Thursday, 30 March 2023

NHỮNG BẰNG CHỨNG KHÔNG THỂ CHỐI CÃI (J.B.Nguyễn Hữu Vinh)

 



Những bằng chứng không thể chối cãi

J.B. Nguyễn Hữu Vinh

Thứ Năm, 03/30/2023 - 08:26 — nguyenhuuvinh

https://www.rfavietnam.com/node/7579

 

Trong lịch sử hiện đại ở Việt Nam - kể từ khi những người Cộng sản cướp được chính quyền rồi giữ ngai vàng quyền lực, thống trị người dân Việt Nam cho đến nay - ngoài những vấn đề kinh tế, xã hội phát triển đất nước theo mô hình cộng sản quái gở, đưa đất nước tới điêu linh và tụt hậu, thì những quyền cơ bản của người dân bị vi phạm hết sức nghiêm trọng, trong đó có quyền tự do tôn giáo. 

 

Tùy từng giai đoạn, từng thời kỳ, quyền tự do tôn giáo của người dân bị vi phạm bằng nhiều hình thức khác nhau từ thô bạo đến tinh vi, từ chính sách tiêu diệt trắng trợn cho đến chính sách khuynh loát và phá hoại từ cơ bản của tôn giáo. Có thể nói, chưa bao giờ quyền tự do về tôn giáo – một quyền cơ bản của con người ở Việt Nam được bảo đảm.

 

Một quá trình từ xa xưa đến nay, khi Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia nằm trong Danh sách Quan tâm đặc biệt (Countries of Particular Concern, hay CPC) hoặc ra khỏi danh sách đó cho đến nay, thì sự bóp nghẹt và chính sách tôn giáo thù địch với các tôn giáo độc lập, không nằm trong sự khuynh loát, lèo lái và lãnh đạo của đảng Cộng sản là không thay đổi.

 

Mới đây, ngày 02/12/2022, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt vì có những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo.

 

Theo những quy định của Hoa Kỳ, khi một quốc gia bị đưa vào danh sách này, thì quốc gia đó sẽ bị Hoa Kỳ theo dõi sát sao và các quan chức vi phạm có nguy cơ phải đối mặt với các biện pháp chế tài củ Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lời Ngoại trưởng Blinken trong thông cáo ngày 2/12/2022 nói rằng ông đưa Việt Nam vào “Danh sách Theo dõi Đặc biệt” vì nước này “thực hiện hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo”.

 

Trước đó, vào tháng 5/2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã có bản “Báo cáo tình hình tự do tôn giáo Quốc tế”, phần Việt Nam có đến 23 trang.

 

Bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình tôn giáo Quốc tế và Việt Nam đã nêu hết sức chi tiết những vấn đề từ tổng thể cho đến chi tiết về vấn đề Tôn giáo tại Việt Nam. Qua đó, khẳng định những vụ việc cụ thể họ đã thống kê một cách đầy đủ và chính xác mà bất cứ ai đọc qua bản báo cáo này, chắc sẽ hết sức ngạc nhiên khi mà các thông tin đã được tổng hợp quá đầy đủ cho từng sự việc, từng con người nhất định đi theo những vấn đề tổng thế của tự do tôn giáo tại Việt Nam đang bị hạn chế, bóp nghẹt, xuyên tạc và khuynh loát như thế nào trong thực tế xã hội Việt Nam.

 

Không chỉ đặt Việt Nam vào danh sách “Theo dõi đặc biệt” (Special Watch List hay SWL), mà điều này đã được quyết định sau nhiều lần Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đã liên tục đề nghị bộ đưa Việt Nam trở lại vào Danh sách Quan tâm đặc biệt (CPC) vì cho rằng Việt Nam “vi phạm một cách nghiêm trọng” về tự do tôn giáo.

 

Ông Abraham Cooper, Phó Chủ tịch USCIRF, viết trên Twitter: “Mặc dù chúng tôi tin rằng các điều kiện ở Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn CPC, nhưng chúng tôi hy vọng việc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách SWL sẽ khuyến khích chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cụ thể để giải quyết các mối quan ngại lâu dài về tự do tôn giáo”.

 

.

Phản ứng

 

Nhà cầm quyền Việt Nam đã phản ứng như thế nào qua các sự kiện này?

 

Sau khi bản Báo cáo tự do tôn giáo Quốc tế 2021 ra đời, ngày 29/4/2021, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng Báo cáo năm 2021 của Uỷ ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) có một số nội dung, đánh giá “thiếu khách quan, không công bằng dựa trên những thông tin không chính xác” về tình hình tại Việt Nam. Và “Việt Nam sẵn sàng” trao đổi với Hoa Kỳ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

 

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nói: “Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo tình hình tự do tôn giáo thế giới 2021 của Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ đã đề cập đến những nỗ lực và tiến triển tích cực trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo vẫn còn một số nội dung, đánh giá thiếu khách quan, không công bằng dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình tại Việt Nam.”

 

Điều đó có nghĩa là: Những điều trong báo cáo nói tốt về Việt Nam, thì “rất khách quan, trung thực”, còn những cái không tốt, thì “thiếu khách quan, không công bằng”.

 

Tuy nhiên, bản báo cáo đã chỉ rõ nhưng sự kiện mà nhà cầm quyền Việt Nam có muốn cãi, cũng không thể cãi. Bởi cái thói mồm loa, mép dãi hẳn nhiên không thể che đậy được sự thật, thực tế.

 

Chẳng hạn, năm 2021, bản báo cáo nêu rõ rằng: “chính quyền Việt Nam vẫn liên tục bách hại các nhóm tôn giáo độc lập, vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, và dùng Hội Cờ Đỏ để công kích các chức sắc tôn giáo có quan điểm khác với quan điểm của nhà nước”, thì dù có giỏi, có trơ tráo đến mấy, nhà cầm quyền Việt Nam cũng khó xóa đi những “Thành tích” mà những “Hội Cờ Đỏ” được đảng và nhà nước dựng lên ở Nghệ An và nhiều nơi khác. Với những cuộc hội họp, với rừng cờ và quần áo đỏ choét đi dương oai diễu võ, từng đoàn nhóm kéo nhau đi thị uy, phá phách các làng xóm, nhà thờ và cơ sở tôn giáo ở Nghệ An. Những tên đầu đàn của nhóm này đã đưa những video, những “thành tích” của đám cờ đỏ này được chúng ghi lại bằng video, hình ảnh cụ thể là những bằng chứng không thể chối cãi.

 

Và với những sự lên án mạnh mẽ đó, đám “Cờ đỏ” đã buộc phải giải tán trở vào “hoạt động bí mật”.

 

Đó là những minh chứng không thể chối cãi. Bởi nhà cầm quyền đã thò tay nặn ra lũ đó là sự thật, với suy nghĩ rằng đó là một “sáng kiến” để nói như Quang Lùn (Trần Nhật Quang, một Dư luận viên cuồng đảng) đã nói ra chủ trương của nhà nước, rằng: “Nhóm Cờ Đỏ sẽ làm những việc mà đảng, và nhà nước không ra mặt làm được”. Chẳng hạn như đảng và nhà nước không thể ra mặt hăm dọa, phá phách, khủng bố những giáo dân đòi quyền lợi của mình trong thảm họa Biển miền Trung do Formosa gây ra, hoặc những vấn đề dân sinh, xã hội khác bằng những thủ tục đúng luật pháp. Và lúc đó, hội Cờ đỏ ra tay.

 

Mới đây, khi bị đưa vào danh sách các quốc gia bị “Theo dõi đặc biệt”, gồm Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Iran, Nicaragua, Bắc Hàn, Pakistan, Nga, Saudi Arabia, Tajikistan và Turkmenistan, thì Chính phủ Việt Nam lại tiếp tục con bài cũ, rằng: “Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan, cũng như thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam".     

     

Hẳn nhiên, cái mà Việt Nam gọi là “những đánh giá thiếu khách quan và thông tin không chính xác” là những gì, thì Việt Nam câm tịt.

 

Đó là những sự phản ứng lấy lệ và yếu ớt trước sự thực không thể chối cãi.

 

.

Những bằng chứng cụ thể

 

Trong khi, nhà cầm quyền Việt Nam đang lu loa kêu bai bải rằng Hoa Kỳ đã dựa trên những “những đánh giá thiếu khách quan và thông tin không chính xác” thì các địa phương đã liên tiếp cung cấp các “thông tin chính xác cho cả đất nước và cả thế giới biết rõ tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam với những vụ việc và hành động cụ thể.

 

Khoảng 10 giờ sáng Chủ nhật 20/2/2022, Thánh lễ tại nhà thờ Vụ Bản, thuộc Tỉnh Hòa Bình, có sự tham dự của Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đến phần "rước Mình Thánh Chúa", thì có hai người trong đó có một người mặc áo mưa và đội mũ bảo hiểm xông thẳng lên cung thánh.

 

Hai người này là cán bộ có tên là Phạm Hồng Đức, Bí thư thị trấn Vụ Bản và Phạm Văn Chiến, phó Chủ tịch UBND thị trấn Vụ Bản. Chúng đã ngang nhiên đoạt micro ở giảng đài, yêu cầu giáo dân phải giải tán, bất chấp sự can ngăn của một số giáo dân và linh mục đồng tế.

 

Hình : https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vu-ban-party-chief-disrupted-catholic-church-services-02212022082144.html/@@images/image


Tổng giáo phận Hà Nội: Hành động của hai cán bộ phá rối thánh lễ là "thiếu văn hóa, vô nhân bản". "Đây là hành động thiếu văn hóa, vô nhân bản, lạm dụng chức quyền, vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo, quyền thực hành tôn giáo của Giám mục, Linh mục và giáo dân, cũng như xúc phạm đến nghi lễ thánh thiêng nhất và niềm tin của các tín hữu Công Giáo.

 

Hành động này không thể chấp nhận trong một đất nước có pháp quyền, gây bức xúc và đau buồn cho các tín hữu có mặt cũng như mọi người xem hình ảnh lưu truyền trên các trang mạng." - thông báo đăng tải trên trang web chính thức của Tổng Giáo phận Hà Nội khẳng định.

 

Tòa Tổng Giám mục Hà Nội ngay ngày hôm sau đã gửi văn thư khiếu nại khẩn cấp đến các cấp chính quyền về vụ việc, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình tôn trọng tự do tôn giáo và sinh hoạt tôn giáo của các tín hữu Công Giáo trong tỉnh.

 

Hẳn nhiên, là nhà cầm quyền lại chối đây đẩy, lại xuyên tạc sự thật rằng là thế nọ, là thế kia… Nhưng, những sự thật được ghi lại đã là những bằng chứng không thể chối cãi và không cần chối cãi.

 

Hình : https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/kon-tum-father-interrupted-by-authorities-during-ritual-03242023105559.html/@@images/7970c9e1-a565-46b5-ba59-8c43650300be.png

 

Chưa hết, mới đây, lại một vụ việc nghiêm trọng hơn đã xảy ra tại Giáo Họ Phaolô, thuộc Giáo xứ Đăk Giấc (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Khoảng 18 giờ 15 phút ngày 22/03/2023, Cha Phanxicô Xaviê Lê Tiên, Linh mục Chánh xứ Đăk Giấc, Quản hạt Đăk Mót, đang cử hành Thánh lễ chiều thứ 4 Mùa chay, thì một số cán bộ xã Đăk Nông đã xông lên bàn thờ, ngăn cản, chửi bới, yêu cầu dừng Thánh lễ. Thậm chí, một nữ Phó chủ tịch xã đã ngang nhiên cướp cuốn Sách Lễ Roma mà linh mục đang sử dụng đang đặt ngay trên bàn thờ và buộc Linh mục phải dừng Thánh lễ giữa chừng.

 

Những hành động này là những hành động Phạm Thánh cách ngang nhiên được thực hiện bởi các cán bộ chính quyền Cộng sản.

 

Chỉ riêng việc tại Kon Tum rất nhiều nơi, giáo dân phải tụ họp dâng Thánh lễ trong các nhà dân mà không được công nhận, không được xây dựng Nhà thờ, đã nói lên chính sách tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam.

 

Trong khi đó, hàng ngàn, hàng vạn ha đất đai được nhà cầm quyền cướp đoạt của dân (thậm chí cả đất rừng đặc dụng quốc gia) để dùng cho Giáo hội Phật giáo Quốc doanh xây những chùa to, tượng lớn nhằm lừa đảo nhân dân cũng là chính sách tôn giáo tại Việt Nam.

 

Hình : https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/tranngocthanhfuneral.jpeg/@@images/75157291-3fc4-4d97-b24b-c7f23a3239ff.png

 

Cũng tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, giáo dân và người dân ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng bởi những vụ khủng bố giáo dân và linh mục ở khu vực này. Việc linh mục Trần Ngọc Thanh bị chém chết khi đang ngồi ở Tòa giải tội là một điển hình chưa lâu.

 

Và điều rất lạ, rất “Việt Nam” là những vụ việc chém giết, khủng bố linh mục, đốt phá nhà thờ, thì hầu hết khi Công an điều tra, các thủ phạm đều là… “Tâm thần”. Hẳn nhiên, thực hư thì ai cũng biết, ai dại, ai điên thì người dân cũng rõ.

 

Và người ta biết rõ một điều khác: Họ là nạn nhân cuả chính sách tôn giáo chẳng giống ai, một chính sách “tâm thần” tại Việt Nam.

 

Đó là những ví dụ để chứng minh chính sách và thực tế tôn giáo tại Việt Nam không thể chối cãi.

 

29/03/2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh

 

 

nguyenhuuvinh's blog






No comments:

Post a Comment

View My Stats