Monday, 26 August 2024

ĐẢNG CỰC HỮU (AfD) VÀ CỰC TẢ (BSW) Ở ĐỨC : TUY HAI MÀ MỘT (Nguyễn Thọ / Báo Tiếng Dân)

 



Đảng cực hữu (AfD) và cực tả (BSW) ở Đức: Tuy hai mà một

Nguyễn Thọ

25/08/2024

https://baotiengdan.com/2024/08/25/dang-cuc-huu-afd-va-cuc-ta-bsw-o-duc-tuy-hai-ma-mot/ 

 

Chủ nhật tới 01.09 ở Đức sẽ bầu cử quốc hội hai bang miền Đông: Sachsen và Thüringen. Mặc dù kinh tế ở hai bang này ổn định và số người ngoại quốc nhập cư vào đây không nhiều nhưng phản ứng của dân chúng rất đáng ngạc nhiên.

 

Dự báo cho thấy hai đảng cực hữu (AfD) và cực tả (BSW) sẽ chiếm thế thượng phong và có cơ hội quyết định cho nền chính trị ở đây.

 

AfD viết tắt từ Alternativ für Deutschland (Sự lựa chọn cho nước Đức) là tập hợp của các lực lượng cực hữu ở Đông Đức. Đảng này ra đời năm 2013 với mục tiêu: Nước Đức cho người Đức. Họ chủ trương đóng cửa đối với tỵ nạn, thanh lọc và trục xuất người ngoại quốc, rút nước Đức ra khỏi EU, khôi phục đồng tiền D-Mark.

 

Với các mục tiêu mỵ dân đó, AfD từ Đông Đức đã nhanh chóng phát triển trong toàn quốc, nhất là từ sau vụ khủng hoảng tỵ nạn 2015 (1 triệu người, đa số từ Syria đã được vào Đức tỵ nạn). Hiện tại AfD đã có mặt tại nghị viện của 14 trong số 16 bang toàn quốc. Tại cuộc bầu cử quốc hội liên bang 2021, AfD đạt 10,4%.

 

Đa số đảng viên AfD xuất thân từ các thành phần bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa, nhưng một số đáng kể các nhân vật lãnh đạo mang nặng tư tưởng phát xít, phân biệt chủng tộc và tôn sùng bạo lực. Nhiều phát biểu của họ cố tình che giấu tội ác của Hitler và bênh vực chế độ quốc xã. Cơ quan bảo vệ hiến pháp Đức đã xếp AfD vào loại “cần phải quan sát”. Riêng đảng bộ AfD ở Thüringen bị xếp vào loại “cực hữu”. Bern Höcke, thủ lĩnh AfD tại Thüringen đã bị hầu tòa vì các phát biểu sặc mùi quốc xã.

 

Cực hữu như bà Le Pen ở Pháp mà phải tuyên bố không chơi với với AfD để khỏi bị mất phiếu.

 

Còn đảng BSW là viết tắt từ Bündnis Sahra Wagenknecht (Liên minh Sahra Wagenknecht, tên của người sáng lập phong trào). Wagenknecht là ai mà nguy hiểm vậy?

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/08/1-22-1024x683.png

Lãnh đạo đảng cực hữu Björn Höcke (trái) và cực tả Sahra Wagenknecht. Ảnh trên mạng

 

Cô bé Sarah sinh năm 1969 ở Jena, Đông Đức, trong một gia đình mà bố gốc Iran và mẹ Đức. Khi lớn lên ,cô đổi tên từ Sarah thành Sahra cho đúng kiểu viết của người Ba Tư.

 

Năm 20 tuổi cô đoàn viên ưu tú của Đoàn Thanh niên Tự do Đức (FDJ) bỗng cảm thấy hụt hẫng vì “bức tường chống phát xít” mà cô rất tự hào bảo vệ bỗng bị xóa bỏ. Vài tháng sau, đảng cộng sản cầm quyền ở đó (SED) phải rút lui, nhường quyền lãnh đạo cho các đảng khác. Giữa lúc hàng chục nghìn đảng viên lặng lẽ rời khỏi SED thì cô xin gia nhập đảng và thề quyết bảo vệ lý tưởng mà cô ấp ủ.

 

Những người cộng sản còn lại trong SED sau đó đổi tên thành “Đảng Chủ nghĩa Xã hội Dân chủ” (PDS), rồi thành “Đảng Cánh tả” (Die Linken) với những cương lĩnh ngày càng mềm dẻo hơn, ngày càng dễ tiêu hóa hơn trong xã hội dân chủ. Vì vậy họ luôn được tham gia cầm quyền ở các bang miền Đông. Riêng ở bang Thüringen, ông Ramelow của Đảng Cánh tả làm thủ tướng suốt từ năm 2014 đến nay.

 

Nhưng Sahra thì ngay từ khi vào đảng năm 1989 đã chủ trương duy trì cương lĩnh cứng rắn của đảng cộng sản. Cô ta tham gia và lãnh đạo nhóm “Kommunistische Plattform” (Nền tảng cộng sản) trong Đảng Cánh tả, bất chấp mọi phản đối của các đảng viên ôn hòa.

Tất nhiên cái nền tảng cộng sản (mà có lúc cô gọi là nền tảng Stalin (Stalinistische Plattform) đó không có chỗ đứng trong một đảng cánh tả đang tham gia cầm quyền ở xứ dân chủ, tự do.

 

Vì vậy từ đầu năm nay, cô chủ trương tách ra thành lập một đảng mới đúng gu của mình.

Và cô lấy tên mình gắn cho đảng: Liên minh Sahra Wagenknecht. Điều này hiếm thấy trong lịch sử. Và có thể sự độc đáo đó khiến cho nó rất thành công trước mắt. Một số đảng viên Đảng Cánh tả và Đảng Xã hội Dân chủ đã nhảy sang phong trào của cô. Hiện nay khả năng BSW vào quốc hội các bang miền đông với tỷ lệ hai chữ số là hiện thực. (Ở những nước quen với 99% như Việt Nam thì hai chữ số là trò trẻ con, nhưng ở Đức mà đạt 5% thì mừng húm, vì sẽ được vào quốc hội).

 

Như vậy, chủ nhật tới đây rất có khả năng một đảng phát xít và một đảng cộng sản stalinist sẽ chiếm thế thượng phong trong quốc hội hai bang Sachsen và Thüringen.

 

Tuy có khác nhau ở một số điểm, nhưng hai đảng này vận động tranh cử cùng luận điệu:

 

– Sùng bái Putin, ủng hộ mô hình nhà nước kiểu Putin. Luôn hô hào chơi với Nga có lợi hơn.

 

– Chấm dứt ủng hộ Ukraine để hòa bình bằng thương lượng. Hô hào dành tiền đó chấn hưng nước Đức (Make Germany Great Again).

 

– Hạn chế sự hợp tác với EU, dần đưa nước Đức ra khỏi khối này.

 

– Tách rời nước Đức khỏi NATO

 

– Đối với người ngoại quốc, hai đảng này đều cứng rắn, nhưng với các biện pháp khác nhau.

 

Vì sự tương đồng đó nên hai đảng này đang giành cử tri của nhau. Rất nhiều cử tri của AfD nay chạy sang BSW.

 

Tuy nhiên để chiếm đa số tuyệt đối (trên 50%), đủ sức lập chính phủ thì cả hai đảng này sẽ không đạt được. Nhưng chúng sẽ buộc các đảng phái dân chủ khác phải nhượng bộ hoặc phải ngầm bắt tay với chúng.

 

Cơn ác mộng cho nước Đức sẽ là chính phủ bang được liên minh giữa một đảng cực hữu mang mầu sắc phát xít và một đảng cực tả với gánh nặng cộng sản từ quá khứ. Điều đó có xảy ra hay không thì chưa ai dám chắc.

 

Nhưng khi nhìn vào quang phổ chính trị 360°, tôi nhớ đến kết luận của nhà sử học Mỹ Tymothy Snyder (Đại học Yale) khi nói về chế độ Putin [1]“Bước chuyển sang chủ nghĩa chuyên quyền cực hữu có lẽ là bậc thang cuối cùng của Chủ nghĩa Cộng sản – dù mới nghe có vẻ rất quái gở”.

 

Tuy hai mà là một!

________

Chú thích:

 

[*] https://www.t-online.de/nachrichten/ausland/usa/id_91047972/historiker-donald-trump-koennte-usa-mit-staatsstreich-uebernehmen.html

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats