Tổng quan về sách dịch văn chương Tây Phương ở Nam Việt Nam
Vương Trùng Dương
24 tháng 10, 2022
Dân số miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa) vào cuối
thập niên 60 khoảng 17 triệu người, nông thôn chiếm 70% và thành thị chiếm 30%.
Tuy ở trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng với nền giáo dục khai phóng được mở rộng
tạo cơ hội cho tuổi trẻ trên bước đường học vấn… Về lãnh vực văn chương đã phổ
biến rất nhiều tác phẩm sáng tác, riêng về sách dịch rất phong phú để độc giả
tìm hiểu thêm về văn chương ngoại quốc.
Trong phạm vi bài nầy chỉ đề cập đến Sách Dịch Văn
Chương Tây Phương Ở Miền Nam Việt Nam đã ảnh hưởng lớn với độc giả trong hai thập
niên qua. Đây chỉ liệt kê phần nào trong toàn bộ sách dịch, vì tài liệu sưu tầm
còn thiếu sót và không nhận định, phân tích nên chỉ ghi nhận tổng quát dịch giả,
tác phẩm… – VTrD
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/3-sach-cu-nha-trang.jpg
Một cửa hiệu mua bán sách cũ
*****
Người đầu tiên đặt nền tảng chữ Quốc Ngữ (tiếng
Việt) là giáo sĩ người Bồ Đào Nha thuộc Dòng Tên Francisco de Pina (1585-1625).
Giáo Sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1660) nối tiếp công việc hoàn thiện hơn việc
dùng chữ Quốc Ngữ, hoàn thành cuốn tự điển Dictionarium Annamiticium –
Lusitanium – Latinium (Tự Điển An Nam – Bồ Đào Nha – La Tinh) năm 1651.
Cuốn sách Catechismus “Phép Giảng Tám Ngày” của
giáo sĩ Alexandre de Rhodes được in tại Roma năm 1651. Đây là cuốn sách chữ Quốc
Ngữ đầu tiên của Việt Nam. (Cuốn sách nầy còn lưu trữ ở nhà thờ Mằng Lăng tại
Tuy Hòa, Phú Yên).
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/Bo-Phep-Giang-Tam-Ng.jpg
Cuốn “Phép Giảng
Tám Ngày” của Alexandre de Rhodes lưu giữ tại nhà thờ Mằng Lăng, Phú Yên. Ảnh:
Laodong
Vào cuối thế kỷ XIX, chữ Quốc Ngữ trở thành
văn tự chính thức tại Nam Kỳ vào năm 1882, học giả Petrus Trương Vĩnh Ký
(1837-1898) khi làm quản nhiệm (ngày 16/9/1869) Gia Định Báo, tờ báo đầu
tiên bằng chữ Quốc Ngữ ở miền Nam. Gia Định Báo ra đời ngày 15/4/1865, do người
Pháp Ernest Potteau làm tổng tài (quản nhiệm), đến năm 1869 Trương Vĩnh Ký
(Petrus Ký – Tiếng Latin là Petrus, tiếng Pháp là Pétrus) thay thế Ernest
Potteau. Gia Định Báo chủ trương: Cổ động tân học, truyền bá Quốc Ngữ và giáo dục
quốc âm. Trước đó, chữ Hán và chữ Nôm được phổ biến rộng rãi nên từ khi có chữ
Quốc Ngữ được quảng bá nên các bậc tiền nhân muốn khai phóng qua sách, báo… cho
nền văn học đất nước.
Tại Sài Gòn, trường Trung học Petrus Ký (Lycée
Pétrus Trương Vĩnh Ký) được thành lập năm 1928, là một trong những ngôi trường
nổi tiếng nhất ở miền Nam Việt Nam. Cổng trường Trung học Petrus Ký có khắc
hai câu đối của giáo sư Hán văn Ưng Thiều: “Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt.
Tây Phương khoa học yếu minh tâm!”, có tượng đồng bán thân của cụ ở giữa sân
trường.
Vào đầu thế kỷ XX, học giả Nguyễn Văn Vĩnh
(1882-1936) nhà báo, nhà văn, dịch giả… có công đóng góp cho nền dịch thuật Việt
Nam. Ông là chủ bút đầu tiên tờ Đăng Cổ Tùng Báo, ra đời ngày 28/3/1907,
xuất bản bằng chữ Quốc Ngữ ở Bắc Kỳ.
Lục Tỉnh Tân Văn (1910), Đông Dương tạp chí
(1913), Trung Bắc Tân Văn (1915, nhật báo đầu tiên)… Người đầu tiên dịch Tam Quốc
Chí Diễn Nghĩa từ chữ Hán ra chữ Quốc Ngữ năm 1909. Người đầu tiên dịch các tác
phẩm văn học cổ điển Pháp của Victor Hugo, Honoré de Balzac, Alexandre Dumas,
Molière, La Fontaine … ra tiếng Việt đã đã đăng trên Đông Dương tạp chí và đã ấn
hành, trong đó có Thơ Ngụ Ngôn La Fontaine Diễn Nôm (Les Fables de La Fontaine,
44 truyện) phổ biến rộng rãi, được trích đăng rất nhiều. Đặc biệt với Truyện Kiều
của thi hào Nguyễn Du dịch ra tiếng Pháp. Người đầu tiên đưa kịch nói (các tác
phẩm của Molière) lên sân khấu nhà hát lớn Hà Nội năm 1920.
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh cũng là người sáng lập
ra Hội Trí Tri và Hội Dịch Sách. Ngày 26/6/1907 ở Hội Trí Tri Hà Nội, ông đã diễn
thuyết về Hội Dịch Sách, và phổ biến trên Đăng Cổ Tùng Báo.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/20160325183522-nguyenvanvinh.jpg
Chân dung Nguyễn
Văn Vĩnh
Những tác phẩm Tây Phương qua dịch giả Nguyễn
Văn Vĩnh tiêu biểu vào tiền bán thế kỷ XX như: Thơ Ngụ Ngôn của La Fontaine
(Fables de La Fontaine) Trẻ Con của Perrault (Les Contes de Charles Perrault),
Mai-Nương Lệ-Cốt (Manon Lescaut) của Abbé Prévost, Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ
(Les Trois Mouquetaires), của Alexandre Dumas, Những Người Khốn Khổ (Les
Misérables) của Victor Hugo, Miếng Da Lừa (La Peau de chagrin) của Honoré de
Balzac., Guy-li-ve Du Ký (Les Yoyages de Gulliver) của Jonathan Swift, Tê-lê-mặc
Phiêu Lưu Ký (Les Aventures de Télémaque) của Fénélon, Sử Ký Thanh Hoa (Le
Parfum des Humanités) của Emile Vayrac, Chàng Gil Blax Xứ Santillane (Gil Blas
de Santillane) và Tục Ca Lệ (Turcaret) kịch của Lesage…
Bốn vở kịch nói của Molière: Trưởng Giả Học
Làm Sang (Le Bourgeois Gentilhomme), Giả Đạo Đức (Le Misanthrope), Bệnh Tưởng
(Le Malade Imaginaire), Lão Hà Tiện (L’Avare).
Và, từ đó những tác phẩm Tây Phương đã được
các học giả, nhà văn, nhà báo từ Bắc đến Nam được dịch sang tiếng Việt.
Trong quyển Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan,
ấn hành năm 1941, quyển I, mục Những Nhà Văn Hồi Mới Có Chữ Quốc Ngữ từ trang
35 đến trang 190, tiên phong với Trương Vĩnh Ký, nhóm Đông Dương Tạp Chí với
Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, nhóm Nam Phong Tạp Chí với Phạm
Quỳnh, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Trọng Luật…
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/DP-Tuong-niem-Truong-Vinh-Ky_1.jpg
Học giả Petrus
Trương Vĩnh Ký
Theo nhà văn Vũ Ngọc Phan “Trong số những học
giả Việt Nam theo Tây học ấy, người ta phải kể đến hai người có tiếng nhất là
Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Trai (tức Paulus Của). Hai ông đã dùng chữ Quốc Ngữ
để truyền bá học thuật về tư tưởng Âu Tây và soạn tự điển Việt Pháp để người
Nam có thể dùng mà học tiếng Pháp. Việt Pháp Tự Điển của Paulus Của là một bộ tự
điển mà gần đây cả người Bắc lẫn người Nam vẫn còn dùng” (trang 37). Quan trọng
nhất với Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, hai cuốn, in tại Sài Gòn năm 1895 và 1896. Bộ
sách nầy được in lại nhiều lần cho các thế hệ sau nầy tra cứu.
*****
Trong phạm vi bài nầy, chỉ đề cập Tổng Quan Về
Sách Dịch Văn Học Tây Phương Ở Miền Nam Việt Nam vì nói đến dịch thuật với tất
cả tác phẩm từ Á sang Tây, Mỹ… bao quát, không thể tổng hợp trong bài viết. Gọi
là Tây Phương nhưng thực ra chỉ vài nước ở Âu châu… Nguyễn Văn Lục với bài viết
20 Năm Văn Học Dịch Thuật Miền Nam 1955-1975 trên tờ Hợp Lưu vào cuối năm 2004,
có giới thiệu tổng quát về sách dịch.
Nhà văn Võ Phiến (1925- 2015) năm 1975 định cư
tại Hoa Kỳ, là người làm sống lại nền Văn Học Miền Nam. Với bút hiệu Tràng
Thiên đã ấn hành:
Hăm Bốn Giờ Trong Đời Một Người Đàn Bà (của
Stéfan Zweig) Sài Gòn, 1963, Các Trào Lưu Lớn Của Tư Tưởng Hiện Đại (của André
Maurois) Sài Gòn, 1964), Truyện Hay Các Nước, tập 1 & II (cùng dịch với
Nguyễn Minh Hoàng) Sài Gòn, 1965.
Năm 1999, ông ấn hành bộ sách Văn Học Miền Nam
gồm 6 cuốn về truyện (3 cuốn), ký, tùy bút và kịch, thơ.
Cuốn sách Văn Học Miền Nam Tổng Quan, NXB Văn
Nghệ năm 1988, vào thời điểm đó được đánh giá là tài liệu về Văn Học đáng tin cậy
để sưu tầm.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/Untitled-1-1280x734.jpg
Bìa sách Văn Học Miền
Nam Tổng Quan
Theo Võ Phiến phần sách dịch chiếm đến 60% số
đầu sách (tên sách, tựa đề tác phẩm dịch thuật) được xuất bản tại miền Nam đến
năm 1973, nó đã lên đến 80%. Và theo Trần Trọng Đăng Đàn, trong bài viết Văn
Hoá, Văn Nghệ Nam Việt Nam 1954-1975, số dịch phẩm tại miền Nam trong 20 năm đó
có thể được chia ra thành: Pháp 499 cuốn, Đài Loan và Hương Cảng 358 cuốn, Mỹ
273 cuốn, Nga 120 cuốn, Anh 97 cuốn, Nhật 71 cuốn, Ý 58 cuốn, Đức 57 cuốn. Các
nước khác chiếm 38 cuốn. Như thế, các sách được dịch, bao gồm cả sách nghiên cứu
và các sáng tác, nhưng chủ yếu là tiểu thuyết, đến từ cả Tây Phương, Mỹ châu và
Á châu…
Những tác giả đã có công dịch thuật như Nguyễn Hiến Lê, Trương Bảo Sơn,
Vũ Đình Lưu (Cô Liêu), Phạm Công Thiện (dịch các tác phẩm triết), Bùi Giáng,
Phùng Khánh & Phùng Thăng, Nguyễn Hiến Lê, Tam Ích, Bửu Ý, Ngọc Thứ Lang,
Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Hữu Hiệu, Đỗ Khánh Hoan, Mặc Đỗ, Trần Phong Giao, Hoài
Khanh, Hoàng Hải Thủy (phóng tác)…
Trong quyển Văn Học Miền Nam 1954-1975 của
Nguyễn Vy Khanh năm 2019, Chương 6 đề cập đến Dịch Thuật & Văn Học nước
ngoài, giới thiệu các dịch giả đóng góp.
Ngoài ra, nhiều dịch giả với một, hai tác phẩm
trên nhiều lãnh vực rất phong phú, mở rộng kiến thức để nghiên cứu và giải trí…
Tư tưởng triết học Tây Phương được phổ biến ở
miền Nam Việt Nam như Hiện Tượng Luận với Edmund Husserl khởi xướng,
Merleau-Ponty, Gabriel Marcel, Heidegger, Karl Jaspers, Paul Ricoeur, Emmanuel
Lévinas và Mikel Dufrenne… Nhà thơ Bùi Giáng (1926-1998) ấn hành hai quyển về
Martin Heidegger & Tư Tưởng Hiện Đại, Sài Gòn 1963, ông cho biết phải học
thêm tiếng Đức để tra cứu tài liệu. Phạm Công Thiện dịch hai tác phẩm của
Martin Heidegger: Về Thể Tính Của Chân Lý, Sài Gòn, 1968); Triết Lý Là Gì?, Sài
Gòn, 1969)…
*****
A.- Nobel Văn
Chương Tây Phương & Tác Phẩm Dịch Thuật
Nobel Văn Chương (Văn Học) là một trong sáu giải
thưởng: Y Học & Sinh Học, Hóa Học, Vật Lý, Kinh Tế & Hòa Bình.
Giải Nobel Văn Chương đã được trao 114 lần từ
năm 1901 đến 2021 cho 118 người (nam giới: 101 và nữ giới: 17). Ngày 6/10/2022,
Viện Hàn Lâm Thụy Điển thông báo giải Nobel Văn Chương 2022 với nhà văn Pháp,
bà Annie Ernaux, 82 tuổi. Đây là lần thứ 16 nền văn học Pháp có tên trên bảng
vàng, nhà văn Annie Ernaux là phụ nữ Pháp đầu tiên đoạt Nobel Văn Chương và một
trong những người cao tuổi nhất được vinh dự nầy.
Năm 1914 không trao giải vì xảy ra Đệ Nhất Thế
Chiến và 5 năm (1940-1944) không trao giải do xảy ra Đệ Nhị Thế Chiến.
Với các nhà dịch thuật ở Việt Nam rất quan tâm
về giá trị các nhà văn đoạt Giải Nobel Văn Chương nên vào tiền bán kỷ XX đã dịch
và giới thiệu ở trong nước.
Trong phạm vi bài nầy đề cập đến Nobel Văn
Chương từ năm 1915 đến 1974, trong đó có những tác phẩm Tây Phương được sang tiếng
Việt trong 20 năm (1954-1975) tại miền Nam Việt Nam. Hầu hết được dịch từ tiếng
Anh, tiếng Pháp…
Danh sách nầy trên dựa vào trang web Wikipedia
và các websites khác để tóm lược. Điển hình với các tác giả:
1915: Nhà văn Pháp Romain Rolland (1866-1940), ông viết về nhiều thể loại từ thi ca, âm nhạc đến kịch
nghệ… biên khảo và phê bình. Musiciens d’Autrefois (Nhạc Sĩ Thời Xưa, 1908),
Musiciens d’Aujourd’hui (Nhạc sĩ Thời Nay, 1908), La Vie de Tolstoï (Cuộc Đời
Tolstoy, 1911), Tác phẩm Jean – Christophe (1904-1912, 10 tập) và Au-Dessus De
La Mêlée (Bên Trên Cuộc Chiến, 1915) đã góp phần chính trong Nobel Văn Chương.
Tuy không có sách dịch nhưng nhiều bài viết trên các tạp chí văn học về nhà văn
nầy.
1921: Nhà văn Pháp Anatole France (1844-1924): L’Histoire Contemporaine (Chuyện Thời Nay, 1897-1901), Đảo
Chim Cánh Cụt (L’île des Pingouins, 1908), La Vie Littéraire (Đời Sống Văn Học,
1888-1892). Đây là nhà văn với các đoản văn của ông được học trong chương trình
Việt Văn (Ban C) vì cách hành văn gọn gàng dễ hiểu.
1925: Nhà văn Anh George Bernard Shaw (1856-1950), ông coi là nhà viết kịch Anh lẫy lừng ngay sau
Shakespeare. Và các tiểu thuyết tiêu biểu như: Immaturity (Non Nớt, 1879), The
Irrational Knot (Cuộc Hôn Nhân Không Hợp Lý, 1880), Love Among the Artists
(Tình Nghệ Sĩ, 1881)… Một số bài thơ của ông đã được dịch trên các tạp chí văn
học.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/unnamed-1280x499.jpg
Hình minh họa
1927: Nhà nghiên cứu văn học & triết học Pháp
Henri Bergson (1859-1941) với các tác
phẩm tiêu biểu như L’Evolution Créatrice (Tiến Hóa Sáng Tạo, 1907), Matière et
Mémoire (Vật Chất & Ký Ức, 1896)… Linh mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại
Học Huế đúc kết qua tác phẩm Henri Bergson, Năng Lực Tinh Thần.
1929: Nhà văn Đức Thomas Mann (1875-1955) được đánh giá là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của
Đức. với các tác phẩm tiêu biểu: Der Zauberberg (Núi Thần, 1924), Buddenbrooks
– Verfall Einer Familie (Gia Đình Buddenbrook, 1901), Der Tod in Venedig (Chết Ở
Venice, 1913)… Có nhiều bài viết về ông trên các tạp chí văn học (*nt)
1937: Nhà văn Pháp Roger Martin du Gard (1881-1958) với Jean Barois (1913), Les Thibault (Gia đình Thibault,
1922-1940)
1946: Nhà văn Đức Hermann Hesse (1877-1962) với các tác phẩm: Tuổi Trẻ Băn Khoăn (Demian, 1919), Câu
Chuyện Dòng Sông (Siddartha, 1922), Sói Đồng Hoang (Der Steppenwolf, 1927),
Hành Trình Về Phương Đông (Die Morgenlandfahrt, 1932) với những tác phẩm nổi tiếng
của ông khi được giải Nobel Văn Chương năm 1946 nên được dịch ra tiếng Việt,
quen thuộc với độc giả ở miền Nam Việt Nam. Ông là người uyên bác triết lý Đông
Phương qua hai tác phẩm Siddartha (Câu Chuyện Dòng Sông, Phùng Thăng &
Phùng Khánh dịch) và Die Morgenlandfahrt (Le Voyage du Matin, dịch sang tiếng
Việt là Hành Trình Về Phương Đông), tác phẩm nầy trùng tên bộ sách của nhà văn
Mỹ Baird Thomas Spalding, Nguyên Phong dịch Hành Trình Về Phương Đông. …
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/cau-chuyen-dong-song.jpg
Bìa sách “Câu Chuyện Dòng Sông”
1947: Nhà văn Pháp André Gide (1869-1951). Ông là nhà văn nổi tiếng nhất ở thế kỷ XX, tác phẩm của
ông được dịch từ trước như La Porte Étroite (Tiếng Đoạn Trường) do Đình Thạch dịch,
Trung Bắc Tân Văn ấn hành năm 1937; La Symphonie Pastorale (Khúc Nhạc Đồng
Quê), Đào Đăng Vỹ dịch, ấn hành năm 1954…
Các tác phẩm của ông như: Paludes, Les
Nourritures Terrestres, Isabelle, L’École des Femmes, Robert, Œdipe… Đặc
biệt với L’Immoraliste, 1902, La Porte Étroite, 1909, Les Faux-Monnayeurs,
1926… được nhiều dịch giả cùng dịch.
1948: Nhà thơ Vương Quốc Anh Thomas Stearns
Eliot (1888-1965) với các thi phẩm The Love Song of J. Alfred Prufrock (Bản
Tình Ca Của J. Alfred Prufrock, 1917), The Waste Land (Đất Hoang, 1922), The
Hollow Men (Những Kẻ Rỗng Tuếch, 1925), Ash Wednesday (Ngày Thứ Tư Tro Bụi,
1930), Four Quartets (Bốn Khúc Tứ Tấu, 1935-1945)… với thơ ít dịch nguyên thi
phẩm mà chỉ dịch một số bài trên các tạp chí.
1950: Triết gia Vương Quốc Anh Bertrand Russell (1872-1970) – (Đề cập ở phần Khuynh Hướng Triết Học & Văn Học)
1952: Nhà văn Pháp François Mauriac (1885-1970). Tác phẩm Thérèse Desqueyroux (Người Vợ Cô Ðơn) do Mặc
Đỗ dịch năm 1956, giới thiệu với độc giả sau khi được giải Nobel Văn Chương
(Năm 2022 nhà văn T.Vấn, ở Texas, dịch từ tiếng Pháp và đối chiếu với bản tiếng
Anh, giữ nguyên tựa đề Thérèse Desqueyroux). Các tác phẩm tiêu biểu của ông
như: Le Nœud de Vipères (Ổ Rắn Độc), Le Mystère Frontenac (Bí Ẩn Nhà
Frontenac), La Fin de la Nuit (Đêm Tàn), Les Chemins de la Mer (Những Con Đường
Của Biển), La Pharisienne (Người Đàn Bà Đạo Đức Giả), Mémoires Intérieurs (Hồi
Ký Nội Tâm)…
1957: Nhà văn Pháp Albert Camus (1913-1960). Ông là một trong những nhà văn ngoại quốc đã ảnh hưởng rất
nhiều ở miền Nam Việt Nam.
Tác phẩm đầu tay L’Étranger (Người Xa Lạ) ra đời
năm 1942, trở thành “hiện tượng” trong văn chương Pháp với Chủ Nghĩa Hiện Sinh
(Existentialisme), tác phẩm La Peste (Dịch Hạch) viết năm 1938 nhưng sau đó hiệu
đính lại mới ấn hành năm 1947. Trong văn học, hai nhà văn Simone de Beauvoir
(1908-1986) và J.P. Sartre (1905-1980) gặp nhau từ năm 1929 và yêu nhau, sáng lập
tờ báo Thời Mới (Les Temps Modernes) để truyền bá Chủ Nghĩa Hiện Sinh trong
trào lưu văn học. Kết thúc cuộc tình Simone de Beauvoir viết cuốn Adieux: Một Lời
Chia Tay Với Sartre (1981).
J.P Sartre mới là triết gia về Chủ Nghĩa Hiện
Sinh, Albert Camus không phải là triết gia nhưng đem chủ nghĩa nầy vào văn học.
Cùng cổ xúy cho Chủ Nghĩa Hiện Sinh, tình bạn giữa Albert Camus và J.B Sartre
vào giữa thập niên 30, rạn nứt vào năm 1952… Và từ đó, ông viết những tác phẩm
nói lên “phi lý” của con người trong cuộc sống.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/b-1280x930.jpg
Hai tác phẩm của
Nhà văn Pháp Albert Camus
Những tác phẩm của Albert Camus vào thập niên
60 được dịch ra tiếng Việt và không xa lạ gì với độc giả ở miền Nam Việt Nam.
Bùi Giáng dịch nhiều tác phẩm của Albert Camus như: Le Malentendu (Ngộ Nhận),
Caligula (Bạo Chúa Caligula), L’Été (Mùa Hè, nhan đề Mùa Hè Sa Mạc, Le Mythe de
Sisyphe (Huyền Thoại Sisyphe), nhan đề Biển Đông Xe Cát, L’Homme Révolté (Con
Người Phản Kháng)…
La Chute (Sa Đọa), Djémila (Gió Về), L’Envers
et L’Endroit (Bề Trái & Bề Mặt), Noces (Giao Cảm), Trần Thiện Đạo dịch. La
Femme Adultère (Người Đàn Bà Ngoại Tình), Nguyễn Văn Trung dịch, L’Exil et le
Royaume (Lưu Đày & Quê Nhà), Trần Phong Giao và Vũ Đình Lưu dịch… Tác phẩm
La Peste (Dịch Hạch), Hoàng Văn Đức dịch, 1966; Võ Văn Dung dịch, 1971…
Có thể nói, sau hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng
Kẻ Xa Lạ (1942) và Dịch Hạch (1947), thì tiểu luận Thần Thoại Sisyphus (Le
Mythe de Sisyphe, 1942) là tác phẩm quan trọng bậc nhất của Albert Camus.
Thần thoại về Sisyphus, tiểu luận triết học của
Albert Camus với lập luận của điều phi lý từ thời cổ đại xa xưa vẫn tồn đọng
trong thời kỳ của Albert Camus. Tựa đề tiểu luận, vốn là tên trong chương sau
cùng, được gợi dẫn từ câu chuyện của chàng Sisyphus trong thần thoại Hy Lạp.
Theo đó, bắt đầu từ lập luận phi lý rằng đời sống của mỗi cá nhân, ngay cả những
cá nhân tự xác định cho mình một lý tưởng, mục đích cao đẹp, thường bị vây bủa
trong những hành động đôi khi rất hoài công và vô vọng. Vì vậy quan niệm về phi
lý đã bàng bạc trong tác phẩm của Albert Camus (*)
1958: Nhà văn Nga Boris Pasternak
(1890-1960), tác phẩm Dr. Zhivago, với niềm vinh dự bản thân ông nhưng nỗi đau ở
trong nước (đề cập phần sau)
1961: Nhà văn Nam Tư Ivo Andrić (1892-1975). Tác phẩm The Bridge on the Drina (Chiếc Cầu
Trên Sông Drina, 1945), Nguyễn Hiến Lê dịch
1964: Triết gia, nhà văn Pháp Jean Paul Sartre (1905-1980) được trao giải Nobel Văn Chương nhưng ông từ chối và cho rằng
“Một nhà văn không nên cho phép mình trở thành người của một tổ chức”. Ông là
triết gia nên đem tư tưởng “xiển dương” vào văn chương để quảng bá. Những tác
phẩm của ông đã được dịch: La Nausée (Buồn Nôn), Les Mouches (Những Ruồi) Phùng
Thăng dịch, Huis Clos (Kín Cửa) Trần Thiện Đạo dịch, Les Jeux sont Faits (Sự Đã
Rồi), Nguyễn Xuân Hoàng & Trần Phong Giao dịch; Le Mur (Bức Tường). Với tác
phẩm L’Être et le Néant (Hiện Hữu & Hư Vô) có nhiều bài viết phân tích về
quan điểm của ông sau Essay on Phenomenological Ontology (Tiểu Luận Về Hiện Tượng
Thực Chất Hiện Hữu). Nhà văn Huỳnh Phan Anh trong tác phẩm Văn Chương &
Kinh Nghiệm Hư Vô năm 1968 đã đề cập đến J.P Satre.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/sartre-1.jpg
Tác phẩm Bức Tường
của Jean Paul Sartre
1963: Nhà thơ Hy Lạp Giorgos Seferis (1900–1971) không có bản dịch tiếng Việt.
1965: Nhà văn Liên Xô Mikhail Solokhov (1905-1984), tác phẩm Sông Đông Êm Đềm (đề cập phần sau). Trong ba nhà
văn của thời kỳ Liên Xô thì ông được trong nước ca ngợi là nhà văn vô sản, khác
với nhà văn Boris Pasternak bị cho là phản động và nhà văn Aleksander
Solzhenitsyn bị Liên Xô trục xuất!
1970: Nhà văn Liên Xô Aleksander Solzhenitsyn (1918–2008) với toàn bộ tác phẩm (đề cập ở phần sau).
1972: Nhà văn Tây Đức Heinrich Böll (1917-1985) được đánh giá là nhà văn phục hồi nền văn học Đức…
(GS Phạm Văn Tuấn ở Úc ấn hành quyển sách ở
Virginia (Hoa Kỳ) năm 2018: Nhà Văn, Nhà Thơ & Tác Phẩm, giới thiệu các văn
thi sỹ đoạt giải Nobel và nổi danh trên thế giới).
1974: Nhà văn Thụy Điển Eyvind Johnson (1900-1976), tác phẩm Strändernas Svall (Sóng Biển, 1946),
Krilon Romanren (Tiểu Thuyết Của Krilon, 1941-1943), Romanen om Olof (Tiểu Thuyết
Olof, 1934-1937). Không có bản dịch tiếng Việt.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/unnamed-1-1-1280x496.jpg
Hình minh họa
B.- Dịch Giả Miền
Nam Việt Nam Với Các Tác Phẩm Văn Chương Tây Phương
Nhân đây, đề cập khái quát đến vài dịch giả miền
Nam Việt Nam với các tác phẩm về văn chương Tây Phương (Trong phần nầy có những
tác phẩm dịch thuật đã đề cập ở phần A: Nobel Văn Chương Tây Phương
& Tác Phẩm Dịch Thuật)
– Nhà thơ Bùi Giáng (1926-1998).
Ngoài tài hoa về thi ca, ông còn là dịch giả qua những tác phẩm:
Cõi Người Ta của Saint-Exupéry, 1966; Trăng Tỳ
Hải của Albert Camus, André Gide, Martin Heidegger, 1966; Khung Cửa Hẹp của A.
Gide, 1966; Hoa Ngõ Hạnh của Shakespeare, 1966; Bạo Chúa Caligula của Albert
Camus, 1967 – 1974; Kim Kiếm Ðiêu Linh của Ngọa Long Sinh, 1967; Ngộ Nhận của
A. Camus, 1967; Con Người Phản Kháng của A. Camus, 1968; Mùa Hè Sa Mạc của A.
Camus , 1968; Kẻ Vô Luân của A. Gide, 1968; Orphélia Hamlet của Shakespeare,
1969; Hòa Âm Ðiền Dã của A. Gide, 1969; Sương Bình Nguyên của các tác giả Âu Mỹ,
1969; Hoàng Tử Bé của Saint-Exupery, 1973; Mùi Hương Xuân Sắc của Gerald de
Narval, 1974…
Ông dịch rất thoáng, có khi không theo nguyên
tác mà theo ý văn để diễn đạt. Còn sáng tác thơ tặng tác giả. Ông dịch Kim Kiếm
Ðiêu Linh của Ngọa Long Sinh để học thêm chữ Hán. Tác phẩm Nhà Sư Vương Lụy của
nhà văn Trung Hoa, nhà sư tên là Tô Mạn Thù (Su Manshu), Bùi Giáng dịch từ
nguyên tác, Quế Sơn xuất bản năm 1969. (Có bản dịch sang tiếng Anh The Lone
Swan của Geoege Kin Leung… (*)
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/Bu-iGiang-Tac-Pham.jpg
Nhà thơ Bùi Giáng và một số tác phẩm, dịch phẩm
– Dịch giả Nguyễn Hiến Lê (1912–1984).
Ông là nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học… Ông đã sáng tác, biên soạn và
dịch thuật nhiều cuốn sách từ Đông sang Tây thuộc các lĩnh vực như giáo dục,
văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế…
Ông đã ấn hành khoảng một trăm tác phẩm biên khảo, sáng tác, dịch thuật… về văn
học, triết học, lịch sử, giáo dục, chính trị, kinh tế… đặc biệt với gương danh
nhân và sách học làm người. Nhiều tác phẩm của ông được coi là “sách gối đầu
giường” cho giới trẻ.
Với các tác giả Tây Phương, ông đã dịch: Sống
24 Giờ Một Ngày của Arnold Bennett, ấn hành ở Sài Gòn năm 1955; Kiếp Người của
Somerset Maugham, năm 1962; Quê Hương Tan Rã của C. Acheba, năm 1970; Cầu
Sông Drina của I. Andritch, 1972; Thư Ngỏ Tuổi Đôi Mươi của André Maurois, năm
1968; Thư Gởi Người Đàn Bà Không Quen của André Maurois, 1970; Chinh Phục Hạnh
Phúc của Bertrand Russell, 1971…
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/Mua-1280x1280.jpg
Tập truyện ngắn nhiều
tác giả do học giả Nguyễn Hiến Lê dịch
– Nhà văn Mặc Ðỗ (1917-2015). Ông tốt
nghiệp luật song không hành nghề luật sư, làm báo ngay từ Hà Nội với tờ Phổ
Thông. Năm 1954, ông di cư vào Sài Gòn chủ trương nhóm Quan Điểm và nhà xuất bản
Quan Điểm
Người Vợ Cô Đơn (Thérèse Desqueyroux) của
Francois Mauriac, Cảo Thơm 1966, Đất Sống 1973); Tâm Cảnh của André
Maurois, Văn 1967; Anh Môn (Alain-Fournier, Cảo Thơm 1968); Một Giấc Mơ của
Vicki Baum, Văn 1972; Con Người Hào Hoa (The Great Gasby) của Francis Scott
Fitzgerald; Vùng Đất Hoang Vu của Lev Tolstoy, Đất Sống 1973); Giờ Thứ 25
của C. Virgil Gheorghiu, Đất Sống 1973); Những Vinh Nhục Của César
Birotteau của Honoré de Balzac, Sài Gòn 1968.
– Tuy dịch vài tác phẩm nhưng được xem là tác
phẩm dịch thuật có giá trị: Phùng Khánh & Phùng Thăng.
Dịch giả Phùng Khánh – Ni Sư Trí Hải
(1938-2003) tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh và dịch giả Phùng Thăng
(1943-1975) là hai chị em ruột. Gia đình hoàng tộc rất mộ đạo Phật. Thân phụ là
cụ Nguyễn Phước Ứng Thiều, cháu nội của Tuy Lý Vương Nguyễn Phước Miên Trinh.
Câu Chuyện Dòng Sông của Hermann Hesse (dịch
chung với Phùng Khánh) năm 1965; Buồn Nôn của J.P Sartre (Phùng Thăng dịch) năm
1967; Những Ruồi của J.P Sartre (Phùng Thăng dịch) năm 1967; Sói Đồng Hoang của
Hermann Hesse (Phùng Thăng dịch chung với Chơn Hạnh) năm 1969. Kẻ Lạ Ở Thiên Đường
của Simone Weil (Phùng Thăng dịch). Tác phẩm nầy ấn hành năm 1973, trong phần
giới thiệu, dịch giả bày tỏ tất cả nỗi lòng tiềm ẩn.
– Dịch giả Trần Thiện Đạo (1933-2017)
du học ở Pháp năm 1950 và định cư ở đây. Ông là dịch giả, nhà văn và nhà phê
bình văn học.
Ông đã dịch các tác phẩm: Cậu Hoàng Con (Le Petit
Prince) của Saint Exupéry, Giao Cảm (Noces) của Albert Camus, Bề Trái và Bề Mặt
(L’Envers Et L’Endroit) của Albert Camus, Tiểu Luận Của Albert Camus, Sa Đọa
(La Chute) của Albert Camus, Kín Cửa (Huis Clos) của Jean Paul Sartre, Phấn Đấu
Cho Một Nền Tiểu Thuyết Mới (Pour un Nouveau Roman) của Alain Robbe Grillet, Im
Lặng Của Biển Cả (Le Silence De La Mer) của Jean Bruller Vercors, Zadig của
Voltaire, Ao Quỷ (La Mare Au Diable) của George Sand,…
Ông đã nhiều lần lên tiếng về bản dịch văn học,
điển hình như 50 trang phê phán Những Ruồi (1967) của Phùng Thăng dịch Les
Mouches của Jean-Paul Sartre. Ông phê phán những câu văn dịch quá nô lệ ngoại
ngữ nguyên tác. Điều nầy thể hiện sự thận trọng với người dịch để có tác phẩm dịch
thuật giá trị.
– Giáo sư Đỗ Khánh Hoan tốt nghiệp Đại
học Sydney, Úc, tiến sĩ văn chương Đại học Columbia, Mỹ. Giáo sư Anh Văn trường
Trung học Chu Văn An và trưởng ban Anh văn Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Ông là người đầu tiên dịch và giới thiệu ba tập
thơ của thi sĩ Ấn độ R. Tagore: Tâm Tình Hiến Dâng (The Gardener) NXB An Tiêm,
1969; Lời Dâng & Tặng Vật, An Tiêm, 1972 (Thi hào Tagore 1981-1941,
người đầu tiên Á Châu được giải Nobel Văn Chương năm 1913).
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/biathotagore-1521014973.jpg
Tập thơ Tagore do dịch giả Đỗ Khánh Hoan dịch
Dịch giả Đỗ Khánh Hoan biết nhiều ngoại ngữ
nên đã dịch trường ca của Homer (Iliad và Odyssey) với hơn 30,000 câu thơ trực
tiếp từ tiếng Hy Lạp, Don Quixote từ tiếng Tây Ban Nha, Yến Hội của Platon,
Chân Dung Chàng Nghệ Sĩ Trẻ (J. Joyce), Bi Kịch Shakespeare, Khung Trời Nhỏ Hẹp
(S. Maugham), Cây Đàn Miến Điện (T. Michio), Truyện Ngắn (A. Chekhov), Nông Trại
Súc Vật (G. Orwell)…
– Nhà thơ Hoài Khanh (1934-2016), tự học,
tự trau dồi sinh ngữ trở thành dịch giả, chủ trương nhà xuất bản Ca Dao.
Với các tác phẩm dịch thuật tiêu biểu với ba
tác phẩm của của Herman Hesse: Hành Trình Sang Đông Phương, 1967; Giáo Dục
& Ý Nghĩa Cuộc Sống của Krishnamurti, 1969; Nghệ Thuật Truyền Thống &
Chân Lý của Walter Kaufmann, 1967; Tuổi Trẻ Băn Khoăn, 1968; Quê Hương Tan Rã
(Things Fall Apart của Chinua Achebe) Hoài Khanh và Nguyễn Hiến Lê dịch, năm
1970; Đâu Mái Nhà Xưa, 1973.
Về âm nhạc với những tác phẩm Mozart: Cuộc Đời
& Sự Nghiệp của Percy M.Young, 1972; Tchaikovsky: Cuộc Đời & Nghệ Thuật
của Percy M.Young, 1972; Beethoven: Một Phiến Tài Tình Thiên Cổ Lụy của J.W.N.
Sullivan, Ca Dao xuất bản 1972… Sau khi đọc và đem khắc ván in Kim Vân Kiều tân
truyện ở phố Hàng Gai, Hà Nội, học giả Phạm Quý Thích (1760-1825) – bạn của nhà
thơ Nguyễn Du – viết bài “Thính Đoạn Trường Tân Thanh Hữu Cảm”. Bài thơ
có hai câu cuối:
“… Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
Tân Thanh đáo để vị thùy thương”.
Hoài Khanh lấy câu đối để làm tựa đề cho tác
phẩm quá tuyệt. Tôi thích nhạc cổ điển Tây Phương nên cũng “nghiền ngẫm” các
tác phẩm dịch thuật nầy.
– Huỳnh Phan Anh (1940 – 2020), nhà
văn, dạy triết ở các trường trung học. Các tác phẩm dịch thuật: Chuông Gọi Hồn
Ai của Ernest Hemingway, 1972; Chuyến Viễn Hành Trong Đêm của Heinrich Böll,
1973; Tình Yêu & Tuổi Trẻ của Valery Larbaud, 1973, Tình Yêu & Lý
Tưởng của Thomas Mann, 1974, Tình Yêu Bên Vực Thẳm của E. M. Remarque; Tình Cuồng
của Raymond Radiguet, dịch chung với Nguyễn Nhật Duật, 1973…
Huỳnh Phan Anh chủ trương nhóm Đêm Trắng cùng
với nhà xuất bản Đêm Trắng, ông công tác với tạp chí Văn, tạp chí Vấn Đề, Khởi
Hành… và đóng góp nhiều tiểu luận phê bình cho các tạp chí này.
Sau năm 1975, ông ở lại Sài Gòn, dịch các tác
phẩm của André Maurois, Georges Simenon, Ernest Hemingway, Saint Exupéry, Erich
Maria Remarque, Thomas Mann, Claude Simon, Jostein Gaarder, Jean-René Huguenin,
Arthur Rimbaud, Anne Philipe…
Năm 2002 Huỳnh Phan Anh định cư ở Mỹ, qua đời
năm 2020 tại San Jose. Thọ 80 tuổi (1940-2020).
– Nhà văn Hoàng Hải Thủy (1933-2020),
năm 1952 được Giải Nhất Cuộc Thi Truyện Ngắn của nhật báo Tiếng Dội. Ông chuyên
phóng tác các tác phẩm ngoại quốc, điển hình như Đỉnh Gió Hú (Wuthering
Heights) của Emily Bronté; Chiếc Hôn Tử Biệt, (A Kiss Before Dying) của Ira
Levin; Đi Tìm Người Yêu (The Citadel) của A.J Cronin; Bóng Người Áo Trắng (The
Lady in White) của Wilkie Collins; Tìm Em Nơi Thiên Đường (My Cousin Rachel của
Daphne du Maurier); Anh Gù Nhà Thờ Đức Bà (Le Bossu de Notre Dame) của
Alexandre Dumas; Tiếng Ca Cá Sấu (Never Find Sanctuary); Yêu Mệt (Le Repos du
Guerrier của Lowell Bair – phóng tác 1969), Người Yêu, Người Giết (Le Deuxième
Souffle) của Rotten Tomatoes; … Hay nhất là tác phẩm Kiều Giang (Jane Eyre) của
Charlotte Brontë.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/photo-32-1152x1536.jpg
Tác phẩm Kiều Giang
do Nhà văn Hoàng Hải Thủy phóng tác
Tác phẩm One Hundred Years of Solitude (Cent
Ans de Solitude) Garcia Marquez dày khoảng 800 trang, ông bỏ ra 60 ngày dịch là
Trăm Năm Hiu Quạnh… nhưng khi đưa đi kiểm duyệt bị cấm vì Garcia Marquez “thân
Cộng, chống chiến tranh Việt Nam, chống Mỹ”…
Ông là nhà văn, nhà báo có sức viết mạnh nhất ở
miền Nam Việt Nam, có khi chỉ một năm, ông vừa viết vừa phóng tác và ấn hành đến
bảy tác phẩm. Ông có nhiều bút hiệu, khi định cư ở Virginia, với bút hiệu Công
Tử Hà Đông, mỗi tuần viết một bài trong chủ đề “Viết Ở Rừng Phong” tổng cộng
700 bài.
*****
C.- Chủ Nghĩa Hiện
Sinh: Triết Học & Văn Học
Vào thời kỳ Hy Lạp cổ đại (trước công nguyên),
các trường phái triết học xuất hiện nổi tiếng với các nhà toán học như: Thalès
(624-547), Pythagore (570-496) rồi đến Héraclite (544-483), Xénophone
(570-478), Parménide (540-470), Sophocles (496-406), Empédocle (490-430),
Aristophanes (445-385)… Nổi tiếng và ảnh hưởng lớn tư tưởng triết học cho đến
nay như: Socrate (469-399) với Chủ Nghĩa Duy Tâm, Platon (428-348, học trò của
Socarte), Democrite (460-370, Chủ Nghĩa Duy Vật)…
Trải qua hai thiên niên kỷ, các trường phái
triết học Âu châu mới được thịnh hành với: Chủ Nghĩa Duy Tâm (chủ quan &
khách quan), Chủ Nghĩa Hiện Thực, Chủ Nghĩa Duy Danh, Chủ Nghĩa Duy Lý (khai
thác từ Parménide, triết gia, nhà toán học Pháp René Descartes (1596–1650) được
xem là cha đẻ của triết học hiện đại), Chủ Nghĩa Kinh Nghiệm… Chủ Nghĩa Hoài
Nghi (điển hình Blaise Pascal 1623-1662) cuốn Pensées là một kiệt
tác, David Hume (1711-1776) ông được coi như là sáng lập ra trường phái thực
nghiệm của Anh (British Empiricism), Chủ Nghĩa Lý Tưởng (điển hình với George
Berkeley (1685- 1753) với quan niệm “Esse est Percipi” (tồn tại là được tri
giác), dựa vào đó Friedrich Hegel (1770-1831), Karl Marx (1818-1883) khai thác
cho chủ thuyết của họ, Chủ Nghĩa Thực Dụng với hai triết gia Mỹ Charles
Peirce (1839-1914) và William James (1842- 1910) ảnh hưởng sang Âu châu… Và đến
Chủ Nghĩa Hiện Sinh.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/5b45faf7-6343-4d62-bc4b-687ccfdc1e2c.jpg
Các ông tổ Chủ
nghĩa Hiện Sinh (trái qua): Søren Kierkegaard, Friedrich Nietzsche, Jean-Paul
Sartre, (dưới): Gabriel Marcel, Martin Heidegger, Karl Jaspers.
Ảnh hưởng quan trọng nhất của từ Tây Phương đến
miền Nam Việt Nam với Chủ Nghĩa Hiện Sinh (Existentialism), ra đời ở Đức cuối
Chiến tranh thế giới thứ Nhất với chủ thuyết về Hiện Tượng Luận (như đã đề cập ở
trên) với Martin Heidegger (1889-1976) và Karl Jasper (1883-1969),
Merleau Ponty (1908-1961) sau đó Chủ Nghĩa Hiện Sinh phổ biến rộng rãi với
Jean Paul Sartre (1905-1980), Garbie Marcel (1889-1978) với Le Mystère de
l’Être (Huyền Nhiệm Hữu Thể), Être et Avoir (Hiện Hữu & Sở Hữu)
(1918-1933), Albert Camus (1913-1960)… Từ triết học liên quan và ảnh hưởng đến
văn học với các nhà văn đề cao về Chủ Nghĩa Hiện Sinh.
Như đã đề cập ở trên trong Nobel Văn Chương
Tây Phương & Tác Phẩm Dịch Thuật, hai nhà văn nầy có ảnh hưởng sâu đậm và
qua những tác phẩm được phổ biến trên thế giới.
Sartre không những là lý thuyết gia mà còn
dùng tác phẩm văn chương để nói lên quan điểm nên ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống
trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ. Ngay tự đề La Nausée (Buồn Nôn) nói
lên phi lý trong cuộc sống vô nghĩa, không có câu trả lời.
Tác phẩm L’Étranger (Người Xa Lạ) mô tả hình ảnh
của chàng trai vô cảm không hề nhỏ một giọt nước mắt trong đám tang của mẹ
mình. Khi gây ra án mạng, chàng không hiểu vì sao bản thân mình lại bóp
cò. Sau khi bị kết án, chàng lại an ủi mình rằng “dù sao, đời cũng không đáng
sống”. Cuối cùng ở ngục tù, chàng mong rằng vào ngày chịu tử hình, sẽ có một
đám đông người tới coi, họ sẽ chào đón chàng.
Trong cuộc sống, loại người nầy cũng thường xảy
ra, gọi là bệnh tâm thần (Pháp: Maladie Mentale, Anh: Mental Illness). Tài hoa
của nhà văn là biến mẫu người bất bình thường trong tác phẩm L’Étranger trong
thực tại xã hội.
Những tác phẩm của Albert Camus vào thập niên
60 được dịch ra tiếng Việt và không xa lạ gì với độc giả ở miền Nam Việt Nam.
Bùi Giáng dịch nhiều tác phẩm của Albert Camus như: Le Malentendu (Ngộ Nhận),
Caligula (Bạo Chúa Caligula), L’Été (Mùa Hè, nhan đề Mùa Hè Sa Mạc, Le Mythe de
Sisyphe (Huyền Thoại Sisyphe), nhan đề Biển Đông Xe Cát, L’Homme Révolté (Con
Người Phản Kháng)…
La Chute (Sa Đọa), Djémila (Gió Về), L’Envers
et L’Endroit (Bề Trái & Bề Mặt), Noces (Giao Cảm), Trần Thiện Đạo dịch. La
Femme Adultère (Người Đàn Bà Ngoại Tình), Nguyễn Văn Trung dịch, L’Exil et le
Royaume (Lưu Đầy & Quê Nhà), Trần Phong Giao và Vũ Đình Lưu dịch… Tác phẩm
La Peste (Dịch Hạch), Hoàng Văn Đức dịch, 1966; Võ Văn Dung dịch, 1971…
Có thể nói, sau hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng
Kẻ Xa Lạ (1942) và Dịch Hạch (1947), thì tiểu luận Thần Thoại Sisyphus (Le
Mythe de Sisyphe, 1942) là tác phẩm quan trọng bậc nhất của Albert Camus.
Thần thoại về Sisyphus, tiểu luận triết học của
Albert Camus với lập luận của điều phi lý từ thời cổ đại xa xưa vẫn tồn đọng
trong thời kỳ của Albert Camus. Tựa đề tiểu luận, vốn là tên trong chương sau
cùng, được gợi dẫn từ câu chuyện của chàng Sisyphus trong thần thoại Hy Lạp.
Theo đó, bắt đầu từ lập luận phi lý rằng đời sống của mỗi cá nhân, ngay cả những
cá nhân tự xác định cho mình một lý tưởng, mục đích cao đẹp, thường bị vây bủa
trong những hành động đôi khi rất hoài công và vô vọng. Vì vậy quan niệm về phi
lý đã bàng bạc trong tác phẩm cùa Albert Camus.
Jean Paul Sartre (1905-1980) được trao giải
Nobel Văn Chương năm 1964 nhưng ông từ chối và cho rằng “Một nhà văn không nên
cho phép mình trở thành người của một tổ chức”. Ông là triết gia nên đem tư tưởng
“xiển dương” vào văn chương để quảng bá. Những tác phẩm của ông đã được dịch:
La Nausée (Buồn Nôn), Les Mouches (Những Ruồi) Phùng Thăng dịch, Huis Clos (Kín
Cửa) Trần Thiện Đạo dịch, Les Jeux sont faits (Sự Đã Rồi), Nguyễn Xuân Hoàng
& Trần Phong Giao dịch; Le Mur (Bức Tường); L’Être et le Néant (Hiện Hữu
& Hư Không),
Đề cập đến J.P Sartre, nói thêm về học giả, triết
gia Trần Đức Thảo (1917-1993).
Trong quyển Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc của
Hoàng Văn Chí, ấn hành năm 1959 tại Sài Gòn được xem là tài liệu đầu tiên viết
về văn nghệ sỹ ở miền Bắc sau năm 1954:
Chương 12: Các nhà học giả, theo tác giả Hoàng
Văn Chí: “Lúc ông còn học ở trường Lycée Albert Sarraut, ông đã tỏ ra hết sức
thông minh. Các thầy dạy ông, nhất là ông Ner đã kêu lên là không chấm nổi bài
của ông. Ông đỗ tú tài triết học năm 1935, và năm sau ông đỗ đầu trong kỳ thi
vào trường Normale Supérieure ở bên Pháp. Sau đó ông đỗ thạc sĩ về triết học và
dạy ở Sorbonne.
Ở bên Pháp ông nghiên cứu thêm về triết học,
xã hội học, viết nhiều bài trong các tạp chí văn học. Lúc đầu ông theo chủ
nghĩa “Existentialisme” của Jean Paul Sartre, nhưng từ 1946 ông thiên về chủ
nghĩa Mác, gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp, và viết báo đả kích ông Jean Paul
Sartre. Ông này kiện ông tại toà, nhưng toà chưa xử, thì ông Thảo đáp tầu đi Mạc
Tư Khoa, rồi thẳng đường về Bắc Việt (năm 1951).
Về đến nhà, ông bị giữ trong một khu rừng hẻo
lánh trong chiến khu Việt Bắc và công tác người ta giao cho ông là dịch những
truyền đơn địch vận từ tiếng Việt sang tiếng Pháp…
Trần Đức Thảo là điển hình của một nhà trí thức
say mê chủ nghĩa cộng sản vì nghiên cứu chủ nghĩa ấy trên sách vở. Sự say mê đó
đã tiêu tan từ ngày ông bước chân về nước và ngày nay sau kinh nghiệm Cải Cách
Ruộng Đất ông đã hoàn toàn tỉnh ngộ…
Mặc dầu ông Thảo đã hy sinh địa vị cao quý ở
Pháp để trở về nước tham gia kháng chiến, ngày nay ông vẫn bị quy là “phản động
số một, tay sai của đế quốc”.
Trần Đức Thảo đậu thủ khoa Thạc sĩ Triết học
(Arégation de Philosophie) tại Pháp lúc mới 26 tuổi vào năm 1942. (Trước năm
1975 ở miền Nam Việt Nam, văn bằng Agrégé gọi là Thạc sĩ, sau nầy ở trong nước
văn bằng Master chỉ là Cao học nhưng gọi là Thạc sĩ). Với luận án Phương Pháp
Hiện Tượng Luận Của Husserl, ông được xem là triết gia về lãnh vực nầy.
Cuối năm 1951 ông trở về miền Bắc, năm
1956-1957, ông bị liên lụy trong phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm khi công bố
hai bài báo bàn đến một số vấn đề về tự do, dân chủ. Ông không được trọng dụng
và dần dà bị thất sủng từ đó cho đến năm 1991, ông sang Pháp chữa bệnh, mất tại
Paris năm 1993. Ông viết cuốn tiểu luận Triết Lý Đi Về Đâu (in ở Pháp năm 1950)
để phản biện với J.B Sartre, quyển sách nầy trước năm 1975 Đại học Văn Khoa Sài
Gòn có in cho sinh viên nghiên cứu. Trần Đức Thảo nổi tiếng khi tranh cãi với
Jean-Paul Sartre trên tạp chí Les Temps Modemes ở Pháp được đánh giá ở thế thượng
phong.
Hồi ký Trần Đức Thảo: Những Lời Trăng Trối
(Trăng viết có chữ g) do nhà báo Tri Vũ Phan Ngọc Khuê thực hiện, Tổ Hợp Miền
Đông Hoa Kỳ ấn hành năm 2014, gồm 16 chương dày 436 trang. Hiện có bán trên
Amazon. Đây là tài liệu trung thực trong quãng đời 40 năm của ông ở Việt Nam… một
nhân tài về triết học và chứng nhân thời đại. Chương 15 & 16: Đột Tử Trước
Phần Chân Lý & Chết Rồi… Vẫn Gian Nan từ trang 398 đến trang 422, khác với
những điều mà sau nầy ở trong nước viết về ông.
– Nhà văn Simone de Beauvoir (1908-1986) với
cuộc tình giữa bà và Jean Paul Sartre, không chính thức đã gây nhiều bút mực.
Trong khoảng 30 tác phẩm thì cuốn Deuxième Sexe ấn hành 1949 đã trở thành đề
tài gây tranh cãi, phê phán thái độ kiềm toả của gia đình và xã hội gây ra sự bất
bình đẳng giữa nam nữ.
Các tạp chí văn học ở Sài Gòn đã viết nhiều
bài về Simone de Beauvoir nhưng (hình như) chưa có dịch phẩm nào ấn hành.
Trong cuộc trò chuyện Giữa Đất Trời Giao Hưởng
giữa Thụy Khuê và Hồ Trường An cùng ở Pháp khi đề cập đến Simone de Beauvoir
vào năm 2006. Thụy Khuê nhận định:
“Tư tưởng của Simone de Beauvoir đã dẫn đầu
cho phong trào ‘giải phóng’ phụ nữ trên thế giới. Nói đúng hơn, nhờ triết thuyết
của Beauvoir mà cả một thế hệ phụ nữ, đã tự giải phóng mình ra khỏi những kiềm
toả của gia đình và xã hội…
Beauvoir cho rằng chỉ có thể chấm dứt tình trạng
nam nữ bất bình đẳng, nếu người phụ nữ tự ý thức được quyền lợi và trách nhiệm
của mình, đạp đổ những phỉnh lừa và áp đặt trong giáo dục gia đình và xã hội. Một
khi đã ý thức được, thì chính người phụ nữ sẽ tìm cách tháo gỡ, tự lập, không hạ
mình để trở thành femme-objet, được người đàn ông cung phụng, nhưng đồng thời
cũng trở thành nô lệ…”
– Nhà văn Pháp Françoise Sagan
(1935-2004), gần 50 tác phẩm văn chương của bà trong đó có một số theo trào lưu
hiện sinh đã ảnh hưởng từ phương Tây đến miền Nam Việt Nam. Nhiều bài viết về
tư tưởng của bà đồng tính luyến ái (tuy lập gia đình), phóng túng, tự do, thác
loạn, sống buông thả… qua những bài viết trên các tạp chí ở Sài Gòn đã một thời
gây sóng gió.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/1_RZsQ0m8W6mJZDeEzvtFilQ.jpeg
Nhà văn Françoise Sagan
Tác phẩm đầu tay vào năm 1954 Bonjour
Tristesse (Buồn Ơi Chào Mi) do Nguyễn Vỹ dịch năm 1959 và sau đó những tác phẩm
của bà được phổ biến qua các dịch phẩm: Lê Huy Oanh dịch Buồn Ơi, Bắt Tay ấn
hành năm 1970. Tác phẩm Un Certain Sourire (Có Một Nụ Cười) do Nguyễn Minh
Hoàng dịch; Dans un Mois, dans un An (Một Tháng Nữa, Một Năm Nữa) Bửu Ý dịch
năm 1973; Les Merveilles Nuages (Những Đám Mây Huyền Diệu), Đinh Bá Kha dịch
năm 1973… Un Peu de Soleil dans l’Eau Froide (Chút Mặt Trời Trong Nước Lạnh);
Aimez-vous Brahms? (Anh có yêu Brahms?)…
Giữa thập niên 60, những nhà văn nữ Túy Hồng,
Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng (Hoàng Đông Phương), Lệ Hằng qua vài tác
phẩm, nhiều người cho rằng đã ảnh hưởng phần nào trào lưu hiện sinh của
Francoise Sagan.
Tuy ở trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng nền tảng
tự do tại miền Nam đã cho phép các lý thuyết, trào lưu văn học này được giới
thiệu và phát triển ở đây, thậm chí với những khuynh hướng trái chiều nhau.
Lý thuyết và chủ nghĩa hiện sinh không chỉ được
phổ biến ở đại học còn xuất hiện trong sách báo, tác phẩm văn chương. Ngay cả
trào lưu Hippie thịnh hành ở Sài Gòn với các ăn mặc, đầu tóc xuề xòa, nhạc
rock, rượu chè… tuy có vẻ lập dị nhưng cũng không bị cấm đoán.
Vào thế kỷ 19 được coi là “Thời kỳ Hoàng Kim”
của văn học Nga (nửa thuộc Âu, nửa thuộc Á). Những nhà văn nổi tiếng trong thời
kỳ nầy với nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh nên được phổ biến
trên thế giới. Điển hình với hai nhà văn Fyodor Dostoyevsky và Leo Tolstoy, vài
tác phẩm đã được dịch tiếng Việt vào tiền bán thế kỷ XX và sau nầy ở miền Nam
Việt Nam.
Nhà văn Fyodor Dostoyevsky (1821-1881) tác phẩm Crime and Punishment, Crime et Châtiment (Tội Ác
& Hình Phạt); The Possessed, Les Possédés (Lũ Người Quỷ Ám); Notes from
Underground; với The Brothers Karamazov, Les Frères Karamazov (Anh Em Nhà
Karamazov), Les Carnets du Sous-sol (Thạch Chương, nhạc sĩ Cung Tiến dịch Hồi
Ký Viết Dưới Đường Hầm)… Nhà văn Leo Tolstoy (1828-1910); War and Peace (Chiến
Tranh & Hòa Bình) qua bản dịch tiếng Anh của Aylmer Maude và Louise Maude.
Bản dịch Chiến Tranh & Hòa Bình của Nguyễn Hiến Lê, nhà xuất bản Lá Bối,
Sài Gòn 1969. Tập 1: 758 trang, tập 2: 729 trang, tập 3: 733 trang, tập 4: 716
trang.
Các nhà văn trong thời kỳ Liên Xô hầu như
không dịch các tác phẩm của các nhà văn phục vụ cho chế độ. Chỉ có hai nhà văn
Boris Pasternak và Alexander Solzhenitsyn. Tác phẩm Bác Sĩ Zhivago của Boris
Pasternak ra đời năm 1957 (tiếng Anh: Doctor Zhivago, tiếng Pháp: Docteur
Jivago) được giải Nobel Văn Chương năm 1958 nhưng tác giả đang sống trong chế độ
cộng sản Liên Xô nên không được sang Thụy Điển nhận giải và bị Hội Các Nhà Văn
Xô Viết (The Soviet Writers Union) kết tội là kẻ phản động, loại ra khỏi tổ chức!.
(Tháng 12 năm 1989, con trai của Boris Pasternak là nhà văn Evguenii đã được mời
sang Thuỵ Điển nhận giải thưởng thay ông, với những nghi thức long trọng như lễ
trao giải chính thức)…
(Nguồn tin cũng cho rằng trong danh sách các ứng
cử viên của giải Nobel Văn Chương lúc đó còn có nhà văn Mikhail Solokhov nhưng
không được đoạt giải. Sông Đông Êm Đềm (Tikhy Don) được tặng Giải Nobel văn học
năm 1965.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/98c098e270a21a6cd7a5cd27b6357b1d.jpeg
Tác phẩm Dr. Zhivago của Boris Pasternak
Tác phẩm Dr. Zhivago đã được Trường Văn và
Song Tích phỏng dịch năm 1959 nên độc giả ở Miền Nam Việt Nam đã biết qua vì vậy
khi cuốn phim nầy được trình chiếu, trở thành hiện tượng, khán giả đợi chờ, sắp
hàng mua vé. Tựa đề cuốn phim (hình như Mai Thảo đặt) Vĩnh Biệt Tình Em. Sau đó
bản dịch Bác Sĩ Zhivago, Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa xuất bản, 1969. Vĩnh Biệt
Tình Em, Nguyễn Hữu Hiệu dịch, Sài Gòn, Tổ hợp Gió, 1974. Bác sĩ Zhivago, Nguyễn
Hữu Hiệu dịch, Sài Gòn, nhà xuất bản Hoàng Hạc, đầu năm 1975.
Cho đến khi Alexander Solzhenitsyn được giải
Nobel Văn Chương năm 1970 và bị trục xuất ra khỏi Liên Xô. Hầu hết các tác phẩm
của ông đã được dịch ra tiếng Việt. Bài viết “Solzhenitsyn, Chiến Hữu Văn Nghệ”
của tôi đăng tải trên Đặc San Ức Trai của Trường ĐH.CTCT Đà Lạt năm 1974 đề cập
đến những tác phẩm của ông.
Kết
Tổng Quan Về Sách Dịch Văn Học… chỉ đề cập đến
một số tác giả tiêu biểu ở những quốc gia trong khu vực Tây Phương được các dịch
giả nêu trên (cũng chỉ là tiêu biểu) vì có rất nhiều dịch giả đã đóng góp trong
hai thập niên (1954-1975) ở miền Nam Việt Nam không thể nào liệt kê hết. Với
các tác phẩm nổi tiếng ở Tây Phương, khi được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh tạo
điều kiện dễ dàng nên các dịch giả ở miền Nam Việt Nam dựa theo bản dịch đó.
Thật ra, việc sưu tầm tài liệu để viết về đề
tài nầy, nếu ở trong nước có thể tham khảo trong các thư viện (nhưng hình như
sau năm 1975, một số đã bị loại) may ra ở các nơi bán sách cũ…
Tại Mỹ, Đại
học Cornell, tiểu bang New York, với hệ thống thư viện rất lớn gồm trên 20 thư viện; với công trình
sưu tập khổng lồ là trên 7 triệu tài liệu in (printed materials, gồm cả sách và
tạp chí) và nhiều lãnh vực khác trên thế giới. Với tài liệu của miền Nam Việt
Nam may mắn được lưu trữ nơi đây. Trong hai thập niên
(1991-2022) nhà văn Trần Hoài Thư nhờ tài liệu ở các thư viện nầy đã thực hiện
được 100 tập san Thư Quán Bản Thảo, làm sống lại văn chương miền Nam.
Với tôi, đây không phải là biên khảo hoàn chỉnh
mà là bài viết theo sự gợi ý của vị giáo sư ở Đức, ông thông thạo nhiều thứ tiếng,
trong đó có tiếng Việt. Trong thời gian qua, ông và tôi liên lạc với nhau qua
email, ông am tường và thích nền văn học ở miền Nam VN, nên tôi “đáp lễ” qua gợi
ý của ông.
Đề tài nầy quá bao quát, không thể tóm lược
qua bài viết để trích dẫn thời kỳ dịch thuật văn học ở miền Nam Việt Nam trong
hai thập niên (54-75), ngay trong giai đoạn đó cũng chưa có tác giả nào tổng hợp.
Mong rằng đóng góp phần nào về sách dịch Tây phương của một thời đã qua.
Little Saigon, October, 2022
No comments:
Post a Comment