khí và dầu hỏa giá rẻ cho Ấn Độ. Cho nên, New Delhi bị xem là gián tiếp giúp Matxcơva lách các lệnh trừng phạt của phương Tây khi mua của Nga một khối lượng dầu hỏa kỷ lục.

 

Với chuyến thăm Kiev, thủ tướng Modi hy vọng sẽ cân bằng lại quan hệ giữa Ấn Độ với Nga và Ukraina và cũng qua đó góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Nhưng ông Modi thừa biết là Ấn Độ không thể đóng một vai trò trung gian nào trong các nỗ lực ngoại giao này, do lập trường “trung lập” của New Delhi ngày càng khó có thể biện minh được.

 

Hơn nữa, chiến dịch tấn công bất ngờ của quân Ukraina, bắt đầu từ ngày 06/08, vào vùng biên giới Kursk của Nga càng khiến cho viễn cảnh hòa đàm càng xa vời. Đối với Kiev, chiến dịch tấn công này là một cách gây áp lực để buộc Nga chấp nhận các cuộc thương lượng « công bằng », nhưng điện Kremin vào đầu tuần đã tuyên bố dứt khoát không đàm phán với Ukraina do cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

ẤN ĐỘ - NGA - TRUNG QUỐC

Ấn Độ tiếp tục coi Nga như một chỗ dựa chính trong thế đối đầu với Trung Quốc

 

ẤN ĐỘ - NGA

Hội đàm với tổng thống Nga, thủ tướng Ấn Độ Modi cho rằng chiến tranh không giải quyết được các vấn đề

 

ẤN ĐỘ - NGA

Thủ tướng Ấn Độ ca ngợi "niềm tin, tôn trọng lẫn nhau" trong mối quan hệ với Nga

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats