Saturday, 10 June 2023

ĐẬP KAKHOVKA BỊ PHÁ TÁC ĐỘNG THẾ NÀO ĐẾN CHIẾN DỊCH PHẢN CÔNG CỦA UKRAINA? (Anh Vũ / RFI)

 



Đập Kakhovka bị phá tác động thế nào đến chiến dịch phản công của Ukraina?

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 09/06/2023 - 15:00

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230609-%C4%91%E1%BA%ADp-kakhovka-b%E1%BB%8B-ph%C3%A1-t%C3%A1c....BB%A7a-ukraina

 

Đập thủy điện Kakhovka gần thành phố Kherson của Ukraina hôm 06/06 đã bị phá vỡ. Diễn biến mới này được cho là một đòn nặng nề đối với chiến dịch phản công đã được quân đội Ukraina chuẩn bị từ nhiều tháng qua. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, không nên đánh giá quá cao tầm quan trọng của việc vượt sông Dniepr trong các giải pháp chiến lược mà Ukraina dự định nhằm lấy lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.

 

https://s.rfi.fr/media/display/ff1d8710-06b9-11ee-af8e-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP23159260149206.webp

Sau khi con đập Kakhovka bị phá vỡ, vùng dân cư rộng lớn của thành phố Kherson bị chìm trong nước, ngày 07/06/2023. AP

 

Thủ tướng Đức, Olaf Scholz không phải là người duy nhất đã thẳng thừng tỏ những nghi ngờ về nguồn gốc và lý do phá hủy con đập có giá trị chiến lược, Kakhovka, hôm thứ Ba 06/06. Người đứng đầu chính phủ Đức khẳng định : “Xem xét tất cả các yếu tố, đương nhiên người ta phải nhận thấy rằng đó là một cuộc tấn công của Nga nhằm ngăn chặn cuộc phản công của Ukraina để giải phóng lãnh thổ của mình”

 

Matxcơva đã nhanh chóng bác bỏ những cáo buộc như vậy. Đó cũng là những tố cáo đã được chính quyền Ukraina lặp lại. Ông Sergei Choigou, bộ trưởng Quốc Phòng Nga tố Kiev có thể tìm cách "ngăn chặn các hoạt động tấn công của quân đội Nga trên phần này của mặt trận" bằng cách phá hoại con đập.

 

Không thể vượt sông ?

 

Dù tác giả vụ phá đập là ai thì tình tiết mới này của cuộc xung đột, khiến hàng chục nghìn người phải chạy khỏi vùng thảm họa, cũng sẽ có tác động đến tiến trình của cuộc chiến tranh. Hàng triệu mét khối nước sông Dniepr liền kề đổ vào làm ngập lụt khắp nơi. Một sĩ quan Ukraina giấu tên, được Financial Times phỏng vấn đã quả quyết rằng, “nếu chúng tôi muốn vượt qua con sông ở khu vực đó giờ không thể được nữa rồi ».

 

Một trong những giả thuyết thường được nói đến nhiều liên quan đến kế hoạch phản công của Ukraina sắp tới là quân đội sẽ vượt qua sông Dniepr ở khu vực Kherson, nơi lòng sông hẹp hơn, rồi tiến nhanh nhất có thể về phía Crimée. Mục đích sẽ là cắt đứt các tuyến đường tiếp viện của Nga từ bán đảo đến hỗ trợ quân đội đóng ở khu vực Zaporijiia và Donbass.

 

Kế hoạch như vậy giờ dường như đã hỏng. Ông Jeff Hawn, chuyên gia về các vấn đề quân sự của Nga, đồng thời là nhà tư vấn của Viện New Lines, một trung tâm nghiên cứu về địa chính trị của Mỹ, nhấn mạnh rõ ràng việc vượt sông giờ đây là không thể. Theo ông,  “bộ binh vẫn có thể vượt qua, theo nhóm nhỏ, nhưng xe bọc thép thì không”.

 

Vấn đề không chỉ là mực nước. Jeff Hawn cho biết thêm: “Việc cơ sở hạ tầng bị phá hủy sau lũ lụt và những thứ đổ vỡ xung quanh có nguy cơ làm chậm bước tiến của binh sĩ, những người có thể vượt được qua sông”.  Từng đấy lý do cũng đã đủ để hủy bỏ một cuộc vượt sông Dniepr.

 

Vượt sông Dniepr, một giải pháp lựa chọn

 

Trong kịch bản đó, việc con đập Kakhovka bị phá hủy buộc bộ tổng tham mưu Ukraina phải suy nghĩ lại về kế hoạch phản công của mình. Tờ Wall Street Journal khẳng định Matxcơva có thể tận dụng khoảng thời gian nghỉ ngơi này để “tổ chức tốt hơn hoạt động phòng thủ của mình”.

 

Nhưng có điều là nhiều chuyên gia được France 24 phỏng vấn nhận định rằng việc vượt sông Dniepr ở khu vực này này chưa bao giờ là một lựa chọn được cân nhắc nghiêm túc của Ukraina. Chuyên gia Sim Tack, một nhà phân tích quân sự cho Force Analysis, một công ty theo dõi các xung đột, nhận định : " Theo tôi, thảm họa này sẽ không có tác động nào đối với cuộc phản công bởi vì Kiev dường như muốn tập trung vào một cuộc tấn công lớn ở khu vực Vuledar và Donetsk".

 

Còn chuyên gia Huseyn Aliyev khẳng định : “Để băng qua sông Dniepr, chọn khu vực Kherson không phải là giải pháp hay, vì ở đó có địa hình lầy lội. Ngay cả trước khi bị lụt, xét về mặt hậu cần, sẽ rất phức tạp để tổ chức vượt sông cho các xe bọc thép cần để tiến hành phản công ”,.

 

Tất cả mọi chuyện vẫn có thể tiếp tục như chưa có gì xảy ra hay sao? Hoàn toàn không. Ông Huseyn Aliyev thừa nhận: “Thảm họa này chắc chắn loại bỏ hẳn một lựa chọn mà người Nga buộc phải tính đến”.

 

Nói cách khác, một số ít hệ thống phòng thủ mà Matxcơva phải duy trì đề phòng ở khu vực này giờ đây có thể được bố trí lại ở nơi khác. Bắt đầu với Donetsk. Ông Jeff Hawn nhận định: “Bây giờ đó là  mục tiêu có khả năng xảy ra nhất trong cuộc phản công của Ukraina. Quân đội Ukraina có thể tránh sông Dniepr và tiến xuống Mariupol, một mục tiêu mang tính biểu tượng cao đối với quân đội Ukraina”.

 

Quân Nga cũng bị ảnh hưởng

 

Thảm họa này có một lợi thế khác cho người Nga: nó có thể khiến Kiev mất tập trung. Không dễ để tiến hành một cuộc tổng tiến công khi phải cùng lúc vừa phải tổ chức cứu trợ, vừa phải theo dõi diễn biến của tình hình nhân đạo. Ukraina có thể buộc phải trì hoãn các chiến dịch quân sự của mình cho đến khi tình hình tại các nợi họ quản lý trong vùng Kherson được kiểm soát.

 

Nhưng chính quyền Ukraine, dưới áp lực quốc tế, khó có thể trì hoãn phản công quá lâu. “Về mặt chính trị, Kiev cần chứng minh rằng viện trợ quân sự quốc tế cũng có ích. Đó là lý do tại sao, bất kể điều gì xảy ra, phản công vẫn là ưu tiên số một của chính phủ," ông Jeff Hawn nhận định. Chuyên gia Sim Tack cho biết thêm:  “Ngoài ra, Ukraina vẫn có đủ nhân lực dân sự, không đến nỗi phải bỏ mặt trận để cứu giúp dân thường trong vùng lụt ».

 

Hơn nữa, không chỉ có Ukraina bị tác động bởi lũ lụt. Theo chuyên gia Huseyn Aliyev, “Chính binh sĩ Nga phải bảo vệ bờ sông Dniepr », nơi cũng là tuyến đầu mặt trận của họ. Quân Nga cũng đã phải rời khỏi vị trí của mình khẩn cấp và có thể đã bị buộc phải để lại thiết bị khi rời đi.

 

“Các con đường đã bị ngập lụt bên phía sông Dniepr của Nga kiểm soát, điều này có thể tác động tiêu cực đến việc tổ chức tiếp viện từ Crimée, vốn là trung tâm hậu cần quan trọng cho quân đội Nga đóng ở miền nam Ukraina và ở Donbass”, chuyên gia Aliev lưu ý.

 

Nhưng điều chủ yếu, về lâu dài, thảm họa này có thể là yếu tố bất lợi cho Nga. “Lũ lụt đã làm hỏng hệ thống thủy lợi của Crimean. Nếu bán đảo cạn nước, Nga sẽ gặp khó khăn trong việc giữ toàn bộ tổ chức và quân đội của mình ở đó trong một thời gian rất dài”, ông Sim Tack nói.

 

Nếu Nga thực sự đứng đằng sau việc phá hủy con đập nhằm cố gắng phá vỡ sự chuẩn bị của Ukraine, thì tính toán của họ giống như một trò chơi bất chắc.

(Theo france24.com)

 

----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

ĐIỂM BÁO

Chiến tranh Ukraina: Đập Kakhovka bị vỡ, bước ngoặt bất ngờ làm lợi cho Nga

 

UKRAINA - ĐẬP KAKHOVKA

Ukraina : Hậu quả của thảm họa vỡ đập thủy điện Kakhovka

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats