Monday, 26 June 2023

ĐÀ NẴNG ĐÓN HÀNG KHÔNG MẪU HẠM RONALD REAGAN, VTV LÀM LIVE SHOW VỀ HẢI QUÂN CHỐNG 'ĐẾ QUỐC MỸ' (VOA Tiếng Việt)

 



Đà Nẵng đón tàu sân bay Ronald Reagan, VTV làm live show về hải quân chống ‘đế quốc Mỹ’

VOA Tiếng Việt

26/06/2023

https://www.voatiengviet.com/a/da-nang-tau-san-bay-ronald-reagan-vtv-show-hai-quan-chong-de-quoc-my/7153175.html

 

Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan cùng hai tàu hộ tống thăm cảng Đà Nẵng của Việt Nam từ ngày 25-30/6, Đại sứ quán Mỹ và cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam thông báo.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-4d0f-08db756af7ea_cx0_cy10_cw0_w1023_r1_s.jpg

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tiến vào cảng ở Đà Nẵng hôm 25/6/2023.

 

Theo quan sát của VOA, đội tàu hùng mạnh của Hải quân Mỹ cập cảng Đà Nẵng vào trưa 25/6, đến tối cùng ngày, trong khung giờ vàng, đài truyền hình quốc gia Việt Nam VTV phát sóng trực tiếp một chương trình nói về chiến công của Hải quân Việt Nam thời những năm 1960, 1970 trong cuộc chiến “chống đế quốc Mỹ”.

Chương trình giao lưu nghệ thuật mang tên Mở Đường Ra Biển dài hơn 1 tiếng, phát trên kênh VTV1 từ 20h10 ngày 25/6, tập trung ôn lại việc Hải quân Việt Nam “chống phong tỏa sông biển” ở miền bắc của đất nước, với đỉnh điểm là vào ngày 27/6/1973, cảng Hải Phòng và các cửa sông biển miền bắc “được giải phóng khỏi cuộc phong tỏa kéo dài bằng bom, mìn và thủy lôi của Mỹ”

 

Tham gia chương trình có nhiều nhân chứng sống là các cựu binh Việt Nam đã rà phá bom, mìn, thủy lôi do “giặc Mỹ man rợ” thả xuống, theo cách dùng từ của chương trình.

 

Bà Tạ Bích Loan, một trong hai người dẫn chương trình, có lúc bình luận rằng các chiến sĩ của Hải quân Việt Nam “bằng lòng quả cảm, sự dấn thân, sự mưu trí, sự thông minh” đã “đánh thắng vũ khí tối tân, hiện đại nhất của Mỹ lúc bấy giờ” và khơi thông các luồng sông, cửa biển cho miền bắc Việt Nam.

 

Vẫn bà Loan, người cũng giữ chức Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí của VTV, tức VTV3, trong một phần khác của chương trình nói rằng: “Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa miền bắc bằng thủy lôi và bom từ trường đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật chống giặc giữ nước của dân tộc ta”.

 

Trong khi VTV phát chương trình ôn lại nỗ lực “chống đế quốc Mỹ” cách đây hơn 50 năm, cũng vào buổi tối 25/6, hàng trăm đoàn viên thanh niên cộng sản ở Đà Nẵng “đã có những phút rực cháy hết mình” với màn trình diễn của ban nhạc hải quân Mỹ diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm của 3 chiến hạm Mỹ kể trên, theo báo chí Việt Nam.

 

Các báo, đài, trong đó có Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VTC News, cho hay buổi biểu diễn của ban nhạc Hải quân Mỹ diễn ra tại khuôn viên Thành đoàn thành phố Đà Nẵng. Các bạn trẻ “vỗ tay, nhảy múa cuồng nhiệt theo nhạc và không quên khích lệ tinh thần của ban nhạc bằng những lời khen ngợi hết lòng”, Tuổi Trẻ tường thuật.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-4d86-08db76504ffc_w650_r0_s.jpg

Đông đảo đoàn viên thanh niên cộng sản ở Đà Nẵng cuồng nhiệt với buổi diễn của ban nhạc hải quân Mỹ, 25/6/2023.

 

Trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA, không ít người tỏ ý băn khoăn về việc đài quốc gia VTV phát chương trình với một số lời lẽ không thân thiện về Mỹ ngay cùng ngày Việt Nam đón nhóm tàu sân bay Mỹ đến thăm, là một trong các hoạt động kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ (2013-2023), theo mô tả của trang Thông tin Chính phủ.

 

Ông Dương Quốc Chính, một nhà bình luận về thời cuộc ở Việt Nam, có hơn 72.000 người theo dõi trên Facebook, nhận định với VOA rằng chương trình của đài quốc gia VTV không phải là ngẫu nhiên.

 

Một buổi giao lưu trực tiếp như vậy phải lên kế hoạch trước nhiều ngày, nhiều tuần, trong khi kế hoạch đón tàu hải quân Mỹ cũng phải được chuẩn bị từ hàng tháng trước, ông nhận xét và nói thêm:

 

“Khả năng lớn là có sắp xếp. Giữa hai thông tin này, người ta hoàn toàn có thể tìm hiểu và tránh đi được trong vòng vài ngày gì đó, không khó gì cả. Khả năng lớn không phải chuyện ngẫu nhiên”.

 

Một số người phỏng đoán trên mạng xã hội rằng sự trùng hợp của chương trình trên VTV1 và chuyến thăm của nhóm tàu sân bay Mỹ cho thấy đài truyền hình quốc gia nói riêng và bộ máy tuyên giáo nói chung không có sự tế nhị hoặc cũng có thể các cơ quan tuyên truyền này có chủ đích phát ra tín hiệu là Việt Nam có quan hệ với Mỹ nhưng không thân Mỹ.

Nhà bình luận Dương Quốc Chính đưa ra quan sát của ông với VOA:

 

“Cái này tôi nghĩ người ta [Việt Nam] muốn bật một tín hiệu cho Trung Quốc biết là tuy Việt Nam có đón tiếp về mặt ngoại giao, quốc phòng với Mỹ nhưng vẫn có khoảng cách nhất định chứ không phải là quá vồ vập với phía quân đội Mỹ, vì cái đấy rất là nhạy cảm với Trung Quốc”.

 

Sự nhạy cảm này là do một loạt những động thái trên các vùng biển gần Việt Nam từ đầu tháng 6 đến nay, ông Chính lưu ý đến bức tranh toàn cảnh, bao gồm việc Đài Loan tập trận bắn đạn thật, Trung Quốc tập trận gần Đài Loan; Mỹ, Nhật Bản, Canada và Pháp tập trận gần Philippines; chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam.

Không chỉ có các hoạt động của hải quân các nước, ông Chính cũng đề cập đến việc tổng thống Hàn Quốc vừa thăm Việt Nam và thủ tướng của Việt Nam có chuyến công du tới Trung Quốc trùng thời điểm nhóm tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam.

 

Hàn Quốc và Nhật Bản tuy không có chủ quyền ở Biển Đông nhưng là hai nước có lượng hàng hóa qua đây rất nhiều, trong khi đó, Việt Nam có vị trí quan trọng và được đánh giá là có thể đủ năng lực để ngăn cản Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, ông Chính phân tích.

Vì vậy, dưới góc nhìn của ông, không phải ngẫu nhiên mà mối quan hệ giữa Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả Đài Loan, lại rất mật thiết với Việt Nam.

 

Trong bối cảnh đó, việc các chiến hạm hùng mạnh nhất của Nhật Bản và Mỹ liên tiếp ghé thăm Việt Nam những ngày này là điều “rất nhạy cảm” trong mối quan hệ đan xen của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với Việt Nam, mà trong đó quan hệ Mỹ-Việt là “nhạy cảm nhất” với Trung Quốc, nhà bình luận Dương Quốc Chính nói.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-624f-08db764fa08a_w650_r1_s.jpg

VTV1 hôm 25/6 phát chương trình nói về Hải quân VN rà phá bom, mìn, thủy lôi của "giặc Mỹ man rợ" thời những năm 1960, 1970.

 

Từ các yếu tố kể trên, ông Chính phán đoán rằng việc VTV cho phát sóng trực tiếp một chương trình có nội dung "chống" hải quân Mỹ là một chỉ dấu cho Trung Quốc thấy rằng Việt Nam đối với Mỹ vẫn là "vừa hợp tác vừa đấu tranh" chứ không hề ngả sang Mỹ.

 

Tuy nhiên, ông Chính cho rằng việc đó có thể “rất không tế nhị” khi VTV phát sóng trực tiếp vào đúng giờ vàng ngay buổi tối đầu tiên mà tàu USS Ronald Reagan cập cảng Đà Nẵng. “Lẽ ra họ có thể chọn một thời điểm khác tế nhị hơn để phát đi thông điệp thân Trung Quốc”, ông nói và bình luận thêm với VOA:

 

“Tín hiệu [không thân Mỹ] quá là mạnh, không cần thiết, thiếu tế nhị. Họ [VTV, tuyên giáo] làm như vậy chứng tỏ là phe thân Trung Quốc có quyền lực lớn, có thể họ rất e ngại Trung Quốc trong việc này”.

 

Theo quan sát của VOA, không chỉ có chương trình gây chú ý kể trên của VTV, nhiều lần khác, các báo đài thuộc hệ thống tuyên truyền Việt Nam đã đăng bài, phát sóng các lời bình luận, các bài xã luận chỉ trích, phê phán Mỹ để làm đối trọng cho các thông tin tích cực về Mỹ và quan hệ Việt-Mỹ, trong khi rất hiếm khi làm điều tương tự với Trung Quốc.

 

Thực tế nêu trên dẫn đến câu hỏi của nhiều người trong các diễn đàn trên mạng về “nền ngoại giao cây tre” của Việt Nam, một thuật ngữ được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trong nêu ra khi ông phát biểu chỉ đạo tại một hội nghị toàn quốc của đảng về đối ngoại hồi tháng 12/2021.

 

Tổng Bí thư Trọng đã lấy hình ảnh cây tre để định hướng cho “trường phái ngoại giao riêng, đặc sắc và độc đáo” của đất nước, được ông đúc kết là “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”.

 

Dẫn chứng từ thiên nhiên và liên hệ đến đường lối ngoại giao kể trên, nhà bình luận Dương Quốc Chính đưa ra quan điểm:

 

“Tre mà đúng nghĩa gọi là tre lại có thể rất là cong. Cây tre như thế nó vẫn ngả về một bên chứ không tuyệt đối là cân bằng giữa các bên đâu. Nếu mà cân bằng giữa các bên thì bình thường nó phải khá là thẳng, nhưng mà thế này thì nó rất là cong. Nó vẫn đang ngả về Trung Quốc nhiều hơn, vì đối với Trung Quốc, Việt Nam cực kỳ nhạy cảm về mặt thông tin. Cây tre này không hoàn toàn cân bằng đâu, nó vẫn ngả về một bên”.

 

Để chứng minh cho ý kiến của mình, ông Chính nêu ví dụ là hàng năm, đến dịp kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc nổ ra tháng 2/1979, Việt Nam vẫn “e ngại”, “e dè” nhắc đến Trung Quốc trong khi vẫn “phê phán Mỹ thẳng thắn”.

 

VOA cố gắng liên lạc với bà Tạ Bích Loan để tìm hiểu về quyết định của VTV nhưng không kết nối được.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats