Sunday, 25 June 2023

ÔNG MODI THĂM NƯỚC MỸ : VÌ SAO WAHSINGTON TRẢI THẢM ĐỎ ĐÓN THỦ TƯỚNG ẤN ĐỘ? (Vikas Pandey   |   BBC News, Delhi)

 



 

NỘI DUNG :

 

Ông Modi thăm Mỹ: Vì sao Washington trải thảm đỏ đón Thủ tướng Ấn Độ?

Vikas Pandey   |   BBC News, Delhi

.

Modi bắt Biden thực tế hơn

Ngô Nhân Dụng

 

==================================================

.

.

Modi bắt Biden thực tế hơn

Ngô Nhân Dụng

24/06/2023

https://www.voatiengviet.com/a/modi-bat-biden-thuc-te-hon/7151269.html

 

Mấy ngày qua, ông Biden không dám phê bình ông Narendra Modi, về các thủ đoạn mị dân và vi phạm quyền tự do ngôn luận. Ông Modi đề cao Ấn Độ Giáo, và không bảo vệ đúng mức những người Hồi Giao thiểu số, nhiều người Mỹ đã lên án.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-c1f0-08db7440238f_w1023_r1_s.jpg

Tiễn chân ông Modi về nước, ông Joe Biden ca ngợi sự cộng tác “mạnh hơn, chặt chẽ hơn và năng động hơn” sẽ gây “ảnh hưởng lớn chưa từng thấy trên thế giới.”

 

Cả nước Mỹ, hành pháp và lập pháp, cả hai đảng Dân Chủ cũng như Cộng Hòa đều đồng ý hợp tác với Narendra Modi rất có lợi trong khi đối đầu với Vladimir Putin và Tập Cận Bình.

 

Trong thời gian ở Washington, Thủ tướng Modi không nhắc đến tên Tập Cận Bình và Vladimir Putin một lần nào. Nhưng ai cũng biết lý do chính khiến nước Mỹ muốn cộng tác rộng rãi hơn và sâu đậm hơn với Ấn Độ chính là vì Nga và Trung Quốc.

 

Nhưng Narendra Modi sẽ không “theo Mỹ.” Ông vẫn bảo vệ vị thế “trung lập” đã bắt đầu từ thời Jawaharlal Nehru, vị thủ tướng đầu tiên của nước Ấn Độ. Trong thời Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ không đứng về khối Cộng sản hay Tư bản; nhưng trong nước vẫn duy trì thể chế tự do, dân chủ và kinh tế thị trường. Có lúc Bà Indira Gandhi đã thí nghiệm “kinh tế xã hội chủ nghĩa,” quốc hữu hóa các ngân hàng, rồi cũng phải từ bỏ vì thất bại.

 

Bang giao giữa Mỹ và Ấn Độ khi lên khi xuống. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các chính phủ Bill Clinton và George Bush thấy cơ hội, muốn lôi kéo Ấn Độ vào một liên minh các nước dân chủ. Nhưng các chính phủ Ấn Độ, từ thời đảng Quốc Đại (Congress) đến thời đảng Janata cầm quyền năm 1977, đều không hưởng ứng.

 

Sau cuộc khủng bố 11 tháng Chín 2001, Washington đã yêu cầu New Delhi gửi quân tới Afghanistan, như nhiều quốc gia lớn khác. Báo chí Ấn Độ hoan nghênh hành động này, nhưng Thủ tướng Bihari Vajpayee, đảng Janata, từ chối vì các tướng lãnh không đồng ý. Quân đội Ấn Độ dè dặt là đúng vì họ vẫn thường xuyên lo hai mặt trận biên giới âm ỉ, với Pakistan và Trung Cộng. Nhưng ông Modi nghiêng về phía Mỹ nhiều hơn sau khi đắc cử năm 2014, lên thay vị cựu thủ tướng Manmohan Singh thuộc đảng Quốc Đại.

 

Ngoại trưởng S. Jaishankar trong chính phủ hiện tại giải thích, “Ấn Độ sẽ nhận được những lợi ích từ càng nhiều mối quan hệ càng tốt.” Cho nên, ngay bây giờ, Ấn Độ vẫn giao hảo với Nga, Iran, và cả với Cộng sản Trung Quốc, khi thấy mình có lợi!

 

Chính phủ Mỹ không hy vọng có thể liên minh quân sự với Ấn Độ để chống Trung Cộng. Ba năm trước, 20 binh sĩ Ấn Độ mới thiệt mạng khi đánh nhau với quân Trung Quốc trong vùng Hy Mã Lạp Sơn. Nhưng Ấn Độ không nhờ cậy một nước khác nhúng tay vào, mình sẽ đóng vai một nước “đàn em.” Họ theo chiến lược lâu dài, và một sức mạnh của người Ấn Độ là họ kiên nhẫn và rất giỏi chờ đợi. Trong một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Đức Hermann Hesse, một phụ nữ hỏi nhân vật mang tên Siddartha rằng anh có đức tính gì đáng kể, Siddartha nói, “Tôi có thể chờ đợi.” Nước Ấn Độ sẽ chờ đợi, đến cuối thế kỷ này khi dân số Trung Quốc sẽ giảm bớt gần một nửa, kinh tế Ấn sẽ qua mặt cả Mỹ lẫn Trung Quốc.

 

Trong khi các xung đột biên giới tiếp diễn, Ấn Độ vẫn tham dự các tổ chức kinh tế cùng với Trung Cộng, đàm phán chuyện quân sự tất cả 18 lần và. Ấn Độ có mặt trong Tổ chức Cộng tác Thượng Hải (SCO) do Nga và Trung Cộng thành lập năm 2001. Ấn Độ đóng góp vào Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở, số cổ phần chỉ nhỏ hơn Trung Quốc. Tháng Năm vừa qua, Ấn Độ đứng ra mời các nước họp SCO trong lúc đang đụng độ với cả Pakistan và Trung Cộng.

 

Nhưng Biden và Modi vẫn đồng ý tăng cường quan hệ quân sự trong cuộc gặp gỡ vừa qua. Hai nước cam kết sẽ chia sẻ các tin tức tình báo và thao diễn quân đội chung nhiều hơn; cho phép Hải quân và Không quân mỗi bên sử dụng các phương tiện của bên kia khi cần.

 

Nhưng kết quả quan trọng nhất là gia tăng trao đổi kinh tế, thương mại. Hai nước cùng chấm dứt các vụ kiện lẫn nhau tại WTO (World Trade Organization). Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc, trở thành “nhà máy sản xuất” của hoàn cầu; vai trò Trung Quốc trong đường dây cung cấp đang giảm bớt. Hiện nay Mỹ là đối tác mua bán nhiều nhất của Ấn Độ, còn ở Mỹ, Ấn Độ đứng hàng thứ tám.

 

Mỹ đối xử với Ấn Độ và Trung Cộng khác hẳn nhau trong các trao đổi kỹ thuật tân tiến, như chất bán dẫn. Bắc Kinh đã phản đối ồn ào khi chính quyền Biden ra lệnh hạn chế không cho các công ty kỹ thuật Mỹ bán hoặc đầu tư để giúp Trung Quốc chế tạo các chất bán dẫn mới, những con chip nhỏ, khó làm và thiết yếu nhất. Công ty Micron Technology của Mỹ, mới bị Trung Cộng tấn công, đã hứa sẽ đầu tư $825 triệu đô la lập nhà máy ráp và thử nghiệm chất bán dẫn ở Ấn Độ, tạo thêm hàng ngàn công việc làm. Công ty Lam Research sẽ huấn luyện 6,000 kỹ sư Ấn Độ, với mục đích giúp đào tạo các sinh viên Ấn về kỹ thuật làm chất bán dẫn. Một công ty lớn khác, Applied Materials, đứng hàng đầu thế giới về chế tạo máy móc, thiết bị để làm chất bán dẫn, sẽ lập một trung tâm kỹ thuật, với dự án $400 triệu đô la. Cả hai bên hợp tác cùng hướng về tương lai rất xa.

 

Ngày cuối cùng ở Mỹ, hai ông Modi và Biden đã gặp giới lãnh đạo các công ty kỹ thuật nhằm “nâng sự hợp tác sáng chế canh tân lên một mức độ cao hơn.” Ba người đứng đầu các công ty lớn nhất có mặt, là Tim Cook, CEO hãng Apple; Satya Nadella, CEO của Microsoft; và Sundar Pichai của Google. Hai ông Nadella và Pichai đều là người Ấn Độ di cư sang Mỹ.

 

Ở nước Mỹ không ai nêu câu hỏi về hai ông Nadella và Pichai; cả hai là người Ấn Độ cầm đầu những công ty quan trọng nhất, những quyết định của họ có thể ảnh hưởng đến bang giao giữa hai nước, kể cả các vấn đề tình báo, an ninh. Ngược lại, CEO công ty TikTok là Chu Thụ Tư (Shou Zi Chew, 周受) gốc Trung Quốc đã được mời ra quốc hội trả lời suốt năm tiếng đồng hồ về mối lo chính quyền Trung Cộng có thể lợi dụng mạng thông tin này làm gián điệp. Quốc hội Mỹ, chính quyền liên bang và nhiều tiểu bang đã cấm dùng TikTok.

 

Người Mỹ phân biệt đối xử giữa các công dân gốc Ấn Độ và gốc Trung Hoa hay không?

Lý do rất giản dị. Ấn Độ là một nước tự do dân chủ, tôn trọng luật pháp. Cộng sản Trung Quốc vẫn thường xuyên dùng món võ đe dọa thân nhân của người Trung Hoa ở nước ngoài để cưỡng ép làm gián điệp cho họ. Chỉ có một chế độ độc tài chuyên chế mới dùng thủ đoạn đen tối bất chấp pháp luật.

 

Hiện có 2.7 triệu người Mỹ gốc Ấn Độ, trong đó có phó Tổng thống Kamala Harris, bà mẹ người Ấn. Năm 2016, thống đốc Louisiana, Bobby Jindal, Cộng Hòa, là người gốc Ấn Độ đầu tiên ghi tên tranh cử tổng thống Mỹ. Năm nay Vivek Ramaswamy, một triệu phú, và bà Nikki Haley, cựu thống đốc South Carolina đang vận động giành vai trò đó trong đảng Cộng Hòa. Không ai đặt câu hỏi các nhà chính trị này trung thành với nước Mỹ hay Ấn Độ hơn!

 

Mặc dù các trao đổi giữa Narendra Modi và Joe Biden nhấn mạnh đến các vụ đầu tư chất bán dẫn, nhưng công nghệ quốc phòng cũng quan trọng. Công ty Mỹ General Electric sẽ hợp tác với Hindustan Aeronautics Limited, Ấn Độ, để sản xuất động cơ máy phản lực cho phi cơ chiến đấu. Ấn Độ cũng mới ký mua các máy bay không người lái (drones) MQ-9B của Mỹ, đã được sử dụng trên chiến trường, tộng cộng $3 tỷ mỹ kim. Những chiếc MQ-9B Predators này sẽ được công ty General Atomics lập nhà máy sản xuất ở Ấn Độ. Nước Mỹ không những giúp Ấn Độ cải thiện máy khả năng chiến đấu mà còn sẵn sàng chuyển giao các bí mật kỹ thuật quân sự - một điều chưa bao giờ thấy.

 

Mỹ hỗ trợ công nghệ quốc phòng cho Ấn Độ sẽ giúp nước này tự vệ và ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng. Nhưng Ấn Độ hiện nay chỉ mua 11 phần trăm vũ khí từ nước Mỹ, so với 45% do Nga cung cấp. Trong quá khứ, Ấn Độ thường chỉ mua vũ khí của Nga. Trong kho vũ khí của Ấn Độ đang dùng Nga cung cấp 86%, hầu hết các xe thiết giáp T-90, chiến đấu cơ Migs hay Sukhois và tàu ngầm Kilo. Trong cuộc chiến tranh Ukraine, vũ khí quân đội Nga đang dùng đã để lộ các nhược điểm, ngoài các hỏa tiễn tầm xa và drones mua của Iran. Nga đang mất nhiều khách hàng mua súng đạn, vì các nước khác sẽ tìm mua của Mỹ hay các nước Âu châu.

 

Nhưng chính phủ Mỹ sẽ không thể dùng các mối quan hệ kinh tế hay quân sự mới này để ảnh hưởng trên chính sách ngoại giao của chính phủ Ấn. Vì họ có những quyền lợi riêng, không phù hợp với quyền lợi của Mỹ. Thí dụ, ông Narendra Modi vẫn “đứng trung lập” không lên án Nga xâm lăng Ukraine. Lý do rất dễ hiểu: Ấn Độ, cũng như Trung Quốc, đang hưởng lợi rất nhiều khi Nga sa lầy ở Ukraine. Cả hai nước đều đang mua dầu lửa “đại hạ giá” của Nga, mà Ấn Độ được lợi nhất.

 

Nga bị các nước Tây phương cấm vận không mua dầu khí, nên phải tìm đường bán tống bán tháo. Trước đây Ấn Độ, khác Trung Quốc, không mua dầu lửa của Nga, chỉ mua từ các nước Trung Đông. Khi Mỹ và Âu châu ấn định giá tối đa khi mua dầu lửa của Nga là $60 đô la một thùng, giá dầu Nga tụt xuống giá trung bình chỉ có $51 đô la. Bây giờ Ấn Độ mua 45% dầu nhập cảng từ Nga, bằng một nửa số dầu Nga xuất cảng, chuyên chở từ các hải cảng ở hai phía Đông và Tây của nước Nga, hai triệu thùng mỗi ngày theo đường biển.

 

Hiện nay Nga bán nhiều dầu thô hơn thời trước cuộc chiến, nhưng giá hạ nên số tiền thâu vào cũng giảm. Ấn Độ mua dầu thô của Nga về, đưa tới các nhà máy lọc dầu bên bờ Vịnh Kutch, căn cứ lọc dầu lớn nhất thế giới. Sau đó, dùng trong nước không hết, bán dầu đã lọc cho các nước Đông Nam Á, Phi châu, qua cả Âu châu và Mỹ. Những nước này trên nguyên tắc vẫn cấm vận kinh tế Nga, nhưng có thể mua dầu xăng của Ấn Độ theo giá thị trường.

 

Tháng 12 năm ngoái một phóng viên hỏi Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar về việc mua dầu thô để giúp Nga trong lúc dân Ukraine đau khổ. Ông Jaishankar đã so sánh, “Tại sao lại nghĩ chỉ có tiền Ấn Độ mua dầu mới giúp cho Nga tiếp tục chiến tranh; còn các nước Âu châu mua của Nga thì không? Ông biện hộ, “Chúng tôi gửi người đi tìm mua dầu. Thấy chỗ nào bán rẻ nhất thì mua. Không có dụng ý chính trị nào hết… Tôi nghĩ rằng số dầu chúng tôi mua của Nga trong một tháng cũng chỉ lớn bằng số dầu các nước Âu châu mua trong một buổi chiều!”

 

Khi bị chất vấn trước quốc hội Ấn Độ về vấn đề này, ông Jaishankar nói. “Chính sách của chúng ta là mua hàng giá rẻ nhất, vì quyền lợi người Ấn Độ. Nếu quý vị lên án quan điểm đó, vì đặt ưu tiên cho quyền lợi của nhân dân Ấn Độ, thì tôi xin nhận tội.”

 

Ông Joe Biden đã chịu thua, cũng áp dụng lối suy nghĩ thực tế này. Trước đây, khi bàn chính sách ngoại giao, ông thường đề cao những “lý tưởng” trừu tượng, như tự do dân chủ, tinh thần trọng pháp, vân vân. Mấy ngày qua, ông Biden không dám phê bình ông Narendra Modi, về các thủ đoạn mị dân và vi phạm quyền tự do ngôn luận. Ông Modi đề cao Ấn Độ Giáo, và không bảo vệ đúng mức những người Hồi Giao thiểu số, nhiều người Mỹ đã lên

án.

 

Trong thực tế, nước Mỹ cần lôi kéo Ấn Độ về phía mình, cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ dù đảng nào lên cầm quyền cũng sẽ tiếp tục. Tiễn chân ông Modi về nước, ông Joe Biden ca ngợi sự cộng tác “mạnh hơn, chặt chẽ hơn và năng động hơn” sẽ gây “ảnh hưởng lớn chưa từng thấy trên thế giới.” Ông nói chuyện lâu dài, từ nay đến cuối thế kỷ. Tập Cận Bình và Vladimir Putin chắc phải lo.

 

==========================================

.

.

Ông Modi thăm Mỹ: Vì sao Washington trải thảm đỏ đón Thủ tướng Ấn Độ?

Vikas Pandey

BBC News, Delhi

23 tháng 6 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjl9d5w1d58o

 

Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Mỹ có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và những "cơn gió ngược" địa chính trị.

 

Hình : https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/c037/live/a49da060-117a-11ee-816c-eb33efffe2a0.jpg

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được coi là bước ngoặt cho quan hệ song phương

 

Nhà Trắng đang dốc hết sức để đón tiếp ông Modi - đây là chuyến thăm cấp nhà nước, nghi thức ngoại giao cấp cao nhất của Hoa Kỳ dành cho các nhà lãnh đạo tới thăm.

 

Ông Modi sẽ được chào đón theo nghi thức tại Nhà Trắng vào thứ Năm này trước khi ông có cuộc hội đàm trực tiếp với Tổng thống Joe Biden.

 

Sau đó là tiệc tối, gặp gỡ các CEO, phát biểu trước phiên họp chung của Quốc hội và đọc các bài diễn văn trước người Mỹ gốc Ấn, vốn là những điểm nổi bật trong các chuyến thăm Mỹ trước đây của ông Modi.

 

Tất cả những điều này là đang dành cho một nhà lãnh đạo từng bị từ chối cấp thị thực vào Mỹ vì lo ngại về nhân quyền - giờ đây Mỹ xem ông Modi là một đối tác quan trọng.

 

Phía sau các buổi lễ được chuẩn bị kỹ lưỡng là các cuộc thảo luận có khả năng không chỉ rót một nguồn năng lượng mới vào quan hệ Ấn Độ-Mỹ mà còn có tác động đến trật tự toàn cầu.

 

Ấn Độ-Thái Bình Dương là khu vực Mỹ có thể cần đến ảnh hưởng của Ấn Độ hơn bất kỳ nơi nào khác vào lúc này. Mỹ từ lâu đã coi Ấn Độ là đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, nhưng Delhi chưa bao giờ hoàn toàn thoải mái với việc sở hữu danh hiệu này.

 

Có thể mang tính miễn cưỡng nhưng Trung Quốc tiếp tục là một trong những chất xúc tác chính thúc đẩy quan hệ Ấn Độ-Mỹ.

 

Nhưng Ấn Độ đã không thể tránh khỏi việc đưa ra các quyết định gây khó chịu cho Trung Quốc. Ấn Độ đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự với lực lượng Hoa Kỳ vào năm ngoái tại bang Uttarakhand, nơi có chung biên giới trên dãy Himalaya với Trung Quốc.

 

Delhi cũng tiếp tục tham gia tích cực vào Bộ tứ Kim cương - Quad - gồm Mỹ, Úc và Nhật Bản - bất chấp phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh.

 

Nền ngoại giao Ấn Độ ngày càng quyết đoán hơn khi nói rằng đây là thời khắc của đất nước trên trường quốc tế. Điều này có lý do chính đáng - Ấn Độ hiện là một trong số ít điểm sáng kinh tế trên thế giới.

 

Địa chính trị cũng mang lợi thế về cho nước này - hầu hết các quốc gia đều muốn có một nền sản xuất thay thế Trung Quốc và Ấn Độ cũng có một thị trường khổng lồ với tầng lớp trung lưu đang phát triển. Điều này làm cho Ấn Độ trở thành một lựa chọn tốt cho các nước và công ty toàn cầu theo đuổi chính sách Trung Quốc + 1.

 

Tanvi Madan, giám đốc Dự án Ấn Độ tại Viện Brookings ở Washington DC, nói rằng điều quan trọng với Mỹ là những gì Ấn Độ làm chứ không phải những gì nước này công khai nói về Trung Quốc.

 

“Cuối cùng, dù Ấn Độ có công khai chấp nhận danh hiệu hay không, thì rõ ràng là chính phủ Ấn Độ đã coi mối quan hệ với Hoa Kỳ là hữu ích cho việc ứng phó với Trung Quốc,” bà nói.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/90c8/live/cdfe4720-117a-11ee-816c-eb33efffe2a0.jpg

Ông Modi sẽ hội đàm với Tổng thống Biden trong chuyến thăm

 

Michael Kugelman, giám đốc Viện Nam Á tại tổ chức tư vấn của Trung tâm Wilson ở Washington, nói thêm rằng hai nước hiện đã bắt đầu "đồng quan điểm trên một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn".

 

"Chúng tôi bắt đầu thấy Mỹ nhận ra tầm quan trọng của các nhân tố phía tây của khu vực Ấn Độ Dương. Trong nhiều năm, mối quan tâm chính của Ấn Độ, vì lý do chính đáng, là khu vực Ấn Độ Dương. Trong khi đối với Mỹ, đó là Thái Bình Dương và Nam Trung Quốc. Họ sẽ xem xét an ninh hàng hải cho khu vực ngay bây giờ," ông nói.

 

Tuyên bố chung có thể không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc nhưng nó sẽ nằm hàng đầu trong chương trình nghị sự khi hai nhà lãnh đạo thảo luận về những cách củng cố sự hiện diện của họ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

 

Nhưng trong khi hai nước đồng tình về Trung Quốc, đôi bên đã có những cách tiếp cận khác nhau đối với cuộc chiến Ukraine.

 

Delhi đã không trực tiếp chỉ trích Nga, điều mà các nhà phân tích cho rằng phần lớn là do nước này phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu quốc phòng của Nga và "mối quan hệ đã kinh qua thời gian thử thách" với Moscow.

 

Ấn Độ dựa vào Moscow đến gần 50% nhu cầu quốc phòng, nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Ấn Độ luôn tự hào về việc tuân theo chính sách không liên kết - hay quyền tự chủ chiến lược, như cách gọi của họ trong những năm gần đây.

 

Ấn Độ không muốn bị bó buộc trong một trung tâm quyền lực cụ thể trong trật tự toàn cầu, điều này đã khiến các nhà ngoại giao Washington khó chịu trong những tháng đầu của cuộc xâm lược.

 

Tuy nhiên, Mỹ đã nới lỏng lập trường trong những tháng gần đây - thậm chí nước này còn bỏ qua việc Ấn Độ liên tục mua dầu thô từ Nga.

 

Ấn Độ cũng đã tiến tới một bước bằng cách công khai kêu gọi chấm dứt chiến tranh.

Bà Madan nói thêm rằng các phản ứng khác nhau đối với cuộc xâm lược không phải là yếu tố phá vỡ thỏa thuận trong quan hệ Ấn Độ-Mỹ.

 

"Khi có sự hội tụ chiến lược, hai nước sẽ có động cơ giải quyết sự khác biệt giữa họ. Có thể không loại bỏ, nhưng quản lý sự khác biệt của họ. Và tôi nghĩ điều đó đã xảy ra với lập trường khác nhau của họ về Nga," bà nói.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/fdfe/live/e8e79f00-117a-11ee-816c-eb33efffe2a0.jpg

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á dự kiến ​​sẽ được đề cập trong các cuộc đàm phán

 

Trong khi đó, có các lĩnh vực thảo luận quan trọng khác gồm công nghệ, quốc phòng và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Hai nước đã ký cái gọi là Sáng kiến về công nghệ trọng yếu và mới nổi. Thỏa thuận này sẽ cho phép các công ty và trường đại học của Hoa Kỳ và Ấn Độ hợp tác với nhau trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm công nghệ thông tin, không gian vũ trụ, quốc phòng, trí tuệ nhân tạo, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

 

Các nhà lãnh đạo cũng có thể tuyên bố hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là ngành sản xuất chất bán dẫn mà Trung Quốc là đối thủ lớn nhất.

 

Phòng thủ là một lĩnh vực khác đã nổi lên như một điểm hội tụ chính.

 

Ấn Độ là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và Nga vẫn chiếm một phần trọng yếu trong số đó với mức 45%, dữ liệu được phân tích từ năm 2017 đến năm 2022 cho thấy.

 

Nhưng quan trọng ở đây là thị phần của Moscow từng là 65% cho đến năm 2016 - đó là nơi Hoa Kỳ nhìn thấy cơ hội.

 

Thị phần của Washington đã tăng lên nhưng vẫn chỉ là 11%, sau 29% của Pháp. Vì vậy, một số thỏa thuận quốc phòng lớn là không thể tránh khỏi - họ có khả năng thông báo việc Ấn Độ mua máy bay không người lái MQ-9A "Reaper" đã được thử nghiệm thực chiến và một thỏa thuận giữa General Electric (GE) và các công ty nhà nước của Ấn Độ để sản xuất động cơ phản lực chiến đấu ở Ấn Độ.

 

Ông Kugelman nói hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia "đã đi qua một chặng đường dài".

Ông nói: “Nếu bạn nhìn vào ghi chép theo dõi gần đây, người ta có thể lập luận rằng cách đối xử mà Mỹ dành cho Ấn Độ không khác với những gì họ làm cho nhiều đồng minh khác của mình.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/f88a/live/1ba74260-117b-11ee-816c-eb33efffe2a0.jpg

Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau vào mùa thu năm ngoái - đã có rất nhiều sự phô diễn xung quanh chuyến đi Mỹ của ông Modi

 

Trong khi quốc phòng và công nghệ rất có thể sẽ đưa ra một số thông báo quan trọng, về thương mại khó mà chờ đợi điều tương tự.

 

Mỹ hiện là đối tác thương mại hàng đầu trị giá 130 tỷ USD của Ấn Độ, nhưng các nhà phân tích cho rằng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

 

Hai nước có những khác biệt lớn về thuế quan và kiểm soát xuất khẩu. Ấn Độ đã ký hiệp định thương mại tự do với Úc và Dubai, đồng thời đang thảo luận về các thỏa thuận tương tự với các nước khác gồm Canada, Anh và EU.

 

Không có thỏa thuận nào như vậy trong chuyến thăm này nhưng các nhà lãnh đạo có thể bàn bạc hoặc ít nhất là đặt nền móng để giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại trong tương lai.

 

Ông Kugelman cho biết sự khác biệt không bị loại bỏ mà được gác sang một bên vì lợi ích chung đạt được hơn trong các lĩnh vực cùng nhau hợp tác.

 

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng thương mại giữa các công ty Ấn Độ và Mỹ đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, bất chấp những khác biệt giữa các chính phủ.

 

Dù không phải là ưu tiên hàng đầu nhưng thương mại chắc chắn sẽ được nêu bật khi hai nhà lãnh đạo thảo luận về các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch và sự độc quyền của Trung Quốc gây ra.

 

"Thương mại từng là một chủ đề nhức nhối nhưng tôi nghĩ hiện nay hai bên đang tiếp cận chính sách thương mại theo cách khác. Nhưng các bạn không thể xem xét các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu mà không đá động đến thương mại", bà Madan nói.

 

Thời điểm của chuyến thăm cũng rất thú vị vì cả hai quốc gia sẽ tổ chức bầu cử vào năm tới và hai nhà lãnh đạo sẽ nhìn vào các tiêu đề có thể thu hút công chúng trong nước của họ.

Vì vậy, một số thỏa thuận gây chú ý lớn là không thể tránh khỏi. Nhưng sau cùng, quan hệ Mỹ-Ấn luôn phức tạp - với nhiều thập kỷ không tin tưởng lẫn nhau, sau đó là xây dựng lại lòng tin và có khi xung đột.

 

Nhưng ông Biden dường như quyết tâm làm cho mối quan hệ Ấn Độ-Mỹ thành điểm sáng dù rằng một số người trong nội bộ nước ông đã đặt câu hỏi về hồ sơ nhân quyền của Ấn Độ dưới thời ông Modi.

 

Đêm trước chuyến thăm, 75 thành viên Đảng Dân chủ ở Quốc hội đã kêu gọi Tổng thống Biden đặt vấn đề về nhân quyền. Họ nói rằng họ quan ngại về tình trạng thiếu bao dung tôn giáo và hạn chế báo chí, sự co lại của không gian chính trị và việc nhắm vào các nhóm xã hội dân sự tại Ấn Độ. Các nhóm nhân quyền đã lên kế hoạch biểu tình phản đối trong chuyến thăm của ông Modi.

 

Tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đã nói đến rất nhiều về tình trạng hiện tại của mối quan hệ hai nước:

 

"Chúng tôi biết rằng Ấn Độ và Hoa Kỳ là những quốc gia lớn và phức tạp. Chúng tôi đoan chắc có nhiều việc phải làm để nâng cao tính minh bạch, thúc đẩy tiếp cận thị trường, củng cố các nền dân chủ của chúng ta, để giải phóng toàn bộ tiềm năng của người dân chúng ta. Nhưng quỹ đạo của mối quan hệ đối tác này là không thể lần lẫn và nó đầy hứa hẹn."

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats