Ông Modi thăm Mỹ: Vì
sao Washington trải thảm đỏ đón Thủ tướng Ấn Độ?
Vikas Pandey
BBC
News, Delhi
23 tháng 6, 2023
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjl9d5w1d58o
Hình : https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/c037/live/a49da060-117a-11ee-816c-eb33efffe2a0.jpg
Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được
coi là bước ngoặt cho quan hệ song phương
Chuyến
thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Mỹ có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh
kinh tế toàn cầu và những "cơn gió ngược" địa chính trị.
Nhà Trắng đang dốc hết sức để đón tiếp ông Modi - đây là chuyến thăm cấp
nhà nước, nghi thức ngoại giao cấp cao nhất của Hoa Kỳ dành cho các nhà lãnh đạo
tới thăm.
Ông Modi sẽ được chào đón theo nghi thức tại Nhà Trắng vào thứ Năm này
trước khi ông có cuộc hội đàm trực tiếp với Tổng thống Joe Biden.
Sau đó là tiệc tối, gặp gỡ các CEO, phát biểu trước phiên họp chung của
Quốc hội và đọc các bài diễn văn trước người Mỹ gốc Ấn, vốn là những điểm nổi bật
trong các chuyến thăm Mỹ trước đây của ông Modi.
Tất cả những điều này là đang dành cho một nhà lãnh đạo từng bị từ chối cấp
thị thực vào Mỹ vì lo ngại về nhân quyền - giờ đây Mỹ xem ông Modi là một đối
tác quan trọng.
Phía sau các buổi lễ được chuẩn bị kỹ lưỡng là các cuộc thảo luận có khả
năng không chỉ rót một nguồn năng lượng mới vào quan hệ Ấn Độ-Mỹ mà còn có tác
động đến trật tự toàn cầu.
Ấn Độ-Thái Bình Dương là khu vực Mỹ có thể cần đến ảnh hưởng của Ấn Độ
hơn bất kỳ nơi nào khác vào lúc này. Mỹ từ lâu đã coi Ấn Độ là đối trọng với ảnh
hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, nhưng Delhi chưa bao giờ
hoàn toàn thoải mái với việc sở hữu danh hiệu này.
Có thể mang tính miễn cưỡng nhưng Trung Quốc tiếp tục là một trong những
chất xúc tác chính thúc đẩy quan hệ Ấn Độ-Mỹ.
Nhưng Ấn Độ đã không thể tránh khỏi việc đưa ra các quyết định gây khó chịu
cho Trung Quốc. Ấn Độ đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự với lực lượng Hoa Kỳ
vào năm ngoái tại bang Uttarakhand, nơi có chung biên giới trên dãy Himalaya với
Trung Quốc.
Delhi cũng tiếp tục tham gia tích cực vào Bộ tứ Kim cương - Quad - gồm Mỹ,
Úc và Nhật Bản - bất chấp phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh.
Nền ngoại giao Ấn Độ ngày càng quyết đoán hơn khi nói rằng đây là thời khắc
của đất nước trên trường quốc tế. Điều này có lý do chính đáng - Ấn Độ hiện là
một trong số ít điểm sáng kinh tế trên thế giới.
Địa chính trị cũng mang lợi thế về cho nước này - hầu hết các quốc gia đều
muốn có một nền sản xuất thay thế Trung Quốc và Ấn Độ cũng có một thị trường khổng
lồ với tầng lớp trung lưu đang phát triển. Điều này làm cho Ấn Độ trở thành một
lựa chọn tốt cho các nước và công ty toàn cầu theo đuổi chính sách Trung Quốc +
1.
Tanvi Madan, giám đốc Dự án Ấn Độ tại Viện Brookings ở Washington DC, nói
rằng điều quan trọng với Mỹ là những gì Ấn Độ làm chứ không phải những gì nước
này công khai nói về Trung Quốc.
“Cuối cùng, dù Ấn Độ có công khai chấp nhận danh hiệu hay không, thì rõ
ràng là chính phủ Ấn Độ đã coi mối quan hệ với Hoa Kỳ là hữu ích cho việc ứng
phó với Trung Quốc,” bà nói.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/90c8/live/cdfe4720-117a-11ee-816c-eb33efffe2a0.jpg
Ông Modi sẽ hội đàm với Tổng thống Biden trong chuyến
thăm
Michael Kugelman, giám đốc Viện Nam Á tại tổ chức tư vấn của Trung tâm
Wilson ở Washington, nói thêm rằng hai nước hiện đã bắt đầu "đồng quan điểm
trên một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn".
"Chúng tôi bắt đầu thấy Mỹ nhận ra tầm quan trọng của các nhân tố
phía tây của khu vực Ấn Độ Dương. Trong nhiều năm, mối quan tâm chính của Ấn Độ,
vì lý do chính đáng, là khu vực Ấn Độ Dương. Trong khi đối với Mỹ, đó là Thái
Bình Dương và Nam Trung Quốc. Họ sẽ xem xét an ninh hàng hải cho khu vực ngay
bây giờ," ông nói.
Tuyên bố chung có thể không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc nhưng nó sẽ nằm
hàng đầu trong chương trình nghị sự khi hai nhà lãnh đạo thảo luận về những
cách củng cố sự hiện diện của họ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhưng trong khi hai nước đồng tình về Trung Quốc, đôi bên đã có những
cách tiếp cận khác nhau đối với cuộc chiến Ukraine.
Delhi đã không trực tiếp chỉ trích Nga, điều mà các nhà phân tích cho rằng
phần lớn là do nước này phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu quốc phòng của Nga
và "mối
quan hệ đã kinh qua thời gian thử thách" với Moscow.
Ấn Độ dựa vào Moscow đến gần 50% nhu cầu quốc phòng, nhưng đó không phải
là lý do duy nhất. Ấn Độ luôn tự hào về việc tuân theo chính sách không liên kết
- hay quyền tự chủ chiến lược, như cách gọi của họ trong những năm gần đây.
Ấn Độ không muốn bị bó buộc trong một trung tâm quyền lực cụ thể trong trật
tự toàn cầu, điều này đã khiến các nhà ngoại giao Washington khó chịu trong những
tháng đầu của cuộc xâm lược.
Tuy nhiên, Mỹ đã nới lỏng lập trường trong những tháng gần đây - thậm chí
nước này còn bỏ qua việc Ấn Độ liên tục mua dầu thô từ Nga.
Ấn Độ cũng đã tiến tới một bước bằng cách công khai kêu gọi chấm dứt chiến
tranh.
Bà Madan nói thêm rằng các phản ứng khác nhau đối với cuộc xâm lược không
phải là yếu tố phá vỡ thỏa thuận trong quan hệ Ấn Độ-Mỹ.
"Khi có sự hội tụ chiến lược, hai nước sẽ có động cơ giải quyết sự
khác biệt giữa họ. Có thể không loại bỏ, nhưng quản lý sự khác biệt của họ. Và
tôi nghĩ điều đó đã xảy ra với lập trường khác nhau của họ về Nga," bà
nói.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/fdfe/live/e8e79f00-117a-11ee-816c-eb33efffe2a0.jpg
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga và ảnh hưởng ngày càng
tăng của Trung Quốc ở châu Á dự kiến sẽ được đề cập
trong các cuộc đàm phán
Trong khi đó, có các lĩnh vực thảo luận quan trọng khác gồm công nghệ, quốc
phòng và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hai nước đã ký cái gọi là Sáng kiến về công nghệ trọng yếu và mới nổi. Thỏa
thuận này sẽ cho phép các công ty và trường đại học của Hoa Kỳ và Ấn Độ hợp tác
với nhau trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm công nghệ thông tin, không gian
vũ trụ, quốc phòng, trí tuệ nhân tạo, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Các nhà lãnh đạo cũng có thể tuyên bố hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực
công nghệ, đặc biệt là ngành sản xuất chất bán dẫn mà Trung Quốc là đối thủ lớn
nhất.
Phòng thủ là một lĩnh vực khác đã nổi lên như một điểm hội tụ chính.
Ấn Độ là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và Nga vẫn chiếm một phần
trọng yếu trong số đó với mức 45%, dữ liệu được phân tích từ năm 2017 đến năm
2022 cho thấy.
Nhưng quan trọng ở đây là thị phần của Moscow từng là 65% cho đến năm
2016 - đó là nơi Hoa Kỳ nhìn thấy cơ hội.
Thị phần của Washington đã tăng lên nhưng vẫn chỉ là 11%, sau 29% của
Pháp. Vì vậy, một số thỏa thuận quốc phòng lớn là không thể tránh khỏi - họ có
khả năng thông báo việc Ấn Độ mua máy bay không người lái MQ-9A
"Reaper" đã được thử nghiệm thực chiến và một thỏa thuận giữa General
Electric (GE) và các công ty nhà nước của Ấn Độ để sản xuất động cơ phản lực
chiến đấu ở Ấn Độ.
Ông Kugelman nói hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia "đã đi qua một
chặng đường dài".
Ông nói: “Nếu bạn nhìn vào ghi chép theo dõi gần đây, người ta có thể lập
luận rằng cách đối xử mà Mỹ dành cho Ấn Độ không khác với những gì họ làm cho
nhiều đồng minh khác của mình.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/f88a/live/1ba74260-117b-11ee-816c-eb33efffe2a0.jpg
Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau vào mùa thu năm ngoái -
đã có rất nhiều sự phô diễn xung quanh chuyến đi Mỹ của ông Modi
Trong khi quốc phòng và công nghệ rất có thể sẽ đưa ra một số thông báo
quan trọng, về thương mại khó mà chờ đợi điều tương tự.
Mỹ hiện là đối tác thương mại hàng đầu trị giá 130 tỷ USD của Ấn Độ,
nhưng các nhà phân tích cho rằng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.
Hai nước có những khác biệt lớn về thuế quan và kiểm soát xuất khẩu. Ấn Độ
đã ký hiệp định thương mại tự do với Úc và Dubai, đồng thời đang thảo luận về
các thỏa thuận tương tự với các nước khác gồm Canada, Anh và EU.
Không có thỏa thuận nào như vậy trong chuyến thăm này nhưng các nhà lãnh
đạo có thể bàn bạc hoặc ít nhất là đặt nền móng để giải quyết các vấn đề liên
quan đến thương mại trong tương lai.
Ông Kugelman cho biết sự khác biệt không bị loại bỏ mà được gác sang một
bên vì lợi ích chung đạt được hơn trong các lĩnh vực cùng nhau hợp tác.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng thương mại giữa các công ty Ấn Độ và Mỹ đã
phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, bất chấp những khác biệt giữa các
chính phủ.
Dù không phải là ưu tiên hàng đầu nhưng thương mại chắc chắn sẽ được nêu
bật khi hai nhà lãnh đạo thảo luận về các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu do đại
dịch và sự độc quyền của Trung Quốc gây ra.
"Thương mại từng là một chủ đề nhức nhối nhưng tôi nghĩ hiện nay hai
bên đang tiếp cận chính sách thương mại theo cách khác. Nhưng các bạn không thể
xem xét các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu mà không đá động đến thương mại",
bà Madan nói.
Thời điểm của chuyến thăm cũng rất thú vị vì cả hai quốc gia sẽ tổ chức bầu
cử vào năm tới và hai nhà lãnh đạo sẽ nhìn vào các tiêu đề có thể thu hút công
chúng trong nước của họ.
Vì vậy, một số thỏa thuận gây chú ý lớn là không thể tránh khỏi. Nhưng
sau cùng, quan hệ Mỹ-Ấn luôn phức tạp - với nhiều thập kỷ không tin tưởng lẫn
nhau, sau đó là xây dựng lại lòng tin và có khi xung đột.
Nhưng ông Biden dường như quyết tâm làm cho mối quan hệ Ấn Độ-Mỹ thành điểm
sáng dù rằng một số người trong nội bộ nước ông đã đặt câu hỏi về hồ sơ nhân
quyền của Ấn Độ dưới thời ông Modi.
Đêm trước chuyến thăm, 75 thành viên Đảng Dân chủ ở Quốc hội đã kêu gọi Tổng
thống Biden đặt vấn đề về nhân quyền. Họ nói rằng họ quan ngại về tình trạng
thiếu bao dung tôn giáo và hạn chế báo chí, sự co lại của không gian chính trị
và việc nhắm vào các nhóm xã hội dân sự tại Ấn Độ. Các nhóm nhân quyền đã lên kế
hoạch biểu tình phản đối trong chuyến thăm của ông Modi.
Tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đã nói đến rất
nhiều về tình trạng hiện tại của mối quan hệ hai nước:
"Chúng tôi biết rằng Ấn Độ và Hoa Kỳ là những quốc gia lớn và phức tạp.
Chúng tôi đoan chắc có nhiều việc phải làm để nâng cao tính minh bạch, thúc đẩy
tiếp cận thị trường, củng cố các nền dân chủ của chúng ta, để giải phóng toàn bộ
tiềm năng của người dân chúng ta. Nhưng quỹ đạo của mối quan hệ đối tác này là
không thể lần lẫn và nó đầy hứa hẹn."
No comments:
Post a Comment