Monday 12 June 2023

THÊM TIN TỨC và BÌNH LUẬN về VỤ HAI ĐỒN CÔNG AN Ở ĐẮK LẮK 'BỊ TẤN CÔNG' (BBC News Tiếng Việt)

 



Thêm tin tức và bình luận về vụ hai đồn công an ở Đắk Lắk 'bị tấn công'

BBC News Tiếng Việt

12 tháng 6 2023, 18:53 +07

Cập nhật 12 tháng 6 2023, 21:19 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c6p3nx6ylego

 

 Hiện đã có 26 người thuộc diện tình nghi bị bắt trong vụ tấn công hai trụ sở Công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur diễn ra ở Đắk Lắk vào rạng sáng ngày 11/6.

 

Sáng 12/6, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết các lực lượng chức năng đã "làm việc trắng đêm" và đang truy bắt những người còn lại trong nhóm tấn công ở huyện Cư Kuin.

 

Hai đồn công an xã ở Dak Lak bị tấn công, nhiều người thiệt mạng

Quốc tế nói Việt Nam vẫn 'đàn áp' tôn giáo ở Tây Nguyên

 

Diễn biến sự việc

 

Theo trang VnExpress, khoảng 0 giờ 35 phút ngày 11/6, tại địa bàn xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin có một nhóm đối tượng khoảng 10 người mặc đồ rằn ri, đi xe máy kéo đến trụ sở Uỷ ban và Công an xã Ea Tiêu. Sau khi sát hại hai cán bộ công an, nhóm này ra ngã ba Ea Sim, quốc lộ 27, chặn ôtô bán tải và bắn chết tài xế.

 

Cùng lúc, một nhóm khác gồm 30 người đi hai xe Jeep và xe máy, tấn công trụ sở UBND và Công an xã Ea Ktur. Chúng dùng súng và dao tấn công một thiếu tá 42 tuổi, một đại uý 35 tuổi và hai thượng uý 21-29 tuổi. Gây án xong, chúng ra đường bắn Bí thư, Chủ tịch xã và một thanh niên, trích VnExpress.

 

Tuy nhiên, bản tin này của VnExpress cùng với chi tiết có "sáu cán bộ hy sinh, một người tử vong" đã bị gỡ bỏ khỏi trang sau vài phút đăng tải.

 

Báo chí trong nước ngày 11/6 sau đó đăng tin về vụ việc nhưng không công bố cụ thể số thương vong, chỉ nói "làm chết và bị thương một số cán bộ xã, công an xã và người dân" - trích Tuổi Trẻ.

 

Báo Thanh Niên đưa tin, hôm 12/6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm quyết định thăng cấp một bậc cho bốn cán bộ công an qua đời trong vụ tấn công gồm Đại úy Trần Quốc Thắng, Thượng úy Hà Tuấn Anh thuộc xã Eu Tiêu cùng Thiếu tá Hoàng Trung, Thượng úy Nguyễn Đăng Nhân thuộc xã Ea Ktur.

 

Như vậy, tường thuật của VnExpress và Thanh Niên cho thấy có tổng cộng bảy người chết. Trong đó, có sáu cán bộ - tức gồm bốn chiến sỹ công an (tử vong tại trụ sở) cùng một chủ tịch xã, một bí thư xã Ea Ktur (bị bắn khi nhóm tấn công tháo chạy); và một người dân là tài xế.

 

Con số này khớp với tường thuật của VnExpress ghi là "bước đầu ghi nhận bảy người chết, ba người bị thương".

 

Tuy nhiên, nguồn tin của BBC cho hay một thanh niên bị bắn trên đường cùng chủ tịch và bí thư xã Ea Ktur cũng thiệt mạng, nâng tổng số người chết lên tám. Hai người bị thương còn lại, theo báo Thanh Niên là đại úy Lê Kiên Cường và thượng úy Đàm Đình Bốp thuộc xã Ea Ktur.

 

Báo Nhân dân tới chiều ngày 12/6 ghi nhận sự việc đã “làm 4 cán bộ Công an xã hy sinh; 2 cán bộ xã, 3 người dân thiệt mạng và 2 cán bộ Công an xã bị trọng thương.”

 

Có thể thấy nhóm tấn công nhắm vào hai trụ sở công an xã và các cán bộ công an. Vũ khí được cảnh sát thu giữ bao gồm dao, súng có vẻ là tự chế và thô sơ.

 

Người có mặt tại huyện Cư Kuin thời điểm xảy ra vụ việc và có người quen thiệt mạng, ông P.M Tiến nói với BBC sáng 12/6:

 

"Tôi đi dự đám cưới tại thôn 4, xã Ea Bhok, huyện Cư Kuin thì nghe tin từ em trai mình vào khuya thứ bảy ngày 10/6 lúc sự việc vừa xảy ra. Sáng hôm sau, tất cả người dân đều bàn nhau về chuyện đó.

 

"Phản ứng đầu tiên là mọi người cảm thấy kỳ lạ vì không ai chuẩn bị tâm lý cho một sự việc nghiêm trọng như vầy. Gia đình tôi thì cũng không có gì hoảng sợ, mọi người hạn chế đi tới những khu vực nóng chứ không sợ nhóm đó ùa vào nhà, vì cảm thấy vụ việc nhắm vào chính quyền nhiều hơn là xả súng hàng loạt," ông Tiến nói.

 

Ông Tiến cũng cho hay Thượng úy Nguyễn Đăng Nhân - một trong cán bộ công an tử nạn ở xã Ea Ktur là bạn học cấp 3 của vợ ông: "Bạn ấy là người Kinh, tính tình hiền lành, không may dính vào vụ này và thiệt mạng rất đáng tiếc," ông Tiến chia sẻ.

 

HÌNH : https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/5dbc/live/263cb2f0-0906-11ee-b5af-25e80c61c11a.png

Nhiều người thiệt mạng sau vụ tấn công bằng súng vào hai trụ sở công an ở tỉnh dak lak, Việt Nam

 

Phản ứng của báo chí và mạng xã hội

 

Thống kê từ một NGO sử dụng Social Listening cung cấp cho BBC chỉ ra rằng, có khoảng 2258 tin bài trên báo chí, các forum và mạng xã hội viết và bình luận về vụ tấn công, chỉ trong vòng nửa ngày hôm 11/6. Trong đó có 386 bài báo và 1707 bài đăng trên mạng xã hội (chủ yếu là Facebook).

 

Các tin tức về vụ việc bắt đầu nóng trên các kênh nêu trên từ khoảng sau 9 giờ sáng ngày 11/6, đỉnh điểm là 11 giờ sáng và kéo dài cho đến hết ngày. Với 2258 tin bài, sau khi lọc ra những tin tương tự thì còn 1837 bài viết được đăng tải trong khoảng 14 tiếng thì trung bình 1 tiếng có 161 lượt bình luận.

 

Nhìn chung, các bài viết đều có sắc thái tiêu cực khi đưa tin hay chia sẻ về vụ tấn công vào hai đồn công an.

 

HÌNH : https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0bce/live/31c64900-090c-11ee-b5af-25e80c61c11a.png

Sắc thái các bài viết về vụ tấn công  trên báo chí, mạng xã hội

 

Sáng ngày 11/6, ngoài VnExpress, trang Công thương cũng đăng tin về vụ việc nhưng sau đó gỡ bài. Vài tiếng đồng hồ sau, các báo đồng loạt đăng tin giống nhau, đều trích lời của Bộ Công an khi tường thuật về vụ việc.

 

Thông tin trong bài của VnExpress mô tả các đối tượng gây án "mặc đồ rằn ri, đi xe máy kéo đến trụ sở Uỷ ban và Công an xã Ea Tiêu" cùng thông tin "bước đầu ghi nhận có 7 người tử vong, 3 người bị thương"- cũng bị đục bỏ và không thấy đăng lại sau đó.

 

BBC cũng nhận được tin, Ban Tuyên giáo ra chỉ đạo rằng báo chí phải "chấp hành TUYỆT ĐỐI kỷ luật thông tin, chỉ đăng theo tin chính thức của Bộ Công an; không mở rộng thông tin, kiểm soát chặt chẽ bình luận."

 

Một nhà báo giấu tên từ Việt Nam nói với BBC rằng, trong tình hình có những vụ việc chấn động như trên xảy ra, báo chí thay vì đóng vai trò phục vụ bạn đọc bằng cách tường thuật nhiều chiều thì phải chịu cảnh là cái loa phát ngôn của chính quyền:

 

"Chính quyền nào trong khủng hoảng cũng muốn kiểm soát dư luận, không ai muốn bung ra cho báo chí cả. Nhưng ở các nước có nền báo chí tự do thì các nhà báo được quyền tiếp cận và đưa tin một cách độc lập, không chịu sự chỉ đạo của chính quyền. Còn ở Việt Nam, bây giờ các tờ báo phải làm sao đưa thông tin một cách nhất quán, theo ý chí của nhà nước. Chân dung của thủ phạm là do chính quyền định đoạt, tính toán," nhà báo này nói.

 

Báo chí nước ngoài như AFP, Bloomberg, South China Morning Post cũng đưa tin về vụ tấn công.

 

Trang Tifosi với 258.000 lượt theo dõi gọi Ea Ktur nói riêng và huyện Cư Kuin và là "một địa bàn phức tạp":

 

"Đầu những năm 2000, bạo loạn Tây Nguyên diễn ra. Tại Ea Ktur và Ea Tiêu là hai địa bàn phức tạp. Mục đích của bạo loạn là thành lập nhà nước Đề Ga tự trị, phát động rủ rê người dân tham gia một số tà giáo phi pháp, tích lũy vũ khí, tấn công cả những người dân không nghe theo. Hiện nay, một số đầu mối, căn cứ của Fulro và Nhà nước Đề Ga, các tổ chức người Thượng vẫn tồn tại Thái Lan và hoạt động rất mạnh, được sự tài trợ của nước ngoài," trích Tifosi.

 

Từ khóa Fulro (United Front for the Liberation of Oppressed Races – Mặt trận giải phóng các sắc tộc bị áp bức) và Nhà nước Đề Ga được nhắc đến hơn 200 lần 2258 bài viết trên mạng xã hội sau vụ việc. Các tổ chức người Thượng cũng được gọi tên.

 

Nhóm Người Thượng vì Công lý từ Bangkok đã phát thông cáo báo chí vào chiều 11/6, tuyên bố họ "không liên quan đến bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào xúi giục, thúc đẩy, âm mưu hoặc tiếp tay cho việc sử dụng bạo lực vì bất kỳ mục đích gì."

 

Nhóm này cũng tái khẳng định chủ trương hoạt động là "ôn hòa qua việc vận động cho tự do tôn giáo bằng cách hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, bao gồm Liên Hợp Quốc và các chính phủ của những nước dân chủ."

 

Sau vụ bạo loạn, ông P.M Tiến từ huyện Cư Kuin nói với BBC rằng, đã có những lời lẽ không hay khi nói đến người dân tộc.

 

"Người dân ở đây có nhiều luồng suy nghĩ. Những người nông cạn thì sẽ phán ngay nhóm tấn công là quân phản loạn, là Fulro, khủng bố, thậm chí là tàn tích của Nhà nước Đề Ga hay chế độ cũ. Còn người có hiểu biết thì rất dè chừng, không dám nói thắng. Họ hiểu là có rất nhiều những xung đột có thể dẫn đến kết cục như vầy.

 

"Chẳng hạn như những cuộc cưỡng chế đất đai bằng dùi cui, roi điện. Hay những cuộc đàn áp người dân tộc biểu tình cho nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt của họ bị xả thải ô nhiễm. Tuy nhiên, hầu như tất cả đều đồng tình rằng dùng vũ lực như vầy, nhất là làm thiệt mạng cả dân thường là sai trái."

 

Các sự kiện khác ở huyện Cư Kuin

 

Về vụ tấn công vào hai đồn công an xã thuộc huyện Cư Kuin vào rạng sáng 11/6, Bộ Công an vẫn chưa đề cập đến nguyên nhân. Tuy nhiên, khi gõ từ khóa huyện Cư Kuin sẽ thấy đây là điểm nóng liên quan tới đất đai.

 

Từ ngày 27-31/5/2022, UBND huyện Cư Kuin cưỡng chế tháo dỡ 64 công trình được cho là xây dựng trái phép trên đất cà phê do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cà phê Việt Thắng quản lý tại xã Ea Tiêu.

 

Theo quy hoạch, các công trình này nằm trong khu đô thị mới Trung Hòa và từ khi thông tin này xuất hiện, giá đất sốt cao, nhiều người bỏ ra số tiền lớn mua lại và xây dựng công trình trái phép.

 

Hồi tháng 4, ở huyện Cư Kuin cũng nổ ra biểu tình của người đồng bào Ede ở xã Ea Bhốk, nhằm phản đối dự án Hệ thống thoát nước Khu Trung tâm hành chính huyện Cư Kuin. Người dân xung quanh hồ chống dự án vì lo ngại nước thải sẽ bị đưa vào hồ cùng với nước mưa, có thể gây ô nhiễm môi trường cũng như gây ngập lụt ở khu vực gần hồ. Hàng chục cảnh sát cơ động được điều đến trấn áp khiến nhiều người bị thương và bị bắt giữ trong ngày 21/4.

 

Tháng 2/2023, báo Đắk Lắk đưa tin huyện Cư Kuin đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất và giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột với chiều dài hơn 39km. Dự án có tổng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng, đi qua các thửa đất nông nghiệp do một số công ty cà phê đang quản lý.

 

Theo đó, nhà báo Nguyễn Văn Tuấn của tờ Tiền Phong đã điều tra hoạt động khai thác đất trái phép tự xã Ea Ktur, rồi chở đến đổ tại khu vực đang triển khai thi công dự án nói trên. Ngày 18/5, ông Tuấn nhận được các cuộc điện thoại dọa giết cả nhà nếu tiếp tục đến Cư Kuin điều tra. Bài phóng sự của nhà báo Tuấn đã được đăng vào ngày 28/5.

 

Bất ổn ở Tây Nguyên

 

Theo Ủy ban Dân tộc, tính đến năm 1976, dân số Tây Nguyên là 1.225.000 người, gồm 18 dân tộc. Trong đó, dân tộc thiểu số chiếm khoảng 69,7% dân số. Đến năm 2004, dân số Tây Nguyên là 4.668.142 người, gồm 46 dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm còn 25,3% dân số và trở thành thiểu số trên chính quê hương của mình.

 

Đến nay, ở Tây Nguyên có 54 dân tộc cùng chung sống với tổng dân số là 5,3 triệu người. Trong đó, người Kinh chiếm đa số khoảng 63,55%, các tộc người thiểu số chiếm 36,45%, trích báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN.

 

Nhà văn Nguyên Ngọc trong một cuộc phỏng vấn do tác giả Nguyễn Hồng Anh thực hiện hồi tháng 4/2023 nhận định:

 

"Trong gần 50 năm qua, từ sau 1975, do những tác động không thận trọng của ta mặc dầu đã được cảnh báo, Tây Nguyên đã thay đổi quá nhiều. Tôi đã có lần viết: Tây Nguyên đã vượt ngưỡng.

 

"Chẳng hạn về dân số, chỉ trong khoảng hơn 30 năm Tây Nguyên đã tăng gấp 5 lần, lại chủ yếu tăng cơ học, tức do đưa người từ nơi khác đến, khiến cơ cấu dân cư đảo lộn lớn. Hiện nay người Kinh ở Tây Nguyên đã chiếm 75 tới 80%. Những người ở nơi khác đến, theo chỗ tôi được biết, lại hầu như không được chuẩn bị chút gì về mặt tư tưởng, tâm lý, thái độ khi đến một vùng văn hóa hết sức đặc trưng như thế này."

 

Căng thẳng sắc tộc lâu nay đã dâng cao tại Tây Nguyên, nơi được coi là khu vực nhạy cảm đối với chính quyền Việt Nam. Từ lâu nay, nơi đây đã là điểm nóng, người dân bất mãn về một số vấn đề, trong đó có chuyện đất đai và quyền sử dụng đất.

 

Năm 2000, một phong trào vận động tôn giáo người Thượng — Tin Lành Dega —khởi phát ở Tây Nguyên, mong muốn tự do chính trị rộng rãi hơn, bảo vệ đất đai của tổ tiên. Với một số người, là quyền tự trị hoặc tự quản.

 

Chưa đầy một năm sau đó, những cuộc biểu tình chưa từng thấy nổ ra vào tháng 2/2001 ở khắp bốn tỉnh Tây Nguyên. Hàng ngàn người Thượng kêu gọi chính quyền trả lại đất đai của tổ tiên và quyền tự do tôn giáo của họ.

 

Vào tháng 4/2004, tổng cộng khoảng 10.000–30.000 người Thượng tham gia biểu tình tại Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông. Theo nhận định lúc bấy giờ, cuộc biểu tình này có quy mô và tổ chức hơn so với năm 2001.

 

Trong khoảng thời gian từ năm 2001 cho đến 2004, khủng hoảng tỵ nạn đã xảy ra khi có khoảng 2.000 người Thượng ở Tây Nguyên đã bỏ chạy đến Campuchia sau khi bị chính quyền đàn áp.

 

Người Thượng ở Campuchia 'cầu cứu, không muốn về VN'

Lại có bạo loạn ở Tây Nguyên

Tình cảnh những người Thượng vừa bị bắt ở Thái Lan

 

VIDEO :

Người Thượng Việt ở Thái bị truy quét

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c6p3nx6ylego

 

Các cuộc biểu tình nhỏ hơn cũng nổ ra vào tháng 9/2002 và tháng 8/2008.

 

Chính phủ Việt Nam cáo buộc FULRO đứng sau, giật dây đưa người dân tộc thiểu số vượt biên sang Campuchia để lập các trại tị nạn, nhằm "chính trị và quốc tế hóa" vấn đề dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

 

Việt Nam đã phát động những phong trào tuyên truyền mạnh mẽ, được quân đội và công an hỗ trợ, nhằm xóa bỏ Tin Lành Dega và ép tín đồ Cơ đốc người Thượng gia nhập Hội thánh Tin Lành Việt Nam - miền Nam, theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch (HRW).

 

HRW cũng chỉ ra, các đơn vị “An ninh Tây Nguyên” chuyên trách (PA43) và lực lượng cảnh sát cơ động do trung ương chỉ huy được điều động tới Tây Nguyên để hỗ trợ công an cấp tỉnh và huyện truy bắt các nhà hoạt động người Thượng đang lẩn trốn.

 

Tuyên Quang: Bắt người H'Mông theo đạo 'để chống Covid hay trấn áp tôn giáo'?

VN: Người Hmong 'vươn lên qua đạo Tin Lành'

 

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW khu vực châu Á nói với BBC ngày 12/6:

 

"Các nỗ lực có chủ đích của Việt Nam nhằm cô lập và tách các khu vực cao nguyên này cùng với người dân sinh sống ở đó khỏi mọi sự tiếp xúc với cộng đồng quốc tế là một phần nguyên nhân dẫn đến những sự cố như thế này.

 

"Đằng sau tấm màn bí mật mà Việt Nam phủ lên vùng cao nguyên, chính phủ vi phạm một cách nghiêm trọng các quyền, khước từ tự do tôn giáo và tín ngưỡng, chiếm đoạt đất đai của các dân tộc bản địa, và cố gắng cưỡng ép đồng hóa vào văn hóa, ngôn ngữ và xã hội dân tộc Kinh vốn ở thế áp đảo. Dù Tổ chức Theo dõi Nhân quyền không bao giờ tán thành bạo lực, nhưng dễ hiểu tại sao người dân địa phương tức giận với chính phủ Việt Nam và các chính sách đàn áp mà chính phủ này áp dụng," ông Phil Robertson khẳng định.

 

Ông Robertson cũng khuyến nghị Việt Nam cần thay đổi chính sách đối với vùng cao để thúc đẩy sự cởi mở và minh bạch, để người dân địa phương thực hiện các quyền tự do cơ bản của họ và chấm dứt các hình thức chiếm đất đai, dồn cộng đồng bản địa vào chân tường.

 

============

TIN LIÊN QUAN

 

Hai đồn công an xã ở Dak Lak bị tấn công, nhiều người thiệt mạng

11 tháng 6 năm 2023

.

Quốc tế nói Việt Nam vẫn 'đàn áp' tôn giáo ở Tây Nguyên

21 tháng 3 năm 2022

.

Tuyên Quang: Về vụ bắt người H'Mông theo 'đạo Dương Văn Mình'

29 tháng 12 năm 2021

.

Thăm người Thượng từ VN bị bắt ở Thái Lan

30 tháng 8 năm 2018

.

Người Thượng Việt 'vô tổ quốc ở Thái Lan'

29 tháng 3 năm 2017





No comments:

Post a Comment

View My Stats