Saturday, 17 June 2023

NGA - UKRAINE : PHÂN TÍCH CUỘC CHIẾN DƯỚI GÓC NHÌN CHÍNH TRỊ (Kim Văn Chính)

 



 

Nga – Ukraine: Phân tích cuộc chiến dưới góc nhìn chính trị  

Kim Văn Chinh

15-6-2023  23:52   

https://www.facebook.com/kimvanchinh/posts/pfbid0eUT6EVmMPjNhm8bqb4RqZ2AJBvBEzoyCyWbiQeBfYchBxkcnXdL1Nf4CMJo3KmREl

 

1.

Nhìn lại diễn tiến toàn bộ cuộc chiến, ta có thể thấy rõ sự thua cuộc tất yếu của Nga và Putin trước dân tộc Ukraina và người lãnh đạo tối cao của họ là Zelensky (với sự hậu thuẫn ngày càng mạnh và hiệu quả sát thực của các cường quốc quân sự Phương Tây).

 

Cần phải có cái mở ngoặc này vì đó là yếu tố rất quan trọng (gần như là một trong các yếu tố quyết định) của cuộc chiến. Yếu tố Phương Tây bắt buộc phải tính đến trong các phân tích chiến lược như một yếu tố tham dự rõ rệt của cuộc chiến. Nó quan trọng đến mức người Nga (Putin) đã bám vào nó để nói rằng cuộc chiến là chiến tranh ủy nhiệm giữa Nga và Phương Tây mà Ukraina chỉ là bên ủy nhiệm. Gần đây, Putin còn nói rằng, chiến tranh kết thúc hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào Phương Tây trong việc có bơm vũ khí tiếp tục hay không cho Ukraina tham chiến.

 

Quả thực, điểm yếu cốt tử của Ukraina chính là chỗ đó. Họ phải chủ yếu dựa vào trợ giúp vũ khí và một phần quan trọng là tài chính từ các nước Phương Tây.

 

Phía Nga họ bị cấm vận từ lâu và họ cũng phải nhận sự hợp tác, trợ giúp vũ khí, công nghệ từ các nước để kéo dài cuộc chiến, nhưng khả năng thích nghi, đối phó và năng lực công nghệ – sản xuất của họ rõ ràng là khá tốt, cộng với dự trữ và sức mạnh kinh tế của họ cao hơn nhiều [so với] Ukraina nên họ ít lệ thuộc hơn nhiều vào nước ngoài và trong chừng mực đối phó như hiện nay, họ đủ khả năng để duy trì cuộc chiến theo nhiều kịch bản khác nhau dù kéo dài nhiều tháng, nhiều năm nữa…

 

2.

Nga (Putin) có những quyết định chiến lược rất quyền biến. Theo các nhận định của những người từng thân cận và hiểu rõ tính cách ông ta, ông ta là người biết chấp nhận thực tế và có những quyết định có thể mâu thuẫn với quyết định trước nhưng khá nhất quán về định hướng dài hạn. Ông ta còn là một con người rất lỳ lợm, xảo quyệt. Điểm yếu nhất của ông ta với tư cách người lãnh đạo cao nhất là không lường trước được hệ quả các quyết định của mình, sau đó là tình trạng sức khỏe, tuổi tác với các căn bệnh rõ ràng là có ảnh hưởng nhưng vẫn giữ bí mật…

 

Trong hai tháng đầu tiên của cuộc chiến, Putin đã điều chỉnh mục tiêu cuộc chiến khá nhanh, chủ động rút lui khỏi Kiev và các tỉnh phía Bắc, kể cả bắc Kharkiv, bỏ cả mục tiêu tiến đánh Odessa, tập trung vào “mục tiêu Donetsk” và hành lang nối với Crimea. Cái giỏi của ông ta là điều chỉnh mục tiêu lớn như vậy, thực ra là tuyên bố thua cuộc trên hướng tấn công chính, nhưng ông ta vẫn biện hộ được (trước nhân dân Nga, quân đội Nga) để không bị mất uy tín lớn với tư cách là Tổng tư lệnh tối cao.

 

Cuộc lui binh khỏi bờ tây Dnepr, tỉnh Kherson, rõ ràng là có sự “thỏa thuận ngầm” giữa hai bên, trong đó phía Nga không thể không có sự đồng ý của Putin, cũng chứng tỏ sự quyền biến trong các quyết định lớn của Putin. Dù cho bị phê phán rất căng, nhưng về tổng thể Nga rút lui khỏi Kherson là cuộc rút lui rất thành công về chiến thuật, cả chiến lược nữa.

 

Chỉ có trận Izium-Lyman là trận thua ê chề cho quân Nga không gì biện hộ được. Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là một mặt trận bộ phận để khẳng định giới tuyến giao tranh có lùi, có tiến. Sau cuộc thất trận Lyman, phòng tuyến Svatove – Kremina được củng cố và phía Ukraina không thể công phá được suốt gần một năm nay…

 

Và quyết định sáp nhập 4 “vùng lãnh thổ” (không rõ ranh giới) của Ukraina vào Nga cũng là một quyết định tôi cho là rất ngu ngốc của Nga (Putin). Nó không mang lại điều lợi gì đáng kể cho Nga ngoài làm tăng tính “chính danh” của việc Nga chiếm đóng trên các vùng đất đó, nhưng nó đã làm cho Nga rơi vào thế khó xử ở các bước tiếp theo của cuộc chiến.

 

Putin đã sử dụng lính đánh thuê, người làm thuê, cả trong nước và nước ngoài phục vụ chiến tranh rất tốt. Tôi chỉ ước tính (vì không có số liệu chính xác), tổng số quân tham chiến trực tiếp tại chiến trường có thể lên đến 300.000 quân các đợt, để luôn có khoảng 80.000-100.000 quân trực chiến, số người phục vụ “vòng ngoài” từ lính đào chiến hào đến vận chuyển thương binh, tải đạn, tiếp viện hậu cần… chắc khoảng 400.000 người nữa. Theo các tài liệu và hình ảnh tôi được đọc, xem, Putin đã thành công trong việc huy động được người không phải Nga và lính đánh thuê tù nhân cỡ hơn 1 nửa… (Mọi người có thể thảo luận về vấn đề này).

 

(Chú thích: Khi tôi ở Ukraina, có người đã nhắc tôi rằng, đi đường nên cẩn thận. Dân Ukraina bây giờ họ nhìn người mặt mũi Châu Á với con mắt khác, vì rất nhiều hình ảnh lính Liên bang Nga tàn độc ở vùng biên giới phía Bắc và Donetsk cho thấy, họ là người Châu Á. Chechnya cũng là một trong các dân tộc xếp vào châu Á; còn các tỉnh/ vùng tự trị rộng lớn của Nga ở Sibery, viễn đông đều có người bản địa châu Á sinh sống; rồi người Trung Á thuộc Liên Xô cũ gồm 4 nước cộng hòa – trừ Kazhastan – tình nguyện đi làm thuê, phục vụ chiến trường, thậm chí đánh thuê ăn lương cao hàng triệu người…).

 

Putin đã sử dụng và đẩy các lực lượng lính đánh thuê với mô hình theo khuôn mẫu PMC-Wagner và Kadyrov lên đỉnh điểm của khoa học tổ chức. Ngoài việc sử dụng đội ngũ này trong những “phi vụ” như Mariupol, Bakhmut (và rất nhiều phi vụ rùng rợn ở nước ngoài), chúng còn là công cụ chống đảo chính rất hiệu nghiệm của tổng thống (đối nội).

 

Gần đây nhất, Putin đã phanh bớt sự lớn mạnh của các đội quân này bằng sắc lệnh của Bộ Quốc phòng Nga thống nhất đưa chúng vào lực lượng quân đội.

 

Bây giờ thì Nga (Putin) buộc phải cố thủ bảo vệ các vùng đất đã chiếm, vì đó là đất Nga rồi (ít nhất là đối với người Nga, Hiến pháp Nga). Thế “gân gà” đã rõ và muốn hay không muốn, Nga (putin) không thể bỏ gân gà cho đến khi nào tìm ra giải pháp giữ được thể diện.

 

3.

 GIẢI PHÁP GÌ?

Cuộc chiến còn đang diễn ra căng thẳng và chưa đến đỉnh cao của sự ác liệt nên chưa thể thấy được giải pháp hòa bình như thế nào. Quy luật của chiến tranh là luôn phải kết thúc bằng một giải pháp hòa bình. Nhưng giải pháp như thế nào lại tùy thuộc vào thực tế chiến trường của các bên tham chiến.

 

Nhiều người yêu quý, trân trọng Ukraina đến mức thái quá (cực đoan) chỉ suốt ngày hô khẩu hiệu quân Nga sẽ sụp đổ, quân Ukraina thắng lớn, Ukraina sẽ tiến đánh tận sào huyệt Moskva…

 

Phía cuồng tín Nga/ Putin thì lại ngược lại, nhưng chung với phe kia một điểm ở chỗ tin tưởng tuyệt đối vào chiến thắng của phe mình ủng hộ, rằng, cuối cùng thì Ukraina phải thua, nhường đất cho Nga như đã nhường Crimea – Donlu năm 2014, nhận những điều kiện do Nga đưa ra…

 

Cái khó của cuộc chiến này là ở chỗ, các bên tham chiến Nga và Ukraina đánh nhau không phải mới một năm, mà là tám năm nay rồi; đã đẩy cuộc chiến này thành cuộc chiến lớn nhất từ WW2, đẩy hai dân tộc Nga và Ukraina lên mức thù địch không đội trời chung… Giải pháp hòa bình rất khó. Nó chỉ có thể xuất hiện khi trên chiến trường đã có những bước ngoặt phân định thắng – thua rõ rệt. Mà điều đó chưa thấy có dấu hiệu xuất hiện.

 

Cả hai bên, bên cạnh các nỗ lực trước mắt ở chiến trường, đều chuẩn bị cho phương án chiến tranh lâu dài (lâu bao nhiêu khó mà dự đoán được).

 

Phía Ukraina có vẻ có các lợi thế hơn để đẩy mạnh cường độ cuộc chiến đi đến giải pháp kết thúc chiến tranh có lợi cho mình. Tuy nhiên triển vọng này gặp các trở ngại lớn:

 

– Phương Tây nói chung (chủ yếu là Mỹ, Đức, Anh) quả thực cũng không muốn một giải pháp hạ đo ván ngay Putin ngoài chiến trường: Nó tiềm ẩn sự phản kháng điên cuồng và mất lý trí của chó cùn cắn giậu, với khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân của nó – điều mà tất cả các bộ óc thông minh và trách nhiệm nhất đều phải nỗ lực kiểm soát.

 

Trong một năm qua, Phương Tây đã rất thành công trong việc lần lượt vượt các “lằn ranh đỏ” của Putin vẽ ra mà vẫn giữ được an toàn hạt nhân cho loài người nói chung. Đó là thành công rất lớn của Phương Tây.

 

– Vấn đề kết thúc chiến tranh đã khó nhưng vấn đề hậu chiến tranh có khi còn khó giải quyết và phức tạp hơn rất nhiều. Tái thiết Ukraina không phải là chuyện khó nếu Ukraina chiến thắng trọn vẹn. Cả về năng lực thi công và năng lực tài chính để tái thiết khoảng gần 10 thành phố và các thị trấn nhỏ đều đang rất sẵn sàng. Ngay bây giờ, dù chiến tranh đang xảy ra và tăng ác liệt, nhưng sự tái thiết cả ở bên Ukraina (ở các thành phố như Bucha, Irpin, Hostomel, Chernihiv, Kharkiv… và cả vùng Nga chiếm đóng như Mariupol) vẫn diễn ra rất nhanh chóng và ấn tượng. Nhưng sợ nhất là kịch bản nước Nga sụp đổ cùng với Putin chết hoặc bị phế truất… Mà cả hai khả năng đó đều có thể diễn ra với sác xuất khá cao.

 

Nước Nga dù bị quân phiệt hóa dưới thời Putin nhưng dẫu sao nó cũng là một thực thể rất to xác và khá ổn định trong suốt 20 năm qua. Nó dựa trên 1 nền tảng hiến pháp đương thời của Nga với các cuộc bầu cử của dân trực tiếp các chức vụ thống đốc vùng và Tổng thống, nghị viện cho đến tổng thống toàn liên bang với hệ thống đa đảng (dù khá hình thức) và nền kinh tế cơ bản là theo quy luật thị trường. Xét ở góc độ nhất định, hệ thống chính trị của Nga có nhiều nét còn dân chủ và hợp thời hơn hệ thống chính trị của Việt Nam.

 

Người Nga họ thích tuân phục một ông hoàng đế giữ được sức mạnh Nga, uy tín Nga cho họ, bất kể ông ta xấu hay tốt, miễn là ít đụng chạm đến lợi ích trước mắt của họ, được uống rượu vodka với quả dưa chuột muối và miếng bánh mì đen…

 

Và Putin đã làm được điều đó cho họ trong quá khứ và đang cam kết giữ được điều đó trong tương lai.

 

Putin mà bỏ các vùng đất đã sáp nhập – vùng đất mà bao xương máu Nga đã đổ xuống để giành quyền kiểm soát – thì không còn biện hộ quyền biến như bỏ Kiev hay Kherson nữa. Ông ta sẽ mất uy tín và bị phế truất ngay.

 

Cần nhớ, nếu như Putin – là người chúng ta biết nhiều về hành vi lời nói – cực đoan và điên khùng một, thì còn có lực lượng rất đông người Nga, cả tướng lĩnh và dân thường, cả trí thức và chính trị gia, cả đàn ông và đàn bà, cả người già và trẻ tuổi, còn cực đoan và khùng điên hàng chục, hàng trăm lần so với Putin.

 

Khổ cho nước Nga là họ đã bị ác cảm với chủ nghĩa tự do sau biến loạn thời Liên Xô sụp đổ 1991-2005. Thời đó vừa là thời nước Nga chập choạng, hào hứng vươn tới dân chủ và tự do nhưng trên thực tế lại trở thành địa ngục của sự suy thoái, loạn lạc, cướp bóc vô chính phủ…

Ác cảm này mạnh đến nỗi chắc phải mất vài thế hệ nữa mới nguôi ngoai, và hiện nay nó vẫn là bóng ma ngăn cản tất cả các lực lượng chính trị mang màu sắc tự do, dân chủ, dính đến Phương Tây hoạt động trên đất Nga về chính trị. Do vậy, không có hy vọng về một sự biến chuyển nước Nga sang chính quyền dân chủ, tự do như nhiều người hy vọng một cách hão huyền…

 

Đảo chính nội bộ thì có thể. Lịch sử nước Nga phong kiến, Soviet, đều có nhiều cuộc đảo chính thành công và không thành công.

 

Ví dụ, những dấu hiệu gần đây cho thấy, rõ ràng là Prigozhin đang có những động thái để có thể tiến hành đảo chính (công kích Bộ Quốc phòng, ra mặt vận động tranh cử, đôi lúc công kích cả Putin, yêu cầu cấp 200.000 quân nếu cần ông ta chỉ huy giữ đất, tuyên bố bất tuân lệnh BQP, liên minh với thủ tướng đương nhiệm là người sẽ chính danh kế thừa Tổng thống khi Tổng thống chết hoặc mất tích, từ chức…). Tuy nhiên, gương mặt Prigozhin không phải là gương mặt chính trị có thể quy tụ được dân tộc Nga, dù họ có thể mọi rợ đến thế nào đi nữa về thực chất nhưng họ phải luôn giữ gương mặt người bề ngoài rất hấp dẫn…

 

Hai cuộc đảo chính ở Moskva gần đây nhất là cuộc đảo chính Gorbachev và đảo chính Yeltsin lại đều thất bại ê chề cho phe đảo chính. Hơn nữa, Putin là cáo già KGB, đã có sẵn các biện pháp phòng ngừa đảo chính từ lâu… Điều đó làm run sợ bất kỳ ai có âm mưu đảo chính ở Moskva.

 

Biến chuyển chính trị ở Moskva phải theo Hiến pháp Nga.

 

Nếu sự chuyển đổi quyền lực không êm đẹp (dù muốn hay không muốn thì Putin cũng sẽ chết hoặc không được bầu trong tương lai gần), nước Nga có nguy cơ tan rã và loạn xạ một lần nữa, còn khiếp đảm hơn thời 1991-2005 và loài người còn không biết cái kiểu quái vật gì nữa sẽ xuất hiện trong tương lai ở vùng đất rộng mênh mông và bí hiểm được gọi là nước Nga đương thời…

 

4.

THAY CHO KẾT:

 

Đặt vấn đề như vậy để thấy sứ mệnh của Ukraina là rất lớn và dài lâu.

 

Không phải đánh được đến Moskva sẽ là chiến thắng cuối cùng.

 

Không phải giành hết đất đai theo biên giới 1991 là chiến thắng cuối cùng.

 

Phải dần dần tìm cho nước Nga một lối thoát không gây mất an ninh toàn cầu cho cả nhân loại.

 

Cuộc chiến của người Ukraina giành độc lập và toàn vẹn lãnh thổ chỉ là một mắt xích quan trọng trong tiến trình biến chuyển của nước Nga khổng lồ (và lại còn ông khổng lồ Trung Quốc lợi dụng bám theo) đang trên đà suy thoái trước sức mạnh của các giá trị văn minh mà loài người tiến bộ đã xây dựng được.

 

 

64 BÌNH LUẬN    





No comments:

Post a Comment

View My Stats