Wednesday, 14 June 2023

CAN THIỆP CỦA NƯỚC NGOÀI : NGA và TRUNG QUỐC TRONG TẦM NGẮM CỦA QUỐC HỘI PHÁP (Thanh Phương / RFI)

 



Can thiệp của nước ngoài: Nga và Trung Quốc trong tầm ngắm của Quốc Hội Pháp

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 13/06/2023 - 11:39

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20230613-can-thi%E1%BB%87p-c%E1%BB%A7a-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngo%C3%A0i-nga-v%C3%A0-trung-qu%E1%BB%91c-trong-t%E1%BA%A7m-ng%E1%BA%AFm-c%E1%BB%A7a-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-ph%C3%A1p

 

Ngày 08/06/2023, ủy ban điều tra của Quốc Hội Pháp về những sự can thiệp của nước ngoài vào Pháp đã công bố báo cáo, chủ yếu nhắm vào Nga và Trung Quốc, hai cường quốc bị xem là có những hoạt động thù địch đối với Pháp, qua các vụ tấn công tin học, phao tin giả và gián điệp. Báo cáo, do bà Constance Le Grip, nữ dân biểu đảng cầm quyền Phục Hưng ( Renaissance ) soạn thảo, được công bố sau 5 tháng rưỡi điều tra và nghe điều trần. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/249d79c8-ef81-11ed-9a74-005056a90284/w:980/p:16x9/AP23130693569848.webp

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colona và ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương trong cuộc gặp tại bộ Ngoại Giao Pháp ở Paris, Pháp, ngày 10/05/2023. Theo ủy ban điều tra của Quốc Hội Pháp, Trung Quốc nay cũng bị “Nga hóa”, tức là cũng ngày càng có những hành động mang ý đồ xấu nhắm vào Pháp. AP - Sarah Meyssonnier

 

Đảng cực hữu bị cáo buộc

 

Một tuần trước đó, một số đoạn của bản báo cáo này đã bị rò rỉ trên báo chí Pháp. Trong các đoạn này, bà Constance Le Grip tố cáo đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia nay đã trở thành một cái “loa tuyên truyền cho nước Nga”. 

 

Tác giả bản báo cáo của ủy ban điều tra Quốc Hội Pháp nhắc lại quan điểm của Mặt Trận Quốc Gia, tiền thân của đảng Tập Hợp Quốc Gia, vào năm 2014 chẳng khác gì lập luận của Nga khi Matxcơva sát nhập “trái phép” vùng Crimée của Ukraina vào Nga. Năm 2014 cũng là năm mà đảng cực hữu của Pháp vay tiền của một ngân hàng Nga. 

 

Theo lời nữ dân biểu Constance Le Grip, mối liên hệ giữa Nga với đảng Tập Hợp Quốc Gia đã có từ lâu, nhưng “chiến lược xích lại gần nhau về chính trị và tư tưởng giữa đảng này với Matxcơva đang có xu hướng được đẩy nhanh kể từ khi bà Marine Le Pen lên lãnh đạo đảng”. Báo cáo của ủy ban điều tra Quốc Hội Pháp nhắc lại những cuộc   giữa các nghị sĩ đảng Mặt Trận Quốc Gia/Tập Hợp Quốc Gia với các lãnh đạo của Nga. Bản thân bà Marine Le Pen đã được tổng thống Vladimir Putin tiếp tại điện Kremlin vào ngày 24/03/2017, tức là chỉ vài tuần trước vòng đầu bầu cử tổng thống Pháp năm 2017.

 

Nữ dân biểu Constance Le Grip tuy vậy ghi nhận là kể từ khi Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina vào tháng 2/2022, lập trường của đảng Tập Hợp Quốc Gia và của bà Le Pen đã bớt thân Nga hơn. Lãnh đạo đảng cực hữu cũng đã lên án thẳng thừng cuộc xâm lược của Nga. 

 

Bà Le Pen dĩ nhiên đã lên tiếng bác bỏ bản báo cáo của nữ dân biểu đảng Phục Hưng, xem đây là một “phiên tòa chính trị”. Khi ra điều trần trước ủy ban điều tra Quốc Hội ngày 24/05, bà đã khẳng định là khi được vay tiền của một ngân hàng Nga, đảng Mặt Trận Quốc Gia trước đây không hề cam kết một điều gì với Matxcơva. 

 

“Macron Leaks” 

 

Trong cái gọi là “chiến tranh thông tin” của Nga nhắm vào Pháp, bà Le Grip dựa trên điều tra của nhật báo Pháp Le Monde, khẳng định “trách nhiệm của Nga là gần như chắc chắn” trong vụ được gọi là “Macron Leaks” năm 2017, tức là vụ rò rỉ gần 9 gigaoctet dữ liệu liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông Macron, bị phát tán trên mạng ngày 05/05, chỉ hai ngày trước vòng hai bầu cử tổng thống Pháp. 

 

Nữ dân biểu Le Grip nhắc lại là vào năm 2021, chính quyền Pháp đã tăng cường bảo vệ chống các sự can thiệp của nước ngoài về công nghệ số, với việc thành lập cơ quan của nhà nước viết tắt là VIGINUM. Trong năm 2022, cơ quan này đã phát hiện khoảng 60 vụ thao túng thông tin trên mạng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Chiến dịch gây nhiễu thông tin quan trọng nhất là chiến dịch mang tên Beth nhắm vào ông Macron và được cho là do công ty lính đánh thuê Nga Wagner tiến hành. 

 

Báo cáo của nữ dân biểu Le Grip cũng bày tỏ quan ngại về việc một số nhân vật thuộc giới tinh hoa của Pháp đã có thái độ ngây thơ đối với Nga, thậm chí “thông đồng“ với Matxcơva. Bà cũng nhấn mạnh đến xu hướng của một số công chức cao cấp Pháp về hưu, đặc biệt là các sĩ quan quân đội Pháp, có những phát biểu gần lập trường của Nga trên các phương tiện truyền thông của Pháp.

 

Dân biểu Constance Le Grip đề nghị phải đề ra một chế độ nghiêm ngặt hơn đối với các cựu công chức Pháp chuyển sang làm việc cho các công ty phục vụ cho nhà nước của các nước ngoài. Bà cũng ra những khuyến cáo tương tự đối với các cựu lãnh đạo chính trị của Pháp, chẳng hạn kéo dài thêm thời gian chưa được phép chuyển sang làm việc cho các công ty tư nhân và ra quy định cấm họ làm việc tại một số khu vực địa lý.

 

Bà đặc biệt lưu ý đến trường hợp của cựu thủ tướng cánh hữu François Fillon. Vị cựu thủ tướng này cũng đã phải ra điều trần trước ủy ban điều tra, do vai trò của ông trong các hội đồng điều hành của các công ty đa quốc gia của Nga. Sau khi Nga xua quân xâm lược Ukraina, ông Fillon đã rời bỏ hội đồng điều hành các công ty này. 

 

Mối đe dọa Trung Quốc

 

Nói chung, đối với nữ dân biểu Constance Le Grip, Nga là “mối đe dọa chính” đối với nước Pháp, nhưng Trung Quốc nay cũng bị “Nga hóa”, tức là cũng ngày càng có những hành động mang ý đồ xấu nhắm vào Pháp.

 

Về Trung Quốc, theo đánh giá của dân biểu Le Grip, “mối đe dọa quan trọng nhất” là đối với ngành nghiên cứu và các doanh nghiệp Pháp. Bà nhấn mạnh: “Việc Trung Quốc xâm nhập vào giới đại học và giới nghiên cứu đã trở thành mối quan tâm rất lớn đối với nhà chức trách Pháp”.

 

Trung Quốc hiện đang tiến hành "ột chiến lược thúc đẩy sự phản bác các chuẩn mực", dựa vào cộng đồng hải ngoại và mạng lưới văn hóa của họ, nhằm đặt lại vấn đề về trật tự phương Tây và làm suy yếu trật tự này. Giống như Nga, Trung Quốc có những hoạt động "thao túng thông tin, tấn công mạng hoặc thậm chí là gián điệp".

 

Ra điều trần trước ủy ban điều tra của Quốc Hội, lãnh đạo cơ quan tình báo DGSI Nicolas Lerner đã đặc biệt lưu ý đến những can thiệp về mặt chính trị và nêu lên tầm quan trọng của thông tin sai lệch nhằm làm mất uy tín của tiếng nói nước Pháp.

 

Theo báo cáo của ủy ban điều tra, sự can thiệp của Trung Quốc đặc biệt tìm cách kiểm soát hình ảnh của họ và công dân của họ, nói cách khác, Bắc Kinh tiến hành một cuộc "chiến tranh dư luận":  "Mục tiêu của chiến dịch này  là làm suy giảm mô hình của các nền dân chủ tự do nhằm gián tiếp đề cao mô hình chính trị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa". 

 

Giống như Nga với Sputnik và Russia Today, Bắc Kinh thực hiện mục tiêu đó thông qua việc kiểm soát của một số phương tiện truyền thông như Tân Hoa Xã và Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc. Trung Quốc cũng kiểm soát phần lớn báo chí Hoa ngữ lưu hành khắp thế giới.

 

Ngoài các phương tiện truyền thông truyền thống, những luận điệu tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc còn được phổ biến bởi những kẻ lừa đảo trên mạng xã hội, những kẻ "bảo vệ, tấn công, duy trì luận chiến, lăng mạ, quấy rối". Báo cáo lưu ý rằng những hoạt động này cũng được thực hiện bởi "những cư dân mạng được trả tiền để xuất bản nội dung, trong số này có cả các quan chức Trung Quốc", giống như "những chiến binh sói" của chính sách ngoại giao Trung Quốc.

 

Trong chiến lược can thiệp này, cộng đồng người Hoa ở hải ngoại là  từ Trung Quốc. Người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Trung Quốc đã từng khẳng định: “Bất kỳ công dân Trung Quốc nào, kể cả những người mang hai quốc tịch, đều được Trung Quốc coi là một nhân viên tình báo có thể được kích hoạt bất cứ lúc nào”.

 

Can thiệp kinh tế và công nghệ

Báo cáo đánh giá rằng “thiệt hại đối với di sản khoa học và công nghệ của Pháp do sự can thiệp của Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng nhất hiện nay."  

 

  Kỹ thuật số là một lĩnh vực trong đó các mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia là rất lớn. Thật vậy, báo cáo lưu ý đến các rủi ro về an ninh mạng do việc phân phối rộng rãi TikTok, một mạng xã hội thuộc một công ty Trung Quốc và do sự phát triển của mạng  5G Trung Quốc.

 

Thâm nhập các các trường đại học

Trung Quốc tham gia dưới hình thức gia nhập giới học thuật và nghiên cứu ở châu Âu, vốn được quản lý không chặt chẽ bằng các lĩnh vực nhạy cảm. Nhiều viện nghiên cứu là mục tiêu của các nguồn tài trợ từ Trung Quốc, với mục đích can thiệp. Vai trò của các Viện Khổng Tử được mô tả là "mơ hồ".

 

Ngoài ra, báo cáo nêu bật các hành động bắt bí về thị thực nhập cảnh đối với các nhà nghiên cứu hoặc các hành động để bịt miệng các nhà nghiên cứu này. Các phiên điều trần của ủy ban điều tra cho thấy sự hợp tác giữa các trường đại học Pháp hoặc châu Âu và Trung Quốc là có vấn đề: C ác hợp tác này thường không cân bằng theo hướng có lợi cho Trung Quốc, làm suy yếu tự do học thuật và có nguy cơ "khai thác tiềm năng khoa học và kỹ thuật" của một quốc gia, đôi khi trong những lĩnh vực nhạy cảm.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats