Thursday, 30 March 2023

'SỐNG TỰ DO RỒI CHẾT'? TÌNH TRẠNG ĐÁNG BUỒN CỦA ĐỜI NGƯỜI MỸ (Selena Simmons–Duffin / NPR)

 



‘Sống tự do rồi chết’? Tình trạng đáng buồn của đời người Hoa Kỳ

Selena Simmons–Duffin 

Trà Mi dịch thuật

POSTED ON MARCH 27, 2023   

https://dcvonline.net/2023/03/27/songtu-do-roi-chet-tinh-trang-dang-buon-cua-doi-nguoi-hoa-ky/

 

Ngay trước lễ Giáng sinh, giới chức y tế chính phủ liên bang đã xác nhận tuổi thọ ở Mỹ đã tiếp tục giảm xuống trong năm thứ hai gần như chưa từng thấy – xuống còn 76 tuổi. Cùng lúc, tuổi thọ ở những quốc gia trên thế giới đã tăng trở lại trong năm thứ hai của đại dịch sau khi có vaccine, thì Hoa Kỳ lại không được như vậy.

 

Rồi tuần trước lại có thêm một tin xấu: Tỷ lệ sản phụ thiệt mạng khi sinh ở Hoa Kỳ tăng cao vào năm 2021. Ngoài ra, một bài báo trên Tạp chí của Hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA) cho thấy tử số của trẻ em và thanh thiếu niên Hoa Kỳ đang gia tăng. Tác giả chính của bài báo JAMA, Steven Woolf, giám đốc danh dự của Trung tâm Xã hội và Sức khỏe tại Đại học Khối thịnh vượng chung Virginia cho biết :

 

“Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp, tôi thấy [sự gia tăng tử số của trẻ em] – tỷ lệ này luôn giảm ở Hoa Kỳ kể từ khi tôi có thể nhớ được. Bây giờ, nó đang gia tăng với cường độ chưa từng xẩy ra ít nhất trong nửa thế kỷ qua.”   (Steven Woolf)

 

Trong suốt cuộc đời và trong mọi nhóm dân chúng, người Mỹ chết ở độ tuổi trẻ hơn so với những người cùng tuổi ở những quốc gia giàu có khác.

 

https://dcvonline.net/wp-content/uploads/2023/03/tuoitho.jpg

Tuổi thọ người Mỹ đang giảm sút trong hai năm qua.

 

Tại sao lại thế này? Ở một đất nước tự hào về sự xuất sắc và đổi mới khoa học, đồng thời chi một số tiền đáng kinh ngạc cho y tế, dân chúng tiếp tục chết ở độ tuổi ngày càng trẻ.

 

.

Báo động không ai nghe

 

Một nhóm người hoàn toàn không ngạc nhiên voái hiện tượng này: Woolf và những chuyên gia nghiên cứu khác đã tham gia vào một nghiên cứu với phúc trình dài 400 trang mang tính bước ngoặt cách đây mười năm với tựa đề nói lên tất cả: “Đời sống ngắn hơn, Sức khỏe kém hơn”. Nghiên cứu đó của một hội đồng do Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia triệu tập và do Viện Y tế Quốc gia  tài trợ đã so sánh sức khỏe và tử số ở Hoa Kỳ với những nước phát triển khác. Kết quả cho thấy – một cách thuyết phục – rằng Hoa Kỳ đang đình trệ trong những tiến bộ về sức khỏe của người dân trong khi những quốc gia khác chạy nhanh về phía trước.

 

Những tác giả bản phúc trình đó đã cố gắng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, nhưng nhận thấy rất ít người trong khu vực công, chính phủ hoặc tư nhân sẵn sàng lắng nghe. Trong những năm sau đó, chỉ dấu cho thấy tình trạng đã tồi tệ hơn. Tuổi thọ của người Mỹ thấp hơn tuổi thọ của người dân ở Cuba, Libanon và Chechnya.

 

Mười năm sau, đây là cái nhìn lại về những gì nghiên cứu gây sửng sốt đó đã tìm thấy và lý do tại sao những chuyên gia thực hiện nghiên cứu tin rằng vẫn chưa quá muộn để thay đổi tình thế.

 

.

Ngoài những thói quen xấu

 

Người Mỹ đã quen nghe về cách ăn uống thiếu lành mạnh và lối sống ít vận động khiến sức khỏe của họ trở nên tồi tệ ra sao. Có vẻ như họ dễ dàng bỏ qua chuyện đó như một lời nhắc nhở khác về việc nên ăn nhiều rau và tập thể dục nhiều hơn. Nhưng bức tranh vẽ lên trong bản phúc trình “Đời sống ngắn hơn” có thể gây sốc cho cả những người cảm thấy như họ đã biết câu chuyện.

 

Ngay ở trang thứ hai, những tác giả phúc trình viết, “Trẻ em Mỹ ít có thể sống đến 5 tuổi hơn so với trẻ em ở những quốc gia có thu nhập cao khác. Ngay cả những người Mỹ có lối sống lành mạnh, chẳng hạn như những người không béo phì hoặc không hút thuốc, dường như có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với những người cùng lứa tuổi ở những quốc gia khác.”

Những chuyên gia nghiên cứu liệt kê cái mà họ gọi là “bất lợi về sức khỏe của Hoa Kỳ” – thực tế là sống ở Mỹ có hại cho sức khỏe của bạn hơn và khiến bạn có thể chết trẻ hơn so với nếu bạn sống ở một quốc gia giàu có khác như Anh, Thụy Sĩ hoặc Nhật Bản.

 

Woolf, người đứng đầu ủy ban soạn thảo bản báo cáo cho biết: “Chúng tôi đã xem xét vấn đề này với một tinh thần cởi mở về lý do tại sao Hoa Kỳ có tuổi thọ ngắn hơn so với người dân ở những quốc gia khác”. Sau khi xem xét những nhóm tuổi và chủng tộc, đời sống kinh tế và địa lý khác nhau, ông nói, “những gì chúng tôi nhận thấy là vấn đề này hiện hữu ở hầu hết mọi danh mục mà chúng tôi đã xem xét.”

 

Đó là lý do tại sao, Eileen Crimmins, giáo sư lão khoa tại Đại học Nam California, cũng có mặt trong bàn hội thảo đưa ra báo cáo, cho biết họ đã cân nhắc lựa chọn tập trung vào sức khỏe của toàn bộ người dân Hoa Kỳ. Bà giải thích :

 

“Đó là một quyết định – không phải để nhấn mạnh sự khác biệt trong dân số của chúng ta, bởi vì có dữ liệu thực sự cho thấy rằng ngay cả tỷ lệ cao nhất của dân số Hoa Kỳ cũng tệ hơn so với tỷ lệ cao nhất của những nhóm dân số khác. Chúng tôi đang cố gắng chỉ nói – hãy nhìn xem, đây là vấn đề của Mỹ.”  (Eileen Crimmins)

 

Đào sâu vào câu hỏi ‘tại sao’

 

Những chuyên gia nghiên cứu được giao nhiệm vụ ghi lại lý do tại sao người Mỹ mắc nhiều bệnh hơn và chết trẻ hơn cũng như khám phá lý do tại sao.

 

Woolf nói:

 

“Chúng tôi đã suy nghĩ rất kỹ lưỡng và có hệ thống về vấn đề này. Ban nghiên cứu đã xem xét cuộc sống và cái chết của người Mỹ trong hệ thống chăm sóc y tế và sức khỏe cộng đồng, những thói quen cá nhân như cách ăn uống và thói quen hút thuốc lá, những yếu tố xã hội như nghèo đói và bất bình đẳng, môi trường vật chất cũng như những chính sách và giá trị công cộng. Trong mỗi một trong năm nhóm đó, chúng tôi đã tìm thấy những vấn đề tách biệt Hoa Kỳ với những quốc gia khác.”  (Steven Woolf)

 

Đúng vậy, người Mỹ ăn nhiều hơn và không được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Nhưng cũng có tỷ lệ trẻ em nghèo cao hơn, phân biệt chủng tộc, cô lập xã hội, v.v. Ngay cả cách xây dựng thành phố cũng khiến việc tiếp cận thực phẩm tốt trở nên khó khăn hơn.

 

Hình : https://media.npr.org/assets/img/2023/03/24/gettyimages-1173235565-8f1e84043450292f33113aa544e1c9cf5a9a72e5-s1200-c85.webp

Một người bán trái cây tại chợ Dom Pedro ở Coimbra, miền trung Portugal (Bồ Đào Nha). Việc không dễ dàng mua trái cây và rau quả tươi ở Hoa Kỳ có thể góp phần khiến người Mỹ có tuổi thọ ngắn hơn. Nguồn: Patricia De Melo Moreira/AFP qua Getty Images

 

John Haaga, người, trước khi  nghỉ hưut, ừng là giám đốc Nha Nghiên cứu Ứng xử và Xã hội tại Viện Lão hóa Quốc gia tại NIH, cho biết:

 

“Mọi người đều có một vấn đề riêng mà họ lo lắng và nói, ‘đó là sức khỏe răng miệng’ hoặc ‘đó là những vụ tự tử’ – mọi người đều có điều gì đó mà họ thực sự quan tâm và muốn được chú ý nhiều hơn. Giá trị tuyệt vời của một bài tập như thế này là lùi lại và nói, ‘Được rồi, tất cả những chuyện này đang diễn ra, nhưng yếu tố nào giải thích tốt nhất cho biểu đồ xấu về tuổi thọ của người dân mà chúng ta đang thấy?’”  (John Haaga)

 

Câu trả lời rất đa dạng. Một phần lớn của sự khác biệt giữa sự sống và cái chết ở Hoa Kỳ và những quốc gia ngang hàng là những người chết hoặc chết trước 50 tuổi. Phúc trình “Shorter Lives” nêu lên cụ thể những yếu tố như mang thai ở tuổi vị thành niên, dùng ma túy quá liều, HIV, tai nạn xe hơi làm chết người và gâythương tích, và bạo lực.

 

Hình: https://www.narcononarrowhead.org/FURL/imagecache/cropfit@w=710/blob/images/articles/a/7/a7666d50-ef42-11e7-bbd3-42010a80021f/deaths-overdoses.jpg

Ma túy quá liều, HIV/AIDS, súng và tai nạn xe hơi! Nguoodn: https://www.narcononarrowhead.org/

 

Crimmins nói: “Sự khác biệt hai năm về tuổi thọ có thể xuất phát từ thực tế là súng rất sẵn có ở Hoa Kỳ. Đại dịch opioid, rõ ràng là đại dịch của chúng ta – đó là do những công ty dược phẩm của chúng ta và những quốc gia khác không có vì những loại thuốc đó được kiểm soát nhiều hơn. Một số khác biệt đến từ thực tế là chúng ta có thể lái xe nhiều dặm hơn. Chúng ta có nhiều xe hơi hơn” và cuối cùng là nhiều tai nạn gây chết người hơn.

 

Crimmins của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia nói :

 

“Khi đang làm điều đó, chúng ta đã nói đùa rằng chúng ta nên gọi nó là ‘Sống tự do và chết’, dựa trên khẩu hiệu của New Hampshire, [‘Sống tự do hoặc chết’].  ‘Điều đó thật thái quá, điều đó quá khiêu khích.’”

 

Có một số việc mà người Mỹ làm đúng, theo phúc trình “Shorter Lives”:

 

“Hoa Kỳ có tỷ lệ sống thọ sau 75 tuổi cao hơn so với những quốc gia ngang hàng, đồng thời có tỷ lệ sàng lọc ung thư và tỷ lệ sống sót cao hơn, kiểm soát huyết áp và cholesterol tốt hơn. tỷ lệ chết do đột quỵ thấp hơn, tỷ lệ hút thuốc hiện tại thấp hơn và thu nhập gia đình trung bình cao hơn.”

 

 Nhưng rõ ràng những thành tựu đó không đủ để bù đắp những vấn đề khác đang xẩy ra với nhiều người Mỹ ở độ tuổi trẻ hơn.

 

Tất cả những vấn đề này gây tốn kém cho đất nước rất nhiều. Gia đình không chỉ mất đi những người thân yêu quá sớm mà việc dân số ngày càng đau yếu khiến quốc gia phải trả thêm 100 tỷ đô la mỗi năm chi phí chăm sóc sức khỏe. Những tác giả của bản phúc trình viết:

 

“Đằng sau những số liệu thống kê chi tiết trong báo cáo này là khuôn mặt của những người trẻ tuổi – trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên – những người không khỏe và chết sớm vì điều kiện ở đất nước này không thuận lợi như ở những quốc gia khác.”

 

.

Ít hành động, bất chấp rủi ro

 

“Shorter Lives” chứa đầy những đề nghị chính phủ để thực hiện những bước tiếp theo, đặc biệt là cho Viện Y tế Quóc gia (NIH), cơ quan có ngân sách hơn 40 tỷ đô la hàng năm để tiến hành nghiên cứu nhằm cải thiện sức khỏe của người Mỹ.

 

Những tác giả “Shorter Lives” viết rằng NIH nên tiến hành “kiểm soát kỹ lưỡng những chính sách và cách hành động mà những quốc gia có kết quả sức khỏe tốt hơn thấy hữu ích và có thể áp dụng, với những điều chỉnh, tại Hoa Kỳ.”

 

Nói cách khác: hãy tìm hiểu những gì họ đang làm có hiệu quả ở những nơi khác và làm điều đó ở đây.

 

Tiến sĩ Ravi Sawhney, người đã giúp hình thành và bắt đầu cuộc nghiên cứu “Đời sống ngắn hơn” tại NIH trước khi ông rời cơ quan, rất hy vọng rằng phúc trình đó sẽ tạo được dấu ấn. Ông nói :

 

“Tôi thực sự nghĩ rằng khi kết quả được đưa ra, chúng sẽ rõ ràng đến mức mọi người sẽ nói: Cuối cùng thì hãy làm điều này.”  (Ravi Sawhney)

 

Mười năm trôi qua, có bao nhiêu kế hoạch hành động chi tiết đã được thực hiện?

 

Woolf nói:

 

“Tóm lại,  chuyện đó rất ít xẩy ra.” Ông nói, vào thời điểm đó, giới chức thẩm quyền của NIH dường như không quan tâm lắm đến việc nâng cao nhận thức về những kết qur nghiên cứu của chúng tôi hoặc theo dõi chương trình nghiên cứu đã đề nghị. “Có một số cơ sở truyền thông đưa tin vào thời điểm bản phúc trình được công bố, nhưng NIH không tham gia vào việc cố gắng nâng cao nhận thức về bản phúc trình đó.”  (Steven Woolf)

 

Crimmins đồng ý, bà nói, “Có thêm một chút nghiên cứu, nhưng không có bất kỳ phản ứng nào về mặt chính sách, Tôi nghĩ có thể có, bởi vì điều đó thật đáng xấu hổ, nhưng nó thường bị bỏ qua.

 

Bà ấy lưu ý rằng những người quan tâm đến vấn đề này thường là những người đầu tư vào “những thứ kỳ diệu mà họ nghĩ rằng sẽ làm chậm quá trình lão hóa”, mặc dù những người trên 75 tuổi là nhóm tuổi duy nhất trong cả nước đã có tuổi thọ tương đối tốt.

 

Haaga, cựu giám đốc Nha Nghiên cứu Ứng xử và Xã hội tại Viện Lão hóa Quốc gia ở NIH, cũng cho rằng hành động đáp ứng tại cơ quan còn thiếu sót. “Gần như chưa đủ, xét về mức quan trọng và những gì chúng ta có thể học được.

 

Đáp lại yêu cầu bình luận của NPR về câu chuyện này, NIH đã nêu lên một hội thảo tiếp theo về tỷ lệ chết ở tuổi trung niên, một số sáng kiến mà cơ quan này đã thực hiện về sự chênh lệch giữa những nhóm nhỏ ở Hoa Kỳ và một luận văn gần đây do NIH tài trợ xem xét lại tuổi thọ trung bình quốc tế.

 

Giám đốc NIH sắp mãn nhiệm Francis Collins nói với NPR vào năm 2021 rằng điều đó khiến ông phiền lòng vì tuổi thọ của người Mỹ không tăng nhiều hơn trong nhiệm kỳ của ông. Theo quan điểm của ông, thành công của NIH trong việc đạt được những đột phá khoa học đã không mang lại nhiều lợi ích hơn vì những vấn đề trong xã hội mà cơ quan nghiên cứu có rất ít quyền lực để thay đổi.

 

Woolf gọi đó là một quan niệm sai lầm khi cho rằng những bộ óc khoa học vĩ đại và những khám phá y tế của Hoa Kỳ chuyển thành tiến bộ cho sức khỏe của người dân. Ông nói:

“Chúng ta thực sự rất sáng tạo trong việc tạo ra những loại đột phá này, nhưng chúng ta lại làm rất kém trong việc cung cấp chúng cho người dân của mình.”   (Steven Woolf)

 

.

‘Chúng ta không thể làm hết mọi thứ’

 

Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Xavier Becerra đã trả lời câu hỏi của NPR tại một cuộc họp báo vào đầu tháng này về công việc mà cơ quan này đang thực hiện để giải quyết vấn đề tuổi thọ bị tụt hậu bằng cách đề cập đến COVID–19 và việc do dự tiêm vaccine, cùng với những vấn đề về sức khỏe tâm thần và bạo lực súng đạn. Becerra nói :

 

“Có rất nhiều thứ chúng tôi đang làm. Chúng tôi không thể làm hết mọi thứ. Chúng tôi không thể chạm vào luật của tiểu bang cho phép một cá nhân mua vũ khí tấn công và sau đó giết rất nhiều người. Chúng tôi chỉ có thể vào cuộc sau đó.”   (Xavier Becerra)

 

“Có rất nhiều thứ chúng tôi đang làm. Chúng tôi không thể làm hết mọi thứ. Chúng tôi không thể chạm vào luật của tiểu bang cho phép một cá nhân mua vũ khí tấn công và sau đó giết rất nhiều người. Chúng tôi chỉ có thể vào cuộc sau đó.” Xavier Becerra.

 

https://media.npr.org/assets/img/2023/03/24/gettyimages-1247951689-3577e6ebdd6d80dffde38e33b6dfc8394e7104b2-s1200-c85.webp

Bộ Trưởng Bộ Y tế và Nhân sinh vụ Xavier Becerra tại một cuộc họp báo ở trụ sở HHS ở Washington, DC vào ngày 9 tháng 3 năm 2023. Becerra cho biết bạo lực súng đạn góp phần làm giảm tuổi thọ ở Hoa Kỳ. Drew Angerer/Getty Images

 

Giám đốc CDC Rochelle Walensky đã trả lời bằng cách liệt kê một số công việc của CDC  về mặt sức khỏe tâm thần và vaccine, và quyền giám đốc NIH, Larry Tabak, đã nhắc đến nghiên cứu về sự chênh lệch về sức khỏe.

 

HHS đã không trả lời câu hỏi tiếp theo về việc liệu cơ quan này có duyệt xét việc thành lập một ủy ban quốc gia hoặc nỗ lực tương tự nhằm giải quyết vấn đề giảm tuổi thọ và sức khỏe kém của người Mỹ hay không.

 

Sawhney cho rằng chính phủ liên bang nên cố gắng hơn nữa để khắc phục những vấn đề được ghi lại trong phúc trình “Shorter Lives”. Ông ấy không nghĩ rằng thiếu nhận thức cộng đồng là vấn đề. Ông nói :

 

“Tôi thực sự nghĩ rằng hầu hết người Mỹ đều biết rằng người Mỹ thừa cân và béo phì hơn so vớ dân nước khác và chúng ta có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn và sống không lâu nhưng dân ở những quốc gia khác. Chỉ có NIH và CDC không muốn nhận trách nhiệm về thất bại đó hoặc làm bất cứ điều gì về nó.”  (Ravi Sawhney)

 

Crimmins cho biết, theo kinh nghiệm của bà, giới lập pháp và công chức y tế của chính phủ liên bang không thích nói về việc Hoa Kỳ đang tụt hậu so với những quốc gia khác ra sao.

Bà nhớ lại :

 

“Tôi đã triệu tập một cuộc họp ở Washington với Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia [một phần của CDC] về việc tăng tuổi thọ khỏe mạnh. Đó là một cuộc họp tương đối nhỏ, nhưng chúng tôi đã mời cả những chuyên gia Canada.”  (Eileen Crimmins)

 

Một viên chức chính phủ lúc đó đã nói ra điều mà bà ấy gọi là phản ứng “điển hình”, nói rằng: “Ồ, chúng ta không thể có bất cứ điều gì ngoài giải pháp của Mỹ cho những vấn đề này — chúng ta không thể lắng nghe các quốc gia khác.”

 

Haaga nói: “Những nghiên cứu quốc tế không được ưa chuộng – chúng sẽ không bao giờ như vậy. Vấn đề với nước ngoài là họ không ở khu vực cử tri của ai đó.”

 

Woolf nói, đó không chỉ là một cơ hội bị bỏ lỡ. Đó là một bi kịch. Ông nói:

 

“Nếu bạn cộng thêm số người chết ở Hoa Kỳ vì vấn đề đang diễn ra này, thì nó sẽ làm những gì đã xảy ra trong thời kỳ COVID–19 chẳng đi đến đâu, dù COVID–19 đã hết sức kinh khủng.  Chúng ta đã mất thêm nhiều người Mỹ nữa vì vấn đề mang tính hệ thống kéo dài này. Và nếu vấn đề mang tính hệ thống không được giải quyết, nó sẽ tiếp tục cướp đi sinh mạng người Mỹ trong tương lai.:   (Steven Woolf)

 

.

Chiến thắng nhỏ là chuyện khả dĩ

 

Haaga nói:

 

“Việc xem xét những nguyên nhân khiến người Mỹ ốm yếu hơn và chết trẻ hơn có thể là điều quá sức. Đó là một danh sách dài, đó có thể là một phần lý do tại sao vấn đề đó không thu hút được mọi người. Họ chỉ nói, ‘Ôi trời, thật là chán, bên kia có gì vậy?’ Nhưng có rất nhiều điều có thể được thực hiện, và những chiến thắng nhỏ là những chiến thắng.” (John Haaga)

 

Theo báo cáo “Shorter Lives”, “điểm quan trọng về bất lợi về sức khỏe của Hoa Kỳ không phải là Hoa Kỳ đang thua trong cuộc cạnh tranh với các nước khác, mà là người Mỹ đang chết và chịu đựng với tốc độ rõ ràng là không cần thiết.”

 

Thay vì cảm thấy choáng ngợp trước vô số vấn đề, Sawhney gợi ý, thay vào đó nên tập trung vào thực tế là mọi quốc gia giàu có khác đã có thể tìm ra cách giúp mọi người sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn. Ông nói, điều đó có nghĩa là người Mỹ cũng có thể làm được.

Ông tin rằng những thay đổi có thể không khó như một số nhà hoạch định chính sách và giới chức y tế dường như nghĩ. Sawhney nói :

 

“Bạn hãy nhìn vào những quốc gia khỏe mạnh hơn này, họ là những quốc gia tự do — Anh, Pháp, Ý — họ không cấm những món ăn ngon. Họ không xíềng mọi người vào máy chạy bộ. Người Mỹ thích đi du lịch đến châu Âu, Australia, Canada để thưởng thức ẩm thực và phong cách sống của họ, vì vậy ý tưởng mà chúng ta có thể nói, ‘Này, có lẽ chúng ta có thể mang một số phong cách sống đó trở về Mỹ’ – tôi không nghĩ mọi người sẽ nổi dậy vì chúng ta đang lấy đi quyền tự do của họ.”  (Ravi Sawhney)

 

Woolf cho biết thêm, lấy ý tưởng chính sách từ các quốc gia khác chỉ là một hành động và thái  độ rõ ràng. Ông nói, “Nếu một người Hỏa tinh xuống trái đất và nhìn thấy tình cảnh này, sẽ rất trực quan khi bạn nhìn vào các quốc gia khác đã có thể giải quyết vấn đề này và áp dụng những bài học kinh nghiệm.

 

Trong nghiên cứu lịch sử mà ông ấy đã thực hiện, “Tôi nhân ra rằng có hàng chục và hàng chục quốc gia trên hầu hết những châu lục trên thế giới đã vượt trội so với Hoa Kỳ trong 50 năm. Thật đáng để xem những gì họ đã làm và Mỹ hóa nó — bạn không cần phải làm ngay lập tức.

 

Một số chính sách mà ông ấy xác định là hữu ích gồm cả chăm sóc sức khỏe toàn dân, dịch vụ y tế được phối hợp tốt hơn, bảo vệ an toàn và tốt cho sức khỏe, trẻ em thuộc mọi giới được đi học và đầu tư nhiều hơn để giúp trẻ em có một khởi đầu khỏe mạnh. Ông nói, những chính sách này đang “được đền đáp xứng đáng,” và cũng có thể đem lại lợi ích cho người Mỹ.

 

© 2023 DCVOnline

 

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


 

Nguồn: ‘Live free and die’? The sad state of U.S. life expectancy | Selena Simmons–Duffin |  NPR | 03/25/2023.Minh  họa của Ashley Ahn; Diane Webber hiệu đính.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats