Dấu
tay Putin tiếp tục in đậm trong những vụ phá hoại Phương Tây
Trúc Phương
/ Người Việt Online
August 12,
2024
Cựu Đại Tá
KGB Vladimir Putin, đương kim tổng thống Nga, chưa bao giờ ngưng chiến dịch phá
rối phương Tây. Ngày 26 Tháng Bảy 2024, khi lễ khai mạc Thế Vận Hội Paris được
tổ chức, một số kẻ nặc danh đã phá hoại tuyến đường sắt quốc gia Pháp. Cho đến
nay, vẫn không tổ chức nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Bộ trưởng Nội Vụ
Pháp bóng gió rằng những kẻ cực đoan “cực tả” có thể là thủ phạm. Tuy nhiên,
các chuyên gia tình báo thế giới đang nhìn về một hướng: Moscow – như nhận định
mới đây với PBS NewsHour của Javed Ali, chuyên gia chống khủng bố và cựu thành
viên Hội Đồng Tình Báo Quốc Gia Hoa Kỳ…
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/Vladimir-Putin-1536x939.jpg
Tổng
Thống Nga Vladimir Putin tại một cuộc họp hôm 12 Tháng Tám. (Hình: Gavriil
Grigorov/Pool/AFP via Getty Images)
Dù không
có bằng chứng rõ ràng liên quan Nga nhưng những nghi ngờ này không phải không
có cơ sở. Chính phủ Pháp đã bày tỏ lập trường cứng rắn trong việc ủng hộ
Ukraine; trong khi Moscow không khỏi không bất bình trước việc Ủy Ban Olympic
Quốc Tế ban lệnh cấm vận động viên Nga tham gia Paris 2024. Từ những tháng đầu
năm 2024, giới chức tình báo Châu Âu và Mỹ đã phát hiện loạt hoạt động phá hoại
đáng ngờ trên khắp Châu Âu liên quan cơ quan tình báo GRU của Nga, xảy ra tại Cộng
Hòa Czech, Estonia, Latvia, Đức, Ba Lan, Thụy Điển và Vương Quốc Anh.
Tháng Ba,
2024, một nhà kho của Ukraine ở Leyton, Đông London, đã bị thiêu rụi. Cảnh sát
Anh bắt bốn người, cáo buộc họ lập kế hoạch phá hoại cũng như có những hành động
hỗ trợ điệp viên Nga. Tháng sau, một cơ sở ở Nam Wales thuộc BAE (công ty quốc
phòng, an ninh và hàng không vũ trụ của Anh) bị nổ và bốc cháy, kiểu phá hoại với
cách thức và công thức thực hiện quen thuộc. Cũng trong Tháng Tư, nhà chức
trách Đức bắt hai đàn ông mang song tịch Đức-Nga tình nghi âm mưu phá hoại một
căn cứ quân sự ở Bavaria. Một trong hai nghi phạm này từng liên lạc với điệp
viên Nga. Tháng Năm, Ba Lan bắt ba đàn ông,
hai Belarus và một Ba Lan, với tội danh liên quan tình báo Nga và trực
tiếp thực hiện những hành vi đốt cháy và phá hoại.
Đáng gây sốc
hơn, giữa Tháng Bảy, theo CNN, tình báo Mỹ và Đức đã phối hợp phá vỡ một âm mưu
của điệp viên Nga nhằm ám sát Armin Papperger, chủ tịch Rheinmetall, tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu của Đức,
nơi cung cấp đạn pháo cho quân đội Ukraine. Vụ việc này, (âm mưu) ám sát một
công dân phương Tây trên đất phương Tây, đã đánh dấu sự thay đổi của hoạt động
tình báo Nga, cho thấy rằng Putin ngày càng liều lĩnh bất chấp hơn, khi mở ra một
chương mới trong các hoạt động vùng xám của Nga ở phương Tây. Cần nhấn mạnh,
ngay cả thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô cũng dè dặt thực hiện những hoạt động
tương tự.
Foreign
Affairs ngày 9 Tháng Tám, 2024 cho biết, sáu tháng qua, mạng lưới điệp viên mới
tuyển dụng của Nga đã nhận được tín hiệu rằng họ cần sẵn sàng tấn công các cơ sở
hạ tầng công nghiệp và giao thông của phương Tây – và trong một số trường hợp,
cả công dân phương Tây. Khi triển khai chiến thuật đánh phá trong lòng phương
Tây, Kremlin dường như tìm cách leo thang hết mức có thể, trong khi vẫn có thể
tránh gây ra phản ứng quân sự. Cộng đồng phương Tây gần như hoàn toàn chưa chuẩn
bị cho thách thức mới này. Hiện tại, Mỹ và đồng minh Châu Âu chỉ có thể giải
quyết từng cuộc tấn công riêng lẻ thay vì ứng phó bằng một chiến dịch phản đòn
rộng hơn. Các nước NATO vẫn chưa xây dựng được cách tiếp cận chung đối với mối
đe dọa này. Với khả năng gây ra hỗn loạn trên diện rộng, mô hình khủng bố của
Nga đang trở thành mối đe dọa gây mất ổn định, nhất là tại thời điểm bất ổn
chính trị ở Châu Âu và cuộc bầu cử tổng thống đang diễn ra căng thẳng tại Mỹ.
Trên thực
tế, ngay cả giai đoạn Chiến Tranh Lạnh, dù từng lên kế hoạch cho những hành động
như vậy, các cơ quan tình báo Liên Xô chưa bao giờ sử dụng để phá rối phương
Tây. Khi Chiến Tranh Lạnh nổ ra, hai cơ quan gián điệp Liên Xô – KGB và đơn vị
tình báo quân sự GRU – đã vạch loạt kế hoạch phá hoại ở Tây Âu và Mỹ. Thập niên
1950, Liên Xô bắt đầu cài thuốc nổ trên khắp Tây Âu, và cả ở Mỹ. Tuy nhiên,
chúng không được sử dụng và chỉ dành trong những trường hợp mà Liên Xô gọi là
“thời kỳ đặc biệt,” tức (trong trường hợp xảy ra) chiến tranh toàn diện với
phương Tây.
Khi lên nắm
quyền cuối thập niên 1990, cựu Đại Tá KGB Vladimir Putin hiển nhiên hiểu rõ khả
năng phá hoại của điệp viên Liên Xô, trong bối cảnh phần lớn cơ sở hạ tầng tình
báo Liên Xô gần như còn nguyên vẹn. Tháng Mười, 1999, chỉ hai tháng sau khi
Putin ngồi ghế thủ tướng rồi trở thành người kế nhiệm chính thức của Tổng Thống
Boris Yeltsin, Ủy Ban Quân Vụ Hạ Viện Hoa Kỳ (Armed Services Committee) đã tổ
chức phiên điều trần về “nhận thức mối đe dọa của Nga và những kế hoạch có thể
xảy ra từ các hoạt động phá hoại nhằm vào Hoa Kỳ.”
Trong
phiên điều trần, Curt Weldon, chủ tịch Tiểu Ban Nghiên Cứu và Phát Triển Quân Sự
(Military Research and Development Subcommittee), nhấn mạnh rằng Nga chưa bao
giờ tiết lộ sự tồn tại của vũ khí và chất nổ mà Liên Xô giấu ở các nước phương
Tây thời Chiến Tranh Lạnh. Những kho vũ khí bí mật này chưa bao giờ biến mất.
Cuối những năm 1990, vũ khí và chất nổ của Liên Xô đã được phát hiện ở Thụy Sĩ
và Bỉ. Đó cũng là giai đoạn mà FBI bắt đầu điều tra xem liệu có kho vũ khí KGB
trên đất Mỹ không. Tuy nhiên, cuộc điều tra bị đình trệ khi nước Mỹ đối phó với
cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện kinh hoàng 9/11.
Hai thập
niên qua, khi mở rộng phạm vi quyền lực, Putin hồi sinh chiến thuật phá hoại ở
nước ngoài. Hàng loạt vụ ám sát man rợ đã được điệp viên Nga thực hiện khắp thế
giới, từ Trung Đông đến Châu Âu. Năm 2004, điệp viên Nga đã ám sát cựu Phó Tổng
Thống Chechnya Zelimkhan Yandarbiyev tại Qatar. Kể từ đó, các vụ ám sát với “dấu
ấn” của nhà nước Nga và “dấu tay” Vladimir Putin chưa bao giờ dừng lại. Hàng loạt
người Nga lưu vong và nhân vật đối lập bị đầu độc chết một cách bí ẩn. Trong nước,
hàng loạt nhà báo Nga bị bắn vỡ sọ giữa thanh thiên bạch nhật…
Năm 2014,
khi Nga xâm lược miền Đông Ukraine, Putin tăng cường chiến dịch phá hoại và khủng
bố tại nhiều nơi. Tháng Mười và Tháng Mười Hai cùng năm, loạt kho đạn ở Cộng
Hòa Czech (thành viên NATO) đã bị đánh bom và bị phá hủy. Năm 2016, Nga thậm
chí thọc tay vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Với kế hoạch bằng mọi giá đưa
Donald Trump vào Tòa Bạch Ốc, điệp viên Nga tung ra chiến dịch tin giả với quy
mô chưa từng có trong lịch sử truyền thông thế giới, đánh phá tan nát hình ảnh ứng
cử viên Hillary Clinton…
Trong mùa
bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, Nga vẫn tiếp tục phá rối. Cuối Tháng Bảy, 2024,
tình báo Mỹ cho biết Nga không ngừng phát tán thông tin sai lệch liên quan chiến
dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Thượng Nghị Sĩ Mark Warner (Dân Chủ-Virginia), chủ
tịch Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, cảnh báo rằng mối đe dọa nhằm vào Mỹ bởi
thông tin sai lệch từ nước ngoài trong năm nay thậm chí nguy hiểm hơn so với cuộc
bầu cử 2020, rằng cuộc bầu cử 2024 đang “nằm trong tầm ngắm của những tác nhân
xấu trên toàn cầu.”
Theo
Reuters, Kremlin đang nhanh chóng thay đổi kịch bản phá hoại bầu cử Mỹ trước một
số diễn biến gần đây, đặc biệt vụ ám sát cựu Tổng Thống Donald Trump cũng như
quyết định rút lui khỏi cuộc đua của Tổng Thống Joe Biden để trao đuốc lại cho
Phó Tổng Thống Kamala Harris. Cụ thể, sau vụ ám sát Trump, bộ máy xào nấu tin
giả của Nga đã lập tức khuếch đại những lập luận rằng các phát biểu của đảng
Dân Chủ đã dẫn đến vụ ám sát, rằng Biden hoặc chính phủ Ukraine đứng sau toàn bộ
vụ việc…
No comments:
Post a Comment