Tuesday 28 March 2023

KHI TIỀN KHÔNG . . . QUAN TRỌNG! (Trân Văn)

 



Khi tiền không... quan trọng!

Trân Văn

28/03/2023

https://www.voatiengviet.com/a/khi-tien-khong-quan-trong-/7025283.html

 

Có nên xem thái độ, cách hành xử theo kiểu tiền không... quan trọng như vậy là quan trọng đối với hiện tại của từng cá nhân và cả với tương lai của con cháu không?

 

Dẫu xã hội chìm trong bầu không khí nặng nề, ảm đạm vì kinh tế suy sụp, thất nghiệp tràn lan, chẳng riêng người nghèo mà các thành phần khác ở giai tầng cao hơn cũng tuyệt vọng vì thiếu thốn, bế tắc nhiều mặt thì với chính quyền Việt Nam, tiền vẫn không phải là thứ... quan trọng!

 

Tiền không... quan trọng nên mới có chuyện “tháo dỡ nhiều hạng mục” để... “nâng cấp và đổi hướng trụ sở chính quyền xã Hưng Hòa” – một đơn vị hành chính thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Theo tờ Người Lao Động, trụ sở chính quyền xã Hưng Hòa gồm hai khối nhà mới được xây dựng năm 2010 với chi phí khoảng bốn tỉ đồng. Cách nay vài năm, công thự này mới được nâng cấp, công quỹ chi thêm vài tỉ để thay toàn bộ hệ thống cửa gỗ bằng cửa có khung bằng nhôm, lắp kính. Thế rồi mới đây, dân chúng trong xã thấy nhà thầu đến tháo gỡ toàn bộ hệ thống cửa đó để chuẩn bị thay bằng hệ thống cửa mới hơn. Chỉ riêng chi phí đổi cửa đã là 600 triệu đồng...

 

Tuy nhiên khoản 600 triệu đồng ấy chỉ là... tiền lẻ. Tổng chi phí cho đợt “cải tạo, nâng cấp khuôn viên trụ sở xã Hưng Hòa” lần này lên tới... sáu tỉ. Chủ tịch xã Hưng Hòa giải thích đây là dự án do chính quyền thành phố Vinh thẩm định – phê duyệt. Có thể vì vừa xót xa, vừa bất bình bởi chính quyền phung phí quá mức nên dân chúng mới liên lạc với báo chí... Khi trò chuyện với phóng viên tờ Người Lao Động, dân chúng địa phương thắc mắc: Hưng Hòa là xã nghèo ven thành phố, hạ tầng còn thiếu đủ thứ. Trụ sở còn tốt như thế sao không để vậy mà sử dụng. Tại sao thành phố không đầu tư cho những chuyện khác thiết yếu hơn như đường giao thông, mương thoát nước, tái định cư (1)...

 

Những thắc mắc như vừa kể đã xuất hiện từ lâu, ở khắp mọi nơi song... còn thắc mắc có nghĩa là không... đồng điệu và chưa... đồng cảm với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam. Với chính quyền Việt Nam, bất kể kinh tế - xã hội thế nào thì tiền cũng không... quan trọng. Quan trọng là dùng thế nào.

 

Ai cũng biết tiền để duy trì hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam có một phần từ thuế, một phần do khai thác tài nguyên đem bán và một phần khác từ hỏi vay khắp nơi, cả trong lẫn ngoài Việt Nam. Giống như chính quyền của tất cả các quốc gia khác, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam không làm ra tiền, những hệ thống này được dân chúng ủy nhiệm để thu tiền và dùng tiên sao cho “quốc thái, dân an”.

 

Khác với chính quyền của tất cả các quốc gia khác, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam không báo cáo thu – chi rạch ròi với chủ (dân). Nếu có báo cáo thu – chi rạch ròi sẽ không có những chuyện như chuyện chi ra... sáu tỉ vì thấy cần... “đổi hướng trụ sở xã Hưng Hòa từ Đông Nam sang Tây Bắc” cho nên phải tổ chức... “cải tạo, nâng cấp khuôn viên”. Sáu tỉ đã và đang chi ra là công quỹ, không phải tiền riêng của chính quyền xã Hưng Hòa, chính quyền thành phố Vinh hay chính quyền tỉnh Nghệ An. Về nguyên tắc, dùng tiền trong công quỹ phải hợp lý nên phải báo cáo, phải thẩm tra, phải cân nhắc kỹ lưỡng rồi mới được phê chuẩn. Tuy nhiên bởi ở Việt Nam tiền không... quan trọng nên nguyên tắc vừa kể vốn phổ quát nhưng không cần... tôn trọng.

 

                                                               ***

 

Trong vụ án liên quan tới việc Công ty Tiến bộ Quốc tế (AIC) được chính quyền tỉnh Đồng Nai chọn làm doanh nghiệp cung cấp 16 gói thầu cho Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai từ 2010 đến 2015 gây thiệt hại cho công quỹ 148 tỉ mà Tòa án thành phố Hà Nội đưa ra xét xử hồi đầu năm nay (2) có một tình tiết cần phải nhớ: Đó là dù xin tiền để xây dựng bệnh viện cho dân chúng Đồng Nai nhưng ngay cả Bí thư tỉnh Đồng Nai cũng phải dựa vào vài người như bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AIC) để “xin vốn Trung ương”. Năm 2016, Trung ương chỉ đồng ý cấp cho Đồng Nai 889 tỉ để làm “vỏ” Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Sau khi lãnh đạo Đồng Nai nhờ bà Nhàn, Trung ương mới cấp thêm 754 tỉ để nhồi “ruột” (mua sắm các thiết bị y tế). Do bà Nhàn có thể làm được những chuyện như thế, các viên chức lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mới chỉ đạo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sắp đặt để bà Nhàn thắng hết các gói thầu với giá cao hơn nhiều so với giá trị thật và cùng nhau nhận tiền... “tạ ơn” từ bà Nhàn. Trước tòa, ông Trần Đình Thành – cựu Bí thư Đồng Nai – khai, chính ông điện thoại cho bà Nhàn để kể về dự án xây bệnh viện đa khoa cho tỉnh bị thiếu vốn và nhờ bà Nhàn “góp cho tỉnh Đồng Nai một tiếng nói”, bởi “Nguyễn Thị Thanh Nhàn có thể thuyết phục bộ, ngành Trung ương ủng hộ vốn cho các địa phương. Còn bộ, ngành nào thì tôi không biết” (3). Dẫu hệ thống tư pháp (công an, kiểm sát, tòa án) ghi nhận - đúng là hồi đầu (2006), Trung ương chỉ cho Đồng Nai 899 tỉ để xây bệnh viện đa khoa chứ không cấp tiền sắm thiết bị y tế, mãi đến năm 2010, Trung ương mới phê duyệt, cho thêm 754 tỉ để mua thiết bị - nhưng ghi nhận rồi thôi chứ... không làm gì thêm!

 

Nếu không quên lời khai của ông Trần Đình Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, Bí thư Đồng Nai - bị can trong vụ án liên quan đến AIC và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thì tự nhiên sẽ hiểu tại sao chính quyền tỉnh Nghệ An, chính quyền thành phố Vinh có tiền và mạnh tay chi tiền cho những dự án như “nâng cấp và đổi hướng trụ sở chính quyền xã Hưng Hòa”, trong khi giáo dục, y tế thiếu đủ thứ và những người thuộc thành phần yếu thế không được hỗ trợ nào để có cơ hội sống an ổn như công dân các xứ khác. Trong nhận thức của các cá nhân đang điều hành hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam, tiền không... quan trọng nên 2.358 công nhân của Công ty PouYeun ở TP.HCM mới phải nộp 10% thuế thu nhập đối với khoản trợ cấp mà công ty này tự nguyện trả thêm khi phải cho họ nghỉ việc. Đó không phải lần đầu tiên, hồi tháng 7/2020, khoảng 2.800 công nhân khác của Công ty PouYeun bị mất việc do tác động của dịch COVID-19 cũng phải nộp 10% thuế thu nhập đối với khoản trợ cấp do Công ty PouYeun tự nguyện trả thêm. Công ty PouYeun và một số cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi cho công nhân đã đề nghị Cục Thuế TP.HCM và Tổng Cục Thuế xem lại chuyện này nhưng theo tờ Lao Động thì... “sự việc cũng chỉ dừng ở đó” (5).

 

Có nên xem thái độ, cách hành xử theo kiểu tiền không... quan trọng như vậy là quan trọng đối với hiện tại của từng cá nhân và cả với tương lai của con cháu không?

 

-------------------

Chú thích

(1) https://nld.com.vn/thoi-su/vu-tru-so-khang-trang-bi-dap-pha-de-quay-huong-da-chi-tien-ti-de-cai-tao-20230328075743792.htm

 

(2) https://thanhnien.vn/nhan-hoi-lo-cuu-bi-thu-tinh-uy-dong-nai-tran-dinh-thanh-lanh-11-nam-tu-1851538705.htm

 

(3) https://cand.com.vn/phap-luat/lanh-dao-tinh-dong-nai-moc-noi-voi-ai-de-xin-duoc-von-tu-trung-uong--i678668/

 

(4) https://thanhnien.vn/cong-nhan-bi-mat-viec-van-phai-dong-thue-thu-nhap-ca-nhan-185230301162936114.htm

 

(5) https://laodong.vn/cong-doan/ve-khoan-ho-tro-cho-cong-nhan-cong-ty-tnhh-pouyuen-thue-thu-nhap-ca-nhan-chi-la-tam-thu-1152610.ldo

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats