Đưa
chiến tranh vào đất Nga: Chiến thuật có thể phản tác dụng đối với Ukraina
Trọng Nghĩa - RFI
Đăng ngày: 06/06/2023 - 14:53
Chiến thuật đưa chiến tranh vào đất Nga của Ukraina
trước mắt là một thành công, nhờ Kiev vẫn duy trì được số thương vong dân sự ở
mức thấp. Tuy nhiên, Ukraina cần cẩn thận, không nên để xẩy ra những vụ việc
đáng tiếc với thương vong dân sự cao, gây nên “hiệu ứng Chechnya” có lợi cho
Putin
Ảnh minh họa: Ảnh trích từ vidéo cho thấy một căn hộ tại Matxcơva bị
trúng drone ngày 30/05/2023. AP
Vào hôm nay, 06/06/2023, huyện Shebekino ở
vùng Belgorod của Nga, giáp giới với Ukraina, lại bị pháo kích và cư dân được
yêu cầu lánh nạn trong các hầm trú ẩn. Trong những tuần lễ gần đây, Belgorod
liên tục bị tấn công, và cách nay hai hôm, Nga một lần nữa tuyên bố đã đẩy lùi
một cuộc đột kích của các chiến binh Nga thân Ukraina. Tình hình nghiêm trọng đến
mức chính quyền địa phương đã phải cho sơ tán hàng ngàn người dân ra xa các khu
vực gần biên giới.
Cuộc chiến do Putin khởi động đã "lan"
ngược về Nga
Tình hình trong thời gian
gần đây tại Belgorod, cũng nhiều nơi khác trên lãnh thổ Nga, kể cả tại thủ đô
Matxcơva, cho thấy là cuộc chiến tranh Ukraina mà tổng thống Nga Valadimir
Putin khởi động không còn giới hạn trên lãnh thổ nước láng giềng mà đã lan ngược
trở lại đất Nga, và chính người dân Nga đã bắt đầu phải sống những hoàn cảnh mà
người Ukraina phải trải qua từ hơn một năm nay.
Cho đến nay, chính quyền
Kiev về mặt chính thức, vẫn không thừa nhận mình là tác giả các sự cố trên lãnh
thổ Nga, từ các vụ drone hai lần đánh vào Matxcơva, cho
đến vụ tấn công vào các nhà máy lọc dầu ở Krasnodar, miền nam nước Nga, hay các
vụ phá hoại đường xe lửa ở khu vực gần biên giới với Ukraina. Thậm chí các vụ đột
kích từ lãnh thổ Ukraina đánh vào Belgorod cũng được Ukraina nhấn mạnh là do
các lực lượng Nga chống Putin tiến hành.
Tuy nhiên, đối với giới quan sát, việc các sự
cố xẩy ra ngày càng nhiều trên lãnh thổ Nga là dấu hiệu của một thay đổi chiến
thuật của Ukraina, “xuất khẩu” chiến tranh qua lãnh thổ Nga, vừa buộc Quân Đội
Nga phải dàn trải lực lượng để đối phó, không tập trung được vào chiến dịch tấn
công Ukraina, vừa gây tác động tâm lý trên người dân Nga để họ chống lại cuộc
chiến do chính quyền khởi động.
Trong một bài phân tích đăng ngày 02/06 vừa
qua, hãng tin Mỹ Bloomberg cho rằng chiến thuật tấn công sâu vào bên trong lãnh
thổ Nga, dù là các cuộc đột kích táo bạo ở vùng biên giới hay là các vụ đánh
phá bằng drone và tên lửa là một tính toán trước mắt có thể mang lại cho
Ukraina một số lợi ích về quân sự.
Hai lợi ích của chiến thuật mới
Trước hết, chiến thuật có thể gọi là “nghi
binh” này buộc bộ chỉ huy quân sự Nga phải dồn lực lượng trám vào nhiều lỗ hổng
về mặt phòng thủ lãnh thổ rộng lớn của Nga. Tại khu vực Belgorod, nhóm đột kích
đã tấn công vào nơi kết thúc một đoạn biên giới mới được củng cố một cách rất tốn
kém và một đồn biên phòng hầu như không có người điều khiển. Các chiếc drone
bay đến Matxcơva đã xuyên thủng hệ thống phòng không chặt chẽ nhất trên toàn nước
Nga chỉ vì chúng bay thấp và dường như không sử dụng hệ thống định vị vệ tinh khi
tiếp cận mục tiêu. Ngay chính tổng thống Putin cũng phải công nhận rằng hệ thống
phòng không của thủ đô cần được cải thiện.
Kết quả tối hậu của các đòn tấn công này là
khiến bộ chỉ huy quân sự Nga phải chuyển hướng lực lượng và sự chú ý khỏi tiền
tuyến ở Ukraina, và bị lúng túng trong việc phán đoán các hướng tấn công của đợt
phản công mà lực lượng Kiev đang chuẩn bị.
Ngoài ra, các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga rất
hữu ích trong cuôc chiến tranh thông tin và tâm lý của Ukraina, xóa bỏ được mọi
dư luận tiêu cực có thể phát sinh từ việc Bakhmut thất thủ, đồng thời thăm dò
được phản ứng của các đồng minh phương Tây trước các hành động táo bạo hơn của
Kiev.
Các phản ứng chính thức của Mỹ và Anh rất chừng
mực, trong lúc quyết tâm cung cấp cho Ukraina các tên lửa tầm xa như loại Storm
Shadow của Anh và chiến đấu cơ F-16 của Mỹ không hề bị dao động.
Cả hai lợi thế kể trên đều đặc biệt quan trọng
nếu Ukraina thành công trong chiến dịch phản công của mình.Nếu quân đội Ukraina
có thể dứt khoát cắt đứt “cây cầu trên đất liền” nối liền Nga với vùng
Crimée, một dải đất hình lưỡi liềm chạy dài ở phía đông và nam Ukraina, ở
một số nơi chỉ rộng 150 km, thì tất cả các lãnh thổ mà Nga chiếm được của
Ukraina kể từ năm 2014 đến nay sẽ gặp khó khăn, đến mức mà Putin có thể là
không còn tiếp tục chiến đấu được nữa.
Phản tác dụng nếu thương vong dân sự quá lớn
Theo Bloomberg, nếu cuộc phản công chùn bước
khi quân đội Ukraina phải đối mặt với các công sự phòng thủ mới rộng lớn của
Nga và một đối thủ thận trọng và kinh nghiệm hơn, thì các cuộc đột kích bí mật
vào Nga có thể phản tác dụng nếu gây thương vong dân sự quá lớn.
Vấn đề lớn nhất của Putin khi cuộc xâm lược
kéo dài không phải là tình trạng tương đối tệ hại quân đội chính quy, bị tham
những đục khoét và có một giàn tướng lính chỉ huy kém cỏi, mà là sự thiếu vắng
đồng thuận dân chúng trong việc ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến tranh Ukraina.
Một ví dụ điển hình: Hầu hết người Nga không sẵn
lòng đóng góp dù chỉ một khoản tiền nhỏ cho nỗ lực chiến tranh. Tinh thần của
binh lính cử qua Ukraina cũng xuống thấp - điểm yếu lớn nhất của quân đội xâm
lược. Và nỗ lực đầu tiên của Putin trong đợt động viên năm ngoái đã gây ra một
cuộc di cư của những người trong độ tuổi chiến đấu, mà số người bỏ nước ra đi
ngang bằng với số binh lính mới được tuyển.
Nguy cơ dư luận đảo chiều
Các vụ tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga có
khả năng thay đổi điều đó, như đã từng xẩy ra trong cuộc chiến Chechnya vào những
năm 1990 và 2000. Năm 1994, khi Nga can thiệp quân sự vào Chechnya, đại đa số
người Nga ủng hộ một giải pháp hòa bình hoặc thậm chí là một giải pháp rút quân
vô điều kiện. Năm 1997, 51% những người được hỏi cho biết họ ủng hộ việc trao độc
lập cho Chechnya.
Tuy nhiên, đến cuối năm 1999, đã có đến hai phần
ba người dân ủng hộ việc tiếp tục thúc đẩy chiến dịch quân sự. Nguyên nhân của
tình trạng dư luận đảo chiều chính là các vụ đột kích của người Chechnya vào
vùng Dagestan lân cận và một loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhắm vào máy
bay, đường tàu điện ngầm ở Mátxcơva và cuối cùng là, các tòa nhà dân cư ở
Matxcơva và các nơi khác.
Một số đối thủ lâu năm của Putin đã đổ lỗi cho
ông về việc dàn dựng nhiều sự cố để để làm dư luận đổi hướng. Thực hư của việc
này không rõ ràng, nhưng trong thực tế thì dư luận đã quay sang ủng hộ Putin
trong vấn đề Chechnya.
Hiệu ứng Chechnya
Về cuộc chiến Ukraina hiện nay, theo
Bloomberg, Putin đang cần đến một dư luận tích cực ủng hộ ông, cần người Nga
quên đi ai là người thực sự bắt đầu cuộc chiến và cần họ nổi giận để ông ấy có
thể khai thác lực lượng dự bị động viên ít nhất 2 triệu người của Nga. Nói cách
khác, tổng thống Putin đang cần một “hiệu ứng Chechnya”.
Điều kiện cần thiết cho việc hình thành hiệu ứng
Chechnya chính là một số thương vong dân sự đáng kể do các cuộc tấn công của
Ukraina. Các hành động khủng bố của phe ly khai Chechnya đã dẫn đến cái chết của
hàng trăm thường dân, sự hy sinh mạng sống vô tội mà xã hội Nga khó chấp nhận.
Tuy nhiên, cho đến nay, các hoạt động của
Ukraina trên lãnh thổ Nga đáng chú ý vì phong cách chế giễu, thiếu tôn trọng
hơn là tính sát thương nguy hiểm. Đã có một vài người bị thiệt mạng hay bị
thương tích lẻ tẻ do các vụ tấn công vào các khu vực biên giới của Nga, nhưng
không ở quy mô có thể tác động đến phần lớn dân số. Cuộc tấn công bằng drone
vào Matxcơva không cướp đi mạng sống nào, mặc dù hai trong số các UAV thực sự
đã bay vào các căn hộ.
Nhìn chung, theo Bloomberg, chiến thuật đưa
chiến tranh vào đất Nga của Ukraina trước mắt là một thành công, nhờ Kiev vẫn
duy trì được số thương vong dân sự ở mức thấp. Tuy nhiên, Ukraina cần cẩn thận,
không nên để xẩy ra những vụ việc đáng tiếc với thương vong dân sự cao gây nên
“hiệu ứng Chechnya” có lợi cho Putin.
No comments:
Post a Comment