Wednesday, 15 March 2023

THÁI BÌNH DƯƠNG : MỸ, ANH, ÚC CÔNG BỐ KẾ HOẠCH TÀU NGẦM HẠT NHÂN, TRUNG QUỐC LÊN ÁN (Trọng Thành / RFI)

 



Thái Bình Dương:  Mỹ, Anh, Úc công bố kế hoạch tàu ngầm hạt nhân, Trung Quốc lên án

Trọng Thành   -  RFI

Đăng ngày: 14/03/2023 - 13:33

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230314-th%C3%A1i-b%C3%ACnh-d%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BB%B9-anh-%C3%BAc-c%C3%B4ng-b%E1%BB%91-k%E1%BA%BF-ho%E1%BA%A1ch-t%C3%A0u-ng%E1%BA%A7m-h%E1%BA%A1t-nh%C3%A2n-trung-qu%E1%BB%91c-l%C3%AAn-%C3%A1n

 

Tại California, Hoa Kỳ, hôm qua 13/03/2023, tổng thống Mỹ Joe Biden, cùng với hai thủ tướng Úc và Anh, đã công bố kế hoạch hợp tác ‘‘chưa từng có’’ về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhằm đối phó với các thách thức của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bắc Kinh ngay lập tức cực lực lên án, gọi đây là một ‘‘hướng đi sai lầm và nguy hiểm’’.

 

https://s.rfi.fr/media/display/f064b340-c241-11ed-9e0a-005056a90321/w:980/p:16x9/2023-03-13T211017Z_2093678540_RC23TZ9NAGP9_RTRMADP_3_USA-BRITAIN-AUSTRALIA.webp

Tổng thống Mỹ Joe Biden (G), thủ tướng Úc Anthony Albanese (T) và thủ tướng Anh Rishi Sunak, phát biểu về liên minh AUKUS sau cuộc họp 3 bên, tại San Diego, California, Mỹ, ngày 13/03/2023. REUTERS - LEAH MILLIS

 

Dự án Mỹ bán tầu ngầm cho Úc, và phối hợp với Anh sản xuất tàu ngầm hạt nhân ‘‘thế hệ mới’’ tại Úc, kéo dài ít nhất 2 thập niên. Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết đây là ‘‘đầu tư lớn nhất’’ trong lịch sử quốc gia này . Ngay trong 10 năm đầu tiên của dự án, chi phí của Úc ước tính gần 40 tỉ đô la.

 

Hiện tại, nước Úc chưa hề làm chủ được công nghệ liên quan đến hạt nhân quân sự, cũng như dân sự. Dự án tàu ngầm hạt nhân Mỹ - Anh - Úc gồm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất, Mỹ và Anh sẽ giúp đào tạo nhân sự Úc trong việc sử dụng tầu ngầm hạt nhân, tiếp cận với các cơ sở đóng tàu, các trường chuyên môn về lĩnh vực này. Mục tiêu là từ năm 2027 sẽ triển khai 4 tàu ngầm hạt nhân Mỹ và một của Anh tại một căn cứ Úc. Giai đoạn thứ hai bắt đầu với việc Mỹ bán cho Úc 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia, nếu được Quốc Hội bật đèn xanh.

 

Giai đoạn thứ ba cũng là giai đoạn tham vọng nhất của kế hoạch này : Mỹ, Anh và Úc phối hợp chế tạo tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ mới mang tên SSN AUKUS. Các tàu ngầm SSN AUKUS, theo thiết kế của Anh, tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến của Mỹ, sẽ được Anh và Úc chế tạo và triển khai. Các tàu ngầm hạt nhân SSN AUKUS, kết quả hợp tác Mỹ - Anh - Úc, dự kiến sẽ được triển khai từ cuối thập niên 2030, hoặc đầu thập niên 2040.

 

Trong buổi ra mắt kế hoạch tàu ngầm hạt nhân hôm qua tại San Diego, Hoa Kỳ, không có ai trong số ba lãnh đạo Mỹ, Anh, Úc trực tiếp nhắc đến tên Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh rõ ràng là đối tượng nhắm đến của liên minh AUKUS (Mỹ - Anh - Úc). Tổng thống Joe Biden khẳng định mục tiêu của liên minh là để bảo đảm ‘‘khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở’’. Đây là một diễn đạt quen thuộc trong ngoại giao của nước Mỹ nhằm lên án tham vọng của Trung Quốc.

 

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, khó bị phát hiện, có thể di chuyển qua các quãng đường lớn trong thời gian dài, và có thể mang theo các tên lửa hành trình tối tân, là một thách thức lớn đối với tham vọng của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hôm nay, 14/03, trong một cuộc trả lời họp báo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Vương Văn Bân (Wang Wenbin), đã lên án dữ dội kế hoạch của AUKUS : ‘‘Ba quốc gia này đang dấn sâu vào một con đường sai lầm và nguy hiểm, vì lợi ích địa chính trị của riêng họ, bất chấp hoàn toàn các quan ngại của cộng đồng quốc tế’’.

 

Về tác động của dự án tàu ngầm Mỹ, Anh, Úc, chuyên gia Mathieu Droin Pháp, khách mời của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CISR), ở Washington, cho biết thêm:

‘‘Thách thức từ phía Trung Quốc là thách thức mang tầm cỡ thế kỷ. Theo quan điểm này, quan hệ đối tác chiến lược và an ninh mà Hoa Kỳ đã đúc kết với Anh và Úc là quan hệ hợp tác đặt ra những mục tiêu cao nhất, xét về phương diện năng lực quân sự. Dĩ nhiên là chúng ta sẽ biết rõ hơn về nội dung của quan hệ đối tác này, và chắc chắc là điều này sẽ được theo dõi sát sao từ phía các tác nhân khác, các tác nhân tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chắc chắn là trong đó có Trung Quốc, nhưng cũng có cả các nước khác. Trong số các nước này, có những nước chia sẻ các lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ trong khu vực, nhưng không muốn tham gia trực tiếp vào đối tác AUKUS, tôi nghĩ đến Nhật Bản, Đài Loan. Và cũng có cả các tác nhân khác, họ có thể có những dè dặt, lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng mà đối tác Mỹ - Anh - Úc như trên có thể gây ra. Tôi nghĩ đến các nước như Indonesia, Malaysia, thậm chí là cả Ấn Độ’’.

 

 -----------------------

Các nội dung liên quan

PHÂN TÍCH

Liên minh AUKUS nhắm đến mục tiêu duy nhất là Trung Quốc

 

LIÊN MINH AUKUS - TÀU NGẦM

Liên minh AUKUS : Mỹ - Anh - Úc họp thượng đỉnh về kế hoạch trang bị tàu ngầm cho Úc





No comments:

Post a Comment

View My Stats