Tuesday 28 March 2023

MÁI CHE CHO ĐƯỜNG LÊ LỢI CÓ THỂ THAY THẾ CÂY XANH? (RFA)

 



Mái che cho đường Lê Lợi có thể thế cây xanh?

RFA
2023.03.28

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-the-roof-for-le-loi-street-replace-trees-03282023125932.html

 

Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất việc xây dựng mái che cho tuyến đường Lê Lợi (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Mục đích được đại diện sở này nói là để làm đẹp thành phố và che mưa, che nắng cho người dân, khách du lịch.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-the-roof-for-le-loi-street-replace-trees-03282023125932.html/@@images/485034cd-7fd4-4770-9437-d0f367e8615d.jpeg

Khu trung tâm TPHCM (minh họa).  AFP

 

Báo Người lao động dẫn lời ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1 rằng: “Qua xem xét, thảo luận, quận 1 thống nhất và ủng hộ phương án thiết lập hệ thống mái che là giải pháp tăng cường che nắng che mưa, tạo không gian đi bộ, thương mại - dịch vụ cho trục đường Lê Lợi”.

 

Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ Online làm một cuộc thăm dò, kết quả cho thấy, tính đến ngày 27 tháng 3 đã hơn 84% bạn đọc “Không đồng ý” đề xuất làm mái che vỉa hè đường Lê Lợi với lý do mái che sẽ hư hỏng nhanh vì thời tiết và đề nghị trồng cây xanh.

 

Ông Quang, một kỹ sư xây dựng ở Thành phố Hồ Chí Minh không đồng ý với đề xuất này. Ông giải thích với RFA sáng 28 tháng 3:

 

“Từ xưa đến nay, ở các đô thị người ta phát triển về cây xanh để bảo vệ môi trường, đồng thời chống được cái nắng. Cho nên một trong những tiêu chí để đánh giá một đô thị là phải xanh, sạch và đẹp. Xanh có nghĩa là diện tích cây xanh bình quân trên đầu người, chứ không ai đánh giá bao nhiêu mét vuông mái che bình quân trên đầu người cả.

Mái che vừa không phù hợp với mỹ quan đô thị, vừa không phù hợp với các quy chuẩn trong xây dựng. Cho nên, nếu chính quyền thành phố Hồ Chí Minh làm mái che trên đường phố như vậy thì nó không bảo đảm được cái tiêu chí xanh, sạch và đẹp. Còn nói về mặt chi phí đầu tư xây dựng thì về trước mắt cũng như lâu dài, cây xanh vẫn là giải pháp tối ưu. Do đó, đề xuất làm mái che trên đường Lê Lợi là một xuất ngớ ngẩn.”

 

Trao đổi với truyền thông nhà nước, kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh phải tận dụng cơ hội làm nhanh để thu hút khách du lịch. Khi thiết kế mái che thì chắc chắn phải sao cho hài hòa với cảnh quan.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-the-roof-for-le-loi-street-replace-trees-03282023125932.html/000_1ua9sy.jpg/@@images/9c4b8247-353b-4e20-9d92-fec20e872655.jpeg

Một con đường với cây xanh ở TPHCM năm 2020. AFP

 

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già thì cho rằng, không thể làm mái che cho hài hòa trên con đường Lê Lợi, vì bản chất kiến trúc nhà cửa trên con đường này vốn đã không hài hòa. Ông nói thêm:

 

“Cái quy hoạch của đường Lê Lợi vốn đã không đồng bộ bởi nó xen kẽ giữa cũ và mới. Bây giờ mà làm mái che lên thì tôi cho rằng nó rất hỗn độn. Nó không đạt được cái tính hài hòa, thẩm mỹ.

Đây là một con đường lớn, quan trọng ở thành phố. Nhưng rất tiếc mấy chục năm qua, vấn đề mái che dưới mắt của các nhà quy hoạch và kiến trúc của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, họ nhìn nó như một công trình phụ. Làm chỉ với mục đích che mưa, che nắng.

Chính vì họ nhìn vấn đề không có văn minh như vậy, cho nên bây giờ làm cái mái che cho đường Lê Lợi thì tôi tin rằng nó không đạt được cái tiện lợi như họ mong muốn, lại càng không đạt được tính nghệ thuật của cái mái che. Mái che sẽ trở thành nhưng mảnh vá, dù là những mảnh vá rất mới.”

 

Ngày 23 tháng 3 năm 2016, thành phố Hồ Chí Minh ra thông báo đốn hạ 300 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng. Mục tiêu để triển khai các dự án giao thông gồm tuyến tàu điện ngầm, cầu Thủ Thiêm 2, nhà ga Ba Son… Trước đó, hàng loạt cây cổ thụ trên đường Lê Lợi cũng bị đốn hạ để xây dựng ga tàu điện ngầm.

 

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trạng tuyến đường Lê Lợi hiện không thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước. Do vậy, giải pháp trước mắt là phải làm mái che.

 

Cô Tuyết, nhân viên một công ty nước ngoài có văn phòng đặt tại đường Tôn Đức Thắng, quận 1 nói với RFA ý kiến của cô sáng 28 tháng 3:

 

“Bao nhiêu năm họ chống ngập tốn biết bao nhiêu tiền của dân mà ngập ngày càng nặng. Giờ họ bày ra trò chống nắng. Tôi thấy họ làm chuyện trời ơi không hà. Hồi trước cây xanh khắp nơi mấy ổng chặt hết. Giờ trồng lại hàng cây đó che nắng trước đi. Ai đời chỗ này thì chặt cây, chỗ khác làm mái che tránh nắng.

 

Thành phố này chỉ đổi tên sau năm 1975 chứ đâu phải nó mới thành lập. Mấy trăm năm qua có chính quyền nào làm mái che cho đường phố Sài Gòn dù cái nắng nóng thì có từ mấy trăm năm nay rồi. Mấy ông làm ơn hỏi ý dân và tôn trọng ý kiến của dân trước khi làm. Đừng có làm ẩu rồi về hưu là xong. Dân tụi tui khổ nhiều lắm rồi”.

 

Nhắc đến câu chuyện chống ngập, từ năm 2001 Thành phố Hồ Chí Minh đã có Chương trình chống ngập mùa mưa giai đoạn 2001-2005 với trên 70 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 11.000 tỷ đồng. Theo quy hoạch thoát nước của thành phố, từ năm 2002, nhiều dự án lớn bắt đầu thi công và dự kiến năm 2005 sẽ giải quyết khoảng 70% số điểm ngập. Còn để đạt 100% thì phải đến năm 2020.

 

Tại cuộc họp thường kỳ hôm 31 tháng 3 năm 2021, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã đạt 96% khối lượng nhưng phải ngừng thi công vì vướng mắc liên quan đến phương án thanh toán cho nhà đầu tư.

 

Cho đến hôm nay, tình trạng ngập lụt ngày càng nặng không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội mà các thành phố cao nguyên hay ven biển cũng không thoát cảnh ngập lụt sau mưa.





No comments:

Post a Comment

View My Stats