Tuesday 27 June 2023

TRUYỀN HÌNH VIỆT NGỮ HẢI NGOẠI : MẶT TRẬN KHÔNG YÊN TĨNH (Vũ Đình Trọng / Saigon Nhỏ)

 



Truyền hình Việt ngữ hải ngoại: Mặt trận không yên tĩnh (1)

 Vũ Đình Trọng  -  Saigon Nhỏ
24 tháng 6, 2023

https://saigonnhonews.com/nua-the-ky-little-saigon/truyen-hinh-viet-ngu-hai-ngoai-mat-tran-khong-yen-tinh-1/

 

LTS. Ngay từ khi đặt chân đến Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản đã cùng chung sức khai phá ngành truyền thông Việt ngữ, với mục đích gìn giữ văn hóa, là cầu nối cho người Việt tỵ nạn khắp nơi. Thế hệ truyền thông đầu tiên gồm một số nhà báo, nhà văn, nhà thơ, đã hoạt động trong ngành truyền thông trước 1975. Lúc đầu, họ chỉ “mong làm báo chừng 5, 7 năm thôi, đến khi tiếng Việt không còn nữa thì nghỉ”, như lời chia sẻ của cố ký giả Ngọc Hoài Phương.

 

Điều không ai ngờ là ngành truyền thông hải ngoại ngày càng phát triển, cả số lượng và phẩm chất. Quận Cam (California) từng có bốn tờ nhật báo, hơn 10 tuần báo, nguyệt san và bán nguyệt san. Về truyền thanh, ngoài ba đài lớn như Little Saigon Radio, Radio Bolsa, VNCR, còn có một số đài khác, với thời lượng phát thanh từ 2 đến 6 tiếng một ngày, kể cả cuối tuần.

 

Tuy nhiên, thời hoàng kim của báo chí Việt ngữ đã qua. Hiện nay chỉ còn tờ Người Việt là ra báo hàng ngày, đúng nghĩa “nhật báo”, còn ba tờ “nhật báo” khác (Việt Báo, Viễn Đông, Việt Mỹ) không chỉ rút lại số lượng phát hành, mà còn bớt lại một số ngày ra báo. Một số tờ báo tuần cũng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” – tiền quảng cáo không đủ chi phí in – nên đành đóng cửa, hoặc thu gọn nhân sự lại, sống lây lất…

 

Ngược lại với sự đi xuống của báo chí và radio, các hệ thống truyền hình dù xuất hiện trễ hơn, chí phí hoạt động tốn kém hơn, nhưng lại có những bước phát triển mạnh, nhất là giai đoạn sau này, khi các băng tần analog được chuyển sang digital.

 

Nhìn vào bề nổi, nhiều người cho rằng đây là một bước phát triển vượt bực của truyền thông hải ngoại, với hơn 20 đài truyền hình digital địa phương. Thế nhưng, cho dù “trăm hoa đua nở”, nhưng không phải hoa nào cũng đẹp và cũng thơm, khi một số đài truyền hình không khác gì gánh “sơn đông mãi võ”, một vài đài xác định “chỉ làm thương mại”… Các đài truyền hình nói riêng và ngành truyền thông của người Việt hải ngoại hiện tại đứng trước một thử thách khắc nghiệt: Làm thế nào để tồn tại, khi “mặt trận truyền thông” chưa bao giờ yên tĩnh?

 

.

Những nền móng truyền thông đầu tiên trên đất Mỹ

 

Nhóm người Việt tỵ nạn đầu tiên đặt chân đến trại Pendleton, miền Nam California vào tháng Năm 1975. Cuộc sống mới bắt đầu rất khó khăn, thế nhưng chỉ đến Tháng Mười Một, nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan cùng một số nhà báo, nhà văn từng hoạt động trong nước, xuất bản tờ nguyệt san Hồn Việt, phát hành khắp Hoa Kỳ. Một số người đặt nền móng cho ngành truyền thông người Việt hải ngoại gồm có: Nguyễn Hoàng Đoan (chủ nhiệm), Nguyễn Văn Quang và Trọng Viễn (phụ tá chủ nhiệm), nhà báo Du Miên (giám đốc kỹ thuật),… Nhà văn Nguyễn Tất Điều là Tổng Thư Ký đầu tiên, sau đó là nhà báo Đỗ Ngọc Yến.

 

Theo cố ký giả Ngọc Hoài Phương, “Sau tờ Hồn Việt, ngày 6 Tháng Hai năm 1976, tuần báo Trắng Đen do nhà báo Việt Định Phương làm Chủ Nhiệm ra đời, với hai người phụ giúp: Nhà văn Tử Vi Lang là Phụ tá Chủ Nhiệm, nhà báo Thế Linh làm Tổng Thư Ký, tôi (Ngọc Hoài Phương) và Thế Phương làm phụ tá Tổng Thư Ký”.

 

Năm 1978, nhóm Hồn Việt quyết định ra tuần báo Người Việt Cali, giao cho hai nhà báo Đỗ Ngọc Yến và Du Miên phụ trách. Sau đó, dựa trên nền móng tuần báo Người Việt Cali, hai nhà báo Đỗ Ngọc Yến và Du Miên quyết định đổi tên thành Người Việt. Sau một thời gian hoạt động, tờ tuần báo Người Việt trở thành tờ nhật báo Người Việt vào năm 1985, hoạt động cho đến ngày nay, và trở thành tờ nhật báo lớn nhất không chỉ của người Việt ở Mỹ mà còn ở hải ngoại nói chung.

 

Có thể nói, Nguyệt san Hồn Việt, và sau này là Nhật báo Người Việt, đã đặt nền móng cho sự phát triển của ngành truyền thông người Việt hải ngoại, để từ đó một số tờ báo khác ra đời như tuần báo Sài Gòn của nhà báo Du Miên (1978); tờ Chí Linh của nhà báo Trọng Viễn (1978); nhà thơ Du Tử Lê là chủ nhiệm các báo Nhân Chứng, Tay Phải, và Văn nghệ (thập niên 1980); Nhật báo Việt Báo Kinh Tế (nhà thơ Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca); Nhật báo Viễn Đông (nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, và sau này nhà báo Tống Hoằng).

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/50-nam-Truyen-hinh-Viet-ngu-1.jpg

Hình kỷ niệm Tết đầu tiên trên đất Mỹ (đại lộ Hollywood, Los Angeles đầu năm 1976) của một số người khai phá ngành truyền thông Việt ngữ tại hải ngoại. Từ trái: Cựu Thiếu tá Nguyên Thế Hanh, ông Đinh Văn Ngọc, nhà báo Tô Văn, nhạc sĩ Tô Huyền Vân, nhà báo Việt Định Phương, nhà báo Ngọc Hoài Phương và dịch giả Tử Vi Lang (dịch giả hai bộ truyện nổi tiếng Tam Quốc Chí và Thủy Hử) – ảnh: nhà báo Ngọc Hoài Phương cung cấp

 

Đầu thập niên 1980, nhà báo Thế Phương mở ra hướng đi mới cho ngành truyền thông người Việt hải ngoại khi ông lấn sân qua lãnh vực truyền thanh. Tuy nhiên do khó khăn về tài chánh, đài của ông cũng không tồn tại được lâu. Năm 1980, ông Vũ Quang Ninh thành lập đài radio Tiếng Vọng Quê Hương, phát thanh ba ngày mỗi tuần, mỗi lần 1 giờ và kéo dài được ba năm. Năm 1993 ông cùng một số thân hữu như ông Đinh Xuân Thái, bà Quỳnh Trang, ông Lê Hoan,… thành lập đài Little Saigon Radio.

 

Năm 1997, nhạc sĩ Việt Dzũng và xướng ngôn viên Minh Phượng thành lập đài Radio Bolsa. Ngành truyền thanh của người Việt hải ngoại tiếp tục phát triển cho đến nay, sau này cộng đồng người Việt có thêm một số đài khác như Saigon Radio Hải Ngoại, Mẹ Việt Nam, v.v…

Hai ngành truyền thông này (báo giấy và phát thanh) cung cấp nhiều tin tức cần thiết cho người Việt định cư tại Nam California những năm đầu tiên, góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ văn hóa Việt, giúp sức cho công cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trong nước. Từ đó đến nay, dù rất muốn nhưng nhà cầm quyền Hà Nội vẫn không thể có một tờ báo hay một đài phát thanh riêng nào để thao túng cộng đồng và thực hiện nghị quyết 36 của họ.

 

Tuy nhiên, ngành truyền hình thì khác.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/maxresdefault.jpg

Một buổi phát sóng của SBTN (SBTNOfficial – YouTube)

 

.

“Mặt trận không yên tĩnh”

 

Ngành truyền hình Việt ngữ hải ngoại góp mặt sau nhưng có nhiều bước tiến đáng kể. Năm 1987, trong hệ thống đài truyền hình địa phương (local), Little Saigon TV xuất hiện trên băng tầng 44, mở đầu cho sự khai phá của ngành truyền thông này. Chủ nhân là hai vợ chồng (lúc đó) ông Đinh Xuân Thái và bà Quỳnh Trang. Dù chỉ góp mặt một giờ mỗi ngày, Little Saigon TV nhanh chóng được cộng đồng ủng hộ qua phần tin tức và sinh hoạt cộng đồng. Vài năm sau, họa sĩ Lương Văn Tỷ mở đài Truyền Hình Văn Nghệ trên băng tầng 18 (một giờ/ngày vào hai ngày cuối tuần), nhưng cũng chỉ hoạt động trong thời gian ngắn.

Nhờ kỹ thuật digital, và cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, từ năm 2000 trở đi, ngành truyền hình có nhiều thay đổi, phát triển mạnh về số lượng đài. Năm 2002, nhạc sĩ Trúc Hồ và ca sĩ Thy Vân thành lập đài SBTN, phát hình trên hệ thống Direct TV và cable; khoảng năm 2004 trở đi, một số đài truyền hình khác ra đời như SET, VNA, Saigon TV, VBS TV, NVA TV, VietFace TV,… Đài Little Saigon TV cũng chuyển phát hình từ analog sang digital, phát hình 24/24.

 

Lúc đầu, các đài truyền hình ở nhiều băng tầng xa nhau, khiến khán giả khó nhớ khi chuyển từ đài này qua đài khác. Từ năm 2008 trở đi, các đài truyền hình đồng loạt chuyển về băng tầng 57, và hiện nay, riêng hệ thống băng tầng này, chúng ta đã có gần 20 đài truyền hình trên các băng tầng 57.xx. Khi hệ thống băng tầng không mở thêm, một số đài truyền hình ra sau được phát hình trên hệ thống băng tầng 56, và một số băng tầng khác. Sau này, ngoài chuyện phát hình ở địa phương, hầu hết các đài đều có mặt trên hệ thống Galaxy để mở rộng mạng lưới, phục vụ khán giả toàn nước Mỹ và Canada.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/50-nam-Truyen-hinh-Viet-ngu-2.jpg

Chương trình “Luận Đàm Thời Sự” của Little Saigon TV 57.5 – ảnh: YouTube Little Saigon TV

 

Ngoài hướng đi riêng của từng đài, mục đích chung của các đài truyền hình Việt ngữ của người Việt hải ngoại là phục vụ người Việt hải ngoại qua phần tin tức và sinh hoạt cộng đồng, như lời chia sẻ của nhạc sĩ Trúc Hồ (Giám đốc SBTN):

 

“SBTN muốn trở thành một đài truyền hình mang nặng phần tin tức như đài Fox hay CNN của Hoa Kỳ, với mục đích giúp người Việt ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng có nhịp cầu nối với nhau. Như chuyện gì xảy ra với người Việt ở Dallas, cũng được người Việt ở Đan Mạch cũng biết. Nơi nào có người Việt sinh sống thì nơi đó có phóng viên SBTN, kể cả trong nước. Nói chung, nhiệm vụ của SBTN là đi sát với cộng đồng người Việt hải ngoại.”

 

Mỗi đài truyền hình đều có những chương trình mang dấu ấn riêng, như đài VNA có chương trình “Good Morning Việt Nam America” do nhà báo Du Miên phụ trách, “Sổ tay truyền hình” của nhà báo Phạm Long, “5 điều 7 chuyện 3 cái linh tinh” do cô Phương Thanh phụ trách; đài Saigon TV được nhiều người theo dõi qua “Café sáng”, “Luận đàm thời sự”, “Mỗi tuần một vấn đề”, các phóng sự trực tiếp (live) từ địa phương cho đến các sự kiện lớn xảy ra trên nước Mỹ và thế giới, và đặc biệt là chương trình “Breaking News”.

 

Ngoài ra, các đài truyền hình còn chú trọng thêm những chương trình mang tính xã hội, giáo dục và giải trí. Theo đánh giá của anh Quang Phạm (Westminster), người thường xuyên theo dõi truyền hình, thì: “Trước đây các đài nặng về phần tin tức, cộng đồng, nên chương trình cũng giông giống nhau. Hơi nặng, và khô. Thời gian sau này, cũng là tin về cộng đồng, hay chính trị, nhưng cách làm hấp dẫn hơn. Thêm nữa, cái đài cố gắng sản xuất nhiều chương trình nhiều hơn, nhất là phần vui chơi, giải trí, nên xem cũng được.”

 

Một người chuyên lấy quảng cáo cho các đài truyền hình (xin giấu tên) cho biết: “Với hơn 20 đài truyền hình Việt ngữ (free to air), sự cạnh tranh để lấy được quảng cáo bảo trợ rất gay gắt, đài mới ra, cho giá quảng cáo rẻ hơn để mời khách, khiến các đài khác cũng phải xuống giá để giữ khách. Cứ thế giá quảng cáo xuống dần, tuy có lợi cho khách hàng, nhưng hoạt động của đài ngày càng chật vật hơn.”

 

Chị cũng cho biết thêm: “Vẫn có một số ít đài tivi không xuống giá, vì họ có chương trình hay, có khán giả. Tuy nhiên, những đài như thế không nhiều”.

 

Như thế, bài toán ở đây là chỉ còn một cách để tồn tại, đó là làm sao để chương trình hay, lôi cuốn khán giả, từ đó giữ được khách hàng cũ, và mời được khách hàng mới bảo trợ. Mà thực hiện chương trình với một kinh phí hạn hẹp thì không dễ chút nào.

 

Nhà báo Trần Nhật Phong cho biết: “Đúng là các đài truyền hình gặp trở ngại rất lớn về chương trình. Làm nội dung rất tốn kém, càng tốn kém hơn khi giá quảng cáo ngày càng giảm do cạnh tranh. Trong ‘cái khó ló cái khôn’, các đài chỉ làm tám tiếng chương trình, rồi phát lại, ngoài trừ phần cập nhật tin tức và breaking news.”

 

Khi giải không được “bài toán khó”, một số chủ đài truyền hình tìm cách đưa nó về một dạng dễ giải hơn: Mua hoặc trao đổi quảng cáo để được chiếu phim truyện và game show trong nước. Một số ít đài dứt khoát “không chiếu phim cộng sản” thì tìm nguồn phim Hàn Quốc, hoặc Trung Quốc về chiếu. Đương nhiên, phim truyện Việt Nam vẫn chiếm ưu thế hơn phim các nước khác.

 

Bà Thanh Nguyễn (Anaheim), một khán giả rất thích xem phim bộ trên truyền hình, cho biết cảm nghĩ: “Tối đi làm về mở tivi xem phim bộ giải trí thôi. Cứ hết đài này đến đài kia, tùy giờ chiếu (cười). Nói chung là phim tình cảm tâm lý xã hội, diễn viên đẹp, đóng hay, dù cốt truyện cũng không có gì nhưng lôi cuốn. Xem cho hết giờ rồi đi ngủ, chứ tôi cũng không quan tâm đến chính trị, thời sự gì.”

 

Tuy nhiên, ở góc nhìn của người làm truyền thông, nhạc sĩ Trúc Hồ chia sẻ:

 

“Tương lai sẽ như thế nào nếu bây giờ chúng ta không bảo vệ nền văn hóa của chúng ta? Hầu như đài nào cũng chiếu game show, phim bộ Việt Nam. SBTN thì không, vì tôi không chấp nhận làm việc với chính quyền trong nước.

 

“Có người nói ‘game show đâu phải là chính trị, chỉ là giải trí thôi mà! Phim bộ chỉ là chuyện tình cảm thôi mà! Lâu lâu thấy lá cờ (đỏ sao vàng) chút xíu thôi, có sao đâu!…’

 

Tôi không bao giờ xem hết, nhưng thấy cái đó mình rất buồn. Nhiều khi về nhà buổi tối, mở đài địa phương lên xem, cứ ngỡ mình đang còn ở với Việt Cộng, vì họ dùng những chữ hoàn toàn xa lạ với mình. Lúc đầu thì xa lạ, nhưng xem một thời gian thì ngay cả người lớn cũng thấy bình thường, nói chi đến con cháu chúng ta. Những cái đó đi ngầm, nếu con cháu mình không có điểm tựa về văn hóa của người Việt VNCH, thì sẽ nhanh chóng tiếp nhận văn hóa bên kia. Nguy hiểm vô cùng, và đó là bài toán nhức đầu nữa.”

 

Trong khi các đài truyền hình Việt ngữ hải ngoại đang chật vật kiếm từng xu quảng cáo thì trên hệ thống truyền hình địa phương xuất hiện một đài truyền hình được nuôi bằng “bầu sữa” trong nước nên không cần lấy quảng cáo ngoài này. Đó là đài của nhà nước CSVN, có tên NetViet, bắt đầu phát sóng vào ngày 1 Tháng Tám 2016 trên băng tầng 54.5, phủ sóng toàn cõi California.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/50-nam-Truyen-hinh-Viet-ngu-3.jpg

Đài truyền hình NetViet – Ảnh: NetViet

 

Cần nhấn mạnh, Kênh VTC10-NetViet đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông cộng sản Việt Nam phê duyệt là một trong mười kênh truyền hình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia trong thông tư số 09/2012/TT-BTTTT. Ngày 4 Tháng Chín 2012, NetViet cũng được Thủ tướng cộng sản Việt Nam quy hoạch là Kênh truyền hình phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong Quyết định số 1209/QĐ-TTg.

 

Sau đó, ngày 23 Tháng Giêng 2013, NetViet đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Pháp, phát trên hệ thống Orange TV trực thuộc tập đoàn France Telecom, được phát sóng trong dịch vụ truyền hình IPTV cung cấp tới hơn 4 triệu 800 ngàn thuê bao. Orange TV là hãng truyền hình IPTV lớn nhất tại Pháp với thị phần truyền hình và ADSL chiếm 45%, doanh thu trung bình mỗi năm đạt 45 tỉ euro.

 

Việc có một đài truyền hình trong nước phát hình tại California, nơi có trên 500 ngàn người Việt sinh sống, đã mở ra một “mặt trận truyền thông” mới. Cộng đồng người Việt hải ngoại tại California dù muốn hay không, cũng phải ở trong “trận chiến văn hóa” này, và ngành truyền thông hải ngoại đang ở trong một “mặt trận không yên tĩnh”!

____________

CÒN TIẾP

 

                                                                  *****

 

Truyền hình Việt ngữ hải ngoại: Tương lai ảm đạm hay sáng sủa? (2)

Vũ Đình Trọng
26 tháng 6, 2023

https://saigonnhonews.com/nua-the-ky-little-saigon/truyen-hinh-viet-ngu-hai-ngoai-tuong-lai-am-dam-hay-sang-sua-2/

 

Chương trình NetViet có gì?

 

Vào Tháng Mười năm 2016, Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai tổ chức buổi họp báo để “loan báo tình hình Cộng Sản Việt Nam sử dụng truyền hình để tuyên truyền tại California”. Nhờ đó nhiều người mới biết “có đài của Việt Cộng ở thủ đô tỵ nạn”.

 

Tuy nhiên, hoạt động của Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai cũng chỉ dừng tại đó, vì NetViet không có văn phòng đại diện ở Nam California, thì làm gì có chỗ để biểu tình.

 

Một số người đã xem đài truyền hình này nhận xét rằng, chính quyền trong nước tìm cách “tô hồng” chế độ khá khéo léo qua những chương trình văn hóa có chiều sâu như “Văn hóa ẩm thực Việt Nam”, “Văn hóa làng nghề”,… Cách dàn dựng, biên kịch được chuẩn bị kỹ, có thêm phần phụ đề Anh ngữ cho người nước ngoài. Họ cũng chú trọng đến tiểu tiết để không gây phản cảm cho người Việt hải ngoại, như tránh quay cờ đỏ sao vàng, hay tượng ông Hồ, nếu đoạn phân cảnh không bắt buộc.

 

Nói chung, đây là đài quảng cáo cho chế độ, được chính quyền CSVN cung cấp vốn, thực hiện Nghị quyết 36, nên họ ra sức quảng bá hình ảnh “tốt đẹp”, theo đúng nghĩa “tốt khoe, xấu che”. Cũng vì đã có nhiều kinh phí hoạt động, nên họ không cần lấy quảng cáo. Quảng cáo các doanh nghiệp trong nước thì không phù hợp, còn các cơ sở kinh doanh ở hải ngoại, có dù có mối làm ăn với trong nước, cũng không dám quảng cáo. Điều đó chẳng khác gì “tiếp tay cho cộng sản”!

 

Theo trang web của NetViet, hiện nay họ phát sóng tới hơn 20 quốc gia (có người Việt cư ngụ) ở bốn châu lục. Tạm tính chi phí mua giờ phát sóng là $20,000/tháng, thì mỗi năm đã tốn $240,000, chưa kể tiền làm chương trình, lương nhân viên, và nhiều chi phí khác. Con số này vẫn là quá ít và họ sẵn sàng bỏ ra thêm gấp nhiều lần nữa để phủ sóng toàn bộ cộng đồng người Việt tỵ nạn trên khắp thế giới.

 

Thế nhưng không phải muốn là được. Hoạt động một thời gian, do thấy cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản ở Quận Cam lên tiếng phản đối mạnh mẽ, đài NetViet âm thầm rút lui khỏi hệ thống đài truyền hình địa phương, chỉ còn phát sóng trên vệ tinh Galaxy 19 tại Bắc Mỹ.

 

Điều đó không có nghĩa là “mặt trận truyền hình đã yên tĩnh”.

 

.

Càng nhiều đài truyền hình, càng nhiều phim truyện Việt Nam

 

Mỗi đài truyền hình hải ngoại đều có những chương trình mang dấu ấn riêng, tùy theo nhân sự và khả năng, sẽ có hướng phát triển riêng về chương trình, nhờ đó khán giả có nhiều chọn lựa theo nhu cầu riêng của mình. Tuy nhiên, mặc dù cố gắng đến đâu chăng nữa, các đài vẫn thiếu chương trình nên phải mua bản quyền một số chương trình để chiếu, phổ biến là phim bộ từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, và nhiều nhất là phim bộ Việt Nam. Nhiều thứ hai là gameshow sản xuất trong nước, và sau đó là một số chương trình khác như ẩm thực địa phương Việt Nam, du lịch nội địa Việt Nam, v.v…

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/50-nam-Truyen-hinh-Viet-ngu-Ky-2-01.jpg

Chương trình “Café Sáng” trên đài truyền hình Little Saigon mỗi sáng, được nhiều người theo dõi. Hình: Nguyễn Trường (trái) và Hoàng Trọng Thụy trong chương trình “Café Sáng” – Ảnh chụp màn hình YouTube

 

Nhìn vào lịch chiếu phim bộ của các đài truyền hình, người ta dễ dàng nhận thấy nhu cầu rất lớn xem phim bộ, nhất là phim bộ sản xuất tại Việt Nam. Có phim chiếu ở đài này, một thời gian sau lại thấy xuất hiện ở đài khác, vẫn có người xem dù nhiều người đã thuộc làu nội dung từ đầu đến cuối. Giờ chiếu phim bộ Việt Nam trở thành giờ “vàng” của đài, vì lấy được nhiều quảng cáo, bảo trợ.

 

Phải công nhận một điều là phim trong nước rất thu hút khán giả hải ngoại. Một số rất ít phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng từ xưa, như các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, tái hiện cảnh sông nước, nhà cửa thời Pháp thuộc, còn lại đều có bối cảnh hiện tại.

 

Hầu hết diễn viên trong nước đã được đào tạo từ các trường nghệ thuật nên diễn xuất khá tự nhiên, nhập vai tốt, lôi cuốn người xem. Nhờ được chiếu trên các đài truyền hình hải ngoại, các diễn viên này được khán giả hải ngoại biết đến nhiều, điều này tạo thuận lợi cho họ (kể cả một số “nghệ sĩ ưu tú”, hay “nghệ sĩ nhân dân”) khi sang Mỹ biểu diễn.

 

Bà Thanh Nguyễn (Anaheim), một khán giả rất thích xem phim bộ truyền hình, cho biết: “Tối đi làm về mở tivi xem phim bộ giải trí thôi. Cứ hết đài này đến đài kia, tùy giờ chiếu. Nói chung là phim tình cảm tâm lý xã hội, diễn viên đẹp, đóng hay, dù cốt truyện cũng không có gì nhưng lôi cuốn. Xem cho hết giờ rồi đi ngủ, chứ tôi cũng không quan tâm đến chính trị, thời sự gì.”

 

Xem xong những phim truyền hình nhiều tập như thế, cái gì sẽ “đọng lại” nơi khán giả? Hình như điều lớn nhất là xã hội Việt Nam vẫn an ổn (?) Dù nhiều xung đột, mâu thuẫn nhưng kẻ xấu luôn bị pháp luật trừng trị thích đáng. Trong một số phim khác, khán giả còn được thấy công an Việt Nam nhân hậu, bản lĩnh (!).

 

Chắc chắn chẳng riêng giới sản xuất phim truyền hình nhiều tập ở Việt Nam, đạo diễn, diễn viên và khán giả của những phim này đang sống tại Việt Nam cũng biết thực trạng xã hội Việt Nam khác xa trong phim. Thành ra phim truyền hình ở Việt Nam không phản ảnh thực trạng xã hội, không có những người chỉ bị công an mời lên đồn uống cà phê thôi đã lên bàn thờ; không có những người chỉ viết blog mà bị vào tù,…

 

Cách đây chừng mười năm, hầu hết các đài truyền hình tiếng Việt ở Quận Cam đều kiểm tra rất kỹ hình ảnh của các bộ phim truyện trong nước trước khi trình chiếu. Họ cắt hình ảnh cờ đỏ sao vàng, bỏ hình ông Hồ, không dùng hình công an, bộ đội,… Nói chung, ban biên tập thẳng tay cắt bỏ những hình ảnh “nhạy cảm”, dễ làm cho người Việt hải ngoại nhớ lại ký ức đau buồn mà chế độ cộng sản đã gây ra cho gia đình họ.

 

Bây giờ thì khác. Các phim truyện Việt Nam chiếu trên đài truyền hình Việt ngữ ở Quận Cam nhan nhản hình ảnh công an phá án, bộ đội diệt “bọn phản động”, cờ đỏ sao vàng đầy màn hình,… Những hình ảnh ca ngợi công an trở thành bình thường trên nhiều bộ phim được chiếu trên đài truyền hình địa phương. Hình ảnh đó trở nên “quen thuộc” đến nỗi có một bà nội trợ “chuyên trị” phim bộ trong nước nói rằng “công an có người này người kia chứ họ cũng đâu có đến nỗi nào” (?!) dù chồng bà cũng là người tù cải tạo, và bà định cư ở Mỹ theo diện H.O.

 

Cộng đồng người Việt ở đây giờ gần như chẳng ai buồn lên tiếng phản đối. Một ông cụ “có chân” trong hội đoàn nổi tiếng chống cộng tỏ vẻ ngạc nhiên khi được hỏi ông nghĩ sao về những phim truyền hình như thế. Ông nói không xem nên không biết, còn hỏi lại “có thiệt không?”

 

Một ông khác giấu tên nói: “Chúng tôi biết điều này và đã từng góp ý với đài truyền hình chiếu những bộ phim như thế rồi. Họ nói ‘dạ dạ, để em xem lại…’ rồi thôi. Mình đâu kiểm soát họ 24/24 được. Quan trọng là ‘ý thức chính trị’ của họ”.

 

Theo ông, vấn đề này cũng thuộc loại “nhạy cảm”, làm không khéo dễ bị “chụp mũ” là vu khống người khác là cộng sản, bị ra tòa là phiền. “Lúc đó thân ai nấy lo, ‘cộng đồng cộng điếc’ gì cũng trốn biệt. Lỡ bị bắt bồi thường thì tiền đâu?”

 

Ông lo xa cũng đúng, vì ở đây đã có “bài học xương máu” về chuyện “chụp mũ” để rồi bị tán gia bại sản, nên ai muốn lên tiếng cũng phải ngó trước, nhìn sau.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/50-nam-Truyen-hinh-Viet-ngu-Ky-2-03.jpg           

Phim tài liệu “Hành trình xuyên Việt” của SBTN sản xuất năm 2009 – Ảnh chụp màn hình YouTube

 

Ở góc nhìn của người làm truyền thông, nhạc sĩ Trúc Hồ (Giám đốc đài SBTN) chia sẻ:

 

“Văn hóa của chúng ta đang bị tàn phá ít nhiều bởi phim bộ Việt Nam. Nó như sóng ngầm. Ai cũng biết nhưng tại sao mọi người lại làm ngơ? Những nhà giáo dục ở đâu? Những nhà làm chính trị, lãnh đạo cộng đồng đang ở đâu? Ca sĩ hải ngoại về nước hát những ca khúc trước năm 1975 thì bị ‘đánh’, trong khi nó (phim bộ Việt Nam) xuất hiện mỗi ngày ở nơi đông người Việt cư ngụ nhất, mà mình vẫn tỉnh bơ? Thực sự tôi không hiểu.”

 

Nếu nhìn tổng thể, xem tất cả hơn 20 đài truyền hình Việt ngữ tại Quận Cam, người ta dễ dàng nhận ra rằng, chỉ có một số ít đài có cố gắng thực hiện một số chương trình riêng, như đài SET, VNA, Saigon TV, Little Saigon TV, VietFace, VBS, AWM…

 

Nhiều đài truyền hình khác mở ra chỉ để chiếu phim Việt Nam, buôn bán dược thảo. Các chương trình khác họ đều “vay mượn” ở nơi khác mang về chiếu, như tin tức thì lấy ở trang web RFA, VOA,… gameshow thì lấy trong nước. Những “đài truyền hình” như thế không làm phóng sự cộng đồng, và cũng không “mặn mà” lắm đến loại phóng sự này vì một số nguyên nhân.

 

Thứ nhất, họ không có đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp. Thứ hai, theo lời một chủ nhân đài truyền hình, thì họ “chỉ đơn thuần làm truyền hình ‘giải trí’ (entertainment)”, và “chúng em không muốn dính đến chính trị cộng đồng” (!)

 

Có một thực trạng đáng buồn hiện nay là những cơ sở truyền thông nào có nhiều chương trình chống cộng, càng khó lấy quảng cáo. Một chủ nhân đài radio giấu tên cho biết, họ bị một số thân chủ gọi điện thoại đến hủy hợp đồng quảng cáo vì “ khách hàng của em phàn nàn đài anh chống cộng quá… nên cho em ngưng một thời gian cho êm rồi em quay lại”.

 

Còn quá sớm để đặt câu hỏi rằng, cách từ chối đó có nằm trong kế hoạch “tẩy chay” của một lực lượng nào đó hay không. Thế nhưng, nhiều người nhận ra rằng cộng đồng người Việt ở đây ngày càng đông thì sự “đổi màu” càng rõ nét.

 

Một người chuyên lấy quảng cáo cho các đài truyền hình nói rằng, những đài có nhiều giờ chiếu phim truyện Việt Nam dễ lấy quảng cáo hơn những đài khác. Điều này chứng tỏ lượng khán giả thích xem phim trong nước ngày càng tăng, vô hình chung, họ trở thành một lực lượng quan trọng trong việc thu hút quảng cáo cho đài truyền hình.

 

Lực lượng không nhỏ đó phần lớn là các bà nội trợ, hoặc đã về hưu. Trong số đó, chắc chắn có không ít gia đình đã từng là thuyền nhân, gia đình H.O… Chẳng lẽ tương lai truyền hình Việt ngữ hải ngoại lại do lực lượng này quyết định?

 

.

Tương lai truyền hình Việt ngữ hải ngoại đi về đâu?

 

Cách đây hơn mười năm, đài SBTN hợp tác với Việt Mỹ Film sản xuất phim “Chuyện tình Bolsa” dài 15 tập, được chiếu trên đài SBTN, sau đó phát hành DVD. Do quá tốn kém, lại không đạt hiệu quả về doanh thu, SBTN không tiếp tục làm phim truyện, mà chuyển hướng qua làm phim tài liệu. Nhạc sĩ Trúc Hồ nói:

 

“SBTN làm rất nhiều document, như Hành Trình Xuyên Việt, Giác Ngộ, Thánh Địa, 40 Năm Hành Trình Tỵ Nạn v.v… Những document đó rất giá trị. Tốn nhiều tiền lắm, nhưng tôi thấy đó là sự cần thiết, nếu mình không làm thì ai làm? Những document này mang tính giáo dục cao, dành cho thế hệ sau, xem để biết cha ông chúng như thế nào. Hành Trình Xuyên Việt là một chuyến đi dài ngày của anh em trong nước, đi lén, quay lén, ra tận mấy cái đảo luôn.”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/50-nam-Truyen-hinh-Viet-ngu-Ky-2-04.jpg

Cảnh trong phim “Đời người Mỹ gốc Việt” của đạo diễn Nguyễn Đào Tam Anh, sản xuất năm 2017 – Ảnh chụp màn hình YouTube

 

Sự cố gắng của nhạc sĩ Trúc Hồ và đài SBTN cũng chỉ dừng lại ở đó. Dù biết là cần thiết, tự đặt cho mình nhiệm vụ phải làm, nhưng “tiền không có làm sao dám ló… đầu?”

 

Mãi đến năm 2017, đạo diễn trẻ Nguyễn Đào Tam Anh thực hiện bộ phim truyền hình Đời người Mỹ gốc Việt. Anh tự tìm nhà bảo trợ, lấy nguồn hoa hồng quảng cáo cho các đài truyền hình của chính anh, rồi “cân đo đong đếm” sản xuất bộ phim này được 12 tập. Phim được chiếu trên đài VietFace TV, S-Chanle TV, cùng trên hệ thống direct TV 2076 và Galaxy. Sau đó thì… ngưng! Không biết vì lý do gì anh không thực hiện tiếp những bộ phim truyền hình khác, nhưng có lẽ, lý do chính vẫn là khó khăn về kinh phí.

 

Nhà báo Trần Nhật Phong (tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh tại New York năm 1992), cho rằng làm phim bộ ở hải ngoại là không hợp lý, vì quá tốn kém, mà thị trường lại nhỏ. Ông cho rằng các đài truyền hình ở đây nên khai thác đề tài giáo dục, gia đình, vì “đỡ tốn kém hơn, mà lại có chiều sâu hơn, chinh phục được nhiều lứa tuổi”.

 

“Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy trong đài truyền hình Mỹ, những chương trình được nhiều người theo dõi không phải là phim bộ (mặc dù chúng rất hay), mà là những chương trình về đời sống như chương trình của Oprah Winfrey. Những chương trình đó tuy tốn công sức nhiều nhưng chi phí sản xuất thấp. Những nội dung đó vẫn kích thích khán giả. Ăn thua mình chọn cách làm như thế nào để đạt được rating cao mà vẫn có chiều sâu. Khai thác cảm xúc thật của con người tốt hơn là cường điệu hóa qua phim ảnh.” – Nhà báo Trần Nhật Phong.

 

Hiện nay một số đài truyền hình Việt ngữ ở Quận Cam đã và đang phát triển chương trình theo hướng này, tuy nhiên, hiệu quả của những chương trình này hiện vẫn còn thấp, chưa tạo ra hiệu ứng để khán giả phải đón xem tiếp.

 

Nhạc sĩ Trúc Hồ cho rằng làm gì thì làm, phải không được để “mất gốc”. Ông nói:

 

“Tương lai truyền hình sẽ như thế nào nếu bây giờ chúng ta không bảo vệ nền văn hóa của chúng ta. Nếu chúng ta quên đi nguyên nhân tại sao chúng ta ở đây thì mình không có khả năng tồn tại. Nếu chúng ta quên nền văn hóa của chúng ta là gì thì chúng ta cũng không xứng đáng tồn tại.”

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats