Monday, 26 June 2023

CIVICUS : KHÔNG GIAN DÂN SỰ TẠI VIỆT NAM VẪN "ĐÓNG" SAU KHI HÀ NỘI VÀO HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LHQ (RFA)

 



CIVICUS: Không gian dân sự tại Việt Nam vẫn “đóng” sau khi Hà Nội vào Hội đồng Nhân quyền LHQ  

RFA
2023.06.26

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/civicus-says-civil-space-in-vietnam-still-closed-after-hanoi-becomes-member-of-unhrc-06262023124645.html

 

Liên  minh Toàn cầu các tổ chức xã hội dân sự và giới hoạt động CIVICUS nhận định không gian dân sự tại Việt Nam vẫn bị đóng dù Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc. Theo CIVIUS, Chính phủ Hà Nội tiếp tục sử dụng các điều luật để hình sự hoá công việc của giới hoạt động và báo chí, giám sát và cấm xuất cảnh người hoạt động, và ngược đãi tù nhân lương tâm.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/civicus-says-civil-space-in-vietnam-still-closed-after-hanoi-becomes-member-of-unhrc-06262023124645.html/@@images/cb6485a7-a4f3-40f1-9d2d-d89fd8d98d86.jpeg

Blogger Nguyễn Tường Thuỵ, một trong nhiều nhà hoạt động được nhắc đến trong báo cáo của CIVICUS   (RFA edited)

 

 

Đã tám tháng trôi qua kể từ khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bất chấp sự phản đối của các nhóm xã hội dân sự. Trước cuộc bầu cử, Chính phủ Hà Nội đã cam kết ‘tiếp tục những nỗ lực cho việc được hưởng tốt hơn các quyền con người và các quyền tự do cơ bản’ trong nước. Tuy nhiên, tình trạng các quyền tự do công dân vẫn chưa được cải thiện qua thực tế những người bảo vệ nhân quyền và những người chỉ trích tiếp tục đối mặt với nhiều hình thức đàn áp khác nhau,” tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Johannesburg nói trong báo cáo công bố ngày 23/6.

 

Theo CIVIUS, Việt Nam tiến hành đối thoại nhân quyền với Úc trong tháng tư và với Liên minh Châu Âu hồi đầu tháng sáu, đề cập đến một loạt chủ đề liên quan đến các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Trong khi đó suốt những tháng gần đây, chính quyền vẫn tiếp tục bắt giữ và kết án nhiều người hoạt động và nhà báo vì tội danh “tuyên truyền chống nhà nước.” Cáo buộc “trốn thuế” tiếp tục được sử dụng trong việc bắt giữ người hoạt động môi trường.

 

Bên cạnh đó, Hà Nội đã dừng xuất cảnh nhà hoạt động Nguyễn Quang A khi ông đi sang Thái Lan còn Công an Đắk Lắk đàn áp một cuộc biểu tình phản đối dự án thoát nước ở tỉnh này.

 

Nhận xét về báo cáo của CIVICUS, ông Phil Robertson- Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với RFA trong tin nhắn ngày 26/6:

 

Báo cáo đầy đủ của CIVICUS nói rõ rằng Việt Nam không có chỗ trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ của họ; Hà Nội liên tục nỗ lực làm nản lòng các chính phủ khác đang cố gắng bảo vệ nhân quyền trong Hội đồng.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã thực hiện mọi biện pháp có thể để quét sạch phong trào nhân quyền và dân chủ trong nước, đẩy nhiều nhà hoạt động vào tù với bản án dài hạn chỉ vì họ nói lên suy nghĩ và thực hiện các quyền cơ bản của họ.

Đã quá lâu rồi mà Hội đồng Nhân quyền LHQ vẫn không đưa ra một nghị quyết phê phán Việt Nam và những vi phạm nhân quyền khủng khiếp đối với người dân Việt Nam.”

 

.

Đàn áp quyền hội họp 

 

Báo cáo của CIVICUS nói trong nửa đầu năm nay, bốn nhà hoạt động đã bị kết án chỉ vì thực thi quyền hội họp ôn hoà là Trương Văn Dũng, Trần Văn Bang, Đặng Đăng Phước, và Bùi Tuấn Lâm. Cả bốn đều bị cáo buộc tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” với mức án từ năm năm và sáu tháng đến tám năm tù giam trong các phiên toà không bảo đảm quyền được xét xử công bằng.

 

Trong khi đó, Nhóm công tác về bắt giữ tuỳ tiện của LHQ đưa ra ý kiến về trường hợp bắt giữ và kết án nhà hoạt động nhân quyền Đỗ Nam Trung- bị kết án 10 năm về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” và nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách- bị kết án năm năm về tội danh “trốn thuế.” Cơ chế nhân quyền này cho rằng việc giam giữ họ là độc đoán, và yêu cầu Chính phủ Việt Nam trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện.

 

Sau khi trả tự do trước thời hạn năm tháng cho anh hùng khí hậu Nguỵ Thị Khanh vào tháng tư, vào cuối tháng năm, Việt Nam lại bắt giữ một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng khác là Hoàng Thị Minh Hồng, người sáng lập tổ chức bất vụ lợi CHANGE, cũng với cáo buộc “trốn thuế.”

 

CIVICUS nhấn mạnh bà Hồng là nhà bảo vệ nhân quyền môi trường nổi tiếng thứ năm bị cầm tù ở Việt Nam theo cáo buộc trốn thuế trong hai năm qua. Hai người khác còn lại là Mai Phan Lợi, người sáng lập và lãnh đạo Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC) và Bạch Hùng Dương, nguyên Giám đốc MEC, với  án tù lần lượt là bốn năm và hai năm sáu tháng.

 

CIVICUS cũng trích lại ý kiến của Văn phòng của Cao ủy Nhân quyền LHQ khi cơ quan này  “vô cùng lo lắng” về các vụ bắt giữ người hoạt động môi trường theo cáo buộc “trốn thuế” có nguy cơ bóp nghẹt cuộc tranh luận về các vấn đề xã hội quan trọng.

 

.

Vi phạm quyền biểu đạt

 

Theo CIVICUS, trong nửa năm qua, Việt Nam tiếp tục vi phạm quyền biểu đạt trong việc kết tội nhà hoạt động nhân quyền và blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA) Nguyễn Lân Thắng, và bắt cóc Youtuber Đường Văn Thái ở Thái Lan.

 

CIVICUS dẫn bình luận của Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ), rằng “việc truy tố Nguyễn Lân Thắng dựa trên những cáo buộc ngụy tạo nhằm trả đũa việc ông thực hiện quyền tự do ngôn luận và công việc hợp pháp của mình với tư cách là một nhà báo… bản án của ông cũng vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế về quyền được xét xử công bằng.”

 

CIVICUS cho rằng việc Youtuber Đường Văn Thái bị bắt cóc về Việt Nam đã làm trầm trọng thêm tình trạng của những nhà bất đồng chính kiến tương tự của Việt Nam đang sống lưu vong ở Thái Lan. Vụ bắt cóc cũng làm dấy lên lo ngại về việc thực hành đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào những người Việt Nam bất đồng chính kiến ở nước ngoài và những người chỉ trích chế độ.

 

Một trường hợp vi phạm quyền biểu đạt, đó là việc bắt giữ và kết án ông Nguyễn Tường Thuỵ, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và là blogger của RFA. Vào giữa tháng năm, Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của LHQ đã đưa ra ý kiến cho rằng việc giam giữ ông Thuỵ là tuỳ tiện và kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông. Hiện ông Thuỵ đang thụ án tù 11 năm tại Trại giam An Phước.

 

Dẫn nguồn tin từ RFA, CIVICUS cũng nêu lên vụ đàn áp người dân Ede khi họ phản đối dự án xả nước mưa vào hồ Ea M’ta ở huyện Cư Kuin (Đắk Lắk). Người dân lo ngại rằng ngoài nước mưa, dự án còn có thể đưa nước thải vào hồ, gây hại cho môi trường và gây lũ lụt cho các khu vực xung quanh. Trong vụ đàn áp này, nhiều người dân đã bị cảnh sát cơ động đánh và gây thương tích nghiêm trọng.

 

CIVICUS cũng nhắc đến phúc trình mang tựa đề “Việt Nam: Tiết lộ những cuộc đàn áp biểu tình ôn hòa” mà hai tổ chức Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) công bố gần đây. Phúc trình này tố giác sự đàn áp có hệ thống đối với quyền tự do hội họp ở Việt Nam, trong đó tù nhân lương tâm đang bị ngược đãi trong các trại giam và trại tạm giam như bị từ chối quyền được xét xử công bằng, án tù không tương xứng, điều kiện giam giữ tồi tệ, từ chối chăm sóc y tế, bị ngược đãi và tra tấn trong quá trình giam giữ…  Trong một số trường hợp, điều kiện giam giữ tồi tệ và ngược đãi đã dẫn đến tử vong trong vài năm gần đây.

 

Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về báo cáo của CIVICUS nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

 

-----------------------

Tin, bài liên quan

TIN VIỆT NAM

 

Nhóm công tác LHQ thúc giục Việt Nam trả tự do cho nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ

 

"Anh hùng môi trường" Nguỵ Thị Khanh ra tù trước hạn, các tổ chức nhân quyền hoan nghênh

 

Project 88: Việt Nam dùng luật làm vũ khí bỏ tù các nhà hoạt động môi trường

 

HRW: Việt Nam muốn chặn tài trợ quốc tế đến các tổ chức xã hội dân sự

 

TNLT Đặng Đình Bách kêu gọi Nhà nước Việt Nam chấm dứt đàn áp xã hội dân sự





No comments:

Post a Comment

View My Stats