NHÂN
BI KỊCH Ở DAKLAK, NHẮC LẠI ĐÔI ĐIỀU “ÔN CỐ TRI TÂN”
Tôi muốn gọi những biến động vừa xảy ra ở
Daklak (xưa viết là Darlac) là một bi kịch, bi kịch trong mối quan hệ giữa những
tộc người đã chung sống với nhau hàng ngàn năm qua, từ khi “nước sông không phạm
nước giếng” đến những năm dài chan hòa cuộc sống, và gần đây là những trận đụng
độ kinh hoàng.
Lịch sử ghi chép rằng cho đến thời các chúa
Nguyễn, nơi sinh sống của các tộc người trên Tây Nguyên ngày nay vẫn được gọi
là “nước”. Năm 1751, đời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, (trích) “Thủy xá, Hỏa
xá vào cống. Hai nước ở phía trên nước Nam Bàn (khi Lê Thánh Tông đánh được
Chiêm Thành, dòng dõi nước ấy làm vua nước Nam Bàn, cắt cho đất từ núi Thạch Bi
về phía Tây), thôn lạc có hơn năm chục, giữa có núi Bà Nam rất cao, vua Thủy xá
ở phía Đông núi, vua Hỏa xá ở phía Tây núi. Buổi quốc sơ, vì cớ họ giáp giới với
Phú Yên, cứ 5 năm một lần sai người đến các nước ấy cho quà (áo gấm, mũ, nồi đồng,
chảo sắt và chén đĩa bằng sứ). Vua hai nước ấy nhận được vật cho, tức thì sắm sửa
phẩm vật địa phương (kỳ nam, sáp ong, nhung hươu, mật gấu, voi đực) để hiến. Tới
đây, sai sứ sang cống. Chúa hậu tứ rồi cho về” (hết trích) (Đại Nam thực lục –
Tập một – NXB Giáo Dục 2002, trang 157).
Xem như thế, thấy rằng thời các chúa Nguyễn,
chúa chủ động thể hiện tình lân bang bằng cách cho mang quà tặng hảo trước cho
những sắc tộc sống ở Tây Nguyên ngày nay. Đó là cách thu phục chính danh nhất của
kẻ bề trên, khiến người dưới chiếu cảm kích mà tuân phục. Năm 1794, dù cho cuộc
chiến với nhà Tây Sơn đang hồi gay cấn, song khi vua Thủy xá ở Tây Nguyên lên
ngôi, chúa Nguyễn Ánh vẫn không quên ban phẩm vật cho, và vị vua này đã “sai
man thuộc đến thông hiếu ở thượng đạo Phú Yên, xin làm phiên thuộc và xin ban
ơn cho” (Đại Nam thực lục – sđd, trang 311).
Năm 1803, khi vua Gia Long đã thống nhất đất
nước, vua hai nước Thủy xá, Hỏa xá lại sai sứ đến quy phục tại Phú Yên, vua lại
sai ban phẩm vật cho (ĐNTL, sđd, trang 556). Mối quan hệ hữu hảo đó kéo dài cho
đến khi Việt Nam hoàn toàn nằm dưới ách đô hộ của người Pháp.
Về phần người Pháp, có lẽ do còn phải đối phó
với nhiều biến động dưới đồng bằng nên gần như trong suốt thế kỷ XIX, họ không
quan tâm lắm đến vùng gọi là Tây Nguyên ngày nay. Song các giáo sĩ phương Tây
thì không thế. Ngay vào năm 1848, nghĩa là hơn 10 năm trước khi Pháp áp đặt chế
độ thuộc địa cho Việt Nam, một số giáo sĩ Pháp như Combes, Fontaine đã lặn lội
lên vùng này, cất chòi sống chung đụng với người Bahnar để thực hiện sứ mạng
truyền đạo do Giáo hội La Mã giao phó. Sự chung đụng gợi ra nhiều nghi kỵ cho
người bản địa, song sau một trận địch đậu mùa, các giáo sĩ tiêm chủng cho họ và
cứu mạng nhiều người, mối quan hệ giữa hai bên dần tốt đẹp lên. Việc giảng đạo
đạt kết quả, các giáo sĩ dạy cho người bản địa cách cày bừa, trồng lúa và trở
thành cố vấn cho họ về nhiều mặt của đời sống. Năm 1854, có 4 giáo sĩ Pháp bị
triều đình Huế truy sát, họ lang thang trong rừng nhiều ngày, sau được người
Bahnar cứu thoát (Lê Nguyễn – Cuộc phiêu lưu của Marie Đệ nhất, quốc vương xứ
Sedang – NXB Tổng hợp TPHCM 2019, từ trang 49).
Cho đến những thập niên cuối thế kỷ XIX, mối
quan hệ giữa người Kinh và các sắc tộc thiểu số vẫn diễn ra tốt đẹp. An Khê,
khu vực địa đầu của tỉnh Bình Định, trở thành một trung tâm thương mại nhỏ, nơi
người Việt dưới đồng bằng mang hàng hóa, thực phẩm lên để đổi lấy thổ sản vùng
cao. Ca dao thời ấy có câu:
Ai về nhắn với
nậu nguồn,
Măng le gùi
xuống, cá chuồn chở lên.
Người miền xuôi (người Kinh) mang lên muối,
các loại hải sản (cá, tôm, cua..), kim loại (thiếc, đồng...) đổi lấy thổ sản miền
ngược (Tây nguyên ngày nay) như gạo, thuốc lá, sáp ong, mật ong, sừng tê giác
... Chuyện mua bán, đổi chác giữa hai tộc người hầu như không thấy gì bất ổn xảy
ra.
Về phần thực dân Pháp, có thể nói trong suốt
thế kỷ XIX, họ không bận tâm đến vùng Tây Nguyên. Trừ một trường hợp vào năm
1888, khi Toàn quyền Đông Dương Constans nhận được tin một đoàn khảo sát người
Đức đang tiếp xúc với chính quyền Xiêm (Thái Lan) và Ai Lao (Lào) về nhiều điều
chưa được biết rõ. Ông ta lo ngại là những người Âu này sẽ dòm ngó vùng Tây
Nguyên và khống chế hay chiếm hữu nó, vì thế, đã nhờ một tay viết báo thích
phiêu lưu mạo hiểm tên David de Mayréna lên Tây Nguyên kết hợp các bộ tộc chính
như Bahnar, Djarai, Sedang ... đặt dưới sự quản lý hay ít ra cũng dưới sự chi
phối của chính quyền Pháp.
Nhờ tài ứng biến, sự lanh lợi và may mắn, De
Mayréna hoàn thành mỹ mãn sứ mạng được giao phó, song sang đến viên Toàn quyền
kế nhiệm Constans là Richaud, có lẽ vì thấy sự lo ngại của Constans đã không xảy
ra, phần khác, do De Mayréna làm nhiều việc không bình thường trên cái gọi là
“vương quốc Sedang” mà đang từ kẻ có công lớn, De Mayréna trở thành kẻ tội đồ.
Mãi đến những năm đầu thập niên 1890, sau khi
nhà bác học Yersin tìm ra cao nguyên Langbian (Lâm Viên), căn cứ vào tình trạng
khí hậu và thổ nhưỡng tốt của vùng đất này, chính quyền Pháp quyết định biến
nơi đây thành nơi nghỉ dưỡng của bọn thực dân da trắng.
Năm 1904, một biến động lớn xảy ra. Người bản
địa dưới quyền hai quốc vương Thủy Xá và Hỏa Xá phản ứng lại chính sách trực trị
của người Pháp đang manh nha trên lãnh thổ họ. Họ mời viên công sứ Odend’han đến
ăn yến rồi mai phục hạ sát ông này cùng 7 người giúp việc (Đại Nam thực lục
chính biên – Đệ lục kỷ phụ biên – NXB Văn hóa-Văn nghệ 2011, trang 419, cùng một
bài viết của tiến sĩ Nguyễn Văn Huy). Từ đó, thực dân Pháp xóa sổ hai vương quốc
Thủy Xá và Hỏa Xá.
Nhiều người trong chúng ta biết rằng, vào thời
Pháp thuộc, người Kinh gọi người sống ở vùng Tây Nguyên ngày nay là “Mọi”. Lớp
người sinh trưởng tại miền Nam vào thập niên 1940 trở về trước thường nghe cụm
từ “mọi cà răng căng tai” dùng để chỉ người miền Thượng, vì nhiều tộc người cà
cho hàm răng của họ ngắn lại, đeo những chiếc vòng nặng trĩu trên tai, khiến
dái tai họ to ra và trĩu xuống.
Từ cách gọi của người Kinh, người Pháp cũng gọi
họ là Moi hay Mois.
Từ “mọi” gợi ra một cái gì đó thấp kém, lạc hậu
và dã man nữa. Thời Đệ nhất Cộng hòa, chính quyền Ngô Đình Diệm cấm chỉ gọi họ
là “mọi”, mà gọi là “người Thượng”, thậm chí là “đồng bào Thượng”. Từ “đồng
bào” có lẽ được sử dụng với một nghĩa bao quát hơn, chỉ những tộc người sống
thành một cộng đồng rộng lớn bên dưới đại lục Trung Hoa. Từ đó, khẩu hiệu
“Kinh-Thượng một nhà” rất phổ biến trên các biểu ngữ, các phương tiện truyền
thông.
Song song với hai từ Kinh-Thượng, về mặt lãnh
thổ lúc bấy giờ, miền Trung được chia thành hai vùng rõ rệt là vùng “cao nguyên
Trung Phần”, tức khu vực của người Thượng và “duyên hải Trung Phần” của người
Kinh, từ Qui Nhơn-Bình Định trở về hướng biển.
Cuối những năm 1950, có lẽ do bận rộn với việc
định cư và cung ứng các điều kiện sinh sống của gần một triệu đồng bào miền Bắc
di cư vào Nam mà chính quyền Ngô Đình Diệm có những sơ hở về mặt quản lý các đồng
bào sắc tộc. Năm 1958, một tổ chức có chủ trương chống chính quyền ra đời có
tên BaJaRaKa, với sự kết hợp của bốn sắc tộc khác nhau là Bahnar, Jarai (hay
Djarai), Radhés, Kaho đã gửi thư đến các sứ quán Pháp, Mỹ và đại diện Liên Hiệp
Quốc tố cáo những hành vi phân biệt sắc tộc của chính quyền Đệ nhất Cộng Hòa và
yêu cầu các cường quốc can thiệp để người Thượng được độc lập trong khối Liên
hiệp Pháp hoặc dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Đầu những năm 1960, quan hệ giữa VNCH và chính
quyền Cambodge (Campuchia) gặp nhiều rắc rối, đi đến chỗ bế tắc, hai bên rút Đại
sứ về và chỉ quan hệ với nhau ở cấp thấp hơn (Đại lý Đại sứ). Năm 1964, với sự
hỗ trợ tinh thần của quốc vương Campuchia Sihanouk, các tổ chức bất đồng với
chính quyền VNCH liên kết lại thành một tổ chức thống nhất, lấy tên Pháp là
Front unifié pour la Libération des Races Opprimées (Mặt trận thống nhất giải
phóng các sắc tộc bị áp bức), viết tắt là FULRO.
Sau thời điểm này, chính sách của chính quyền
VNCH đối với người thiểu số vùng cao đã có những cải tiến rõ rệt, về lượng cũng
như về chất. Thông thường ở vùng đồng bằng, cơ cấu chính quyền cấp tỉnh có hai
Phó Tỉnh trưởng là Phó Tỉnh trưởng Hành chánh và Phó Tỉnh trưởng Nội An (chức vụ
sau bị bãi bỏ từ năm 1966). Tại các tỉnh cao nguyên Trung Phần, chính phủ VNCH
đặt thêm chức Phó Tỉnh trưởng Thượng vụ, phụ trách các vấn đề liên quan đến đời
sống của đồng bào Thượng. Phó Tỉnh trưởng Thượng vụ tỉnh Kontum đầu tiên là ông
Paul Nưr, một thành viên trong các tổ chức chống đối trước đấy. Dưới cấp tỉnh, ở
cấp Quận, cũng có những ban sắc tộc do các công chức hay quân nhân người gốc
Thượng đảm trách.
Không chỉ về mặt quản lý hành chánh, về mặt luật
pháp, chính quyền VNCH cũng quan tâm đến việc giải quyết những vấn đề phát sinh
trong cộng đồng người thiểu số có lý tới phong tục, tập quán của họ. Ngay từ
năm 1929, thực dân Pháp đã cho thành lập các “Tòa án tập quán” ở các cấp Tỉnh,
Quận, Xã nhằm để cho người Thượng xét xử người Thượng, xét xử căn cứ vào tín
ngưỡng của các bộ tộc.
Sang thời VNCH, năm 1965, chính phủ cho thiết
lập các “Tòa án phong tục” trên cao nguyên Trung phần, hoạt động như các Tòa án
tập quán thời Pháp, chỉ có khác là Tòa án tập quán là một tổ chức hành chánh,
còn tòa án phong tục là một tổ chức tư pháp hẳn hoi (Nguyễn Trắc Dĩ – Đồng bào
các sắc tộc thiểu số Việt Nam (nguồn gốc và phong tục) – Sài Gòn 1972, trang
155-160)
Những cải tiến về các chính sách nêu trên giúp
nhiều người Thượng có học vấn tham gia thiết thực vào việc điều hành công vụ của
chính quyền VNCH. Tiêu biểu là ông Touneh Hàn Thọ, cựu sinh viên Học viện Quốc
gia Hành chánh, vào những năm 1969-1970, từng được cử vào học trường Cao đẳng
Quốc phòng, chung với nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội, thông thường ở cấp
Đại tá. Năm 1970, ông Touneh Hàn Thọ ra trường Cao đẳng Quốc phòng với luận văn
nhan đề “Quan niệm về sở hữu đất đai và thực trạng sinh kế của các sắc dân Thượng”.
Vào nửa đầu thập niên 1970, ông Hàn Thọ được cử
giữ chức vụ Tổng Thư ký Bộ Phát triển sắc tộc, một cơ quan quan trọng được
thành lập ngay vào năm đầu tiên của nền Đệ nhị Cộng hòa (1967). Đến lúc đó, sự
tham gia của đồng bào Thượng vào chính quyền đương nhiệm là một việc làm có thực
chất, không mang màu sắc tuyên truyền hay mị dân. Có những người được bầu vào
Quốc Hội, vào bộ máy chính quyền, tiêu biểu là Bộ Phát triển sắc tộc. Người đầu
tiên lãnh đạo bộ này chính là ông Paul Nưr, nguyên Phó Tỉnh trưởng Thượng vụ tỉnh
Kontum. .
Năm 1975, khi trở thành tù cải tạo, người viết
bài này từng sống chung nhà, chung đội với nhiều đồng bào Thượng từng là dân biểu,
viên chức cao cấp của Bộ Phát triển sắc tộc. Họ rất hiền hòa, sống chan hòa với
các bạn tù người Kinh, đến bây giờ, tôi vẫn còn thấy nhớ người bạn tù hiền lành
Touneh Yơh, một con người luôn vui vẻ, cười đùa với mọi người và cư xử với bạn
tù một cách chân tình nhất.
Ngay sau tháng 4.1975, chính quyền mới của những
người thắng cuộc đã đưa nhiều đồng bào miền Bắc đến Lâm Đồng (tên cũ là tỉnh
Tuyên Đức) để lập nghiệp. Chính sách di dân là hệ quả tất yếu của sự phát triển
dân số, khiến vùng này có mật độ dân cư quá cao, dẫn đến nhiều hậu quả bất lợi
về xã hội, vùng khác mật số dân số thấp, đất đai, rừng núi chưa được khai thác
đúng mức.
Tuy nhiên, chính sách di dân hay giãn dân nếu
không được thực hiện xuyên suốt, có quan tâm đến quyền lợi, đời sống văn hóa,
xã hội của người bản địa, sẽ dễ trở thành chính sách tàm thực (tằm ăn dâu) và dẫn
đến nhiều hậu quả khó lường. Điều lo lắng này không phải là không có cơ sở,
cùng là đồng bào, đồng chủng với nhau, chung một tổ tiên, nòi giống, mà sau gần
50 năm, giữa người thắng cuộc và kẻ thua cuộc vẫn còn những khoảng cách nhất định,
về mặt tâm thức cũng như quan điểm chính trị, thì nói gì đến mối quan hệ giữa
chính quyền với đồng bào thiểu số Tây nguyên từng vùng lên tranh đấu dưới thời
VNCH.
Chính sách di dân theo kiểu “tằm ăn dâu” khiến
người các sắc tộc thiểu số dễ có cảm giác đất đai của tổ tiên họ ngày bị thu hẹp
dần, nhiều quyền lợi căn cơ có nguy cơ bị tước đoạt, đời sống không được cải
thiện theo đúng xu thế một đất nước đã thống nhất gần 50 năm trời...Trong trường
hợp đó, nếu chính quyền địa phương cai trị thiếu sự chân tình hay có nhiều sơ hở
trong các biện pháp quản lý xã hội thì cái ngòi nổ trong quả bom bất mãn dễ
dàng bị kích nổ.
Khi người thiểu số sống trong một tâm trạng
như thế thì dù có “thế lực thù địch” đứng đàng sau hay không, những hậu quả bất
lợi cũng dễ dàng xảy đến. Trong những ngày qua, đọc tin về việc đồng bào Nghệ
An, Thanh Hóa ... vây bắt được nhiều người dính líu tới bi kịch vừa xảy ra,
không ít người trên mạng xã hội bày tỏ sự ... bất ngờ. Bất ngờ vì sự tham gia,
chủ động của những cư dân từ phương xa đến lập nghiệp trên vùng đất Tây nguyên.
Từ sự bất ngờ đó, họ dễ dàng suy diễn đến nhiều
tình huống khác. Việc xây dựng đường dây điện Bắc-Nam, đường Hồ Chí Minh, với
những lợi ích nhãn tiền hẳn nhiên là dễ dàng thuyết phục người thiểu số Tây
Nguyên, mất bao nhiêu đất họ cũng dễ dàng khứng chịu. Song còn sự hiện diện quá
nhiều người từ các địa phương khác đến liệu tác động thế nào đến người bản địa?
Điều đó, có ai thực hiện những cuộc điều tra tỉ mỉ và khả tín, để có thể giúp
đưa ra những quyết sách có tình, có lý, hợp với tính nhân bản vẫn là cốt cách của
dân tộc này?
Trở lại chuyện cách nay hơn 50 năm, sau những
rối loạn ở Tây Nguyên vào nửa sau thập niên 1950 và nửa đầu thập niên 1960,
chính quyền VNCH đã có những cải tiến rõ rệt trong chính sách đối với đồng bào
thiểu số, tiêu biểu là các tòa án phong tục, các định chế quốc gia có sự tham
gia của người Thượng, một cách tích cực và có thực chất, thì liệu chính quyền
hiện nay có cần quan tâm hơn nữa đến tâm tư nguyện vọng và quyền lợi chính đáng
của họ hay không?
Trong lịch sử hiện đại, một anh hùng Núp chỉ
có công lớn với người thắng cuộc, trong công cuộc “chống Mỹ cứu nước”. Song anh
hùng cũng năm bảy kiểu anh hùng, sau 1975, đồng bào Tây Nguyên cần có thêm nhiều
anh hùng khác, góp phần thiết thực, mang lại cơm no áo ấm cho họ, kéo họ lên khỏi
đáy vực của u mê, tăm tối, bảo tồn cho họ di sản đất đai, văn hóa do tổ tiên họ
để lại, có như thế, họ mới sẽ dễ dàng hợp tác với chính quyền, không một “thế lực
thù địch” nào dám bén mảng đến gần họ.
Lê Nguyễn
18.6.2023
No comments:
Post a Comment