Thursday, 15 June 2023

THẾ GIỚI HÔM NAY : 15/06/2023 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 15/06/2023

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch   

15/06/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/06/15/the-gioi-hom-nay15-06-2023/

 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lần đầu tiên giữ nguyên lãi suất cơ bản sau hơn một năm ở mục tiêu hiện tại 5-5,25%. Tuy nhiên, Fed cũng nói có thể tăng lãi suất một lần nữa ngay trong tháng tới. Dù lạm phát tiêu đề, được công bố hôm thứ Ba, đã giảm, nó vẫn ở mức cao khó chịu; còn lạm phát lõi (không tính giá lương thực và năng lượng) vẫn cao hơn.

 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ thăm Trung Quốc vào cuối tuần này, Bộ Ngoại giao nước này xác nhận. Trước đó, ông Blinken đã điện đàm với ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, người kêu gọi Mỹ “ngừng can thiệp” vào công việc nội bộ của nước ông. Chuyến thăm Trung Quốc theo kế hoạch của ông Blinken hồi tháng 2 bị hoãn lại sau vụ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị bắn hạ trên lãnh thổ Mỹ.

 

Các nhà lập pháp châu Âu bỏ phiếu thông qua Đạo luật AI, trong một bước hướng tới việc thông qua một trong những luật lớn đầu tiên trên thế giới về trí tuệ nhân tạo. Luật này sẽ cấm các hệ thống có rủi ro cao như hoạt động cảnh sát dựa trên dự đoán và đề ra các biện pháp phòng ngừa đối với trí tuệ nhân tạo tổng quát. Các nước thành viên, nghị viện và ủy ban EU hiện sẽ thảo luận để hướng tới phiên bản cuối cùng vào cuối năm nay.

 

Ủy ban châu Âu thêm cáo buộc mới đối với Google về các hành vi phản cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ quảng cáo, nói rằng Google có thể cần phải bán một phần mảng kinh doanh quảng cáo trực tuyến. Nếu thành công đây sẽ là lần đầu tiên ủy ban ra lệnh thoái vốn một tập đoàn công nghệ lớn. Google phản đối các cáo buộc.

 

Ngân hàng trung ương Nigeria đã thả nổi đồng naira, cho phép nó phá giá tới 36% xuống mức thấp kỷ lục là 750 naira đổi một đô la. Trước đây, nạn chênh lệch tỷ giá hối đoái đã dẫn đến khan hiếm ngoại tệ, nhất là đồng USD. Động thái này được đưa ra vài ngày sau khi tổng thống Nigeria, Bola Tinubu, đình chỉ thống đốc ngân hàng trung ương.

 

Thổ Nhĩ Kỳ đóng sầm cánh cửa gia nhập NATO của Thụy Điển. Quốc gia Scandinavi đặt mục tiêu gia nhập liên minh quân sự phương Tây tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới. Nhưng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gần đây cho biết nước ông sẽ không ủng hộ trừ khi Thụy Điển kiềm chế các cuộc biểu tình phản đối chính phủ ông. Phần Lan, nước cũng bắt đầu tiến trình gia nhập sau khi Nga xâm lược Ukraine, gia nhập NATO hồi tháng 4.

 

Một chiếc thuyền di cư vừa chìm ngoài khơi bờ biển phía nam Hy Lạp, khiến ít nhất 78 người thiệt mạng, trong vụ đắm tàu nguy hiểm nhất từ đầu năm đến nay. Lực lượng cứu hộ đã cứu được hơn 100 người, dù nỗ lực của họ bị cản trở bởi gió mạnh. Được biết con thuyền đang hướng đến Ý, và được cho là đã khởi hành từ miền đông Libya.

 

Con số trong ngày: 124, là số quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ sinh dưới 2,1 (được gọi là tỷ lệ thay thế) vào năm 2021, theo Liên Hợp Quốc — tăng từ 98 hồi năm 2010.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

NATO họp cấp bộ trưởng trong căng thẳng

Cuộc họp vào thứ Năm của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels sẽ căng thẳng. Cuộc phản công của Ukraine tiến triển chậm chạp trong khi Nga tuyên bố phá hủy nhiều vũ khí phương Tây, còn Belarus thông báo đã nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga (các quan chức phương Tây phủ nhận). Bên cạnh đó, hôm thứ Tư tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói sẽ không gật đầu cho phép Thụy Điển gia nhập NATO tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Litva vào tháng tới.

 

Tại Brussels, các đồng minh sẽ tranh luận về việc làm thế nào để thực hiện tốt cam kết hỗ trợ Ukraine “cho đến chừng nào còn cần thiết”. Chủ đề khó khăn nhất là liệu có nên cho Ukraine gia nhập NATO hay không. Mỹ và Đức không đồng ý vì làm vậy đồng nghĩa trực tiếp tuyên chiến với Nga. Thay vào đó, những lời hứa hỗ trợ vũ khí về lâu dài là có khả năng hơn. Chỉ có điều chúng sẽ được ban hành bởi các nhóm đồng minh chứ không phải toàn bộ NATO, và có thể không đạt được cam kết ràng buộc như Ukraine mong muốn.

 

Lạm phát kéo dài ở châu Âu

Lạm phát ở khu vực đồng euro tiếp tục cao, trong khi tiền lương có thể sẽ tăng hơn nữa. Điều này đặt ra thách thức cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khi họ họp vào thứ Năm để quyết định mức tăng lãi suất. Thị trường kỳ vọng mức tăng một phần tư điểm phần trăm cùng với một đợt tăng tương tự vào tháng 7 trước khi dừng lại.

 

Liệu như vậy có đủ? Lạm phát tiêu đề theo năm đã giảm từ 7% trong tháng 4 xuống còn 6,1% trong tháng 5. Nó có thể sẽ giảm hơn nữa khi giá năng lượng giảm và giá lương thực ổn định. Nhưng lạm phát “lõi” không tính giá năng lượng và lương thực có thể duy trì ở mức 5,3% hiện tại khi tiền lương tăng lên. Hồi tháng 5 trang web tuyển dụng Indeed đã ghi nhận mức tăng lương năm 4,7%. Kỳ nghỉ hè đã cận kề nhưng ECB vẫn còn nhiều việc phải làm.

 

California thâm hụt ngân sách

California đang đứng trước một cú sốc tài chính khi thặng dư ngân sách 97 tỷ đô la của năm ngoái đã chuyển thành thâm hụt 32 tỷ đô la. Các nhà lập pháp tiểu bang sẽ phải thông qua ngân sách trước thứ Năm để bù đắp số tiền này.

 

Chuyện gì đã xảy ra? Ngân sách của California tăng vọt từ 215 tỷ đô la năm 2019 lên 308 tỷ đô la trong năm 2022 nhờ các quỹ cứu trợ đại dịch liên bang, vốn phải được phân bổ đầy đủ cho tới cuối năm 2024. Cơ cấu thuế cũng đóng một vai trò nhất định. Hơn một nửa doanh thu của California đến từ thuế thu nhập cá nhân lũy tiến, bao gồm thuế đánh vào lãi vốn, hiện thất thu vì thị trường chứng khoán lao dốc.

 

Khi các nhà lập pháp mặc cả về chi tiêu, câu hỏi lớn nhất là điều gì sẽ xảy ra với các hệ thống giao thông công cộng đang gặp khó khăn của California. Hệ thống tàu điện ngầm của Vùng Vịnh, BART, đang sắp phải xin cứu trợ vì số lượng hành khách thấp. Trừ khi các kế hoạch của các nhà lập pháp bị trật bánh, một gói cứu trợ là rất có thể.

 

 Cựu thủ tướng Boris Johnson đối mặt phán quyết từ nghị viện

Vào thứ Năm, cựu thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ được biết phán quyết của các đồng nghiệp của ông. Các nghị sĩ trong Ủy ban Đặc quyền của Hạ viện, một uỷ ban liên đảng có nhiệm vụ quản lý các vấn đề đạo đức, sẽ công bố báo cáo về việc liệu ông Johnson có nói dối Hạ viện về vụ bê bối tiệc tùng ở Phố Downing trong covid-19 hay không. Nhiều người cho rằng ông đã đánh lừa các nghị sĩ khi nói trước Quốc hội rằng các cuộc tụ tập là phù hợp với quy định.

 

Vụ việc là một trong những nguyên nhân khiến ông Johnson từ nhiệm vào năm 2022. Ông có khả năng phải đối mặt với hình phạt bổ sung là bị đình chỉ khỏi Quốc hội, điều sẽ kích hoạt một kiến nghị ở khu vực bầu cử của ông và dẫn đến bầu cử bổ sung. Thay vì phải làm vậy, tuần trước ông đã từ chức. Ông Johnson mô tả báo cáo là “vô nghĩa” và tố cáo ủy ban là “tòa án kangaroo.” Những bình luận đó không chỉ phản ánh sự tức giận của ông đối với ủy ban mà còn nhằm tạo rắc rối cho Rishi Sunak, thủ tướng đương nhiệm.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats