Nghịch
lý đưa tin về cách mạng màu
Hoàng Dạ Lan - Luật Khoa tạp
chí
August
26 20244:05 PM
https://www.luatkhoa.com/2024/08/nghich-ly-dua-tin-ve-cach-mang-mau/?ref=luat-khoa-newsletter
HÌNH
: https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/08/4329846789324.jpeg
Một
người phụ nữ vẫy cờ trong cuộc biểu tình Mùa xuân Ả Rập ở Quảng trường Tahrir,
Cairo, Ai Cập năm 2011. Ảnh: KHALED ELFIQI/KHALED ELFIQI.
Tại
Việt Nam, chính quyền mô tả cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) và chiến
tranh Việt Nam (1955 - 1975) là các cuộc cách mạng bạo lực chính nghĩa, chống lại
thực dân và đế quốc. Trong công cuộc bạo lực cách mạng đó, Đảng Cộng sản
Việt Nam tự tôn vinh mình là một lực lượng nòng cốt trong phong trào cộng sản
toàn cầu.
Sách
vở lịch sử, tài liệu giảng dạy và truyền thông nhà nước thường cổ xúy và tôn
vinh bạo lực cách mạng như một phương thức chính đáng để cướp chính quyền hoặc
thay đổi chế độ, bất chấp điều này luôn dẫn đến giết chóc và đổ máu. Việc ca ngợi
các cuộc chiến đấu này như biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết
dân tộc đã được đảng - nhà nước khai thác triệt để trong nhiều thập kỷ nhằm củng
cố tính chính danh của mình.
Ngược
lại, cách
mạng màu và Mùa xuân Ả Rập vốn là những phong trào phản kháng phi
vũ trang, xuất phát từ sự bức xúc với chính quyền độc tài, tham nhũng và quyền
con người bị đàn áp thì bị truyền thông Việt Nam mô tả là nguy hiểm, gây bất ổn,
đe dọa an ninh quốc gia và trật tự xã hội. Nó cũng bị gán ghép là do các “thế lực
thù địch” giật dây, dàn xếp nhằm lật đổ chế độ.
Một
mặt, Việt Nam luôn nhấn mạnh vai trò của “thế trận lòng dân,” “chiến tranh nhân
dân”, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của nhân dân trong việc giành độc lập
dân tộc. Nhưng mặt khác, truyền thông nhà nước lại gắn mác cho cách mạng màu và
Mùa xuân Ả Rập là “bạo loạn”, “vô chính phủ” hay “phản cách mạng”, dù đây là
các phong trào nhân dân, thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội tham gia.
Tại
sao lại có tiêu chuẩn kép như vậy trong cách mà nước ta mô tả các cuộc đấu
tranh của quốc gia và thế giới? Chẳng phải các cuộc cách mạng này khá giống cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp về tinh thần chống áp bức và khát vọng thiết lập
một xã hội tự do, công bằng hay sao?
Người
dân Tunisia cầm tấm áp phích Mohamed Bouazizi và quốc kỳ biểu tình trước tòa
nhà chính phủ ở Tunis vào ngày 28/1/2011. Mohamed Bouazizi, một người bán hàng
rong ở Tunisia, đã tự thiêu để phản đối việc bị cảnh sát quấy rối, sỉ nhục và tịch
thu hàng hóa. Hành động tuyệt vọng của anh đã châm ngòi cho phong trào Mùa xuân
Ả Rập. Nguồn: Fethi
Belaid/ AFP.
Chưa
kể, nếu người dân có thể dùng lá phiếu của mình để loại bỏ chính quyền yếu kém trong
các cuộc bầu cử tự do và công bằng thì liệu có ai muốn làm cách mạng? Cách mạng
là giải pháp cuối cùng để thay đổi thể chế khi người dân không có lựa chọn nào
khác với khuôn khổ pháp luật hiện hành.
Vừa
qua, sau chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
Tô Lâm, hai bên đã đưa ra Tuyên bố chung. Trong đó, hai nước khẳng định cần
“tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về chống can thiệp, chống
ly khai, phòng chống cách mạng màu, cùng nhau bảo vệ an ninh chính trị và an
ninh chế độ”. [1]
Diễn
ngôn tuyên truyền về cách mạng màu và Mùa xuân Ả Rập của Việt Nam và Trung Quốc
đều nhấn mạnh các phong trào này có tính chất “nguy hiểm”, “phá hoại” và là “âm
mưu thâm độc” của các thế lực thù địch.
Ở
bài này, người viết sẽ phân tích ba diễn ngôn tuyên truyền phổ biến của báo chí
nhà nước.
Diễn
ngôn thứ nhất: “Âm mưu của phương Tây”
Gần
50 năm kể từ khi đất nước thống nhất, nhà nước tiếp tục sử dụng ngôn ngữ mang
âm hưởng thời chiến cho các diễn ngôn tuyên truyền, như “cảnh giác trước âm
mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch”, “mặt trận văn hóa - tư tưởng”, “tấn
công vào ý thức hệ”, “chống phá cách mạng Việt Nam” hay “bảo vệ nền tảng tư tưởng
của đảng”, v.v.
Các
lãnh đạo đảng - nhà nước nhiều lần khẳng định cách mạng màu, “Cách mạng Nhung”
hay “cách mạng đường phố” là âm mưu “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc
và những nước tư bản phương Tây nhằm thay đổi chế độ chính trị ở quốc gia không
theo quỹ đạo của họ. [2]
Năm
2021, chương trình “Đối diện” của VTV4 còn sản xuất ra một
video “Nhận diện cách mạng màu – Việt Nam có phải đối diện nguy cơ xảy ra cách
mạng màu hay không?” và đến nay đã thu hút hơn 1,5 triệu lượt xem. Trong video,
người dẫn chương trình nhận xét:
Các
thế lực thù địch bên ngoài vẫn có những quyết tâm quy phục các quốc gia mà họ
cho rằng không tuân theo những chuẩn mực mà họ đề ra. Không thuyết phục, gây sức
ép được với chính quyền đương nhiệm thì họ sẽ tìm cách lật đổ hoặc xóa bỏ, tạo
ra những chính quyền mới ngoan ngoãn nghe theo hoặc làm theo những chuẩn mực mà
họ đề ra. [3]
Trong
video này, người tham gia biểu tình bị mô tả như con rối bị “thế lực thù địch”,
lực lượng phản động trong và ngoài nước giật dây; còn quốc gia có cách mạng nổ
ra chỉ là quân cờ của các nước lớn. Tất cả sự diễn giải này nhằm khiến cho các
phong trào mất uy tín và tính chính đáng.
Đó
là truyền thông Việt Nam viết, còn báo chí nước ngoài nói thế nào? Hãy xem cách
mà Al Jazeera - một trong những hãng thông tấn hàng đầu ở
Trung Đông - truyền tải thông điệp.
Đối
với cách mạng màu, Al Jazeera có bài viết với tiêu đề “Colour
revolutions: Symbols of change”. [4] Bài viết mô tả về cách mạng màu như sau:
Được
gọi là "cách mạng màu" hoặc "cách mạng hoa" dựa trên các biểu
tượng thường được các phong trào đối lập sử dụng, những cuộc biến động này đã dẫn
đến việc lật đổ các nhà lãnh đạo thời Liên Xô - những người mà chế độ của họ bị
coi là trì trệ, tham nhũng hay có mối quan hệ quá gần gũi với Nga. Trong nhiều
trường hợp, một thế hệ lãnh đạo mới đã lên nắm quyền đã hướng quốc gia xa rời
Moscow và gần gũi hơn với phương Tây.
Những
người chỉ trích cho rằng Mỹ là người đứng sau các phong trào này nhằm đạt được
mục tiêu chính sách đối ngoại của mình ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Một số
nhà quan sát cho rằng các cuộc nổi dậy này chịu ảnh hưởng từ "Cách
mạng Nhung" - cuộc cách mạng màu đầu tiên chống lại chính phủ cộng
sản Tiệp Khắc vào năm 1989.
Bài
báo của Al Jazeera không gợi lên sự thù hằn, thay vào đó trình
bày vấn đề khách quan, đa chiều. Nó đề cập đến việc thay đổi lãnh đạo và định
hướng chính trị của các quốc gia hậu cách mạng màu mà không đưa ra đánh giá
tích cực hay tiêu cực về những thay đổi ấy.
Tương
tự, đối với phong trào Mùa xuân Ả Rập, Al Jazeera có bài viết
“How economic hardship fuelled the Arab Spring 10 years ago”, tập trung giải
thích lý do bùng nổ Mùa xuân Ả Rập qua góc nhìn kinh tế. [5]
Cụ
thể, tác giả Abubakr Al-Shamahi phân tích việc thực hiện các cải cách kinh tế
tân tự do (neo-liberal reforms) đã dẫn đến việc tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước
và làm suy yếu hệ thống phúc lợi. Do các nước Trung Đông có hệ thống chính trị
độc tài và tham nhũng, quá trình tư nhân hóa này dẫn đến việc tài sản nhà nước
cùng lợi ích kinh tế rơi vào tay mạng lưới bảo trợ và giới tư bản thân hữu
(patronage networks and crony capitalists). Tầng lớp này trở nên giàu có hơn,
trong khi mức sống của phần lớn dân chúng không được cải thiện. Thêm vào đó, tỷ
lệ thất nghiệp của thanh niên trong khu vực này là gần 25% vào năm 2008, so với
mức trung bình toàn cầu dưới 15%. Tỷ lệ thất nghiệp còn cao hơn đối với cử nhân
đại học. Mức chênh lệch giữa trình độ học vấn và cơ hội nghề nghiệp khiến sự bất
mãn lan rộng.
Độc
giả hoàn toàn hiểu rằng cách giải thích của tác giả bài viết cho thấy phong
trào Mùa xuân Ả Rập xuất phát chủ yếu từ những mâu thuẫn và bất mãn nội tại
trong lòng các quốc gia.
Quần
chúng tập trung tại Quảng trường Tahrir, Ai Cập biểu tình chống chế độ Hosni
Mubarak. Tổng thống đã có bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 10/2/2011 và
từ chức vào ngày hôm sau, kết thúc ba thập niên cai trị. Nguồn: Amr
Abdallah Dalsh/ Reuters.
Diễn
ngôn thứ hai: Tình hình kinh tế, chính trị ở các nước xảy ra cách mạng khác với
Việt Nam
Một
diễn ngôn thường thấy khác chính là đề cao sự tăng trưởng kinh tế và tính ổn định
chính trị của Việt Nam so với những bất ổn ở các khu vực xảy ra cách mạng đường
phố.
Tất
cả nhằm chứng minh sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là cần thiết để duy trì trật tự
và thịnh vượng. Cùng với đó, các thông tin tuyên truyền cũng nhấn mạnh tầm quan
trọng của chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Ví
dụ, vào năm 2019, Venezuela đã đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế và
chính trị nghiêm trọng. Tỷ lệ lạm phát ở nước này cao ở mức kỷ lục cùng với
tình trạng thiếu thốn hàng hóa cơ bản, khủng hoảng nhân đạo và các cuộc xung đột
nội bộ. Trước cảnh biểu tình hỗn loạn ở Venezuela sau cuộc tranh cử tổng thống,
báo Công an nhân dân đăng bài “Cảnh giác luận điệu lợi dụng sự
bất ổn ở Venezuela để xuyên tạc tình hình Việt Nam”, trong đó có đoạn:
Tình
hình kinh tế, chính trị ở Venezuela có những đặc thù riêng, không thể so sánh,
lồng ghép để suy diễn đối với thể chế chính trị, kinh tế ở Việt Nam. Hơn ba
mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn
trên mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có những thành tựu có ý nghĩa lịch sử.
Đất nước đã thay da, đổi thịt, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, cuộc
sống bình yên, ấm no, tự do, hạnh phúc. Có được kết quả ấy là do Đảng và nhân
dân ta đã kiên định con đường đi lên CNXH. [6]
Diễn
ngôn thứ ba: Tương lai tăm tối hậu cách mạng màu và Mùa xuân Ả Rập
Người
đọc Việt Nam dễ dàng bắt gặp các bài viết có đánh giá tiêu cực về tác động của
cách mạng màu và Mùa xuân Ả Rập.
Ví
dụ, sau 10 năm kể từ khi Mùa xuân Ả Rập bùng nổ, báo Tuổi Trẻ có
bài viết với tiêu đề “Một thập kỷ tang thương”, báo Quân đội Nhân dân đăng
bài “‘Mùa xuân ARab - 10 năm nhìn lại” hay VTV online xuất bản
bài “10 năm mùa xuân Arab - Nhìn lại một thập kỷ mất mát”. [7] [8] [9]
Thông
điệp chung của các bài viết này là Mùa xuân Ả Rập gây ra đói nghèo, chiến
tranh, đau thương cùng sự trỗi dậy của tình trạng khủng bố và chủ nghĩa cực
đoan, chứ không phải là “mùa xuân” tươi đẹp của dân chủ và thịnh vượng.
Từ
đó, các bài viết ngầm truyền tải thông điệp rằng sự ổn định xã hội mới là quan
trọng và bất cứ thách thức nào đối với chính quyền đều dẫn tới hậu quả thảm khốc.
Thay
vì thu thập, truyền đạt thông tin chính xác và kịp thời đến công chúng hay thực
hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, báo chí được giao nhiệm vụ “bảo vệ
nền tảng tư tưởng của Đảng.” Ảnh: Phạm Cường/ Báo
điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong
khi báo đài Việt Nam đang “thương vay khóc mướn” cho số phận của người dân
Trung Đông thì ngay tại Trung Đông, Al Jazeera đã viết loạt
bài tổng kết 10 năm sau phong trào Mùa xuân Ả Rập. Trong bài báo “The Arab
Spring has been misunderstood”, tác giả Safwan Masri viết:
Người
dân trong khu vực này cần nhận thức rằng việc loại bỏ kẻ áp bức chỉ là bước đầu
tiên của một hành trình dài, chứ không phải là mục tiêu cuối cùng. Công việc
khó khăn hơn mà người Tunisia biết rõ chính là chuyển đổi dân chủ và duy trì
nó. Điều này đòi hỏi phải thay đổi xã hội từ bên trong chứ không phải từ trên
xuống. Một thế hệ người Ả Rập trẻ với tư duy toàn cầu cần phải tự thách thức
các giáo điều cứng nhắc và tăng cường tham gia vào xã hội dân sự để thúc đẩy sự
thay đổi.
Điều
này không dễ dàng, bởi vì trong thế giới Ả Rập hậu thuộc địa, các nhà độc tài
đã cố tình làm tê liệt tư duy của dân chúng, nhồi nhét vào đầu họ tín điều dân
tộc chủ nghĩa cực đoan, ngôn từ bài xích, và diễn ngôn tôn giáo giáo điều. Sự
thao túng tâm trí này không những khiến cho nhiều thế hệ người Ả Rập bị tước đoạt
một nền giáo dục tốt, mà còn bị dạy dỗ để đánh mất lòng khoan dung, chấp nhận
phục tùng quyền lực, và thiếu kỹ năng để hội nhập trong một thế giới dân chủ và
toàn cầu hóa.
Để
dân chủ có thể bén rễ, người dân trong khu vực phải bắt đầu giải phóng và tái lập
tư duy của mình, học cách chung sống với những quan điểm và lối sống khác biệt,
nếu không, họ sẽ quay lưng lại với nhau và mở đường cho sự trở lại của các nhà
cầm quyền độc tài. [10]
Việc
truyền thông Việt Nam liên tục tuyên truyền về hậu quả thảm khốc của các cuộc nội
chiến ở Libya và Syria khiến nhiều người lầm tưởng rằng những phong trào đấu
tranh của quần chúng tất yếu dẫn đến chiến tranh và nội loạn.
Việc
chính quyền chụp mũ và đấu tố các cá nhân, tổ chức có tư tưởng cấp tiến là “muốn
làm cách mạng màu” khiến người dân lo sợ, e ngại. Nó cũng đánh lạc hướng người
dân khỏi các vấn đề nội tại như tham nhũng, bất bình đẳng hay thiếu dân chủ.
Chính
điều này mới là thứ đang ngăn cản đất nước tới sự văn minh và tiến bộ.
Nhưng
độc giả cần lưu ý rằng thực tế, kết quả của các phong trào quần chúng này lại rất
đa dạng, tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng quốc gia.
“Cách
mạng Hoa hồng” ở Georgia (2003) và “Cách mạng Cam” ở Ukraine (2004) được đánh
giá là thành công trong việc đạt được mục tiêu chính trị mà không gây ra bất ổn
nghiêm trọng. Trong khi đó, “Cách mạng Jeans” ở Belarus (2005) lại thất bại
trong việc lật đổ Tổng thống Alexander Lukashenko. Biểu tình tuyết trắng ở Nga
(2011 - 2013) nhằm phản đối gian lận bầu cử không tạo ra thay đổi chính trị lớn
và Vladimir Putin vẫn duy trì quyền lực.
Đối
với Mùa xuân Ả Rập, “Cách mạng Hoa nhài” ở Tunisia (2010 - 2011) lật đổ Tổng thống
độc tài Ben Ali một cách tương đối hòa bình và dẫn đến quá trình dân chủ hóa.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc Tổng thống Kais Saied thâu tóm quyền lực và
đàn áp các nhóm đối lập đã dấy lên lo ngại về sự thoái trào của nền dân chủ.
Trong
khi đó, các quốc gia khác, như Ai Cập, Syria hay Libya vẫn đang phải đối mặt với
hậu quả nghiêm trọng từ xung đột nội bộ, sự trở lại của chế độ độc tài, hoặc sự
chia rẽ và hỗn loạn kéo dài.
Những
ví dụ này cho thấy, mặc dù các phong trào quần chúng có thể tạo ra những thay đổi
lớn nhưng thành công lâu dài của một cuộc cách mạng không chỉ phụ thuộc vào việc
lật đổ chế độ cũ, mà còn nhờ vào khả năng xây dựng và duy trì một hệ thống
chính trị mới ổn định, hòa nhập, cam kết với các giá trị dân chủ.
Sự
phức tạp này đòi hỏi không chỉ lòng dũng cảm và sự đoàn kết của nhân dân, năng
lực tổ chức và chiến lược của phong trào, mà còn phụ thuộc vào cấu trúc chính
trị sẵn có và khả năng thương lượng, thỏa hiệp giữa các lực lượng chính trị
khác nhau.
Như
Giáo sư Đại học Stanford Joel Beinin nhận xét, Cách mạng Pháp kéo dài một thế kỷ
và trải qua hai lần khôi phục chế độ quân chủ trước khi nền cộng hòa được thiết
lập. [11] Mỹ là một trong những nền dân chủ lâu đời và có ảnh hưởng lớn trên thế
giới với cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức vào năm 1789. Thế nhưng, phụ nữ Mỹ
phải đấu tranh hơn 70 năm mới giành được quyền bầu cử vào năm 1920. [12] Người
da đen còn phải đấu tranh lâu dài hơn; họ chỉ thực sự có quyền bình đẳng trong
bầu cử sau khi Đạo luật Quyền bầu cử (Voting Rights Act) được thông qua vào năm
1965.
Sự
thay đổi không phải tự nhiên mà đến.
Bạn
có biết?
Theo
Báo cáo Freedom in the World 2023 của tổ chức Freedom House,
trong 50 năm qua, hầu hết các quốc gia hiện nay bị xếp hạng “không tự do” đều
đã có đôi lần được xếp vào nhóm nước có tự do một phần. Đáng tiếc, Việt Nam thuộc nhóm 12 quốc
gia “tường thành” của hệ thống độc tài, chưa bao giờ thoát ra khỏi nhóm “không
tự do”.
Trong
195 quốc gia và vùng lãnh thổ được Freedom House khảo sát và đánh giá trong 50
năm qua, Việt Nam nằm trong nhóm 12 nước “tường thành” của hệ thống độc tài.
Nguồn ảnh: Báo cáo Freedom in the World 2023 của Freedom House.
Nhóm
12 nước này bao gồm các nước độc đảng (Cuba, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam),
các nước có lãnh đạo chuyên quyền (Guinea Xích Đạo, Rwanda, Saudi Arabia), và
các nước xảy ra xung đột kéo dài (Congo, Somalia, Nam Sudan, Iraq và Chad).
[13]
------------
Đọc
thêm:
Mấy ngày qua, nước ta
nổi lên sự kiện hàng loạt tài khoản đăng tải cho rằng Đại học Fulbright Việt
Nam do Mỹ tài trợ thành lập nhằm
Luật Khoa tạp chí Hoàng Dạ Lan
--------------
Chú thích
[1]
Đảng Cộng sản Việt Nam (2024). Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc. Báo
điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. https://dangcongsan.vn/thoi-su/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-675584.html
[2]
Nguyễn Phú Trọng (2015) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị
cán bộ toàn quốc. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/gioi-thieu-van-kien-dang/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-can-bo-toan-quoc-859
[3] VTV4.
(2021, July 28). Đối diện: Nhận diện cách mạng màu - Việt Nam có phải đối diện
nguy cơ xảy ra cách mạng màu không? [Video]. YouTube. https://www.youtube.com/watch?v=w5RoO-CmlyA
[4] Color
revolutions: Symbols of change (2005, November 13). Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/news/2005/11/13/colour-revolutions-symbols-of-change
[5] Al
Shamahi, A. (2020, December 17). How economic hardship fuelled the Arab Spring
10 years ago. Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/news/2020/12/17/bread-and-gas-economic-boost-needed-after-arab-spring
[6] Lê
Thế Cương (2019, January 31). Cảnh giác luận điệu lợi dụng sự bất ổn ở
Venezuela để xuyên tạc tình hình Việt Nam. Công an Nhân dân. https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Canh-giac-luan-dieu-loi-dung-su-bat-on-o-Venezuela-de-xuyen-tac-tinh-hinh-Viet-Nam-i509306/
[7] Sáng
Ánh. (2021, January 25). Một thập kỷ tang thương. Tuổi Trẻ cuối tuần. https://cuoituan.tuoitre.vn/mot-thap-ky-tang-thuong-1575363.htm
[8] Nguyên
Minh, Ngọc Hưng, Văn Duyên, Văn Hiếu, Ngọc Thạch (2021, December 19). “Mùa xuân
Arab” - 10 năm nhìn lại. Quân đội Nhân dân. https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/mua-xuan-arab-10-nam-nhin-lai-646970
[9] 10
năm Mùa xuân Arab - Nhìn lại một thập kỷ mất mát. (2021, January 17). VTV
Online. https://vtv.vn/the-gioi/10-nam-mua-xuan-arab-nhin-lai-mot-thap-ky-mat-mat-20210117103824603.htm
[10] Masri,
S. (2021, April 18). The Arab Spring has been misunderstood. Al Jazeera.
https://www.aljazeera.com/opinions/2021/4/18/the-misunderstood-arab-spring
[11] Beinin,
J. (2014, January 01). The Arab uprisings have not failed: They are continuing.
Mobilizing Ideas. The
Arab Uprisings Have Not Failed: They Are Continuing | Mobilizing Ideas
(wordpress.com)
[12] Quỳnh
Vi (2017, August 20). Phụ nữ Mỹ đã giành được quyền bỏ phiếu vào năm 1920 như
thế nào. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2017/08/phu-nu-da-gianh-duoc-quyen-bo-phieu-vao-nam-1920-nhu-nao/
[13]
Freedom House (2023) Freedom in the World 2023 – Marking 50 years in the
struggle for democracy. https://freedomhouse.org/sites/default/files/2023-03/FIW_World_2023_DigtalPDF.pdf
No comments:
Post a Comment