Monday 10 October 2022

VIỆT NAM và NGA VẪN THẮT CHẶT GIAO THƯƠNG, CHO DÙ MOSCOW BỊ PHƯƠNG TÂY TRỪNG PHẠT (Thu Hằng / RFI)

 



Việt Nam và Nga vẫn thắt chặt giao thương, cho dù Matxcơva bị Phương Tây trừng phạt

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 10/10/2022 - 14:30

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20221010-viet-nam-nga-van-that-chat-giao-thuong-bat-chap-trung-phat-phuong-tay

 

Sau thời gian đầu chững lại vì Matxcơva phát động chiến tranh ở Ukraina, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Nga dần hồi phục, dù vẫn có thể bị tác động sau loạt trừng phạt mới đây của phương Tây về việc Matxcơva sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraina. Một lần nữa, ngày 06/10/2022, Việt Nam lại tránh lên án Nga, chỉ tiếp tục kêu gọi các bên liên quan“giải quyết vấn đề hòa bình”“tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a0b4a9b2-47e0-11ed-ba9b-005056a9a7b9/w:1024/p:16x9/AP20160088454703.webp

Ảnh minh họa : Tầu container tại cảng Sài Gòn, Việt Nam, ngày 03/05/2020. AP - Hau Dinh

 

Theo thống kê của Hải Quan Việt Nam (1), tổng kim ngạch thương mại hai chiều Nga - Việt trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt 2,48 tỷ đô la, giảm 27,74% so với cùng kỳ 2021. Việt Nam nhập siêu từ Nga, kim ngạch nhập khẩu gần 1,4 tỷ đô la, tăng 8,6% so với năm 2021. Hà Nội tăng nhập khẩu từ Nga nhiều loại vật tư thiết yếu cho sản xuất : than (tăng 57,1%, nhằm bổ sung cho nhu cầu năng lượng ngày càng cấp bách vì Việt Nam hiện là một trong những trung tâm công nghiệp trong vùng), gỗ và sản phẩm gỗ (59,38%, bảo đảm nguồn cung cho sản xuất đồ nội thất, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất), thủy sản (73,5%), dược phẩm (114,91%), chất dẻo nguyên liệu (155,04%). Hàng hóa Việt Nam xuất sang Nga đang tăng trở lại, đặc biệt là nông sản, thủy sản.

 

Việt Nam không sợ bị “vạ lây” khi tiếp tục giao thương với Nga

 

Có thể thấy Nga và Việt Nam tìm cách tránh được tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhất là những xáo trộn trong thời gian đầu về vận tải và hệ thống thanh toán (do Nga vị loại khỏi hệ thống Swift). Trả lời RFI ngày 05/10, giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu IRSEM, Trường Quân sự Pháp (Ecole militaire), phân tích về quyết định của Hà Nội duy trì trao đổi thương mại với Nga :

 

“Lập trường Việt Nam đưa ra sau khi Nga phát động cuộc tấn công Ukraina là khẳng định tính trung lập, không muốn chỉ đích danh bên gây chiến. Tuyên bố của Hà Nội nhắc đến độc lập của các nước, chủ quyền quốc gia và không đi xa hơn. Khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết về các biện pháp trừng phạt Matxcơva, Việt Nam đã bỏ phiếu trắng, cho thấy rõ là không muốn lên án hành động xâm lược của Nga. Điểm này không có gì là mới bởi vì lúc Nga chiếm bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014, Hà Nội cũng không lên án.

 

Đối với Việt Nam, Nga là một đối tác chính trị, kinh tế và chiến lược cơ bản. Trùng hợp ngẫu nhiên là năm 2022, Hà Nội và Matxcơva kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đây không phải là lúc để có thể thực sự chỉ trích tổng thống Vladimir Putin”.

 

Vào đầu tháng 03, sau loạt trừng phạt đầu tiên nhắm vào Nga, chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga Lê Trường Sơn cho rằng trong cuộc khủng hoảng vẫn có cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi các công ty nước ngoài rời đi, bỏ lại những thị phần có thể tiếp cận. Nói một cách khác, Việt Nam chỉ mất một thời gian đầu để theo dõi và thích ứng với tình hình. Việt Nam không sợ rủi ro trực tiếp từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga ?

 

Ông Benoît de Tréglodé phân tích tiếp :

 

“Việt Nam không hẳn là sợ những biện pháp trừng phạt đó. Cần nhớ là hiện giờ, Việt Nam đang được nhiều nước phương Tây lưu ý, đặc biệt là Mỹ, trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Có thể nói, tầm quan trọng địa-chiến lược, địa-chính trị mà Việt Nam tạo được từ vài năm gần đây đang bảo vệ họ khỏi các kiểu trừng phạt trực tiếp từ phương Tây. Các nhà lãnh đạo Việt Nam biết điều này. Và ngay từ đầu, cùng với hầu hết các nước Đông Nam Á, họ đã cho thấy rằng mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột hay việc Nga can thiệp quân sự vào Ukraina sẽ không hạn chế, ngăn cản được quan hệ thương mại, trao đổi kinh tế song phương.

 

Thông thường, lẽ ra phải kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, nhưng năm 2022 lại đầy những thông báo khá ngoạn mục về hợp tác kinh tế giữa hai nước. Đứng từ góc độ này, quyết định hồi tháng 9 về việc lập tuyến vận tải đường biển - đường sắt mới giữa Việt Nam và Nga để có thể phát triển, tăng cường trao đổi thương mại song phương và được đưa tin rầm rộ được coi là một yếu tố cho thấy quan hệ đối tác giữa hai nước đã vượt khỏi bối cảnh Nga bị cộng đồng quốc tế đưa vào danh sách đen”.

 

Lập thêm tuyến vận tải mới để độc lập với phương Tây và Trung Quốc

 

Tuyến vận tải đường biển - đường sắt được kết nối ngày 06/09/2022 tại Vladivostok, bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông, là tuyến trực tiếp giữa hai nước, không qua một nước thứ ba. Hàng hóa xuất phát từ cảng ở Việt Nam đến thẳng Vladivostok ở vùng Viễn Đông Nga, từ đây được đưa lên tàu hỏa chuyển sang miền tây Nga. Tất cả do công ty Đường sắt Nga (RDZ) và tập đoàn vận tải đường biển FESCO của Nga phối hợp với các đối tác Việt Nam nhằm “giúp giảm thời gian - yếu tố quan trọng trong ngành vận tải - và thủ tục hành chính khi vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến phía tây nước Nga”, theo chủ tịch Hội đồng Quản trị Đường sắt Nga (RZD). Đây là một phần nỗ lực của Nga để khắc phục việc nhiều hãng tàu lớn quốc tế (Maerk Line, MSC, CMA CGM, Hapag-Lloyd) đồng loạt thông báo tạm ngừng đến và đi từ Nga ngay từ đầu tháng 03.

 

Theo giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, không có tính toán địa-chính trị đằng sau quyết định thành lập tuyến đường mới, không phụ thuộc vào Trung Quốc hoặc một nước thứ ba :

 

“Mọi lý do đều thuần túy mang tính kinh tế, thời gian vận chuyển. Khối lượng hàng hóa trao đổi giữa hai nước tăng rất mạnh. Thách thức trực tiếp chính là kinh tế. Về phía Trung Quốc, chúng ta thấy là từ một, hai năm nay, các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, đôi khi không được giám sát kỹ của chính quyền đã tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng và hoạt động kinh tế ở Trung Quốc.

 

Những vấn đề này tác động đến kinh tế Việt Nam. Tác động tích cực là nhiều công ty nước ngoài hoặc phương Tây vẫn đóng tại Trung Quốc chuyển hoạt động sang nơi khác, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, phải kể đến hệ quả là việc vận chuyển xuyên qua lãnh thổ Trung Quốc trở nên bất trắc và phức tạp hơn do hàng loạt lý do liên quan đến phong tỏa nghiêm ngặt. Chính sách chống Covid-19 của Bắc Kinh cũng gây tác động kinh tế cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có hoạt động vận tải trên lãnh thổ Trung Quốc của các tập đoàn nước ngoài.

 

Do đó, quyết định này không phải vì lý do địa-chính trị. Việt Nam không tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc vì lý do chính trị. Các doanh nghiệp Việt Nam giao thương nhiều hơn với Nga cần bảo đảm mạch nối với Nga và cần có những chuỗi cung ứng ít bất trắc hơn.

Chúng ta biết rõ là trong kinh doanh, sự bất trắc là điều làm tăng giá cả. Sự bất trắc trong chính sách kinh tế của Trung Quốc đối với tình hình dịch tễ hay cách xử lý tình hình dịch của chính quyền gây bất an đặt các tác nhân kinh tế vào thế bị động. Điều này cũng giải thích cho chủ trương thiết lập hoặc mở những tuyến đường vận tải mới sang Nga cho các nhà công nghiệp Việt Nam”.

 

Song song đó, Nga cũng tăng cường phương thức vận tải đường sắt liên vận trên những tuyến hoạt động từ trước của công ty RZD Logistics, thuộc tập đoàn Đường sắt Nga, hợp tác với nhà điều hành kho vận Ratraco của Việt Nam. Tuyến thứ nhất, ra mắt từ tháng 12/2017, từ ga Vorsino (tỉnh Kaluga, phía tây Nga) đến Zabaikalsk (giáp vùng Nội Mông của Trung Quốc) đi xuyên Trung Quốc (Mãn Châu Lý, Bằng Tường), đến ga Yên Viên ở Hà Nội. Tuyến thứ hai, được khai thác từ tháng 07/2021, từ Nga đi qua Kazakhstan sang Trung Quốc và đến ga Yên Viên (Hà Nội) (2).

 

Do nhu cầu vượt quá khả năng cung cấp của dịch vụ này, nên vào mùa Xuân 2022, công ty Nga TransContainer (thuộc tập đoàn Delo) thông báo liên kết lập một hành lang vận tải đường sắt mới, chủ yếu vận chuyển đồ khô, nối từ ga Elektroygli (phía đông Matxcơva) đến Zabaikalsk (giáp vùng Nội Mông, Trung Quốc) đi qua Trung Quốc và đến ga Yên Viên (3).

 

Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé giải thích :

 

“Trước tiên phải nhắc đến là thương mại Việt-Nga bùng nổ trong thời gian này. Đây là yếu tố quan trọng để hiểu lý do khiến hai nước gia tăng, thiết lập hoặc củng cố các chuỗi kết nối với nhau. Trao đổi thương mại đóng vai trò thực sự quan trọng cho nền kinh tế của hai nước. Việt Nam xuất khẩu rất nhiều thiết bị điện tử, điện thoại và cả cà phê, đồ may mặc và nhiều mặt hàng khác sang Nga.

 

Hiện tại, Việt Nam cũng cần rất nhiều nguyên liệu vào lúc chính quyền cố gắng bảo vệ nền kinh tế thời hậu Covid. Nền kinh tế Việt Nam đang rất cần năng lượng, mà thực tế là than đá nhập ồ ạt từ Nga, cũng như các loại kim loại, phân bón, thức ăn cho chăn nuôi và hóa chất. Do đó, có thể thấy sự bổ trợ xuất-nhập khẩu giữa hai nước và càng thúc đẩy hai chính phủ không muốn ngừng quan hệ đối tác kinh tế trong bối cảnh hiện nay”.

 

Nga có thể giúp Việt Nam phát triển vận tải hàng hải

 

Cuối cùng, Việt Nam đang tìm cách phát triển vận tải hàng hải. Việt Nam không có các tuyến đường biển riêng, hoạt động xuất khẩu do các tập đoàn nước ngoài kiểm soát. Trước nhu cầu xuất khẩu tăng vọt, cùng với quyết tâm trở thành một trung tâm dịch vụ logistics quy mô lớn, Việt Nam có ý định kết hợp với hãng tàu MSC (Thụy Sĩ và Ý) xây dựng cảng trung chuyển quốc tế ở Cần Giờ. Trong lĩnh vực phát triển hoạt động vận tải hàng hải, Việt Nam vẫn có thể trông cậy vào Nga, theo nhận định của ông Benoît de Tréglodé :

 

“Vẫn biết Nga hiện không phải là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, đứng hàng thứ 24, nhưng Nga đầu tư vào những lĩnh vực chiến lược. Chúng ta tạm gác lĩnh vực vũ khí, nơi các nhà công nghiệp Nga chiếm khoảng 90% thị trường Việt Nam, thì trong lĩnh vực năng lượng, được coi là chiến lược trong tương lai và giúp ổn định kinh tế của Việt Nam, Nga là một nhân tố quan trọng, đặc biệt là hợp đồng được ký năm 2019 với tập đoàn hạt nhân Rosatom để phát triển một trung tâm nghiên cứu công nghệ và chuẩn bị bán các nhà máy điện hạt nhân dân sự cho Việt Nam.

 

Hơn 30% thị trường khí đốt, tiếp theo là dầu thô Việt Nam hiện nằm trong tay các nhà công nghiệp, đầu tư Nga, như các tập đoàn Gazprom, Rosneft hay Zarubezhneft. Nhìn từ mặt chiến lược, Nga có vị trí trong các lĩnh vực rất nhạy cảm ở Việt Nam và giờ không phải lúc lật lại vấn đề”.

 


(1) VnEconomy, ngày 03/10/2022

(2) (3) Tạp chí Tài chính, ngày 04/03/2022

 

------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

TẠP CHÍ VIỆT NAM

Chiến tranh Ukraina làm tăng giá phân bón, gây khó khăn cho nông dân Việt Nam

 

TẠP CHÍ VIỆT NAM

Việt Nam tìm cách giảm tác động đến nền kinh tế do xung đột Nga-Ukraina

 

NGA - VIỆT NAM - THƯƠNG MẠI

Việt Nam, Miến Điện, Thái Lan thắt chặt quan hệ với Nga để giảm bớt khó khăn kinh tế

 

==================================================

XEM THÊM

 

Tăng trưởng kinh tế: Việt Nam hưởng lợi nhờ Trung Quốc

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 03/10/2022 - 14:48

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20221003-s

 

Theo các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/09/2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 3 ước tính lên tới 13,67% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn đáng kể so với mức dự báo 10-11% được các chuyên gia đưa ra trước đó. Việt Nam được dự báo dẫn đầu châu Á về tăng trưởng 2022 trong lúc kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại nhiều. Tăng trưởng của Việt Nam phần nào hưởng lợi nhờ những khó khăn hiện nay của nền kinh tế Trung Quốc.

 

Trong bản báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương, được công bố ngày 27/09/2022, Ngân hàng Thế giới ( WB ) ghi nhận: “Tăng trưởng tại hầu hết các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã phục hồi trong năm 2022 sau khi bị Covid-19 gây ảnh hưởng, trong khi đó Trung Quốc bị lỡ đà tăng trưởng do nước này  tiếp tục các biện pháp kiềm chế virus.”

Cụ thể, theo WB, Trung Quốc được dự báo sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 2,8% trong năm 2022, giảm mạnh so với 8,1% trong năm 2021. Trái ngược với Trung Quốc, Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng đến 7,2% trong năm 2022, tức là cao hơn mức dự báo 5,3% do chính WB đưa ra trong báo cáo vào tháng 4.

 

ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng

 

Trước đó, trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) cập nhật năm 2022, được công bố ngày 21/09, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023.

 

Theo ADB, “kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu được khôi phục, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong năm nay”. Báo cáo của ADB cũng cho rằng, “di chuyển trong nước trở lại hoàn toàn bình thường và việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19 đối với khách nước ngoài sẽ thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2022, và đây là động lực tăng trưởng cho ngành dịch vụ."

 

Lạm phát tăng cao ở Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu đang  làm gia tăng áp lực lạm phát trong nước. Tuy nhiên, theo ADB, “chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam và việc kiểm soát giá hiệu quả, đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu, giúp kiềm chế lạm phát ở mức 3,8% năm 2022 và 4% năm 2023, không thay đổi so với dự báo đã đưa ra trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á vào tháng 4/2022”.

 

Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô ngày 12/09 tại Hà Nội, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, nhắc lại là trong tháng 7, IMF  cũng đã tăng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 từ 6% lên 7%. Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á và khu vực ASEAN mà cơ quan này tăng dự báo tăng trưởng. 

 

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 30/09/2022, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu lên những yếu tố giúp cho tăng trưởng kinh tế năm nay có tốc độ cao như vậy:

 

"Tăng trưởng mạnh của Việt Nam thứ nhất là nhờ nông nghiệp thì vẫn là vững bề. Cơn bão vừa rồi, nhờ Việt Nam đã bố phòng, chuẩn bị rất tốt, nên có gây tác hại nhưng ở mức độ có kiểm soát. Trung Quốc làm quá nghiêm ngặt về chống Covid khiến cho họ thiết hụt một số mặt hàng, kể cả nông lâm thủy sản, thì Việt Nam có thể sẽ giúp Trung Quốc khôi phục phần nào nhu cầu ấy.

Còn về công nghiệp, Việt Nam đã tiếp tục thu hút được đầu tư nước ngoài và xuất khẩu thì đã hồi phục. Nhờ vậy mà sản lượng công nghiệp đã có tăng và đóng góp của  công nghiệp cho GDP đã tăng lên. Ngoài ra, đầu tư công cũng đã được dồn sức lực để cố gắng hoàn thành cho cuối năm nay."

 

Hưởng lợi từ cạnh tranh Mỹ-Trung

 

Trên trang The Diplomat ngày 29/09/2022, chuyên gia về khu vực Đông Nam Á Vincenzo Caporale ghi nhận:

 

 “Gần đây, Việt Nam là nước được hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, vì cạnh tranh này liên quan đến đầu tư nước ngoài trực tiếp ( FDI ). Khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tỏ ra ít thân thiện hơn với doanh nghiệp, và chính sách phòng chống Covid-19 của Trung Quốc trở nên nghiêm ngặt và có vẽ sẽ được duy trì lâu dài, các doanh nghiệp đã bắt đầu tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, để giảm thiểu nguy cơ bị gián đoạn. Trong số đó có các tập đoàn như Apple, Samsung và Hasbro, vốn có những hoạt động sản xuất lâu năm và đáng kể ở Trung Quốc, đã quyết định giảm hoạt động của họ ở nước này.

 

Việt Nam đã được hưởng lợi khi các công ty lớn chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận dụng lợi thế về chi phí thấp, cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi và thành công trong việc giảm thiểu tác động kinh tế của Covid-19. Ví dụ, Foxconn, nhà sản xuất điện tử nổi tiếng có hợp đồng với tất cả các công ty công nghệ lớn, bao gồm cả Apple, tuyên bố sẽ đầu tư 300 triệu đôla vào một nhà máy mới ở miền Bắc Việt Nam. Gần đây, Google đã thông báo  kế hoạch chuyển một nửa sản lượng điện thoại Pixel sang Việt Nam, trong khi Microsoft đã chọn Việt Nam làm nơi sản xuất một phần số lượng Xbox. Một vài năm trước, các tập đoàn nói trên chỉ sản xuất những mặt hàng này ở Trung Quốc. Nhìn chung, FDI của Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 6/2022 đã tăng 8,9 %  so với cùng kỳ năm 2021.”

 

Tuần báo The Economist của Anh trong bài viết đăng ngày 22/09 cũng ghi nhận: 

 

“Việt Nam có nhiều lợi thế. Lực lượng lao động của Việt Nam sẽ vẫn còn trẻ và linh động, trong khi dân số Trung Quốc già đi và giảm bớt. Việt Nam vẫn là một thành viên tích cực của hơn một chục hiệp định thương mại tự do, cho phép tiếp cận dễ dàng hơn thị trường của các nước. Về phòng chống Covid-19, các nhà lãnh đạo chính trị của Việt Nam cũng ít nghiêm ngặt hơn so với Trung Quốc. Việt Nam đã mở lại hoàn toàn biên giới vào tháng 3, trong khi đó Trung Quốc vẫn giữ nhiều rào cản nhập cảnh.

 

Đất nước khoảng 100 triệu dân này cũng có những điều kiện thuận lợi về mặt địa lý, chẳng hạn như có hơn 3.000 km bờ biển. Và Việt Nam nằm ở ngay ngưỡng cửa Trung Quốc. Nhờ đã đầu tư rất cho các cơ sở hạ tầng cho như đường xá, khu công nghiệp điện tử của Việt Nam chỉ cách Thâm Quyến, thủ đô công nghệ của Trung Quốc, 12 giờ lái xe. Một nhà điều hành khu công nghiệp cho biết: “Quý vị chẳng cần phải đổi mới chuỗi cung ứng của quý vị ở đây”. 

 

 

Còn nhiều rủi ro 

Tuy nhiên, viễn cảnh tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới không hoàn toàn thuận lợi, vì có rất nhiều yếu tố rủi ro do tình hình kinh tế thế giới vẫn rất bất ổn. 

 

Trong bản báo cáo ngày 21/09, ADB đã cảnh báo, “kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng. Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tình trạng thiếu hụt lao động dự kiến sẽ tác động đến sự phục hồi nhanh chóng của các ngành dịch vụ và sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động trong năm 2022.” 

 

Đối với chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, mức tăng đầu tư nước ngoài ở Việt Nam  chưa thật sự vững bền:

 

" Đầu tư nước ngoài có hồi phục, nhưng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và vẫn chưa bằng thời kỳ trước Covid. Thật ra các nhà đầu tư nước ngoài chưa rời bỏ Trung Quốc, mà họ chỉ chuyển một phần công xưởng của họ sang Việt Nam, những phần mà họ nghĩ là có thể tận dụng được lực lượng lao động giá rẽ ở Việt Nam. 

 

Để thu hút đầu tư lâu bền, Việt Nam cần phải nâng cấp kết cấu hạ tầng, nhất là công nghệ thông tin. Thứ hai là phải đào tạo và bồi dưỡng một tầng lớp lao động có chất lượng cao. Đó là lĩnh vực rất khó khăn. Thứ ba là phải cải cách thể chế, chuyển mạnh sang chính phủ điện tử, chuyển mạnh sang kinh tế số và kết nối trực tiếp các chuỗi giá trị của Việt Nam với các chuỗi giá trị trên thế giới.

 

Trong các lĩnh vực đó, cải cách thể chế là khâu then chốt. Có cải cách thể chế thì lúc đó mới phát triển được kinh tế tư nhân trong nước và thu hút được đầu tư nước ngoài, cũng như thúc đẩy việc cải thiện kết cấu hạ tầng."

 

Trong bài viết đăng ngày 29/09 trên trang The Diplomat, chuyên gia Vincenzo Caporale cũng lưu ý: 

 

“Việt Nam phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng đối với tăng trưởng trong tương lai. Yếu tố hạn chế nhất là quy mô dân số của Việt Nam, sẽ không bao giờ vượt quá một phần nhỏ của Trung Quốc. Tương tự, lực lượng lao động của Việt Nam có kỹ năng tương đối thấp, nguồn cung năng lượng đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu và mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong phát triển cơ sở hạ tầng, Việt Nam vẫn đứng thứ 47 trong số 160 quốc gia về lĩnh vực này.”

 

Kinh tế thế giới bất ổn

 

Ấy là chưa kể tình hình kinh tế thế giới hiện nay vẫn còn rất bất ổn, đặc biệt là với nguy cơ suy thoái đang đe dọa châu Âu và điều này ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Chuyên gia Lê Đăng Doanh nhấn mạnh:

 

" Hiện nay, xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng đến 236% GDP của Việt Nam. Cho nên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào hồi phục của kinh tế thế giới, nhất là hồi phục của kinh tế Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và hồi phục của kinh tế Trung Quốc, thị trường mà Việt Nam nhập khẩu rất nhiều." 

 

Nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục trì trệ như hiện nay do chính sách chống Covid quá nghiêm ngặt, điều này sẽ có tác động đến xuất nhập khẩu của Việt Nam? Chuyên gia Lê Đăng Doanh giải thích:

 

" Một mặt, nó tạo điều kiện cho Việt Nam có thể xuất khẩu, nhưng một mặt nó cũng gây khó khăn cho việc nhập khẩu các mặt hàng của Trung Quốc. Chính vì vậy mà Việt Nam đã đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu, tăng cường nhập khẩu từ Ấn Độ, Bangladesh và từ một số nước khác ở Trung Đông."

 

Tuần báo Anh The Economist trong bài viết đăng ngày 22/09 thì khuyến cáo Việt Nam:  

 

“ Vẫn còn nhiều việc phải làm nếu các nhà máy của Việt Nam muốn tiến xa hơn trong chuỗi giá trị. Cơ sở sản xuất của Việt Nam vẫn hạn chế hơn nhiều so với Trung Quốc. Các công ty nước ngoài vẫn muốn mua được nhiều linh kiện trong nước hơn, vì như vậy nhanh hơn và thuận tiện hơn so với việc chỉ tìm được nguồn cung ứng ở bên kia biên giới. Nhưng họ thường không tìm thấy những gì họ tìm kiếm.”

 

Tuần báo Anh nêu ví dụ nhà máy Hanpo Vina, chuyên sản xuất và gia công các công đoạn của sản phẩm nhựa (bao gồm cả lắp ráp) cho các ngành công nghiệp Điện Tử, Viễn Thông, Linh kiện xe máy, Thiết bị gia dụng,…Nhà máy này “không chỉ minh họa cho những gì Việt Nam đã đạt được, mà còn cả những giới hạn của thành công đó”. Tờ báo viết: “Đây là một trong số hiếm hoi các nhà cung cấp phụ tùng cho một nhà sản xuất quan trọng của nước ngoài. Nhưng các mảnh nhựa mà nhà máy này tạo ra là một trong những thứ đơn giản nhất trong điện thoại Galaxy của Samsung. Hơn nữa, máy ép nhựa của công ty được nhập khẩu từ Hàn Quốc. Nhựa mà họ đúc thành hàng nhựa có xuất xứ từ Trung Quốc. Loại công việc này nằm ở cấp thấp hơn của chuỗi giá trị điện tử, được trả mức lương thấp hơn và dễ dàng hơn cho các quốc gia khác có lao động phổ thông”.

 

The Economist viết tiếp: “Việt Nam cũng không thể sao chép theo Trung Quốc hay Hàn Quốc. Toàn cầu hóa nay không còn được ưa chuộng. Các thị trường lớn đang tìm kiếm lại. Các hiệp định thương mại nghiêm cấm các trợ giúp của nhà nước mà một số quốc gia khác đã sử dụng để đi từ nghèo đói đến thịnh vượng (…)

 

Đầu tư nước ngoài có ích, nhưng sẽ cần thời gian để cho thấy kết quả. Năm tới, Samsung sẽ mở một trung tâm nghiên cứu tại thủ đô Hà Nội. Họ cũng đang xem xét việc xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn trong nước (...)

 

Người lao động ở Việt Nam rất dồi dào, nhưng những nhà quản lý tài năng thì rất hiếm. Các kỹ thuật viên lành nghề cũng thiếu. Nếu Việt Nam muốn trở nên giàu có bằng Trung Quốc, chứ chưa nói đến bằng Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan, họ sẽ phải đầu tư không chỉ vào cơ sở hạ tầng, mà còn vào cả con người của họ".

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats