Thursday 30 March 2023

CHIẾN TRANH UKRAINA : KIỂM SOÁT TOÀN BỘ BIỂN ĐEN, MỤC TIÊU CHÍNH CỦA TỔNG THỐNG NGA PUTIN (Minh Anh / RFI)

 



Chiến tranh Ukraina: Kiểm soát toàn bộ Biển Đen, mục tiêu chính của tổng thống Nga Putin

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 30/03/2023 - 11:24 

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20230330-chien-tranh-ukraina-kiem-soat-bien-den-muc-tieu-tong-thong-putin

 

Nhà phân tích người Nga Tikhon Syssoev trên trang mạng Expert ở Matxcơva được tuần báo Pháp Courrier International lược dịch, cho rằng nếu muốn hiểu rõ quan điểm của Matxcơva về cuộc chiến tranh tại Ukraina, thì nên xem xét « chiến dịch quân sự đặc biệt » do tổng thống Vladimir Putin phát động dưới góc độ lợi ích kinh tế và chiến lược của Nga tại Biển Đen (Hắc Hải)

 

https://s.rfi.fr/media/display/6d656c34-aa9a-11eb-8e82-005056bf87d6/w:980/p:16x9/AP21110580380835.webp

Ảnh minh họa: Hải quân Nga tập trận tại Biển Đen ngày 14/04/2021. AP

 

Peter Đại đế và chiến lược Nam tiến

 

Không có biên giới biển, Nga chỉ là một cường quốc trên đất liền, nằm lọt thỏm trên lục địa. Thế nên, trong suốt nhiều thế kỷ, nước Nga luôn có một nỗi ám ảnh : Kiểm soát Biển Đen, con đường ngắn nhất nối Nga với những vùng biển nước ấm như Địa Trung Hải, vùng Trung Đông, châu Phi, Nam Âu, Nam Á, rồi châu Á và châu Mỹ Latinh. Đó là tuyến đường đưa Nga đến với những vùng chủ chốt trên địa cầu, và tầm quan trọng của Hắc Hải đối với Nga ngày càng lớn trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt. 

 

Tầm nhìn chiến lược này của Nga đã được vạch ra từ cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, dưới thời Sa hoàng Peter Đại Đế, một nhân vật lịch sử rất được tổng thống Nga Vladimir Putin ngưỡng mộ, xem đấy như là một hình mẫu, một anh hùng phải noi theo. Trong di ngôn năm 1725, Peter Đại Đế có ghi : « Càng xích đến gần Constantinopolis chừng nào càng tốt chừng ấy. Ai ngự trị được khu vực này sẽ là chủ nhân của thế giới. »* 

 

Trong suốt thời trị vì, Peter Đại Đế đã tiến hành nhiều cuộc viễn chinh, tiến ra biển Baltic, vùng Kavkaz, và một chuỗi trận chiến với đế chế Ottoman để rồi có thể đặt chân lên bán đảo Crimée và các vùng duyên hải phía đông và tây bắc của Biển Đen. Những cuộc chinh phục này đã cho phép đế chế Nga lần đầu tiên thành lập một hạm đội hải quân hùng mạnh. Vị thế địa chính trị của vương quốc cũng từ đó đã thay đổi.  

 

Học thuyết quân sự này của Peter Đại đế đã được một số nhà địa chính trị lớn của phương Tây sau này chứng minh vào cuối thế kỷ XIX. Sử gia Martin Motte, giám đốc nghiên cứu Trường Cao đẳng Thực hành, chuyên trách giáo trình chiến lược Trường Chiến Tranh (Ecole de Guerre) trả lời Le Figaro nhớ lại, Alfred Thayer Mahan, một sĩ quan hải quân Mỹ và cũng là sử gia, trong tác phẩm « Vấn đề của châu Á », đã so sánh nước Nga – cường quốc lục địa, với Vương Quốc Anh – cường quốc hải quân.

 

« Cường quốc hải quân Anh vào thời kỳ này đã kiểm soát vùng duyên hải phía nam của lục địa Á-Âu như kiểm soát eo biển Gibraltar, Malta, rồi kênh đào Suez. Từ kênh đào Suez thông qua Biển Đỏ, Anh Quốc kiểm soát cả vùng biển Aden. Để rồi từ đó, nước Anh vươn ra Ấn Độ Dương, chiếm lấy Ấn Độ. Và sau cùng là qua eo biển Malacca, Vương Quốc Anh có được các điểm giao dịch ở Trung Quốc.  

Kết quả là, Anh Quốc hưởng lợi từ các luồng giao thương thế giới. Và Mahan giải thích rằng rắc rối của Nga là không thể tiếp cận được các tuyến đường thương mại này, và vì vậy chậm phát triển do liên quan đến việc không có lối thoát ra biển. Chính vì thế, đây là một xu hướng của Nga, điều mà ông Mahan đã nêu lên trên bình diện địa chính trị, nhưng đồng thời ông cũng cho rằng cần phải chống lại xu hướng mở lối thoát ra phía Nam bằng mọi giá của Nga. Lẽ đương nhiên, đó là Biển Đen, bởi vì chính ở đây, phần đất lục địa Nga gần với những vùng biển tự do nhất. »

 

 

NATO và những mưu đồ ở Biển Đen

 

Chiến lược Nam tiến của Peter Đại Đế sau này vẫn được chế độ Xô Viết tiếp tục củng cố và mở rộng ảnh hưởng tại vùng Hắc Hải và Địa Trung Hải. Nhưng Liên Xô sụp đổ đã kéo theo những thay đổi về cấu trúc, và trở thành một bài toán hóc búa cho Nga thời hậu Xô Viết. Sau năm 1991, Matxcơva chỉ còn giữ được một phần nhỏ vùng Biển Đen với cảng biển Novorossiisk, vốn dĩ chỉ có vai trò thứ yếu thời Xô Viết. Hơn nữa, hạm đội Biển Đen bị chia làm đôi giữa Nga và Ukraina. Đổi lại, Nga vẫn giữ được căn cứ quân sự cũ Sebastopol, thuê lại từ Ukraina với một thời hạn là 20 năm. 

 

Nhưng Nga cũng nhanh chóng nhận ra rằng các vị trí của mình tại những vùng biên giới phía Nam đang bị thu hẹp, có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhà chính trị học và chuyên gia quân sự độc lập Prokhor Tebine được Tikhon Syssoev, tác giả bài viết trên trang Expert trích dẫn, có giải thích như sau : « Việc NATO, đặc biệt là Anh – Mỹ thâm nhập ngày càng sâu vào vùng Biển Đen không chỉ có động cơ răn đe. Hai nước này còn muốn kiểm soát con đường ngắn nhất đi đến Trung Á, khu vực rất giầu nguồn tài nguyên thiên nhiên và như vậy tạo thêm một đòn bẩy áp lực bổ sung nhắm vào Matxcơva và Bắc Kinh ». 

 

Một loạt các sự kiện diễn ra trong suốt thập niên 2000 đã khiến Nga quan ngại. Nhiều chính phủ thân phương Tây lên cầm quyền sau các chuỗi « cách mạng hoa hồng » (2003-2004) tại Gruzia và « cách mạng mầu cam » ở Ukraina (2004-2005). Rồi Bulgarie và Rumanie gia nhập NATO (2004). Tính đến giữa thập niên 2000, ba trong số sáu nước vùng Biển Đen – Rumanie, Bulgarie và Thổ Nhĩ Kỳ - là thành viên của NATO, trong khi hai nước khác là Ukraina và Gruzia bắt đầu có những mối hợp tác chặt chẽ với khối liên minh quân sự này.  

 

Nhưng giọt nước tràn ly là thượng đỉnh NATO 2008, diễn ra tại Bucarest, thủ đô Rumanie. Biển Đen có nguy cơ biến thành « ao nhà » của NATO với lời hứa cho Kiev và Tbilisi gia nhập liên minh quân sự. Đây là một trong số những nguyên nhân dẫn đến việc Nga quyết định can thiệp vào cuộc chiến năm ngày giữa Gruzia và Nam Ossetia năm 2008 và nhất là sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014.  

 

Theo nhà phân tích Tikhon Syssoev, Matxcơva cảm thấy bất an trước mối đe dọa ngày càng lớn, một phần trực tiếp từ Ukraina và phần khác là từ NATO khi khối liên minh quân sự này cho triển khai hệ thống tên lửa phòng không Aegis Ashore ở Rumanie hay tăng quân số hiện diện trong khu vực. Số tầu chiến và chiến đấu cơ trong vùng Biển Đen ngày một nhiều hơn.

 

Dù vậy, ý đồ tăng cường sự hiện diện của NATO tại Biển Đen cũng vấp phải thái độ cẩn trọng từ Thổ Nhĩ Kỳ e ngại rằng tình hình có thể sẽ gây ra nhiều « khó han lớn » cho Nga. Chính vì lập trường này mà Ankara vẫn luôn được Matxcơva xem như là một tác nhân chủ chốt trong khu vực. Điều này cũng giải thích vì sao ngay từ đầu cuộc xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ không những đóng cửa các eo biển, ngăn cấm tầu chiến của NATO và Nga đi vào Biển Đen, mà còn tức thì đảm nhận vai trò trung gian hòa giải chính giữa Nga và Ukraina.  

 

Biển Azov : Những con đường thủy thương mại và chiến lược

 

Tuy nhiên, trong cuộc chinh phục Biển Đen của Nga còn phải tính đến vai trò chiến lược quan trọng của vùng biển Azov, dù là khép kín, có diện tích nhỏ chỉ bằng một nước Thụy Sĩ. Ông Martin Motte cho rằng, đây còn là một trong những mục tiêu chiến tranh của ông Putin cho phép hợp nhất lãnh thổ giữa Nga và bán đảo Crimée cũng như là bảo vệ an ninh cho bán đảo. Chiến lược này đã được minh chứng trong cuộc chiến tranh Crimée trong suốt những năm 1850, giữa Ngà và Thổ Nhĩ Kỳ, được Pháp và Anh hậu thuẫn. 

 

« Năm 1854, Pháp và Anh bao vây Sébastopol, vốn là cảng lớn của Crimée, căn cứ hải quân lớn của Nga và Sebastopol đã cầm cự được trong vòng một năm. Một trong số các nguyên nhân, bởi vì cảng này không bị liên quân Anh – Pháp bao vây hoàn toàn và tiếp viện vẫn có thể được đưa vào. 

 

Vậy nguồn tiếp viện đó đến từ đâu ? Đến từ biển Azov. Bởi vì biển Azov có sông Don đổ vào, vì vậy, việc đưa ngũ cốc từ các đồng bằng rộng lớn của Nga bằng sà lan là rất dễ dàng. Để rồi từ đó đưa ngũ cốc đến bờ biển Crimée, đổ hàng vào ban đêm và cung cấp lương thực cho Sébastopol. » 

 

Ngoài ra, Biển Đen và eo biển Azov giúp tiếp cận các vùng sông nước của Nga và Biển Caspi, khu vực có nhiều công ty vận tải hoạt động trên khắp Địa Trung Hải. Kênh đào Volga-Don, nối sông Volga và sông Don, đóng một vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển đường thủy của Nga và là một phần của hành lang vận tải Bắc-Nam quốc tế (nối Saint Petersburg với Bombay). Tuyến hàng hải này còn cho phép các quốc gia vùng Caspi tiếp cận Biển Đen, Địa Trung Hải và các đại dương, giúp các nước này trở thành những tác nhân quan trọng trong thương mại toàn cầu. 

 

Không chỉ có các lợi ích kinh tế - thương mại, Biển Đen và Azov còn có những giá trị thực tiễn lớn trên bình diện quân sự. Khi nắm được vùng biển Azov, kể từ giờ, Nga rộng đường cho di chuyển tầu chiến của mình từ vùng biển này sang vùng biển khác : Nghĩa là từ Biển Đen đến biển Caspi thông qua biển Azov và kênh đào Don – Volga. Về điểm này, sử gia Martin Motte nhận định thêm : 

 

« Biển Caspi, ít được sử dụng về mặt chiến lược, giờ trở thành một không gian với nhiều biến đổi. Tầu chiến của Nga có thể bắn tên lửa từ vùng biển Caspi này. Con kênh nào kết nối vùng biển này với hệ thống kênh đào thời Xô Viết ? Đó là kênh đào nối liền biển Caspi với biển Azov. 

Còn vì sao việc có tầu chiến là điều thú vị ? Bởi vì tầu chiến luôn di chuyển, do vậy kẻ thù khó mà xác định được vị trí của con tầu. Và do vậy, một dàn tên lửa di chuyển thường trực, thay đổi vị trí liên tục nên khó mà đánh trúng. »

 

 

Biển Đen-Azov-Caspi và tham vọng cường quốc hải quân lục địa của Nga

 

Trong một bài viết đăng năm 2016 trên tạp chí « Quốc Phòng » (Revue Défense Nationale), chỉ huy tầu hộ tống Pháp, ông Pierre Rialland phân tích chiến lược mới của hải quân Nga như sau : « Hai vùng biển Caspi và Azov, được nối liền bởi con kênh Don-Volga, mang lại một không gian hành động rộng bằng vùng biển Đông Địa Trung Hải và Vịnh Ả Rập – Ba Tư gộp lại. Bản đồ về tầm hoạt động của SSN 30A cho thấy là Nga sắp có được khả năng hoạt động theo chính sách "pháo hạm" trên một chiến trường dài 6.000 km mà không cần tiếp cận các vùng biển nước ấm. »

 

Những điều này giải thích vì sao ngay trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến, quân Nga có những bước tiến rõ rệt tại các mặt trận phía nam Ukraina. Thế nên, theo ông Tikhon Syssoev, nếu giành được toàn bộ thắng lợi ở miền nam, Matxcơva sẽ bảo toàn được nhiều lợi thế.

 

Thứ nhất là gạt hẳn mối đe dọa chính cho hạm đội Biển Đen cũng như là toàn bộ bán đảo Crimée, đồng thời bảo vệ và củng cố « chiếc cầu nối » với Crimée. Tikhon Syssoev dẫn phân tích từ chuyên gia Vassili Kachine, Trường Kinh tế Cao cấp Nga, đánh giá, « trong trường hợp ngược lại, mọi căn cứ mà Ukraina có thể giữ được dọc theo Biển Đen, cho dù bị hạn chế về vũ khí, vẫn sẽ tạo thành một mối đe dọa to lớn đối với Nga ».

 

Thứ hai, mất các cảng Kherson, Mykolaiiv và Odessa, Kiev không những sẽ bị mất cơ sở cảng biển mà cả một phần lớn những gì nước này đang xuất khẩu, kể cả nông sản. Một thất bại mà Ukraina cảm thấy khó nuốt.

 

Cuối cùng, chiếm được Biển Đen, Nga có cơ hội trở thành tác nhân nông nghiệp lớn nhất thế giới, đồng thời củng cố đáng kể an ninh trục giao thương Bắc – Nam. Việc đoạn tuyệt với phương Tây còn làm nổi rõ hơn nữa tầm quan trọng của những mối liên hệ thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.

 

Đối với Vassili Kachine, « nếu Nga thực hiện được những dự án này và kiểm soát bờ Biển Đen, Nga sẽ có được một cơ sở hạ tầng xuất khẩu có tiềm năng rất lớn và một vùng lãnh thổ nông nghiệp quan trọng và một nguồn tài nguyên vô giá. Nga sẽ nắm thế độc quyền thật sự trong ngành công nghiệp này trên thế giới. » 

 

Tóm lại, với việc kiểm soát một vùng ảnh hưởng rộng lớn liên quan đến khoảng 30 quốc gia trong khu vực bao gồm vùng ảnh hưởng hiện nay, những dấu tích lịch sử của đế chế Nga và những địa điểm đối đầu địa chính trị, Nga có thể sẽ trở thành một « cường quốc hải quân lục địa » như kết luận từ nhà sử học Martin Motte.

 

Minh Anh

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats