Saturday, 24 August 2024

QUỐC HỘI VIỆT NAM HỌP BẤT THƯỜNG VỀ NHÂN SỰ : BẦU AI, MIỄN NHIỆM AI? (BBC News Tiếng Việt)

 



Quốc hội Việt Nam họp bất thường về nhân sự: bầu ai, miễn nhiệm ai?

BBC News Tiếng Việt

23 tháng 8 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3vxzelv3nro

 

Hiện có một số chức danh lãnh đạo đang cần được kiện toàn, trong đó ít nhất có một phó thủ tướng và bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/9dd7/live/a7fdeb70-613d-11ef-b43e-6916dcba5cbf.png.webp

Ông Đặng Quốc Khánh (trái), ông Lê Minh Khái (phải) đã được Trung ương Đảng đồng ý cho thôi giữ chức vụ ủy viên vào ngày 3/8

 

Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức họp bất thường vào ngày thứ Hai 26/8 để kiện toàn nhân sự cấp cao.

 

Văn bản dự kiến Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa 15, được Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường công bố vào chiều ngày thứ Sáu 23/8 có nội dung như sau:

 

“Căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa 15 để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

 

Kỳ họp sẽ diễn ra trong 01 ngày, bắt đầu từ 08 giờ 00 thứ Hai, ngày 26/8/2024 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.”

 

Trong các cuộc họp bất thường gần đây, Quốc hội đã miễn nhiệm và bầu hoặc phê chuẩn một số lãnh đạo.

 

Chẳng hạn, vào ngày 21/3, Quốc hội đã họp bất thường để miễn nhiệm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ngày 2/5, Quốc hội họp bất thường miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

 

 

Phê chuẩn phó thủ tướng, bộ trưởng?

 

Hiện có một số chức danh trong chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính cần phải thông qua Quốc hội.

 

Đầu tiên là vị trí của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Vào ngày 3/8, ông Khái đã bị Trung ương Đảng cho thôi giữ chức ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Vào ngày 8/8, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đề nghị kỷ luật ông Khái và đến ngày 13/8, Bộ Chính trị công bố hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông.

 

Nguyên nhân ông Lê Minh Khái bị kỷ luật được cho là liên quan đến vai trò của ông tại dự án Đại Ninh ở Lâm Đồng, trong giai đoạn ông làm Tổng Thanh tra Chính phủ, Bí thư Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2021.

 

Hiện ông Khái vẫn còn giữ chức phó thủ tướng. Tuy nhiên, với việc ông không còn là ủy viên Trung ương Đảng, có thể hiểu là việc miễn nhiệm ông sẽ sớm được thực hiện.

 

Theo Luật Tổ chức Quốc hội 2014, phó thủ tướng là chức danh được Quốc hội phê chuẩn từ đề nghị của Thủ tướng.

 

Do đó, việc bãi nhiệm hoặc miễn nhiệm chức danh phó thủ tướng thì cần cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền, ở đây là thủ tướng chính phủ, trình lên Quốc hội để miễn nhiệm.

 

Việc miễn nhiệm ông Khái cũng đồng nghĩa với việc cần bổ nhiệm một nhân vật mới "điền vào chỗ trống".

 

Một vị trí phó thủ tướng khác cũng có thể cần được xem xét, miễn nhiệm, đó là trường hợp ông Trần Lưu Quang.

 

Trường hợp ông Quang không liên quan đến vấn đề kỷ luật. Tuy nhiên, sau khi ông được phân công giữ chức trưởng Ban Kinh tế trung ương theo quyết định của Bộ Chính trị vào ngày 21/8, có khả năng ông sẽ rời chính phủ. Nếu vậy, sẽ cần có thêm một quy trình miễn nhiệm và phê chuẩn cho vị trí phó thủ tướng nữa.

 

Ghế Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cũng đang cần được kiện toàn. Bộ trưởng hiện nay là ông Đặng Quốc Khánh đã được Trung ương Đảng cho thôi chức ủy viên vào ngày 3/8 tương tự như trường hợp ông Lê Minh Khái. Do đó, có thể Quốc hội sẽ miễn nhiệm ông Khánh và phê chuẩn người thay thế ông trong kỳ họp bất thường lần này.

 

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long mới đây được bổ nhiệm vị trí phó thủ tướng. Hiện có hai khả năng: Phó Thủ tướng Lê Thành Long tiếp tục kiêm nhiệm chức bộ trưởng Tư pháp; hoặc sẽ có người mới thay ông ở ghế bộ trưởng. Nếu vậy, việc bổ nhiệm bộ trưởng cũng cần được Quốc hội phê chuẩn.

 

Cho đến nay, Quốc hội khóa 15 đã có 7 kỳ họp thường kỳ và 7 kỳ họp bất thường.

 

·        Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bị kỷ luật vì liên quan dự án Đại Ninh, tiếp theo là gì?13 tháng 8 năm 2024

·        Bộ trưởng Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị có đúng quy định?17 tháng 8 năm 2024

·        Việt Nam: Cạnh tranh nội bộ khiến lãnh đạo lơ là trước các thách thức của đất nước?12 tháng 8 năm 2024

 

 

Bầu chủ tịch nước khi nào?

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/78cb/live/0e8dac40-6148-11ef-b43e-6916dcba5cbf.png.webp

Ông Tô Lâm hiện đang giữ hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước, nên Tứ Trụ chỉ còn Tam Trụ

 

Một trong những vấn đề đang thu hút sự quan tâm hiện nay là liệu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tiếp tục giữ hai chức vụ cho đến Đại hội 14 hay ông sẽ thôi làm chủ tịch nước.

 

Sau khi trở thành chủ tịch nước hồi tháng 5, ông Tô Lâm đã được Trung ương Đảng bầu làm tổng bí thư vào ngày 3/8, chỉ hai tuần sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời.

 

Vào ngày 15/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết dự kiến sẽ kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp cao tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2024.

 

Vào ngày 12/8, hãng tin Reuters dẫn lời một số quan chức Việt Nam và nước ngoài nói rằng ông Tô Lâm sẽ thôi chức chủ tịch nước khi Quốc hội họp thường kỳ vào tháng 10.

 

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 dự kiến khai mạc vào ngày 21/10 và bế mạc trễ nhất là vào ngày 30/11.

 

Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang tập trung chuẩn bị cho Đại hội 14, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1/2026. Hai công tác được coi là quan trọng nhất là nhân sự và văn kiện.

 

Tại Đại hội 14, các vị trí lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam - bao gồm Tứ Trụ, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Trung ương Đảng - sẽ được bầu lại.

 

Nhiều chuyên gia và nhà ngoại giao cho rằng ông Tô Lâm hiện đang là ứng viên sáng giá nhất cho chiếc ghế tổng bí thư khóa 14.

 

Ngày 8/8, Giáo sư Jonathan London, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học người Mỹ chuyên về giáo dục và chính trị đương đại Việt Nam, bình luận với BBC News Tiếng Việt:

 

"Trong quá khứ gần thì Việt Nam có trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng từng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước và tổng bí thư trong hơn hai năm sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời. Sắp tới Việt Nam sẽ có Đại hội Đảng thì sẽ quay lại thể chế cũ, tức sẽ có bốn người trong Tứ Trụ."

 

"Ông Tô Lâm đã nắm cả hai vị trí nhưng tôi nghĩ chính trị của Việt Nam nên được hiểu thông qua một quá trình chứ không phải một hiện tượng, một cá nhân. Điều quan trọng là chờ đợi xem ông Tô Lâm sẽ làm được những gì cũng như ông ấy và Thủ tướng Phạm Minh Chính - hai lãnh đạo quan trọng nhất trên chính trường Việt Nam hiện tại - sẽ kết hợp với nhau như thế nào để giải quyết những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt."

 

---------------

Tin liên quan

·         

Điểm đáng chú ý trong chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về công tác nhân sự Đại hội 14

21 tháng 8 năm 2024

·         

Ông Tô Lâm kết thúc chuyến thăm Trung Quốc: những điểm đáng lưu ý

20 tháng 8 năm 2024

·         

Việt Nam trong quỹ đạo Đảng trị và Công an trị

16 tháng 8 năm 2024

·         

Bộ trưởng Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị có đúng quy định?

17 tháng 8 năm 2024

·         

Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nói chống tham nhũng phải 'phục vụ kinh tế'

14 tháng 8 năm 2024

·         

Ông Tô Lâm 'có thể tăng cường thâu tóm quyền lực'

21 tháng 7 năm 2024

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats