Thursday, 8 June 2023

ẤN ĐỘ, HOA KỲ, TRUNG QUỐC : DÂN SỐ SẼ QUYẾT ĐỊNH (Ngô Nhân Dụng)

 



Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc: Dân số sẽ quyết định

Ngô Nhân Dụng

07/06/2023

https://www.voatiengviet.com/a/an-do-my-trung-quoc-dan-so-se-quyet-dinh/7126895.html

 

Nước Mỹ may mắn nhất, vì dân vẫn còn tương đối trẻ, lại được bù thêm với những tài năng khắp thế giới kéo vào, kể cả các du học sinh từ Ấn Độ và Trung Quốc.

 

https://gdb.voanews.com/dee571ad-2ff2-4964-80a9-0099d1eb782b_w1023_r1_s.jpg

Người Ấn Độ ở Bangalore vào giờ cao điểm đi làm. Hình minh họa.

 

Hiện nay GDP, Tổng Sản Lượng Nội Địa của Mỹ ($27 ngàn tỷ) và Trung Quốc ($19 ngàn tỷ) đứng hàng đầu thế giới, Ấn Độ ($3.7 ngàn tỷ) đứng hàng thứ năm.

 

Cuộc chạy đua kinh tế tương lai tùy thuộc vào ba yếu tố: Số người làm việc, số vốn đầu tư, và sản năng lao động (productivity) của mỗi người. Dân số Mỹ và Ấn Độ đang lên, trong khi Trung Quốc bắt đầu xuống từ năm 2020.

 

Trong thế kỷ này, dân số Trung Quốc sẽ giảm từ 1.424 tỷ vào năm 2020 xuống chỉ còn 1.317 tỷ vào năm 2050, đến năm 2100 sẽ xuống nữa, chỉ còn 771 tỷ. Trong cùng thời gian đó, Ấn Độ tăng từ 1.390 tỷ lên 1.668 tỷ, rồi sẽ xuống 1.533 tỷ. Chỉ có dân số Mỹ tăng lên đều đều, từ 336 triệu, năm 2050 lên 375 rồi lên tới 394 triệu.

 

Dân số lên xuống tùy thuộc vào các bà đến tuổi làm mẹ có muốn sinh con hay không! Trong một nước, nếu mỗi bà mẹ chịu sanh hơn hai đứa con (tính bình quân là 2.1), thì dân số ổn định; thấp hơn “sinh suất” (ferility rate) đó thì dân số đi xuống. Năm 2010, trên thế giới có 98 nước ở trong tình trạng tỷ số này thấp hơn 2.1; năm 2021 có 124 nước; đến năm 2030 sẽ lên tới 136 nước. Tất cả 15 nước kinh tế cao nhất đều đang lâm cảnh đó, kể cả Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Mexico, theo tuần báo Economist, ngày 3 tháng Sáu, 2023. Nam Hàn, với tỷ số 0.8 đáng lo nhất; dân số sẽ giảm từ 52 triệu hiện nay xuống 41 triệu vào cuối thế kỷ 21. Dân số Mỹ sẽ không xuống luôn như các nước kia, nhờ được di dân mới đến bù lại.

 

Đối với sinh hoạt kinh tế, quan trọng nhất trong dân số là những người trẻ, đặc biệt trong lớp tuổi 21 đến 30, những người sắp hoặc đang bắt đầu đi làm. Ở những nước với tỷ số sinh dưới 1.5, lớp người trẻ này sẽ giảm bớt 37% từ nay đến năm 2050. Trung Quốc, Thái Lan với tỷ số 1.3, các nước Ý, Nhật Bản, đều gặp nạn này.

 

Năm 2021 dân số Trung Quốc tụt từ 1.413 tỷ xuống 1.412 tỷ. Số người trong lớp tuổi 21 đến 30 ở lên cao nhất, 232 triệu, vào năm 2013 rồi tụt xuống, tám năm trước khi dân số cả nước bắt đầu xuống. Nguyên nhân chính là các bà mẹ bắt đầu bớt sinh đẻ, khi nhà nước hạn chế mỗi gia đình chỉ được sanh một con. Lệnh cấm bắt đầu năm 1976 nhưng phải 5, 7 năm sau dân chúng mới thi hành triệt để! Các sắc dân thiểu số được miễn chế độ một con này nhưng các bà mẹ thiểu số thấy phụ nữ người Hán sinh đẻ ít đỡ phải cực nhọc chăm sóc con, cũng bắt chước! Năm 2021 chỉ còn có 181 triệu người Trung Quốc trong lớp tuổi tráng kiện này. Từ năm 2040 tốc độ tụt giảm sẽ tăng lên, trong ba chục năm nữa những người 21 đến 30 tuổi sẽ chỉ còn dưới 100 triệu.

 

Một hậu quả của tình trạng dân số đi xuống là số người làm việc giảm bớt trong khi những người về hưu đông hơn. Sở Thống Kê ở Bắc Kinh cho biết có 875 triệu người Trung Quốc tuổi từ 16 đến 59. Họ phải làm việc để nuôi những người từ 65 tuổi trở lên, hiện nay là 210 triệu nhưng trong 12 năm nữa sẽ lên tới 400 triệu, từ 15% nâng lên 30% dân số. Nhưng đó chỉ là một mối lo, có thể giải quyết bằng cách nâng tuổi nghỉ hưu lên cao hơn. Chính phủ Pháp đang làm việc này và bị biểu tình phản đối quyết liệt, nhưng đảng Cộng sản Trung Quốc không lo chuyện chống đối!

 

Mối lo lớn hơn là ảnh hưởng của tình trạng dân già hơn trên sản năng lao động (productivity), một trong ba yếu tố phát triển kinh tế. Sản năng lao động tùy thuộc khả năng phát minh, sáng chế.

 

Khả năng của trí óc con người thay đổi theo lớp tuổi. Khi còn trẻ, trí khôn mang tính chất linh hoạt (tiếng Anh, fluid intelligence), người ta dễ dàng phát triển các ý kiến mới, đối phó với các vấn đề mới lạ. Khả năng này giảm bớt từ lúc sắp 30 tuổi. Khi lớn tuổi, cho đến khi già, kinh nghiệm học hỏi được tích lũy nhiều hơn, được gọi là trí khôn kết tinh (crystalliesed intelligence). Xã hội cần cả hai loại trí khôn này; nhưng một nền kinh tế muốn canh tân, cải tiến không ngừng thì phải dựa vào loại trí khôn linh hoạt của tuổi trẻ.

 

Một cuộc nghiên cứu, được tuần báo Economist dẫn chứng, cho thấy quan hệ giữa lớp tuổi và khả năng sáng tạo. Trong số ba triệu bằng sáng chế được công nhận trong thời gian 40 năm ở khắp thế giới, lớp tuổi từ 30 đến 40 đóng góp nhiều nhất. Bắt đầu từ tuổi 40, con số giảm dần.

 

Trong số sáng chế và phát minh có những thứ được gọi là “đột biến” (disruptive) thay đổi cả một ngành nghiên cứu khoa học, kỹ thuật từ căn bản, không phải chỉ là những thay đổi tiệm tiến trên con đường cũ. Một thí dụ được nêu lên là phát kiến của Kary Mullis, giải Nobel về sinh-hóa học năm 1993, đã thay đổi hoàn toàn các kỹ thuật nghiên cứu, thử nghiệm trong các ngành di truyền học và y học. Những khám phá đột biến đó thường do lớp người trẻ tìm ra. Khi tuổi tác lên cao, chính họ cũng dần dần trở thành những nhà phát minh bình thường.

 

Điều này rất đáng chú ý, vì sản năng lao động (productivity) tùy thuộc các phát minh, sáng kiến. Đưa ra cách làm việc nhanh và hiệu quả hơn, tìm ra cách làm việc hoàn toàn mới, sẽ giúp tạo ra những sản phẩm hoặc dịch vụ nhiều hơn, tốt hơn trước, dù hai yếu tố số vốn đầu tư và số người làm việc không thay đổi.

 

Kinh nghiệm những năm từ 1947 đến 1973 cho thấy sản năng lao động lên cao đã góp 60 phần trăm vào sự phát triển kinh tế các nước Mỹ, Anh quốc, Pháp, Italy, Nhật Bản và Đức quốc. Sau cuộc khủng hoảng năm 2007-09, kinh tế Mỹ lên nhanh hơn các nước khác cũng nhờ sản năng lao động vẫn tăng lên.

 

Nền kinh tế phát triển cũng cần đến óc mạo hiểm của các doanh nhân. Một cuộc nghiên cứu của Lương Kiến Chương (James Liang 梁建章), một nhà kinh doanh và giáo sư môn Kinh tế Áp dụng tại Quang Hoa Học Viện thuộc Đại học Bắc Kinh cho thấy tuổi tác cũng quan hệ đến khả năng đầu tư, thành lập các xí nghiệp mới. Ông nhận thấy những nước dân già hơn thì đầu óc kinh doanh cũng giảm. Ông đo lường óc kinh doanh bằng tỷ số những người lập ra doanh nghiệp mới trong số dân đã trưởng thành. Ông nhận thấy khi dân một nước già thêm 3.5 tuổi thì chỉ số óc kinh doanh giảm bớt 2.5%. Giảm 2.5% rất đáng lo ngại, vì chỉ số óc kinh doanh cả thế giới hiện nay đã khá thấp, chỉ bằng 6.5%; tức là trong 100 người trưởng thành chỉ có 6.5 người dám lao đầu vào việc kinh doanh!

 

Giáo sư Lương Kiến Chương giải thích cảnh trì trệ trong kinh tế Nhật Bản bằng hiện tượng này. Nước Nhật đang lâm vảo cảnh “óc kinh doanh trống rỗng” (entrepreneur vacuum) vì dân chúng già hơn. Năm 2010, các phát minh sáng kiến của người Nhật cao nhất trong 35 ngành công nghiệp toàn cầu, theo Tổ chức Tài sản Trí tuệ Thế giới của Liên Hiệp Quốc (World Intellectual Property Organisation). Đến năm 2021, họ chỉ đứng đầu trong ba ngành. Nhật Bản vẫn còn giàu óc canh tân hơn nhiều nước khác nhưng đã ý thức tình trạng này và tìm cách đối phó. Một điểm chiến lược là nâng cao phẩm chất nền giáo dục.

 

Huấn luyện và đào tạo có thể giúp số dân lớn tuổi nâng cao sản năng lao động. Những nước như Trung Quốc hiện nay dân số đang già hơn nhưng chưa chú trọng đi theo đường lối này. Hàng triệu người lớn tuổi không được đi học từ hồi còn trẻ và không được huấn luyện thêm, trở thành gánh nặng cho kinh tế quốc gia.

 

Dân số Ấn Độ chưa gặp nạn thiếu người trẻ tuổi như Trung Quốc. Chính phủ Ấn Độ đang cố gắng nâng cao hiệu quả của hệ thống giáo dục, với kết quả đáng kể. Trong ba năm nền giáo dục Ấn Độ được nâng lên trong bảng xếp hạng thế giới, từ hạng thứ 40 năm 2018, lên hạng 35 năm 2019, và hạng 32 năm 2020. Nước Mỹ may mắn nhất, vì dân vẫn còn tương đối trẻ, lại được bù thêm với những tài năng khắp thế giới kéo vào, kể cả các du học sinh từ Ấn Độ và Trung Quốc.






No comments:

Post a Comment

View My Stats