Saturday 17 June 2023

NHỮNG GIẢ THUYẾT XUNG QUANH VỤ VỠ ĐẬP KAKHOVKA CỦA UKRAINE (Minh Anh / RFI)

 



Những giả thuyết xung quanh vụ vỡ đập Kakhovka của Ukraina

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 16/06/2023 - 11:02

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230616-gia-thuyet-vo-dap-kakhovka-ukraina

 

Thứ Ba 06/06/2023, đập thủy điện Nova Kakhovka bị vỡ. Nga và Ukraina cáo buộc nhau có hành động phá hoại. Những hình ảnh vệ tinh cho thấy mực nước trong hồ chứa nước dâng cao bất thường trong giai đoạn từ tháng 2-5/2023, gây tranh cãi dữ dội trên các mạng xã hội. Các nghiên cứu từ một kỹ sư thủy điện ở Pháp đề xuất giả thuyết một sự cố tai nạn.

 

https://s.rfi.fr/media/display/ff1d8710-06b9-11ee-af8e-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP23159260149206.webp

Sau khi con đập Kakhovka bị phá vỡ, khu vực dân cư rộng lớn tại thành phố Kherson bị chìm trong nước, ngày 07/06/2023. AP

 

RFI Tiếng Việt lược dịch hai bài viết trên trang mạng 20 Minutes và La Vigie giới thiệu một số quan sát, nhận định về vụ việc này.

 

                                                        **********

 

Ai đã phá hủy đập thủy điện Kakhovka ?

 

Trang mạng 20 Minutes cho biết trên mạng xã hội, một biểu đồ cho thấy mực nước trong hồ dâng cao hơn 3,5 mét được diễn giải để chứng minh cho những giả thuyết trái ngược nhau mà không lập được một bằng chứng cụ thể và đầy đủ.

 

Mạng xã hội Twitter đăng đánh giá của nhà sáng lập Megaupload Kim Dotcom ngay hôm xảy ra vụ vỡ đập 06/6 có ghi : « Nhiều dữ liệu cho thấy Ukraina đã cố tình cho dâng mực nước trong hồ chứa đến mức cao nhất trong vòng tám năm trước khi đập bị vỡ. Một bằng chứng phạm tội chăng ? » Nhận định này đã được chia sẻ hơn 7.500 lần trên mạng Twitter.

 

Người này còn thắc mắc tiếp : Ukraina kiểm soát nhiều con đập khác trên thượng nguồn sông Dniepr, và khi cho « nâng mực nước lên đến mức kỷ lục, phải chăng chế độ Zelensky đã muốn gây ra một trận lũ lụt lớn nhất sau khi đập vỡ ? »

 

Chỉ có điều sông Dniepr nằm trên đường chiến tuyến, các lực lượng Nga kiểm soát phần hữu ngạn, bao gồm cả hồ chứa và nhà máy thủy điện Kakhovka, như sơ đồ do Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ (ISW) đưa ra. Biểu đồ này sau đó được công bố nhằm khẳng định ngược lại rằng chính quân Nga đã giữ nước trong hồ trước khi có kế hoạch phá đập.

 

Theo 20Minutes, biểu đồ này là có thật và do Theia, một cơ sở dữ liệu của Pháp cung cấp trên trang mạng Hydroweb, dựa trên những quan sát từ ảnh vệ tinh các bề mặt lục địa trong đó có cả mực nước các hồ chứa. Theo các thông số, mực nước của hồ Kakhovka trong tháng Hai là 14,03 mét, mức thấp nhất từ năm 1992 nếu người ta so sánh với những số liệu của bộ Nông Nghiệp Mỹ.

 

Nếu mức nước này cứ tiếp tục hạ sẽ là đáng lo ngại, vì chúng có thể có những tác động đến việc làm mát nhà máy điện hạt nhân Zaporijia, nằm cách hồ chứa 140 km ở hạ nguồn. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA), để có thể bơm nước từ bể chứa làm mát sáu lò phản ứng, mực nước cần thiết tối thiểu là 12,7 mét.

 

Tuy nhiên, từ tháng Hai trở đi, nước bất ngờ dâng cao, đạt đỉnh 17,54 mét vào ngày 21/5. Kể từ ngày 04/6, Hydroweb không cung cấp các dữ liệu nữa. Trung tâm Nghiên cứu Không gian, đối tác của cơ sở dữ liệu này, không đưa ra đánh giá nào về sự tăng đột biến này.

 

Nga, Ukraina : Trách nhiệm thuộc về ai ?

 

Trao đổi với 20Minutes, bà Iuliia Danylenko, lãnh đạo Viện các vấn đề thủy điện và quy hoạch lãnh thổ của Ukraina, giải thích rằng việc quản lý sáu con đập nằm trên sông Dniepr được điều chỉnh theo một tài liệu chính thức : Những quy định vận hành các hồ chứa của sông Dniepr. Những quy định này có tính đến các nhu cầu cần thiết các bên liên quan (như thủy điện, đánh bắt thủy sản, công nghiệp, tưới tiêu,…) và bao gồm cả các điều kiện thời tiết trong năm (khô hạn, bình thường, ẩm ướt) để điều chỉnh mực nước trong các hồ chứa nước.

 

Theo giải thích của Iuliia Danylenko, mùa đông năm nay và vào mùa xuân, « thời tiết rất ẩm, mưa nhiều trên thượng nguồn, điều đó có nghĩa là các hồ chứa chắc chắn sẽ bị đầy. Để tránh bị tràn bờ, tất cả các đập nước phải tháo nước ở hạ nguồn cho đến tận Biển Đen. »

 

Không giống như với 5 đập nước khác trên sông Dniepr vẫn do Ukraina quản lý, đập Kakhovka « hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Nga từ ngày 24/02/2022. Chính phủ Ukraina không thể tiếp cận và do vậy, không thể mở hay đóng van. Mực nước có thể dâng lên trong trường hợp những ai khai thác đập thủy điện không tuân thủ các quy định và không mở đủ số van cần thiết vào đúng thời điểm. Các lực lượng chiếm đóng có trách nhiệm phải bảo đảm chế độ vận hành bình thường cho đập thủy điện. » Bà Iuliia Danylenko tự hỏi : « Vì sao những van đập không được mở ? Phải chăng có một mục đích gì cho điều đó ? »

 

Tỷ lệ tháo nước quá thấp

 

Trung tuần tháng Năm, báo Mỹ New York Times nghi vấn về mực nước tăng lên trong hồ, mà theo một phân tích các hình ảnh vệ tinh, đã đạt đến mức đáng báo động, theo đó, nước dường như đã tràn qua đỉnh đập. Các nhà báo của New York Times viết : « Nguyên nhân mực nước dâng lên đáng kể này là không rõ ràng. »

 

Ông David Helms, cựu chuyên gia khí tượng thủy văn cho không quân Mỹ, có nghiên cứu về đập thủy điện, giải thích rằng quân Nga dường như đã mở quá ít số van đập để kiểm soát lưu lượng do băng tan chảy và những cơn mưa xuân tràn về. Ông khẳng định với báo Mỹ rằng, « nước sông đổ quá đầy hồ và đã vượt quá lượng tháo nước cần thiết ».

 

Và giả thuyết tai nạn ?

 

Trang mạng La Vigie, đăng một tóm tắt của một nghiên cứu dài 13 trang từ một kỹ sư lấy bút danh là Pierre Ranvier, tốt nghiệp Ecole Centrale Paris, có 15 năm kinh nghiệm về cơ sở hạ tầng thủy điện. Bài nghiên cứu này đưa ra những quan sát và phân tích về cấu trúc, cách thức vận hành trong thời gian qua và đề xuất một kịch bản cho vụ vỡ đập, đặt nền tảng cho những tranh luận sắp tới. RFI xin đăng dịch nguyên văn phần tóm tắt. Quý vị có thể tham khảo bài nghiên cứu gốc tại đây.

 

·        Từ đầu năm 2023, không thao tác van khóa nước nào được thực hiện trên đập và các giàn xử lý van hoàn toàn bất động ; đồng thời, nhà máy điện đã bị dừng toàn bộ và không thể khởi động lại. Nguyên nhân của những quan sát này không được biết, nhưng kiểu vận hành này là bất thường, và do vậy, đó còn là dấu hiệu của việc những người quản lý không có khả năng vận hành cấu trúc một cách bình thường, và nhất là tiến hành thao tác mở cửa van xả lũ.

·        Sau đợt lũ (tháng 4/2023), do không có khả năng tiêu thoát nước, bởi vì nhà máy bị ngưng và các van không được mở, mực nước trong hồ lên cao kỷ lục (mà không đe dọa trực tiếp đến con đập).

·        Nước dâng cao gây hại cho đáy sông, trong khu vực có nước chảy. Một cái hố đã được hình thành và dần mở rộng, mà dường như không một nhà điều hành nào có khả năng ngăn chặn hiện tượng. Vì vậy, hố này được mở rộng.

·        Ngay trước ngày xảy ra thảm họa, một tấm bê tông cầu đường bị sập xuống hố, gây hoảng loạn ở những người quản lý đập, khi nhìn thấy thảm họa sắp xảy ra. Những người này đã cố gắng chuyển nước qua nhà máy như là một giải pháp sau cùng.

·        Nhưng thao tác này, do việc nhà máy không được kết nối với mạng, đã dẫn đến hậu quả là phần trên của công trình dân dụng bị phá hủy.

·        Đồng thời, do hố tiếp tục đào sâu, do hậu quả từ việc nhà máy bị ngập nước, sự bất ổn của đập xả lũ đã dẫn đến việc toàn bộ các điểm tiếp xúc của cấu trúc đã bị dỡ khỏi móng và bị sóng nước cuốn trôi.

 

Từ ngày 06/6 đến nay, Matxcơva và Kiev không ngừng đổ lỗi cho nhau về việc đập Kakhovka bị vỡ. Nếu như phương Tây tỏ ra thận trọng về nguyên nhân vụ việc, sự cố này đang gây ra một thảm họa môi trường nghiêm trọng. Một hệ quả to lớn khác của cuộc chiến xâm lược do Nga tiến hành tại Ukraina!

 

------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

PHÂN TÍCH

Ukraina: Đập thủy điện Kakhovka, vũ khí hủy diệt hàng loạt "thật sự" của Nga?

 

UKRAINA - ĐẬP KAKHOVKA

Ukraina : Hậu quả của thảm họa vỡ đập thủy điện Kakhovka

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats