Wednesday, 7 June 2023

"BÀ NGOẠI" QR CODE (Vũ Kim Hạnh)

 



“Bà ngoại” QR Code    

Vũ Kim Hạnh

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao

Thứ tư, 7/6/2023, 00:00 (GMT+7)

https://vnexpress.net/ba-ngoai-qr-code-4614450.html

 

Tôi gặp Chokchai Koisrichai - giám đốc, nhà điều hành chợ đầu mối trái cây Talaad Thái - tại Thaifex (Hội chợ quốc tế về thực phẩm và đồ uống châu Á) diễn ra cuối tháng 5.

 

Người "chủ chợ" có nước da ngăm đen, trang phục hơi tuềnh toàng bụi bặm (mà tiếng Anh rất trôi chảy) nói chuyện nhỏ nhẹ, chậm rãi, chân chất mà quá ấn tượng.

 

Hỏi ông về kinh nghiệm cạnh tranh của doanh nghiệp Thái, ông nói giản dị. Về nông sản thực phẩm, ta chia làm hai loại, tươi và đã chế biến. Về trái cây, rau củ tươi thì người Thái rất chú ý tính thời vụ. Ví dụ mùa mưa, bắp cải là món người Hoa rất hay dùng thì Trung Quốc bị mất mùa nên đó là lúc người Thái bung hàng ồ ạt qua Trung Quốc. Còn thực phẩm chế biến? Hình thức phải đẹp, hấp dẫn đã đành nhưng sản phẩm phải kể được câu chuyện.

 

Nghe lời và kiểu ông nói, tôi chợt nghĩ ngay tới... bà ngoại mình, với những câu chuyện cổ tích mà hồi nhỏ tôi được nghe bà kể, rù rì thiệt hay khiến tôi nhớ hoài tới giờ. Ông Chokchai nói rằng phải kể chuyện về sản phẩm và tất nhiên là kể bằng... QR code.

 

Công nghệ mới đã thay bà ngoại, rất gọn gàng và trọn vẹn. Khách hàng chỉ cần nhấp vào QR code là toàn bộ "cuộc đời" từ nguyên liệu cơ bản đầu tiên cho đến sản xuất, chế biến... đều rõ mồn một. Khách hàng còn xem được cả video.

 

Trong một cuộc hội thảo ở Thaifex, anh Nguyễn Thành Huy, cán bộ Thương vụ Việt Nam tại Thái hai nhiệm kỳ, lý giải vì sao hàng Việt Nam chưa chiếm lĩnh được thị trường Thái - dù một số ngành, sản phẩm Việt Nam đủ tốt, chất lượng chấp nhận được và giá cạnh tranh. Là do là sản phẩm xuất hiện mờ nhạt, chúng ta chưa kể câu chuyện gây chú ý về sản phẩm.

 

 Kể chuyện? Từ này đang "hot" trong kinh doanh, như một chiêu thức, kỹ năng cốt lõi trong tiếp thị. Anh Huy nói thêm. Kể chuyện hàm ý là ta đã có nghiên cứu, hiểu rõ người tiêu dùng và từ đó, xác định sẵn, mỗi sản phẩm nhắm tới những khách hàng nào, cách bán ra sao.

 

Anh nhớ lại, mấy năm đầu các doanh nghiệp Việt Nam dự Thaifex toàn là những doanh nghiệp lớn nhất, họ dựng gian to và mang đến những TVC (phim quảng cáo) hoành tráng. Mấy năm sau, dần dần các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương tham dự ngày càng nhiều và mang đến nhiều dòng sản phẩm mới đầy sáng tạo và khác biệt để tìm thị trường.

 

Thế là những câu chuyện về tài nguyên bản địa kết hợp công nghệ mới của từng vùng miền được kể, lạ lẫm, phong phú và hấp dẫn hơn. Như năm nay, có đến gần 160 doanh nghiệp Việt Nam dự hội chợ, đông chưa từng thấy. Nếu mỗi doanh nghiệp kể được câu chuyện hay về sản phẩm của mình thì nó sẽ trở thành "vũ khí mềm" đáng nể, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.

 

Như vậy, nói là "kể câu chuyện" nhưng kể vào thời 4.0 này thì không chân phương như bà ngoại vừa nhai trầu, vừa kể chuyện đêm đêm theo nhịp võng.

 

Cuộc kể chuyện hiện nay không chỉ đòi sử dụng QR code thật đầy đủ và ấn tượng mà còn phải có một hoạt động quan trọng nữa tạo thành lợi thế cạnh tranh rõ rệt giữa các thương hiệu: mời khách hàng trải nghiệm bằng mọi cách linh hoạt nhất.

 

Chẳng hạn, tại hội chợ, công ty QP Foods trưng bày những nguyên liệu được "sấy đông khô" mà bắt mắt như thể còn tươi nguyên. Họ cũng mời các đầu bếp hàng đầu đến nấu tại chỗ thành bún cá, bún riêu, phở bò... bốc khói, thơm lừng. Tôi kín đáo theo dõi các thương nhân Âu, Mỹ giới thiệu cho nhau cùng đến dùng thử và xuýt xoa vì món ăn nóng hổi thơm ngon và tròn vị.

 

Trong phát biểu chào mừng hội thảo "Tìm hiểu kinh nghiệm làm kinh tế xanh - xây dựng sản phẩm bền vững của Thái và xây dựng sức cạnh tranh cho sản phẩm xanh, bền vững của Việt Nam" do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Thương vụ Việt Nam tại Thái tổ chức, tôi có nói rằng, đến Thaifex mà chỉ triển lãm hàng và tìm thị trường mới là chỉ làm 50% công việc. Nửa còn lại là đi học từ chính các doanh nghiệp cùng triển lãm, thu thập thông tin nghiên cứu thị trường, dự các hội thảo và đi thăm các tổ chức, công ty đối tác, các nhà phân phối quốc tế.

 

Thông điệp này nhận được sự chia sẻ từ bà Jariya Chirathivat, đại diện của Central Group tại Việt Nam. Bà Chirathivat kéo tôi ra một góc và thảo luận rất chân tình. Chúng tôi dễ dàng cùng nhau rút ra được rằng, "bộ comple" để nông sản "chưng diện" khi xuất ngoại phải được đính kèm với "bà ngoại" QR code biết kể chuyện có duyên về sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên chú ý hơn nữa tới hoạt động marketing nhằm tiếp cận sâu hơn vào các thị trường mới. Không làm tốt khâu mời khách hàng trải nghiệm sản phẩm, thì sản phẩm có ngon có tốt đến đâu cũng có thể bị bỏ phí.

 

Làm "bà ngoại thời QR code" để bán được sản phẩm nhiều hơn cho thị trường Thái cũng như các thị trường khác là một thử thách lớn mà chúng ta không thể coi là chuyện tùy hứng, giản đơn. Nó là vũ khí cạnh tranh.

 

Vũ Kim Hạnh

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats