Friday 16 June 2023

LIÊN MINH MỸ - PHI : BẢO ĐẢM AN NINH hay RỦI RO XUNG ĐỘT VỚI TRUNG QUỐC? (Minh Anh / RFI)

 



Liên minh Mỹ - Philippines : Bảo đảm an ninh hay rủi ro xung đột với Trung Quốc ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 15/06/2023 - 16:20

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20230615-lien-minh-my-philippines-bao-dam-an-ninh-rui-ro-xung-dot-trung-quoc

 

Đầu tháng 2/2023, Washington và Manila đã ký kết thỏa thuận mới cho phép quân đội Mỹ tiếp cận tự do thêm bốn căn cứ quân sự tại Philippines. Một tin xấu cho Bắc Kinh do việc Philippines chiếm một vị trí chiến lược tại một vùng mà Washington đang nỗ lực ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng sự thôi thúc thắt chặt hơn nữa các mối liên minh quân sự của Mỹ, cùng với chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc, đang đe dọa hòa bình ở châu Á.

 

https://s.rfi.fr/media/display/ab07710a-a2f4-11ed-a135-005056bf30b7/w:980/p:16x9/2023-02-02T042716Z_613521715_RC2R2Z9DZJNG_RTRMADP_3_ASIA-USA-AUSTIN-PHILIPPINES.webp

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin duyệt hàng quân danh dự tại căn cứ Aguinaldo, thành phố Quezon, Manila, Philippines, ngày 02/02/2023. REUTERS - POOL

 

Trong khuôn khổ « Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường – EDCA » ký kết giữa Washington và Manila, nhân chuyến công du Philippines của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 02/02/2023, quân đội Hoa Kỳ kể từ giờ có thể tự do tiếp cận tổng cộng 9 căn cứ quân sự ở Philippines để bố trí binh sĩ và cất trữ thiết bị, đạn dược. Phải chăng Manila đang trở về với « lập trường thân Washington » sau 6 năm quan hệ căng thẳng do những phát biểu bài Mỹ của  vị tổng thống tiền nhiệm Rodrigo Duterte ?

 

Nhà nghiên cứu về Đông Nam Á, David Camroux, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po, trong một cuộc trao đổi với RFI Tiếng Việt, trước hết nhắc lại, Mỹ và Philippines có một mối quan hệ đồng minh lâu đời, từ năm 1951. Và tâm lý bài Mỹ chỉ chiếm thiểu số tại quốc gia Đông Nam Á này.

 

David Camroux : « Trên thực tế ông Duterte là một vị tổng thống rất được lòng dân. Tỷ lệ ủng hộ ông trong dân chúng luôn ở mức 70% trong các cuộc thăm dò. Điều duy nhất người ta phê phán ông chính là chủ nghĩa bài Mỹ và những phát biểu của ông có vẻ thân với Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, việc xích lại gần Trung Quốc chưa bao giờ được thực hiện cả. Trong vòng sáu năm cầm quyền, tổng thống Duterte nhiều lần tuyên bố, "tôi sẽ thông báo chấm dứt thỏa thuận Thăm viếng Lẫn nhau" và việc tiếp cận các căn cứ quân sự, "tôi sẽ chấm dứt điều đó trong vòng 6 tháng nữa". Nhưng mỗi lần như vậy, ông lại đẩy lui thời hạn thêm 6 tháng cho đến khi sự việc không còn mang tính thời sự nữa, bởi vì ông không còn là tổng thống . »

 

·        Đọc thêmPhilippines xác nhận cho Mỹ dùng thêm căn cứ quân sự gần Biển Đông và Đài Loan

 

Quân bài Hoa Kỳ của Marcos Jr. để đối phó Trung Quốc

 

Lên cầm quyền từ tháng 6/2022, Ferdinand Marcos Jr., con trai nhà độc tài Ferdinand Marcos bị lật đổ năm 1986 và phải sống lưu vong ở Mỹ, đã quyết định đoạn tuyệt với trò chơi hai mặt của người tiền nhiệm Duterte đối với Bắc Kinh, một chiến lược mà ông Marcos Jr. đánh giá là không hiệu quả. Sự hòa dịu của người tiền nhiệm đã không làm suy giảm thái độ hung hăng của Bắc Kinh trong các tranh chấp lãnh thổ, cũng như đối với ngư dân Philippines tại các ngư trường trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Vị giáo sư thỉnh giảng trường đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra hai lý do để giải thích :

 

David Camroux : « Thứ nhất, điều này đáp ứng nhu cầu chính trị nội bộ ở Philippines. Vì là con trai của nhà độc tài, ông ấy cần phải chứng tỏ là ông ấy có được sự hậu thuẫn từ Quốc hội Mỹ. Ông ấy hiểu rất rõ điều đó qua cha ông. Từng là một nhà độc tài, nhưng cha ông rất thân Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, các căn cứ quân sự tại Philippines là cực kỳ quan trọng để Hoa Kỳ tiến hành chiến tranh Việt Nam. Do vậy ông Marcos Jr. biết rõ là điều đó rất quan trọng cho quốc phòng Mỹ, và như vậy, không giống như với ông Duterte, tổng thống Marcos Jr. sẽ không phải bị nghe chỉ trích về các vấn đề nhân quyền.

 

Yếu tố thứ hai chính là thái độ hung hăng của Trung Quốc, của ông Tập Cận Bình. Tôi thấy là ông Tập Cận Bình đang thật sự phá hỏng chính sách láng giềng tốt của Trung Quốc tại vùng Đông Nam Á. Người ta không thể vừa là nhà đầu tư cho các cơ sở hạ tầng ở Philippines, hơn nữa những khoản đầu tư này chỉ có lợi cho ông Duterte, cho vùng của ông tại Mindanao hơn là cho cả nước, lại vừa gởi tàu dân quân, tầu cá đến hủy hoại cuộc sống của ngư dân Philippines.

 

Đương nhiên ở Philippines, không phải ai cũng là ngư dân cả, nhưng nghề đánh cá là một hoạt động cao quý rất được dân chúng ủng hộ. Thế nên, thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, trên toàn vùng châu Á, là cực kỳ phản tác dụng, vì chúng ta thấy kết quả là nhiều nước trong khu vực đang xích lại gần Mỹ. »

 

.

Xét trên góc độ ngoại giao, theo quan điểm của nhà nghiên cứu David Camroux, đây là một thất bại cho chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, và là một thành công của Washington, ngày càng xích lại gần hơn và củng cố tất cả các mối liên minh với Nhật Bản, Úc, cũng như với nhiều nước khác trong khu vực, gồm cả Việt Nam.

 

David Camroux : « Người ta nói nhiều về QUAD – Bộ Tứ, một liên minh giữa Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Nhưng chúng ta cũng có QUAD bis không chính thức, một dạng liên minh có thể nói là chống Trung Quốc. Một QUAD bis với Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand và có thể với Philippines. Chính hành động của Trung Quốc đã thúc đẩy các nước đó đi theo chiều hướng này. Các nước Đông Nam Á không muốn chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ. Họ luôn tìm cách giữ thế cân bằng như trường hợp của Indonesia và Việt Nam. Nhưng đến một lúc nào đó, những việc như thế sẽ đẩy các nước nghiêng về bên này hay bên kia. »

 

Philippines : Chốt chặn chiến lược bao vây Trung Quốc ?

 

Tuy nhiên, quyết định này của Manila đã làm dấy lên nhiều mối quan ngại từ nhiều nhà quan sát, kể cả tại Philippines. Trang mạng Responsible Statecraft, thuộc Viện Quincy của Mỹ, tự hỏi : Liệu chiến tranh Trung – Mỹ có thể bắt đầu từ Philippines ? Bởi vì ba trong số bốn căn cứ Mỹ được tiếp cận thêm là nằm ở phía bắc, đối diện với eo biển Ba Sĩ, không xa Đài Loan. Căn cứ thứ tư nằm ở cực tây đảo Palawan, gần với quần đảo Trường Sa, khu vực đang có tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với Philippines và nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam. Những căn cứ được chọn để chuẩn bị cho một cuộc chiến với Trung Quốc, theo như bình luận từ trang mạng World Socialist Web Site, nổi tiếng chống Mỹ.

 

Bắc Kinh lên án Mỹ và các đồng minh thực hiện chiến lược bao vây Trung Quốc. Quả thật, « ở phía bắc, Hoa Kỳ có thể sử dụng căn cứ Okinawa tại Nhật Bản và các căn cứ quân sự ở Hàn Quốc, trong khi ở phía nam, sức mạnh của Mỹ giờ có thể được triển khai từ Philippines ». Một vòng vây Trung Quốc ở Biển Đông xem như được hoàn thiện trên bình diện chiến lược, theo phân tích của Danilo delle Fave, chuyên gia về vấn đề an ninh châu Á và là nhà nghiên cứu, cộng tác viên cho International Team for the Study of Security (ITSS) Verona, một nhóm chuyên gia về an ninh quốc tế, được France 24 trích dẫn.

 

Một mặt, việc Philippines cho phép Mỹ tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự đang củng cố thêm « vai trò duy trì hòa bình của Mỹ trong khu vực », một vai trò rất được nhiều nước trong khu vực đánh giá cao, nhất là Philippines, theo như nhận định của Rommel C.Banlaoi, chủ tịch hội nghiên cứu Philippines về tình báo và an ninh, được nhật báo Pháp L’Humanité dẫn lại.

 

Nhưng mặt khác, không ít nhà quan sát cũng chỉ trích Hoa Kỳ đang lôi kéo quốc gia Đông Nam Á này vào thế đối đầu trực diện với Trung Quốc. Về điểm này, bà Marianne Péron-Doise, chuyên gia về chiến lược tại châu Á, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược, trả lời ban Pháp ngữ đài RFI, phân tích lập trường của Manila khi có quyết định như trên:

 

« Ở đây chỉ là vấn đề tiếp cận cho phép các hoạt động luân chuyển hải quân, trang thiết bị cần thiết, và đương nhiên cho phép thiết lập trước các cơ sở, chiến đấu cơ tạo thuận lợi cho việc quá cảnh các tầu chiến Mỹ. Nhưng chúng không phải là những căn cứ thường trực như Mỹ từng có trước đây trong khuôn khổ hiệp ước an ninh. Như vậy, ở đây Manila có một lập luận là họ chỉ cung cấp các cơ sở, họ đang xích lại gần Mỹ và tái khởi động hợp tác với Mỹ, chứ Philippines không cung cấp căn cứ thường trực cho quân đội Mỹ như ở Nhật Bản hay Hàn Quốc. »

 

 

… Và những rủi ro xảy ra xung đột

 

Nỗi lo này còn gia tăng thêm một nấc khi các hoạt động tập trận diễn ra thường xuyên hơn ở Biển Đông và ngày càng có quy mô lớn hơn, mà chiến dịch Balikatan giữa Mỹ và Philippines vừa kết thúc là một ví dụ điển hình. Đây cũng là những gì được cam kết trong thỏa thuận quân sự mới, theo đó hai nước sẽ, « tiến hành liên tục các bài diễn tập và thao dượt song phương cũng như là các hoạt động hải quân có phối hợp, không hạn chế bao gồm cả tuần tra chung ». 

 

·        Đọc thêmVì sao Hoa Kỳ và Philippines cập nhật Hiệp ước quốc phòng ?

 

Những cuộc tuần tra chung Mỹ -Philippines, giữa hải quân hay tuần duyên hai nước, tại những vùng lãnh hải mà Trung Quốc có khả năng kiểm soát và chống xâm nhập, có nhiều nguy cơ biến một cuộc va chạm cục bộ thành một cuộc đối đầu trực diện Trung – Mỹ với sự hiện diện của tầu chiến Mỹ hộ tống hải quân Philippines. Theo quan điểm từ trang mạng Responsible Statecraft, việc các nước đồng minh như Úc, Nhật Bản tham gia hoạt động tuần tra chung chỉ có thể « châm thêm dầu vào lửa ».

 

Đây cũng chính là những gì ông David Camroux tỏ ra quan ngại khi trả lời RFI Tiếng Việt. Ông cảnh báo các bên cần có những kênh đối thoại để tránh cho những tính toán sai lầm có thể dẫn đến bùng nổ một cuộc xung đột trên diện rộng.

 

David Camroux : « Tôi tin rằng rủi ro phạm sai lầm là cao. Nghĩa là, khi quý vị có đầy tầu chiến từ cả hai phía Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác trong cùng một khu vực, khả năng xảy ra tai nạn sẽ càng cao. Và chúng ta đã thấy gần đây có hai hay ba trường hợp như vậy.

Theo tôi, điều đáng lo là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình chơi trò tinh thần yêu nước đến cùng. Nếu chẳng may một ngày nào đó, một tầu chiến hay một chiến đấu cơ Trung Quốc bị Mỹ vô tình phá hủy, trước người dân Trung Quốc, Tập Cận Bình sẽ buộc phải có phản ứng.

 

Trong bối cảnh ngày nay người ta bắt đầu sử dụng ngày càng nhiều luận điệu Chiến Tranh Lạnh ở Mỹ vào lúc bầu cử sắp diễn ra, họ cần phải phô diễn sức mạnh trước Trung Quốc, và chúng đã trở thành một trong số các nhân tố về chính sách đối ngoại trong các cuộc tranh luận sắp tới, quả thật đây là điều rất đáng lo ngại.

 

Bởi vì việc kích động hay những phát biểu sặc mùi chủ nghĩa dân tộc ở cả hai phía chẳng phải là điềm lành. Do vậy, các nước trong khu vực nhất thiết phải quay lại đối thoại và duy trì các kênh liên lạc, để khi có những sự cố thì các bên có thể nhanh chóng xử lý mà không để biến thành xung đột ».





No comments:

Post a Comment

View My Stats