Tuesday 25 October 2022

VIỆT NAM ĐƯA QUYỀN CON NGƯỜI VÀO CƠ SỞ GIÁO DỤC QUỐC DÂN SAU HƠN 5 NĂM TRỄ HẸN (RFA)

 



Việt Nam đưa quyền con người vào cơ sở giáo dục quốc dân sau hơn năm năm trễ hẹn

RFA

2022.10.25

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-bring-human-rights-to-education-after-5-years-delay-10252022104716.html

 

Theo Đài truyền hình Việt Nam (VTV), ngày 19/10, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng khẳng định sẽ khẩn trương đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục quốc dân.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-bring-human-rights-to-education-after-5-years-delay-10252022104716.html/@@images/b7c8be9c-72ff-41e7-ba28-d705b81212e4.jpeg

Công an đứng canh ngoài tòa án ở TPHCM nơi xử bốn nhà hoạt động nhân quyền hôm 20/1/2010 (hình minh họa) .  Reuters

 

Phát biểu được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đề án đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân.

 

Ông Thắng đưa ra khẳng định chỉ sau hơn một tuần kể từ khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 11/10 nhiệm kỳ 2023 - 2025. Lời khẳng định này của một lãnh đạo Đảng Cộng sản gây khó hiểu cho các thanh thiếu niên.

 

Một bạn trẻ (giấu tên vì lý do an ninh) đang theo học Văn Lang năm cuối, hiện đang sống ở Sài Gòn có ý kiến :

“Quyền con người ở Việt Nam được quy định trong Hiến pháp và luật, trong Tuyên ngôn cũng có đề cập. Quyền này mặc định được trao cho tất cả mọi người, từ trước giờ nó đã được quy định chứ không phải mới đây, quan trọng là mọi người được tiếp cận ít hay nhiều. Bây giờ đưa vô giảng dạy cũng tốt, nhưng tôi không hiểu là tại sao lại chọn thời điểm này?”

Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Hồ Chí Minh có viết: "Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Câu văn trên cũng có trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Một số nội dung tương tự cũng được Liên Hợp Quốc cam kết và quy định tại Hiến chương Liên Hợp Quốc.

 

Bạn N.M.D đang làm việc tự do tại Sài Gòn chia sẻ qua tin nhắn :

’Tôi cảm thấy cũng tốt, giúp học sinh hiểu biết hơn về quyền và nghĩa vụ của công dân. Chứ lúc tôi còn đi học, mấy cái quyền và nghĩa vụ đó tôi chỉ được biết sơ qua ở môn giáo dục công dân, tôi hơi bị khó trong việc phổ cập kiến thức về quyền con người.”

 

Bạn nữ cũng chia sẻ thêm, gần đây có quan tâm về quyền con người vì thường các giáo trình Hiến pháp thường chỉ được giảng dạy ở các trường Luật. Trong một số trường đại học cũng rất ít giảng dạy, nếu có cũng khá sơ sài. Bạn cũng hy vọng quyền con người sẽ sớm được đưa vào các cơ sở giáo dục.

 

Theo chỉ thị số 34/CT-TTg được ký ban hành ngày 21/12/2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ giáo dục quyền con người cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị, các đơn vị công lập và doanh nghiệp nhà nước.

 

Trước đó, vào tháng 9 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có một quyết định đưa đề án nội dung quyền con người vào chương trình trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, theo Chỉ thị, sau hơn năm năm triển khai quyết định này, “việc tổ chức triển khai đề án vẫn “còn hạn chế, một số mục tiêu đặt ra của Đề án chưa đạt được, chưa phát huy hết tác động tích cực của việc triển khai Đề án”.

 

Một nhà hoạt động về quyền sinh viên trong nước (anh vừa bị an ninh sách nhiễu nên không muốn nêu tên) nhận xét việc đưa quyền con người vào cơ sở giáo dục quốc quốc là động thái hưởng ứng sự thành công của Việt nam khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc :

“Tôi hoài nghi rằng cái gọi là quyền con người khi đưa vào các cơ sở giáo dục công dân tại Việt Nam thực chất chỉ là "quyền con người định hướng xã hội chủ nghĩa". Nó là thứ quyền con người nhưng phải đi đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, nếu thực hành quyền con người mà không đúng ý Đảng thì sẽ "khó sống như một con người" ở Việt Nam”.

 

Nhà hoạt động nhân quyền cũng nhắc đến vấn đề về Luật Biểu tình đã bị Quốc hội khất lần nhiều năm qua:

“Quyền con người cũng đã được hiến định tại Việt Nam. Nhưng Hiến pháp là một chuyện, còn thực thi pháp luật lại là chuyện khác. Hiến pháp cho phép công dân đi biểu tình, nhưng luật pháp lại cho rằng người dân tụ tập đông người là gây rối trật tự công cộng.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-bring-human-rights-to-education-after-5-years-delay-10252022104716.html/2012-12-09t120000z_2013521353_gm1e8c914gt01_rtrmadp_3_vietnam-china-protest-1.jpg/@@images/5f23cc8b-f5f7-4f2a-beda-a0876914d70d.jpeg

Công an trấn áp những người biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội hôm 9/12/2012. Reuters

 

Điều 15, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội". Tức là Đảng cộng sản Việt Nam cho rằng "quyền con người phải gắn liền với nghĩa vụ công dân".

 

Theo một bài báo  trên báo Công Thương – cơ quan ngôn luận của Bộ Công thương, phần lớn người dân chỉ hiểu quyền con người về mặt “quyền” mà chưa hiểu hoặc quên đi quyền con người về mặt trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người đối với người khác và xã hội.

 

Nhà hoạt động về quyền sinh viên này cũng bày tỏ quan điểm :

Cho nên khi Đảng Cộng sản đưa quyền con người vào cơ sở giáo dục quốc dân, tôi thấy chưa vội mừng. Mà phải đợi xem họ dạy cái gì, dạy như thế nào và họ có cho học sinh sinh viên thực hành quyền con người không”.

 

Một nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền khác ở trong nước (không muốn nêu tên) cũng có ý kiến có nhận định:

“Tất nhiên trong chế độ độc tài, với kinh nghiệm từ xưa đến giờ thì chế độ sẽ diễn giải các quyền con người theo hướng mà đảng cộng sản muốn để duy trì quyền lực độc tôn, bóp nghẹt nhân quyền.

Nhưng dù sao việc học sinh Việt Nam có khái niệm về các quyền tự do cá nhân sẽ là điều kiện thuận lợi để lan truyền các tư tưởng tiến bộ như nhà nước pháp quyền để bảo vệ quyền con người”.

 

Một tuần trước khi Đại hội đồng LHQ diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu thành viên Hội đồng Nhân quyền, theo báo cáo của các tổ chức gồm UN Watch, Human Rights Foundation, và The Raoul Wallenberg Center for Human Rights, đưa ra hôm 4/10: “Các vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng của Việt Nam bao gồm: giết người trái pháp luật hoặc tùy tiện, tra tấn, điều kiện nhà tù khắc nghiệt và nguy hiểm đến tính mạng, bắt giữ tùy tiện, bắt giữ người ở các quốc gia khác vì trả thù có động cơ chính trị”.

 

Báo cáo cũng trích dẫn số liệu của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới cho thấy, hiện vẫn còn ít nhất 40 nhà báo đang bị chính quyền Việt Nam cầm tù.

 

Ngay trước cuộc bỏ phiếu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, một số tố chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch, Article 19 đã kêu gọi Việt Nam phải có những cải thiện về tình hình nhân quyền để đáp ứng vai trò mới.

 

--------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

·         Việt Nam sẽ có trách nhiệm khi lọt vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc 2023-2025?

·         Việt Nam “làm đủ trò” trước phiên bỏ phiếu của Hội đồng Nhân quyền LHQ

·         Vì sao không bỏ phiếu cho Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc?

·         Kỳ vọng gì về nhân quyền Việt Nam khi Mỹ tái liên kết Hội đồng Nhân quyền LHQ?

·         VN bị chỉ trích tại Hội đồng Nhân quyền LHQ

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats