Thursday 20 October 2022

XẾP HẠNG TỰ DO INTERNET 2022 : NGA TỤT ĐIỂM NGHIÊM TRỌNG NHƯNG VẪN HƠN VIỆT NAM (RFA)

 



Xếp hạng Tự do Internet 2022: Nga tụt điểm nghiêm trọng nhưng vẫn hơn Việt Nam

RFA
2022.10.20

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/freedom-on-the-net-2022-russia-falls-sharply-but-still-higher-than-vietnam-10202022065717.html

 

Việt Nam đứng thứ năm trong nhóm sáu quốc gia có điểm số thấp nhất toàn cầu về tự do Internet, xếp ngay sau Nga - quốc gia tụt hạng nghiêm trọng trong năm nay vì cuộc chiến xâm lược đối với nước láng giềng Ukraine.

 

Tổ chức Freedom House hôm 18/10 công bố báo cáo mang tên Freedom on the Net 2022 (Tự do trên Mạng 2022), quốc gia độc đảng ở Đông Nam Á tiếp tục bị liệt vào nhóm "không có tự do" Internet với điểm số 22 theo thang điểm 100 là tự do hoàn toàn.

 

Cụ thể, Việt Nam có 12 điểm ở mục những trở ngại tiếp cận, 6 điểm ở mục giới hạn nội dung và 4 điểm ở tiêu chí những vi phạm quyền của người sử dụng.

 

26/70 quốc gia được khảo sát có điểm số cải thiện trong năm 2022, trong khi đó Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ so với năm ngoái, bốn quốc gia theo sau là Cuba (20), Iran (16), Myanmar (12) và Trung Quốc (10).

 

Trong khi đó, với việc chính quyền Putin kiểm duyệt tin tức về cuộc xâm lược ở Ukraine, chỉ số tự do Internet của Nga tụt từ 30 trong năm 2021 xuống còn 23 trong năm nay.

 

Bình luận về điều này, ông Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập Luật Khoa Tạp Chí, người có đóng góp vào báo cáo của Freedom House, nói với Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn:

 

“Về điểm số đúng là Việt Nam dậm chân tại chỗ, nhưng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ ngày càng quản lý Internet chặt hơn, kiểm duyệt nội dung trên mạng gắt gao hơn, bỏ tù và phạt hành chính nhiều người hơn với mức phạt cao hơn.

Chính phủ Việt Nam cũng thu thập dữ liệu online của công dân ở quy mô lớn hơn, và ngày càng ép được các công ty công nghệ nước ngoài như Facebook, Google tuân thủ các yêu cầu của chính phủ hơn.”

 

Ông cho rằng điểm số của Việt Nam giữ nguyên so với năm ngoái mặc dù tự do Internet tệ đi, tuy nhiên cũng theo ông Long có lẽ tình hình chưa tệ đến mức có thể hạ điểm của Việt Nam trong nhiều tiêu chí xuống ngang với Trung Quốc.

 

Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ chuyên thực hiện nghiên cứu và vận động về dân chủ, tự do chính trị và nhân quyền trên thế giới, dẫn báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cho biết, tỷ lệ sử dụng Internet ở quốc gia Đông Nam Á này là 71% vào cuối năm 2021.

 

Tính đến tháng 12 năm 2021, tín hiệu 4G phủ sóng 99,8% lãnh thổ Việt Nam, trong khi 5G đã được thử nghiệm tại 16 tỉnh, tuy nhiên các "sự cố đứt cáp Internet" xảy ra nhiều lần trong giai đoạn cả nước bị phong tỏa vì đại dịch COVID-19.

 

Cũng theo Freedom House, các nhà chức trách Việt Nam thiết lập một hệ thống lọc nội dung hiệu quả, việc kiểm duyệt thường nhắm vào các blog hoặc trang web nổi tiếng có nhiều người theo dõi, cũng như nội dung được coi là đe dọa đến sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, bao gồm thảo luận về bất ổn xã hội hoặc bất đồng chính kiến, vận động cho nhân quyền và dân chủ, và chỉ trích phản ứng của chính phủ ở biên giới và các tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc.

 

Việc truy cập vào các trang web quốc tế như của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và các ấn bản tiếng Việt của Đài Á Châu Tự do (RFA), BBC không ổn định và không thể đoán trước được.

 

Ông Trịnh Hữu Long đưa ra dự báo, Việt Nam "đang đi theo mô hình độc tài kỹ thuật số của Trung Quốc, mặc dù còn xa mới đạt được năng lực kiểm soát Internet như Trung Quốc.”

 

Trả lời câu hỏi người dân và các nhà hoạt động có thể làm gì để chính phủ dỡ bỏ các hạn chế Internet trong thời gian tới trong bối cảnh Việt Nam vừa mới được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, ông nói:

 

“Hội đồng Nhân quyền, rất tiếc không phải là cơ chế đủ mạnh để gây được sức ép với chính phủ Việt Nam làm gì đó có ý nghĩa thực chất về nhân quyền. Việc Việt Nam được bầu thậm chí còn chính danh hoá những gì chính phủ đã và đang làm.

Các nhà hoạt động có thể tiếp tục làm những gì họ vẫn đang làm, tôi nghĩ điều đó là tốt và cần thiết, nhưng nếu đặt mục tiêu chính phủ sẽ dỡ bỏ một số hạn chế Internet thì tôi e rằng quá xa vời.” 

 

Báo cáo được thực hiện một cách công phu cho biết, mặc dù không có cuộc tấn công mạng nào nhằm vào các nhà bảo vệ nhân quyền và các trang web truyền thông được tiết lộ công khai trong thời gian tiến hành khảo sát, nhưng các báo cáo trước đây cho thấy rằng chính phủ và các ban ngành liên quan có khả năng đã tiếp tục sử dụng chiến thuật này.

 

Một chuyên gia bảo mật Internet ở Việt Nam giấu tên vì lý do an ninh cho rằng:

"Cách tốt nhất để có thể cải thiện tình hình là từng bước nâng cao ý thức bảo mật của người dùng Internet, rồi từ đó họ sẽ tự hiểu được quyền riêng tư của họ có ý nghĩa ra sao. Nếu mỗi người biết cách tự bảo vệ tốt không gian quyền riêng tư của mình thì sẽ có thể tự thúc đẩy được tự do Internet."

 

Chính phủ Việt Nam là một trong ít nhất 55 nhà cầm quyền trên thế giới áp dụng chính sách điều tra, bắt giữ và kết tội những người đưa lên mạng xã hội những bài viết của họ.

 

Từ đầu năm đến nay, có ít nhất 40 nhà hoạt động và Facebooker bị bắt hoặc bị kết án, phần lớn trong số này bị cầm tù với những tội danh mơ hồ như “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”





No comments:

Post a Comment

View My Stats