MỘT SỐ
TIN TỨC VIỆT NAM & THẾ GIỚI NGÀY 12/08/2024
Campuchia
đảm bảo với Việt Nam về tính minh bạch trong dự án kênh đào Phù Nam
12/08/2024
https://www.voatiengviet.com/a/7739234.html
Một quan chức chính phủ cấp cao của Campuchia hôm 11/8 nói
rằng nước này hoàn toàn minh bạch khi lập kế hoạch và xây dựng Kênh đào Funan
Techo (Phù Nam) mang tính đột phá, và Việt Nam, với tư cách là đồng minh lâu
năm của vương quốc này, nên tin tưởng vào chính quyền Campuchia trong việc giám
sát quá trình xây dựng, tờ Khmer Times đưa tin hôm 12/8, sau khi Bộ Ngoại giao
Việt Nam trước đó nhiều lần yêu cầu Campuchia hợp tác tiến hành một nghiên cứu
và đánh giá toàn diện chung về tác động của siêu dự án trị giá 1,7 tỷ đô la này
đối với sông Mekong và môi trường xung quanh.
https://gdb.voanews.com/208eceba-dd2b-4008-8023-c938d8f1a8af_cx0_cy2_cw0_w1023_r1_s.jpg
Khu vực xây dựng sau lễ động thổ Kênh đào Funan Techo ở
tỉnh Kandal, Campuchia, vào ngày 5/8/2024.
Dự án kênh đào Phù Nam, do Trung Quốc hậu thuẫn, sẽ nối
liền Phnom Penh và Vịnh Thái Lan. Dự án này đã gây ra nhiều tranh cãi trong
công chúng về những rủi ro an ninh tiềm tàng đối với các nước láng giềng của
Campuchia và toàn bộ Đông Nam Á, cũng như khả năng tác động đến sự ổn định của
khu vực và tính bền vững của môi trường.
Bất chấp Việt Nam nhiều lần lên tiếng chính thức và thông
qua Ủy hội sông Mekong yêu cầu chia sẻ thông tin về dự án kênh đào, Campuchia
cho tới nay dường như vẫn không đáp ứng yêu cầu này.
Hôm 5/8, Campuchia đã động thổ xây dựng kênh đào dưới sự
chủ trì của Thủ tướng Hun Manet.
Kênh đào dài 180 km bắt đầu từ làng Prek Takeo thuộc huyện
Kien Svay, tỉnh Kandal, đi qua các tỉnh Kandal, Takeo và Kampot trước khi đổ ra
biển ở tỉnh Kep.
Phản ứng về sự kiện này, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt
Nam Đoàn Khắc Việt hôm 8/8 nói Việt Nam “ủng hộ nỗ lực phát triển của Campuchia
và tôn trọng việc Campuchia triển khai Dự án Kênh đào Funan Techo”, nhưng “mong
muốn cùng phối hợp nghiên cứu, đánh giá tổng thể, toàn diện về những tác động
của dự án và có những biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động”.
Ông So Naro, Bộ trưởng đại biểu phụ trách các vấn đề ASEAN
của Campuchia, hôm 11/8 nói với Khmer Times rằng Campuchia hoan nghênh sự hỗ
trợ của Việt Nam đối với dự án Kênh đào Phù Nam.
“Chúng tôi thực sự đánh giá cao sự ủng hộ này và đây là một
bước tiến tích cực”, ông So Naro nói.
Tuy nhiên, quan chức này tái khẳng định rằng không cần phải
nghiên cứu và đánh giá thêm về tác động của Kênh đào Phù Nam vì dự án đã trải
qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng kéo dài 26 tháng do hơn 40 chuyên gia thực
hiện và đã đảm bảo dự án sẽ không gây ra tác động lớn nào đến sông Mekong cũng
như môi trường xung quanh.
“Chúng tôi đã đưa ra cam kết với chính phủ Việt Nam về dự
án thông qua nhiều kênh, bao gồm cả đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo
cấp cao của các quốc gia”, ông nói với Khmer Times. “Chúng tôi cũng đã nộp báo
cáo phát hiện của mình cho Ủy hội sông Mekong và chính quyền Việt Nam có thể
yêu cầu được tiếp cận các tài liệu. Những lo ngại của họ sẽ được giải quyết
bằng những phát hiện trong các báo cáo đó”.
Quan chức của Campuchia cho rằng những lo ngại của Việt Nam
có thể xuất phát từ niềm tin rằng Kênh đào Phù Nam sẽ cải thiện tính độc lập và
tự chủ của Campuchia về mặt vận tải đường thủy và do đó sẽ ít phụ thuộc hơn vào
việc sử dụng các tuyến đường thủy của Việt Nam sau khi dự án hoàn thành, vẫn
theo Khmer Times.
Kênh đào Phù Nam là một trong số nhiều dự án cơ sở hạ tầng
với nguồn vốn vay từ Trung Quốc, đóng vai trò then chốt trong sáng kiến Vành
đai con đường (BRI) của Bắc Kinh.
Tờ The Diplomat hôm 7/8 dẫn những phân tích gần đây cho
thấy dự án kênh đào này chỉ mang lại lợi ích kinh tế tối thiểu. Tuy nhiên, tầm
quan trọng của kênh đào không chỉ giới hạn ở hàng hải, mà có lẽ hướng nhiều hơn
đến khai thác mỏ, nông nghiệp và hiện đại hóa công nghiệp ở miền Nam Campuchia,
nơi có Căn cứ Hải quân Ream do Trung Quốc hậu thuẫn và các vùng kinh tế của
Trung Quốc.
Các chuyên gia trong khu vực và địa phương đã lên tiếng lo
ngại về những tác động không thể khắc phục mà kênh đào có thể gây ra đối với hệ
sinh thái địa phương và hàng triệu người dân ở cả Campuchia và các tỉnh biên
giới Việt Nam.
Về phía Việt Nam, thiết kế kém và quản lý dự án yếu kém có
thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nước hiện tại ở Đồng bằng sông Cửu
Long. Các chuyên gia ước tính trong trường hợp xấu nhất, nghĩa là khi kênh đào
được sử dụng để tưới tiêu vào mùa khô, thì hệ thống tưới tiêu do kênh đào tạo
ra sẽ chuyển hướng khoảng 30-50% lượng nước sông Mekong vào mùa khô.
Còn nếu kênh đào được “vũ khí hóa” bằng cách chuyển hướng
nước từ sông Mekong đến các cửa sông ven biển, như một số nhà phân tích lo
ngại, thì điều này chắc chắn có thể khiến an ninh lương thực và nước của Việt
Nam gặp rủi ro cực độ, tạo cho Phnom Penh đòn bẩy đáng kể so với nước láng
giềng.
Về mặt địa chính trị, kênh đào, với tiềm năng thúc đẩy các
khu kinh tế do Trung Quốc hậu thuẫn và các cơ sở quân sự gần biên giới phía tây
nam của Việt Nam, đặt ra một thách thức có thể thấy trước đối với an ninh quốc
gia của Việt Nam, vẫn theo nhận định của The Diplomat.
Uỷ ban châu Âu khởi động điều tra thép cán nóng nhập khẩu
từ Việt Nam
13/08/2024
Ủy ban châu Âu (EC) vừa ra quyết định điều tra chống bán
phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ,
Nhật Bản và Ai Cập, theo một công
báo đăng trên cổng thông tin của
Liên minh châu Âu (EU).
https://gdb.voanews.com/BC76A2AA-C187-479A-8D29-2A75490A6F3B_w1023_r1_s.jpg
Ảnh minh họa: Thép cán nóng.
Công báo cho biết cuộc điều tra được khởi động từ ngày
8/8/2024, sau khi Hiệp hội Thép Châu Âu (EUROFER) đưa ra khiếu nại vào cuối
tháng 6/2024, cáo buộc rằng các sản phẩm thép dẹt cán nóng có nguồn gốc từ 4
quốc gia này đang được bán phá giá vào thị trường EU và gây thiệt hại cho ngành
công nghiệp của khối.
Thông báo nói rằng cuộc điều tra về bán phá giá tập trung
vào giai đoạn từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3/2024.
Theo thông báo, đương đơn khiếu nại cho rằng trong giai
đoạn nêu trên, việc sử dụng giá nội địa ở Việt Nam trong tất cả các tháng là
không phù hợp, vì có những giao dịch mua bán đã được thực hiện ở mức dưới giá
thành trong một số tháng, và do đó, chúng bị xem là không nằm trong quá trình
thương mại thông thường.
Ngoài ra, thông báo còn nêu ra thêm rằng bên khiếu nại đã
cung cấp đầy đủ bằng chứng cho thấy có thể có sai lệch về nguyên liệu thô liên
quan đến sản phẩm từ Việt Nam và Ấn Độ đang bị điều tra .
Cuộc điều tra sẽ kết thúc trong vòng một năm, với thời gian
gia hạn tối đa là 14 tháng.
Ngay sau khi EU thông báo khởi động cuộc điều tra này, Cục
Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam khuyến nghị Hiệp hội Thép
Việt Nam (VSA), doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra nghiên
cứu kỹ các thông tin tài liệu gửi kèm, hợp tác đầy đủ toàn diện với EC để cung
cấp các thông tin, tài liệu theo đúng thể thức và thời hạn quy định.
Thép cán nóng (HRC) mà EC đang khởi xướng điều tra được
biết là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ
lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng
dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác, truyền thông
Việt Nam loan tin.
Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam cho hay mặc dù sản xuất
thép của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN,
nhưng thép Việt Nam cũng là mặt hàng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
từ rất nhiều quốc gia như Mỹ, EU, Australia, Malaysia, Indonesia…
“Các nước vận dụng rất nhiều các biện pháp phòng vệ thương
mại để bảo vệ thị trường của họ”, Cổng thông tin Chính phủ viết.
Trang này dẫn lời bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung
tâm WTO và Hội nhập thuộc phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho
biết tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra
phòng vệ thương mại với Việt Nam có đến 73 vụ (tức gần 30%) liên quan các sản
phẩm thép.
------------------
Dân Bangladesh lật đổ chế độ độc tài
12/08/2024
https://www.voatiengviet.com/a/dan-bangladesh-lat-do-che-do-doc-tai-/7739127.html
Các cuộc biểu tình trên đường phố khiến Sheikh Hasina phải
bỏ chạy, trốn qua Ấn Độ, sẽ khiến giới lãnh đạo ở Hà Nội phải lo lắng; mặc dù
bà thủ tướng Bangladesh chỉ nắm quyền từ gần 20 năm, so với hơn 80 năm từ khi
đảng Cộng sản Việt Nam lên nắm quyền.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-6fc0-08dcba26c029_w1023_r1_s.jpg
Thân nhân những người mất tích trong giai đoạn cầm quyền
của liên đoàn Awami tuần hành đòi trả người tại Dhaka, 11 tháng Tám.
Vụ thay đổi chế độ ở Bangladesh không phải là một cuộc đảo
chính như thường thấy. Không có cảnh xe tăng bao vây dinh thủ tướng; không thấy
các tướng lãnh họp nhau bàn thay đổi; họ cũng không đứng ra nắm quyền khi có cơ
hội. Vị thủ tướng mới chưa bao nuôi tham vọng đứng ra nhận chức vụ này, đã 83
tuổi, vốn không phải là một chính trị gia và đang ở Paris, làm cố vấn cho đoàn
lực sĩ quốc gia dự Olympics.
Quá trình lật đổ Sheikh Hasina diễn ra ngoài đường phố. Các
sinh viên bắt đầu biểu tình vì một lý do: Họ cũng muốn làm công chức. Họ chỉ
phản đối quy chế bất công trong việc tuyển mộ thư lại. Luật lệ dành 30% số ghế
nhân viên nhà nước cho mấy loại ứng viên, đã được thi hành từ lâu. Nhóm người
được ưu đãi nhất là con cháu của những “chiến sĩ lập quốc;” là những người đã
tham dự cuộc chiến đấu chống quân đội Pakistan để tách ra thành lập một quốc
gia độc lập, từ năm 1970. Những người hưởng lợi nhất trong quy chế tuyển mộ
công chức này chính là các đảng viên của Liên đoàn Awami, do bà Hasina thành
lập. Họ quy tụ con cháu của các “anh hùng lập quốc,” như chính chị em bà
Hasina.
Lãnh thổ Bangladesh trước đây là một phần của Pakistan,
quốc gia thành hình sau năm 1947, khi Đế quốc Anh trả lại độc lập cho dân bán
đảo Ấn Độ. Những người theo Hồi Giáo lập một quốc gia riêng, gồm hai vùng nằm ở
phía Tây và phía Đông nước Ấn Độ; chính quyền trung ương nằm ở vùng Tây
Pakistan. Dân hai vùng theo chung một tôn giáo nhưng chủng tộc, ngôn ngữ, phong
tục khác nhau. Sau hơn 20 năm, dân miền Đông Pakistan thấy chính quyền ở thủ đô
Islamabad bất công, đưa công chức và quân đội từ miền Tây qua bắt họ đóng thuế
nhưng không cung cấp đủ các dịch vụ. Có thể so sánh với cảnh Hà Nội đưa người
từ miền Bắc vào nắm quyền ở miền Nam Việt Nam sau năm 1975. Dân Đông Pakistan
bất mãn, nổi lên đòi quyền lợi, bị quân đội đàn áp nặng nề.
Cuối cùng nhờ quân Ấn Độ giúp, họ thành lập nước
Bangladesh. Sheikh Mujibur Rahman lên nắm quyền, được coi là một anh hùng lập
quốc. Năm 1975, quân đội đảo chính, cả gia đình ông bị giết, chỉ hai người con
gái, Sheikh Hasina và Sheikh Rehana thoát chết vì họ không có mặt trong nước
(Sheikh là một danh hiệu vinh dự). Họ lập Liên đoàn Awami và thành công nhờ ảnh
hưởng tinh thần của Sheikh Rahman.
Năm 1996, đảng Awami chiếm đa số trong quốc hội, Sheikh
Hasina lên làm thủ tướng. Năm 2000 bà thất bại, phải nhường chức thủ tướng cho
bà Begum Khaleda Zia, Đảng Dân tộc Bangladesh (BNP). Kể từ đó, các cuộc tranh
cử giữa hai phụ nữ với cá tính mạnh mẽ tiếp diễn sau mỗi lần quân đội
Bangladesh đảo chính, dựng lên những chính phủ lâm thời để tổ chức bầu cử lại.
Năm 2009 bà Hasina đắc cử lần thứ hai, nắm quyền cho tới năm nay.
Điều may mắn cho Sheikh Hasina là gần đây kinh tế
Bangladesh đi lên. Năm 2022, Tổng Sản Lượng Nội Địa tăng thêm 7.2 phần trăm.
Kinh tế Việt Nam cũng phát triển như vậy, nhờ xuất cảng hàng hóa qua các nước
Âu Mỹ thay thế hàng Trung Quốc bị cấm vận hoặc giá đắt vì công nhân đòi lương
cao hơn. Nhưng chỉ các xí nghiệp chủ nhân hưởng lợi; giới lao động vẫn nghèo.
Những người giàu nhất nước chiếm một phần mười dân số, kiểm soát 41 phần trăm
lợi tức quốc gia, theo bản tin Al Jazeera. Chênh lệch giàu nghèo ngày càng nặng
nề, cũng không khác gì tình cảnh đang diễn ra ở Việt Nam. Giới sinh viên ra
trường còn chịu cảnh bất công vì hơn 30% số việc làm cho chính phủ đã được dành
riêng cho một thành phần ưu đãi.
Ngày 1 tháng Bảy, 2024, sinh viên Đại học Dhaka bắt đầu
biểu tình. Dần dần, sinh viên các đại học lớn khác tới theo. Họ hô các khẩu
hiệu đòi công bằng, chống tham nhũng và đòi trả tự do cho những giới đối lập bị
bắt bớ vô lý. Các cuộc biểu tình biến thành bạo động khi bà Hasina cho đám
“thanh niên xung phong” của Liên đoàn Awami xuất hiện, tấn công các sinh viên
biểu tình. Dần dần, dân chúng cũng xuống đường ủng hộ giới trẻ. Họ thắt một
băng đỏ trên đầu, như các sinh viên, để bày tỏ tình đoàn kết, theo hãng tin
Associated Press. Phong trào lớn lên dần vì những uất ức chất chứa từ hàng chục
năm có cơ hội biểu lộ. Những người tham dự biểu tình bao gồm đủ mọi thành phần
trong xã hội, với cả các diễn viên kịch nghệ và điện anh, các ca sĩ và nhạc sĩ,
theo báo The Guardian.
Dân chúng từ nhiều tỉnh kéo về thủ đô Dhaka. Hơn 300 người
chết không khiến họ chùn bước. Người ta hết sợ những họng súng và bắt đầu chống
lại bằng vũ khí. Riêng ngày Chủ Nhật, 94 người thiệt mạng, trong đó có 13 nhân
viên cảnh sát, theo Agence France-Presse.
Tối cao Pháp viện tuyên án thay đổi quy chế tuyển mộ công
chức, nhưng quá trễ. Trưa ngày Thứ Hai, cảnh sát bắt đầu bỏ cuộc, để cho sinh
viên và dân chúng phá đổ các rào cản, tiến vào trung tâm thành phố, tới vây
dinh thủ tướng. Quân đội không can thiệp. Thứ Sáu trước, Tướng chỉ huy trưởng
Waker-Uz-Zaman đã gặp các sĩ quan cấp dưới, nghe họ yêu cầu không ra lệnh bắn
vào dân chúng, theo bản tin BBC. Nhiều quân nhân đã bắt tay với sinh viên và
dân biểu tình.
Sheikh Hasina không tuyên bố từ chức nhưng đành bỏ chạy.
Những người lãnh đạo biểu tình yêu cầu ông Muhammad Yunus đứng ra lập chính phủ
lâm thời. Ngày Thứ Năm, 8 tháng Tám, tổng thống Mohammed Shahabuddin tuyên bố
giải tán quốc hội và chủ tọa lễ tuyên thệ của ông Yunus, với nhiệm vụ tổ chức
bầu cử quốc hội mới, theo tin AP.
Muhammad Yunus, sinh năm 1940, tốt nghiệp PhD tại Đại học
Vanderbilt bên Mỹ, thường được gọi là “Nhà Ngân hàng của Dân nghèo.” Ông được
trao Giải Nobel Hòa Bình năm 2006 vì sáng kiến “tín dụng nhỏ” (microfinancing).
Trong một cuộc phỏng vấn với AP năm 2004, ông Yunus nói ông nảy ra ý kiến này
khi gặp một bà bán các món đồ làm bằng tre. Ông ngạc nhiên vì bà đã làm ra
những vật dụng tinh xảo, đẹp đẽ như vậy mà tại sao không kiếm đủ tiền trả nợ.
Ông tin rằng các “nhà kinh doanh nhỏ” này không bao giờ “quịt nợ” nếu được tin
cậy để vay tiền với lãi suất thấp hơn. Năm 1983 ông lập Ngân hàng Grameen Bank
với các chương trình cho giới làm ăn nhỏ được vay tiền, mà các ngân hàng khác
thường từ chối họ vì thấy không đủ điều kiện. Sáng kiến “tín dụng nhỏ” của ông
đã trở thành một phong trào được nhiều nước nghèo bắt chước làm theo. Năm 2013,
ông Yunus đã bị chính quyền Hasina đưa ra tòa vì “tội nhận tiền mà không xin
phép chính phủ.” Đó là những món tiền ông lãnh từ Giải Nobel, cũng như tiền bản
quyền các cuốn sách của ông được in ở nước ngoài!
Từ Paris trở về nước ngày 8 tháng 8, Muhammad Yunus kêu gọi
tái lập trật tự và đoàn kết quốc gia: “Bangladesh là một đại gia đình. Chúng ta
cần đoàn kết với nhau,” ông tuyên bố. Bà Khaleda Zia, cựu thủ tướng, đang nằm
trong bịnh viện cũng lên tiếng yêu cầu những người ủng hộ mình đừng để cho đất
nước chia rẽ.
Bangladesh đã lật đổ chế độ độc tài, bước vào một trang sử
mới, hoàn toàn do các cuộc biểu tình của sinh viên và những người dân bình
thường. Đây là một bài học cho người Việt Nam suy nghĩ.
Ban
tranh cử ông Trump nói mình bị Iran tấn công mạng
Mike Wendling
BBC News
11 tháng 8 năm 2024
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c6237g6gndlo
Ban vận động tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump
nói rằng tin nhắn nội bộ của họ đã bị rò rỉ và khẳng định các đặc vụ Iran là
thủ phạm.
Trang tin tức Politico đưa tin vào hôm 10/8 rằng họ nhận
được email chứa các tài liệu liên quan đến chiến dịch tranh cử, bao gồm cuộc
thẩm tra nội bộ hồ sơ của Thượng nghị sĩ Ohio JD
Vance - ứng viên phó tổng thống của Đảng
Cộng hòa.
"Những tài liệu này bị các nguồn nước ngoài thù địch
với Mỹ lấy trái phép nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2024," một người
phát ngôn của ban tranh cử nói với BBC.
Politico
cho biết họ đã xác nhận tính xác thực của các tài liệu. BBC chưa độc lập xác
minh các tuyên bố này.
Ban tranh cử không đưa ra thêm bất kỳ chi tiết nào hoặc bất
kỳ bằng chứng nào để liên kết vụ rò rỉ tài liệu với tin tặc Iran hay chính phủ
Iran.
Ban này đưa ra tuyên bố một ngày sau khi Microsoft công bố
báo cáo rằng tin tặc Iran đã nhắm vào chiến dịch của một ứng viên tổng thống Mỹ
chưa rõ tên vào tháng 6/2024.
Trung tâm Phân tích Mối đe dọa của Microsoft (MTAC) cho
biết ban tranh cử của ứng viên đó đã nhận được một email lừa đảo dưới dạng một
tin nhắn có vẻ đáng tin cậy để khiến họ truy cập vào một liên kết độc hại.
"Trong vài tháng qua, chúng tôi đã chứng kiến hoạt động gây ảnh hưởng đáng kể từ các tác nhân Iran,"
MTAC báo cáo.
Ông Steven Cheung - người phát ngôn ban tranh cử của ông
Trump - nói rằng nỗ lực tấn công mạng vào tháng 6/2024 mà MTAC báo cáo
"trùng với thời điểm cựu Tổng thống Trump lựa chọn ứng cử viên phó tổng
thống".
"Người Iran biết rằng ông Trump sẽ chấm dứt chế độ
khủng bố của họ giống như ông đã làm trong bốn năm đầu tiên ở Nhà Trắng,"
ông Cheung nói.
Politico cho biết vào cuối tháng 7, họ bắt đầu nhận được
email từ một người tự nhận mình là "Robert" bằng tài khoản email AOL.
Trang tin này nói họ nhận được tài liệu dài 271 trang về
ông Vance dựa trên các thông tin công khai và hồ sơ của vị thượng nghị sĩ. Tài
khoản email này cũng đã gửi một phần tài liệu nghiên cứu về Thượng nghị sĩ
Florida Marco Rubio - người cũng từng là ứng viên phó tổng thống tiềm năng.
Các ban tranh cử thường thẩm tra hồ sơ các ứng cử viên phó
tổng thống tiềm năng để tìm ra các thông tin có thể gây bối rối.
Politico đưa tin rằng một số lời chỉ trích nổi tiếng trước
đây mà ông Vance dành cho ông Trump đã được dán nhãn trong tài liệu là
"các tổn thương tiềm tàng".
Báo cáo của Microsoft lưu ý:
"Các hoạt động gây ảnh hưởng trên mạng của Iran là một
đặc điểm nhất quán của ít nhất ba chu kỳ bầu cử gần đây của Mỹ."
Microsoft đã công bố một báo cáo tương tự trong cuộc bầu cử
năm 2020, nói rằng tin tặc Iran đã nhắm vào các chiến dịch tranh cử tổng thống.
Các nguồn tin an ninh Mỹ cũng đã cảnh báo về một âm mưu ám
sát ông Trump của Iran. Âm mưu này không liên quan đến vụ nổ
súng vào hôm 13/7 ở
bang Pennsylvania.
Hôm 6/8, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội một người đàn ông
Pakistan có quan hệ với Iran âm mưu ám sát các quan chức Mỹ, mà trong đó có khả
năng bao gồm cả cựu Tổng thống Trump.
BBC đã liên hệ với các quan chức Iran để yêu cầu bình luận.
------------------------
Tin liên quan
Ông
Trump và bà Harris sẽ không tranh luận trực tiếp?
4 tháng 8 năm 2024
Donald
Trump: Ba mũi tấn công nhằm kết liễu 'tuần trăng mật' của bà Harris
27 tháng 7 năm 2024
Ông
Biden né tránh sự thật phũ phàng, ông Trump gọi bà Harris là 'đồ điên cực tả'
25 tháng 7 năm 2024
Ứng
viên phó tổng thống JD Vance từng gọi ông Trump là 'thằng ngu', 'tên khốn'
16 tháng 7 năm 2024
Đại hội
Đảng Cộng hòa: 'Con sư tử đã vùng dậy và gầm lên'
16 tháng 7 năm 2024
Bà
Kamala Harris có đủ sức đánh bại ông Trump?
23 tháng 7 năm 2024
Bức thư
của Einstein mở ra kỷ nguyên bom nguyên tử như thế nào?
11 tháng 8 năm 2024
Nga nói
Ukraine đang tiến sâu và 'đe dọa những người dân ôn hòa'
BBC News Tiếng Việt
12 tháng 8 năm 2024
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c8jl8l19pr9o
Quân đội Ukraine đã tiến sâu 30km vào lãnh thổ Nga, đánh
dấu cuộc xâm nhập có quy mô và tác động lớn nhất kể từ khi Nga xâm lược toàn
diện nước này vào tháng 2/2022.
Cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kursk (Nga) đã bước
sang ngày thứ sáu.
Trong một sự thừa nhận rõ ràng rằng quân Ukraine đã tiến
sâu vào khu vực biên giới Kursk, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã giao tranh với
quân đội Ukraine ở gần các ngôi làng Tolpino và Obshchy Kolodez - cách biên
giới Nga-Ukraine khoảng 25km và 30km.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cáo
buộc Kiev đang “đe dọa những người dân Nga ôn hòa”.
Tổng thống Volodymyr Zelensky, người
trực tiếp thừa nhận vụ tấn công nói trên lần đầu tiên trong bài phát biểu tối
11/8, cho biết Nga đã tiến hành 2.000 cuộc
tấn công xuyên biên giới từ Kursk, tính riêng trong mùa hè năm nay.
"[Có] pháo binh, súng cối, máy bay không người lái.
“Chúng tôi cũng ghi nhận các cuộc tấn công bằng tên lửa.
Mỗi cuộc tấn công như vậy đều xứng đáng nhận được sự đáp trả tương ứng,” ông
Zelensky nói với người dân Ukraine trong bài phát biểu hàng đêm của mình từ
Kyiv.
- Ukraine
xâm nhập lãnh thổ Nga: Moscow ban bố biện pháp 'chống khủng bố'10 tháng 8 năm 2024
- Tổng
thống Zelensky thừa nhận Ukraine tấn công lãnh thổ Nga11 tháng 8 năm 2024
- Ukraine
tuyên bố đã đánh chìm tàu ngầm
Nga ở Crimea4 tháng 8 năm 2024
Một quan chức cấp cao của Ukraine nói với hãng tin AFP rằng hàng
ngàn binh sĩ tham gia vào chiến dịch ở Kursk, cho thấy quy mô lớn hơn nhiều so với những gì lực lượng
biên phòng Nga ban đầu gọi là cuộc xâm nhập quy mô nhỏ.
“Chúng tôi đang ở thế tấn công. Mục tiêu là kéo giãn lực
lượng địch, gây thiệt hại tối đa và làm mất ổn định tình hình tại Nga khi mà họ
chẳng thể bảo vệ nổi biên giới của chính mình,” quan chức này nói.
Ngày 11/8, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của Nga đã
"đánh bại những nỗ lực tiến sâu vào lãnh thổ Nga của các nhóm cơ động của
kẻ thù có trang bị xe bọc thép”.
Ảnh chụp màn hình từ video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho
thấy lực lượng Nga đang tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa, nhắm vào lực
lượng của Ukraine tại khu vực biên giới gần vùng Kursk.
Một video lan truyền trên mạng và đã được BBC kiểm chứng
cho thấy một cuộc tấn công của Nga ở gần ngôi làng Levshinka, cách biên giới
Nga-Ukraine khoảng 25km.
Quân đội Ukraine tuyên bố đã chiếm giữ được một số khu định
cư trong khu vực Kursk.
Ở Guevo, một ngôi làng cách biên giới khoảng 3km, binh lính
Ukraine đã quay lại một video hạ quốc kỳ Nga khỏi một tòa nhà hành chính.
Các đoạn phim khác cũng cho thấy quân đội Ukraine chiếm giữ
các tòa nhà hành chính ở làng Sverdlikovo và Poroz, trong khi có thông tin về
các cuộc giao tranh dữ dội tại Sudzha - một thị trấn có khoảng 5.000 người sinh
sống.
Quân đội Ukraine đã tự quay phim họ tại một cơ sở khí đốt
quan trọng gần Sudzha.
Cơ sở này tham gia vào việc vận chuyển khí đốt tự nhiên từ
Nga đến EU qua Ukraine, bất chấp tình hình chiến sự.
Binh sĩ Ukraine tại cơ sở khí đốt Gazprom ở thị trấn Sudzha
của Nga - địa điểm quay video đã được BBC xác minh
Tại vùng Sumy (Ukraine), giáp với vùng Kursk, phóng viên
của BBC chứng kiến nhiều xe bọc thép và xe tăng di chuyển về phía Nga.
Những chiếc xe bọc thép này có ký hiệu hình tam giác trắng,
có vẻ để phân biệt với các thiết bị sử dụng bên trong lãnh thổ Ukraine.
Trong khi đó, không ảnh cho thấy các xe tăng của Ukraine
đang tham gia chiến đấu trong lãnh thổ Nga.
Các bức ảnh được phân tích bởi BBC Verify cũng cho thấy Nga
đang xây dựng các tuyến phòng thủ mới gần nhà máy điện hạt nhân Kursk.
Các lực lượng Ukraine chiến đấu tại Obshchy Kolodez đang ở
cách cơ sở này khoảng 50km.
Qua việc so sánh hình ảnh vệ tinh ngày hôm qua và trước đó
vài ngày của cùng một vị trí, có thể thấy một số đường hào vừa được đào xung
quanh khu vực này. Con hào gần nhất cách nhà máy khoảng 8km.
Theo hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga, hơn 76.000 người
đã được sơ tán khỏi khu vực biên giới.
Quyền tỉnh trưởng Alexei Smirnov hôm 11/8 cho biết ông đã
lệnh cho các quan chức đẩy nhanh hoạt động để đưa dân thường đến nơi an toàn.
Ông cũng cho biết đã có 15 người bị thương vào cuối ngày
10/8 sau khi một tên lửa của Ukraine bị bắn hạ và mảnh vỡ rơi xuống một tòa nhà
cao tầng ở thành phố Kursk - thủ phủ tỉnh Kursk.
Oleksiy Goncharenko - một nghị sĩ Ukraine - ca ngợi chiến
dịch này và cho rằng nó "đưa chúng ta [Ukraine] gần hơn với hòa bình, hơn
cả hàng trăm hội nghị thượng đỉnh về hòa bình."
"Khi Nga phải chiến đấu trên chính lãnh thổ của họ,
khi người dân Nga phải chạy trốn, khi người dân quan tâm, đó là cách duy nhất
để cho họ thấy rằng phải dừng cuộc chiến này lại," ông nói với BBC.
BẢN ĐỒ :
Cuộc tấn công vào Kursk xảy ra sau các cuộc tiến công kéo
dài nhiều tuần của quân Nga ở phía đông Ukraine, nơi nhiều ngôi làng đã bị quân
Nga chiếm đóng.
Một số nhà phân tích cho rằng cuộc tấn công vào Kursk là
một phần trong nỗ lực buộc Nga phải điều chuyển lực lượng ra khỏi miền đông
Ukraine và giảm áp lực lên các tuyến phòng thủ đang bị bao vây của Ukraine.
Tuy nhiên, một quan chức Ukraine nói với AFP rằng cho đến
nay, các hoạt động của Nga ở phía đông Ukraine vẫn chưa có gì thay đổi.
Đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cuộc
tấn công vào Kursk là một "sự khiêu khích lớn”.
Trong khi đó, các cơ quan cứu hộ khẩn cấp ở khu vực Kyiv
cho biết một người đàn ông và con trai bốn tuổi của ông đã thiệt mạng trong một
cuộc tấn công bằng tên lửa gần thủ đô vào đêm qua.
Các hệ thống phòng không cũng đã phá hủy 53 trong số 57
drone tấn công được Nga phóng trong các cuộc không kích qua đêm, theo các quan
chức không quân Ukraine.
Họ nói thêm rằng bốn tên lửa do Bắc Hàn sản xuất cũng đã
được bắn trong các đợt tấn công trên.
Nga đã buộc phải trông cậy vào Bắc Hàn - quốc gia bị cô lập
- để bổ sung
kho vũ khí của mình.
Trong một diễn biến khác, các quan chức Nga tại khu vực
Zaporizhzhia bị chiếm đóng cho biết một đám cháy đã bùng phát tại nhà máy điện
hạt nhân của khu vực này vào ngày 11/8.
Ông Yevgeny Balitsky, thống đốc Zaporizhzhia do Kremlin bổ
nhiệm, tuyên bố rằng đám cháy bùng phát sau cuộc pháo kích của quân đội
Ukraine.
Ông nói thêm rằng không có sự gia tăng phóng xạ xung quanh
nhà máy.
Hãng thông tấn Tass đưa tin đám cháy đã được dập tắt vào
sáng sớm thứ Hai 12/8.
Trong một tuyên bố đăng trên X (Twitter), cơ quan giám sát
hạt nhân của Liên Hợp Quốc - Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cho
biết các thanh tra của họ tại hiện trường đã chứng kiến "khói đen nghi
ngút" bốc lên từ phía bắc nhà máy, nhưng nhấn mạnh rằng không có vấn đề gì
liên quan đến an toàn hạt nhân được báo cáo.
Trong một bài viết trên mạng xã hội, Tổng
thống Zelensky nói rằng chính quân
Nga đã gây ra một đám cháy tại nơi đặt nhà máy hạt nhân.
Địa điểm này đã nằm dưới sự kiểm soát của quân đội và quan
chức Nga kể từ năm 2022.
Nhà máy này đã ngừng sản xuất điện trong hơn hai năm và tất
cả sáu lò phản ứng đã ngừng hoạt động từ tháng 4/2024.
===================================================
Tổng
thống Zelensky thừa nhận Ukraine tấn công lãnh thổ Nga
11 tháng 8 năm 2024
Ukraine
xâm nhập lãnh thổ Nga: Moscow ban bố biện pháp 'chống khủng bố'
10 tháng 8 năm 2024
Cuộc đột kích của Ukraine vào lãnh thổ Nga khiến Putin
lúng túng
13/08/2024
Cuộc xâm nhập nhanh chóng của Ukraine vào khu vực Kursk của
Nga bắt đầu vào tuần trước là cuộc đột kích xuyên biên giới lớn nhất của lực
lượng Kyiv trong cuộc chiến kéo dài gần 2 năm rưỡi nay, và đã phơi bày những
điểm yếu của Nga cũng như giáng một đòn đau đớn vào Điện Kremlin.
https://gdb.voanews.com/050a2c85-ec0e-4ee8-8c7c-aecbb5e46f62_w1023_r1_s.jpg
Thị trấn Sudzha tại vùng Kursk của Nga sau cuộc xâm nhập
của quân đội Ukraine. (video quay ngày 7/8/2024.)*
Cho đến nay, quân đội Nga đang vật lộn để đối phó với cuộc
tấn công bất ngờ này vốn đã khiến hàng chục nghìn thường dân phải di tản khỏi
khu vực.
Đối với Ukraine, cuộc đột kích đã mang lại sự thúc đẩy tinh
thần rất cần thiết vào thời điểm lực lượng thiếu người và thiếu vũ khí phải đối
mặt với các cuộc tấn công liên tục của Nga dọc theo tuyến đầu dài hơn 1.000 km.
Cuộc tấn công diễn ra thế nào?
Quân đội Kyiv đã tràn vào vùng Kursk từ nhiều hướng hôm
6/8, nhanh chóng áp đảo một số trạm kiểm soát và công sự dã chiến được canh
chừng bởi lính biên phòng vũ trang hạng nhẹ và các đơn vị bộ binh dọc theo biên
giới dài 245 km của khu vực này với Ukraine.
Không giống như các cuộc đột kích trước đây do các nhóm nhỏ
tình nguyện viên người Nga chống Điện Kremlin chiến đấu cùng với lực lượng
Ukraine thực hiện, cuộc xâm nhập vào vùng Kursk được cho là có sự tham gia của
các đơn vị từ một số lữ đoàn quân đội Ukraine dày dạn kinh nghiệm chiến đấu.
Các blogger quân sự Nga đưa tin rằng các nhóm cơ động của
Ukraine gồm một số xe bọc thép, mỗi nhóm nhanh chóng tiến vào lãnh thổ Nga hàng
chục km, vượt qua các công sự của Nga và gieo rắc sự hoảng loạn khắp khu vực.
Ông Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại Viện Dịch
vụ Thống nhất Hoàng gia RUSI ở London, ngày 12/8 cho biết lực lượng Ukraine đã
tiến tới 30 km theo một số hướng. Ông cũng cho biết tổng diện tích bị xâm nhập
có vẻ là khoảng 400 km vuông mặc dù không rõ họ thực sự kiểm soát được bao
nhiêu trong số lãnh thổ đó.
Ông Savill cho biết có bằng chứng cho thấy có tới 10.000
quân Ukraine từ ít nhất bốn lữ đoàn — và có thể nhiều hơn — tham gia, và họ
đang sử dụng thiết bị do phương Tây cung cấp, bao gồm cả xe chiến đấu bộ binh.
Các lực lượng Ukraine đã sử dụng rộng rãi máy bay không
người lái để tấn công các xe quân sự của Nga và triển khai các phương tiện tác
chiến điện tử để gây nhiễu máy bay không người lái của Nga và ngăn chặn thông
tin liên lạc quân sự.
Trong khi các nhóm nhỏ di động của Ukraine lang thang trong
khu vực mà không cố gắng củng cố quyền kiểm soát, các nhóm quân khác được cho
là đã bắt đầu đào các công sự phòng thủ ở một số khu vực nhất định, bao gồm cả
phần phía tây của Sudzha, một thị trấn cách biên giới khoảng 10 km.
Quân đội Nga phản ứng như thế nào?
Bị bất ngờ, quân đội Nga đã không thể phản ứng nhanh chóng.
Với phần lớn quân đội của họ tham gia vào cuộc tấn công ở khu vực Donetsk phía
đông Ukraine, chỉ còn lại một số ít quân để bảo vệ khu vực biên giới Kursk.
Theo các blogger quân sự Nga, các đơn vị Nga ở đó chủ yếu bao gồm những người
lính nghĩa vụ được đào tạo kém, những người dễ dàng bị các đơn vị Ukraine dày
dạn kinh nghiệm đánh bại. Một số người lính nghĩa vụ đã bị bắt.
Tình trạng thiếu hụt nhân lực khiến bộ chỉ huy quân sự Nga
ban đầu phải dựa vào máy bay chiến đấu và trực thăng chiến đấu để cố gắng chống
lại cuộc tấn công. Theo các blogger quân sự Nga, lực lượng Ukraine đang tiến
lên đã bắn hạ được ít nhất một trực thăng của Nga và làm hỏng một trực thăng
khác.
Lực lượng tăng viện của Nga, bao gồm các đơn vị lực lượng
đặc nhiệm tinh nhuệ và lính đánh thuê Wagner dày dạn kinh nghiệm, đã bắt đầu
đến khu vực Kursk, nhưng cho đến nay, họ dường như vẫn chưa thể đánh bật quân
đội Ukraine khỏi Sudzha và các khu vực khác.
Một số quân mới đến dường như thiếu kỹ năng chiến đấu và bị
thương vong. Trong một ví dụ, một đoàn xe tải quân sự đã bất cẩn dừng lại bên
lề đường gần một khu vực chiến đấu và bị hỏa lực của Ukraine bắn phá dữ dội.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 9/8 rằng Ukraine đã mất 945
binh sĩ trong bốn ngày giao tranh, mặc dù không nói rõ có bao nhiêu người Nga
đã thiệt mạng và tuyên bố của họ không thể kiểm chứng được.
Chính quyền Ukraine nói gì?
Tổng thống Zelenskyy lần đầu tiên xác nhận rằng lực lượng
của Kyiv đang hoạt động ở khu vực Kursk và cho biết cuộc xâm nhập “hoàn toàn là
vấn đề an ninh đối với Ukraine”.
Trong một video được đăng tải trên kênh Telegram ngày 12/8,
ông Zelenskyy cho biết quân đội Ukraine đáp trả các lực lượng Nga vốn tấn công
vào Ukraine từ khu vực Kursk.
Ông Zelenskyy nói “hoàn toàn công bằng” khi tấn công các vị
trí của Nga, bao gồm các sân bay và hậu cần được sử dụng để tấn công Ukraine,
đồng thời nói thêm rằng mục tiêu của nhiệm vụ này là “giải phóng biên giới khỏi
quân đội Nga”.
Trong video, chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine, Tướng
Oleksandr Syrskyi, cũng nói với tổng thống rằng lực lượng của Kyiv kiểm soát
1.000 km2 của khu vực Kursk. Tuyên bố này không thể được kiểm chứng độc lập.
Cố vấn của ông Zelenskyy, ông Mykhailo Podolyak, đã gợi ý
vào tuần trước rằng một hoạt động như vậy sẽ cải thiện vị thế của Kyiv trong
bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai với Moscow.
“Khi nào thì có thể tiến hành một quá trình đàm phán theo
cách mà chúng ta có thể thúc đẩy họ hoặc đạt được điều gì đó từ họ? Chỉ khi
chiến tranh không diễn ra theo kịch bản của họ”, ông nói.
Điện Kremlin nói gì?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả cuộc xâm nhập là một
“hành động khiêu khích trên diện rộng”, “pháo kích bừa bãi vào các tòa nhà dân
sự, nhà ở và xe cứu thương”.
Putin cho rằng cuộc tấn công của Ukraine là một nỗ lực của
Kyiv nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của Moscow tại khu vực Donbas của Ukraine và
để giành được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán hòa bình có thể diễn ra trong
tương lai. Phát biểu với các quan chức cấp cao của mình vào ngày 12/8, ông
tuyên bố rằng Moscow sẽ hoàn thành tất cả các mục tiêu quân sự của mình.
“Rõ ràng là kẻ thù sẽ tiếp tục cố gắng làm mất ổn định tình
hình ở khu vực biên giới để cố gắng làm mất ổn định tình hình chính trị trong
nước của chúng ta”, ông Putin nói. Nhiệm vụ chính của Nga là “đẩy lùi, đẩy kẻ
thù ra khỏi lãnh thổ của chúng ta và cùng với lực lượng biên phòng đảm bảo bảo
vệ đáng tin cậy cho biên giới nhà nước”.
Quyền thống đốc vùng Kursk, Alexei Smirnov, ngày 12/8 cho
hay các lực lượng Ukraine đã kiểm soát được 28 khu định cư. Ông cho biết 12
thường dân đã thiệt mạng và 121 người khác, bao gồm 10 trẻ em, đã bị thương kể
từ khi vụ việc bắt đầu. Ông nói khoảng 121.000 người đã rời đi hoặc được sơ tán
khỏi các khu vực chiến sự.
Nga đã ban bố tình trạng khẩn cấp liên bang tại khu vực
Kursk và tuyên bố một chiến dịch chống khủng bố tại đó và tại các khu vực lân
cận Belgorod và Bryansk, trao cho chính quyền địa phương nhiều quyền hơn để
nhanh chóng phối hợp ứng phó khẩn cấp và thắt chặt an ninh.
Tuyên truyền của nhà nước Nga tập trung vào những nỗ lực
của Điện Kremlin nhằm cung cấp hỗ trợ cho cư dân phải di dời trong khi hạ thấp
sự thiếu chuẩn bị của quân đội trước cuộc tấn công của Ukraine.
Mục tiêu của Ukraine là gì và tình hình có thể diễn biến
như thế nào?
Bằng cách phát động cuộc đột kích, Kyiv có thể nhắm đến mục
tiêu buộc Điện Kremlin phải chuyển hướng nguồn lực khỏi khu vực Donetsk của
Ukraine, nơi các lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công ở một số khu vực
và đạt được những bước tiến chậm nhưng chắc. Nếu Ukraine giữ được một số thành
quả ở Kursk, điều đó sẽ củng cố vị thế của Kyiv trong các cuộc đàm phán hòa
bình trong tương lai và có thể cho phép Kyiv đổi chúng lấy các vùng lãnh thổ
Ukraine bị Nga chiếm đóng.
Cuộc xâm nhập cũng giáng một đòn mạnh vào Điện Kremlin, làm
nổi bật sự thất bại của điện Kremlin trong việc bảo vệ đất nước và phá vỡ tuyên
bố của Putin rằng Nga vẫn phần lớn không bị tổn hại bởi các cuộc giao tranh.
Cuộc xâm nhập cũng đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới các đồng
minh của Kyiv rằng quân đội Ukraine có thể nắm bắt được thế chủ động trong cuộc
chiến — một thông điệp đặc biệt quan trọng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống
Hoa Kỳ.
Nhưng bất chấp những thành công ban đầu, cuộc tấn công vào
Nga có thể khiến một số đơn vị có năng lực nhất của Ukraine bị tiêu hao và
khiến quân đội ở Donetsk không có lực lượng tăng viện quan trọng.
Việc cố gắng thiết lập sự hiện diện lâu dài ở khu vực Kursk
có thể là thách thức đối với các lực lượng Ukraine, những người có tuyến tiếp
tế dễ bị hỏa lực của Nga tấn công.
Ông Savill, thuộc Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia RUSI
nói: “Việc duy trì một lực lượng ở bất kỳ quy mô nào ở Nga và phòng thủ trước
các cuộc phản công sẽ rất khó khăn, vì Ukraine chỉ có nguồn dự trữ hạn chế”.
======================================
Putin nói Nga sẽ đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi khu vực
biên giới
12/08/2024
Tổng thống Vladimir Putin hôm 12/8 nói rằng quân đội Nga sẽ
đẩy lùi các lực lượng Ukraine ra khỏi lãnh thổ có chủ quyền của Nga sau cuộc
xâm nhập lớn nhất của Kyiv qua biên giới kể từ khi chiến tranh nổ ra vào năm
2022.
https://gdb.voanews.com/be482301-8df6-4785-b5a8-e9071f936970_cx0_cy9_cw0_w1023_r1_s.jpg
Một chiếc ô tô bị cháy trước một tòa nhà chung cư bị hư hại
sau cuộc pháo kích của phía Ukraine ở Kursk của Nga, hôm 11/8. Ông Putin nói sẽ
đánh đuổi quân Ukraine ra khỏi đây.
Lực lượng Ukraine đã đột nhập qua biên giới Nga hôm 6/8 và
tràn qua một số khu vực phía tây của vùng Kursk của Nga, trong một cuộc tấn
công bất ngờ có thể nhằm mục đích giành được đòn bẩy cho các cuộc đàm phán
ngừng bắn có thể diễn ra sau cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11.
Rõ ràng là bị bất ngờ, nhưng đến ngày 11/8 Nga đã ổn định
được mặt trận ở vùng Kursk, mặc dù Ukraine đã chiếm được một phần lãnh thổ của
Nga, nơi các trận chiến vẫn tiếp diễn vào ngày 12/8, theo các blogger chiến
tranh Nga.
Tại vùng Belgorod lân cận ở phía nam, thống đốc khu vực
Vyacheslav Gladkov cho biết việc sơ tán dân thường đã bắt đầu từ Quận Krasnaya
Yaruga do "hoạt động của kẻ thù trên biên giới".
Ông Putin, trong phát biểu chi tiết nhất của mình về cuộc
xâm nhập cho đến nay, cho biết Ukraine "với sự giúp đỡ của những người chủ
phương Tây" đang cố gắng cải thiện vị thế thương thuyết của mình trước các
cuộc đàm phán ngừng bắn có thể diễn ra và làm suy yếu những bước tiến của Nga.
Ông Putin nói với các quan chức an ninh và thống đốc khu
vực rằng lực lượng Ukraine đang phải chịu thương vong nặng nề trong cuộc xâm
nhập của họ.
"Kẻ thù chắc chắn sẽ nhận được phản ứng xứng đáng và
tất cả các mục tiêu mà chúng ta phải đối mặt chắc chắn sẽ đạt được".
Theo ông Putin, Ukraine đang tìm cách đe dọa xã hội Nga và
do đó làm suy yếu sự ổn định. Ông cảnh báo các quan chức cấp cao rằng Ukraine
sẽ tìm cách làm mất ổn định hơn nữa các khu vực biên giới.
Tại cuộc họp của ông Putin, quyền thống đốc Kursk, Alexei
Smirnov, cho biết Ukraine kiểm soát 22 khu định cư trong khu vực và cuộc xâm
nhập tiến sâu khoảng 12km và rộng 40km.
Nga đã áp đặt an ninh chặt chẽ ở các khu vực Kursk, Bryansk
và Belgorod trong khi đồng minh Belarus của họ nói rằng họ đang tăng cường quân
số tại biên giới sau khi Minsk cho biết Ukraine đã vi phạm không phận của mình
bằng máy bay không người lái.
Các quan chức Nga nói rằng các cuộc tấn công của Ukraine
vào lãnh thổ Nga nhằm mục đích cho những người ủng hộ phương Tây thấy rằng Kyiv
vẫn có thể tập hợp các hoạt động quân sự lớn trong khi cố gắng giành được một
con bài mặc cả trước các cuộc đàm phán ngừng bắn có thể xảy ra.
Nga đã xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022 và hiện kiểm
soát 18% lãnh thổ Ukraine. Các lực lượng Nga, vốn có ưu thế về quân số, đã tiến
quân trong năm nay dọc theo mặt trận dài 1.000km sau khi cuộc phản công năm
2023 của Ukraine không đạt được bất kỳ thành quả lớn nào.
Kyiv đã phá vỡ sự im lặng về các cuộc tấn công hôm 10/8 khi
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Ukraine đã tiến hành một cuộc xâm nhập
vào lãnh thổ Nga để "khôi phục công lý" và gây sức ép với các lực
lượng của Moscow.
Tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, ở một phần của
Ukraine do các lực lượng Nga kiểm soát, một đám cháy lớn đã bùng phát.
Trung tâm khí đốt
Cuộc tấn công của Ukraine đã khiến một số người ở Moscow
đặt câu hỏi tại sao Ukraine có thể dễ dàng xuyên thủng khu vực Kursk sau hơn
hai năm của cuộc chiến trên bộ khốc liệt nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ
hai.
Các blogger chiến tranh Nga cho biết lực lượng Ukraine ở
Kursk đang tìm cách bao vây Sudzha, nơi khí đốt tự nhiên của Nga chảy vào
Ukraine, trong khi các trận chiến lớn đang diễn ra gần Korenevo, cách biên giới
khoảng 22km và Martynovka.
"Tình hình ở biên giới của khu vực Belgorod phía tây
đang ở thế báo động", Yuri Podolyaka, một blogger quân sự thân Nga có ảnh
hưởng, cho biết và nói thêm rằng Ukraine đang thăm dò biên giới ở một số nơi.
"Kẻ thù có ba nhóm khá lớn ở đây".
Kể từ cuộc xâm nhập biên giới vào Kursk hôm 6/ 8, đồng rúp
Nga đã suy yếu, mất 6% giá trị so với đô la Mỹ. Gazprom của Nga cho biết họ sẽ
gửi 39,6 triệu mét khối (mcm) khí đốt đến châu Âu qua Ukraine vào ngày 12/8.
Mặc dù Mỹ cho biết họ không được thông báo về hoạt động của
Ukraine trước khi nó được triển khai, nhưng có những dấu hiệu ở Moscow cho thấy
cuộc tấn công sẽ gây ra phản ứng từ Nga.
"Chúng tôi không nghi ngờ gì rằng những kẻ tổ chức và
thủ phạm của những tội ác này, bao gồm cả những người quản lý nước ngoài của
chúng, sẽ phải chịu trách nhiệm về chúng", Maria Zakharova, người phát
ngôn của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
"Sẽ không mất nhiều thời gian để có một phản ứng cứng
rắn từ Lực lượng vũ trang Nga".
Cuộc đua tổng thống Mỹ: Khi đời tư biến thành ‘vũ khí
chính trị’ (luatkhoa.com)
August 12 20246:00 AM
Trung Quốc và cuộc cách mạng
giám sát xã hội
By Ái Thư • 13 Aug 2024
10 năm trước, người dân nông
thôn giải quyết khó khăn bằng mại dâm và vay nóng
By Nguyễn Thanh Minh • 9 Aug 2024
|
|
By Trọng Hiệp & Trọng Phụng • 9 Aug 2024
Nguyễn
Thông (Nguyễn
Thông Cào)
Bây
giờ mà nhắc tới hưng yên, thiên hạ gọi là “đu trend”, nhưng bài này đã ủ trong
ký ức nhà cháu lâu rồi, giờ mới biên ra thôi. Ai rảnh thì đọc, nhất là cuối
tuần không đi đâu chơi.
Do
nằm ở phía đông kinh thành thăng long nên vùng hưng yên, hải dương xưa được gọi
là xứ đông, tỉnh đông. Tôi nhớ hồi còn bé học cấp 1, hình như lớp 4, được học
bài thơ “nhi đồng nguyễn văn bảo” của cụ tú mỡ hồ trọng hiếu. Cụ tú ca ngợi em
thiếu nhi tên bảo người tỉnh đông, “nguyễn văn bảo mới lên mười tuổi/quê quán
em ở dưới tỉnh đông/em là con một nhà nông/cha mẹ vất vả sống trong bần hàn/may
nhờ có bình dân học vụ/em bảo ta cũng đủ học hành/người lanh lợi trí thông
minh/em là một cậu học sinh hoàn toàn”… những ai sinh thập niên 50 ở miền bắc
mà có đi học đều thuộc bài này.
Nhà
thơ kể em bảo yêu nước thương nòi, tham gia kháng chiến “trong đoàn thể nhi
đồng cứu quốc/em là tay gân guốc dạ gan/nhiều phen giúp việc giỏi giang/cho bộ
đội hoặc cho đoàn dân quân”. Rồi “đến hôm mùng sáu tháng tư/bỗng đâu giặc pháp
lù lù kéo sang/qua kẻ sặt ngang tàng hung dữ/khác nào như một lũ sài lang”, em
bảo nhập đội quân du kích, làm giao liên cho bộ đội đánh giặc, rơi vào ổ phục
kích, “bị chúng bắn tứ tung em ngã/chết thiêng liêng em đã hả lòng/tuổi thơ chí
khí anh hùng/nêu gương anh dũng nhi đồng việt nam”. Đó là người hưng yên đầu
tiên mà tôi biết qua văn nghệ. (ở đây ghi chú thêm: kẻ sặt thuộc huyện bình
giang, tỉnh hải dương, giáp hưng yên. Nơi này có đồn rất lớn của quân pháp,
đánh hưng yên cũng kéo từ kẻ sặt). Lạ là bây giờ gõ tìm khắp nơi, kể cả gu gồ
cũng không thấy bài này. Nó chỉ còn trong trí nhớ u70, u80, họ về chầu ông bà
vải là mất luôn.
Thi
sĩ khương hữu dụng có bài thơ “quê ong” với lời đề “tặng hưng yên”, kể ra những
địa danh của tỉnh đông xưa, “ong ở mậu dương/hay là an trạch/nễ châu, xích
đằng”. Cụ dụng người nam, đi tập kết, sinh sống ngoài bắc, rất gắn bó với hưng
yên, sau này với cả hải dương nữa sau khi năm 1968 hai tỉnh hưng yên, hải dương
bị sáp nhập thành tỉnh hải hưng. Người ta còn biết tới cụ là cha của anh bộ đội
khương thế hưng, mà anh này là người yêu của chị đặng thùy trâm.
Nói
tới hưng yên dính đến văn nghệ, có nhẽ phải nhắc cụ tý, nhạc sĩ nguyễn văn tý.
Tên tuổi ông gắn với ối tỉnh, nhất là hà tĩnh, bến tre. Năm 1963 chàng nhạc sĩ
hơi tre trẻ đi thực tế ở hưng yên, thu hoạch được bài “chim hót trên đồng đay”,
sau này ông còn về mấy lần, khi tỉnh hải hưng, viết được “bài ca năm tấn”, thực
ra viết cho hải hưng chứ không phải cho thái bình. Hưng yên là vùng ven sông
hồng, đất tốt, trồng nhiều nhãn và đay, ngô. Hồi bé, bọn tôi hát cả bài đồng
đay của cụ tý, chả phân biệt thứ cho thiếu nhi hay người lớn, những là “trên
cánh đồng đay con chim chiền chiện/nó hót rằng bà con ta có biết/cánh đồng đay
ta tung cánh mà bay/bay bay khắp đó đây”, rồi véo von “kháng chiến ngày đêm
hưng yên diệt giặc/tiếng ấy đồn mười phương nay vẫn nhắc”. Quả thật cụ tý tiên
đoán trúng phết, sau bao năm hưng yên không được nhắc nhỏm, nay lên ầm ầm. Ông
bạn tôi còn đùa, tao quê hải phòng nhưng biết đâu gốc hưng yên. (còn tiếp)
Nguyễn thông
No comments:
Post a Comment