Tuesday, 4 October 2022

TIN TẶC và GIÁN ĐIỆP TRUNG QUỐC ĐẶT MỸ TRONG TÌNH TRẠNG BÁO ĐỘNG (Thanh Hà / RFI)

 



Tin tặc và gián điệp Trung Quốc đặt Mỹ trong tình trạng báo động

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 03/10/2022 - 16:34

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20221003-tin-t%E1%BA%B7c-v%C3%A0-gi%C3%A1n-%C4%91i%E1%BB%87p-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%E1%BA%B7t-m%E1%BB%B9-trong-t%C3%ACnh-tr%E1%BA%A1ng-b%C3%A1o-%C4%91%E1%BB%99ng

 

Một nhóm tin tặc “tinh nhuệ” của Trung Quốc tăng cường hoạt động, nhắm vào các dữ liệu “nhậy cảm” của nhiều công ty Mỹ, của các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ và 35 quốc gia trên thế giới. Đài truyền hình CNN hôm 02/10/2022 trích dẫn chuyên gia Kris McConkey thuộc công ty tư vấn PricewaterhouseCoopers (PwC) xác nhận : các hoạt động “hacking” xuất phát từ một công ty an ninh mạng Trung Quốc tại Thành Đô.

 

https://s.rfi.fr/media/display/f8ef6d0e-1586-11ea-aadd-005056a99247/w:1024/p:16x9/bf252875191e90ea71fabf20c603e501e4f2a37b.webp

Giám đốc FBI Christopher Wray tố cáo Trung Quốc dọ thám làm khuynh đảo kinh tế Mỹ. Ảnh tư liệu ngày 03/12/2022. GETTY IMAGES/AFP

 

Đầu năm 2022 Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ FBI đã kết luận “Trung Quốc có chương trình tấn công mạng quy mô và tinh vi nhất”, “đã tiến hành nhiều vụ tấn công hơn tất cả các quốc gia khác trên thế giới cộng lại”.

 

Cơ quan tư vấn PwC, trụ sở tại Luân Đôn - Anh Quốc đưa ra thêm bằng chứng gián điệp mạng Trung Quốc là một thách thức lớn đối với chính quyền Biden. Kris McConkey điều hành ban đặc trách về thông tin tình báo của PwC không nêu đích danh nhóm “tin tặc tinh nhuệ” Trung Quốc nhưng đưa ra những tiết lộ như sau : Các toán tin tặc Trung Quốc theo dõi và nhắm vào “hàng chục tổ chức của Hoa Kỳ trong năm qua, trong đó bao gồm cả một số cơ quan Nhà nước, các công ty trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ của Mỹ”.

 

Các đội ngũ hacker Trung Quốc thường “truy cập vào các mạng xã hội, để tìm kiếm những thông tin nhậy cảm, liên quan đến chính sách đối ngoại hoặc chính sách thương mại của Mỹ”.

 

Kris McConkey tránh đưa ra một danh sách cụ thể các cơ quan nhà nước của Mỹ trong tầm ngắm của các toán tin tặc Trung Quốc, nhưng xác nhận : hacker Trung Quốc “năng động nhất, với tầm hoạt động có ảnh hướng nghiêm trọng nhất ở cấp quốc tế”.

 

Là một người theo dõi sát các hoạt động tấn công xuất phát từ Trung Quốc, McConkey cho biết thêm ông phát hiện một số các hoạt động tấn công tin học xuất phát từ một “công ty an ninh mạng” đặt tại Thành Đô. PwC tuy nhiên đã không nói rõ là nhóm này có được đặt dưới sự điều hành của một cơ quan Nhà nước Trung Quốc hay không.

 

CNN nhắc lại từ nhiều năm qua, Mỹ cáo buộc Trung Quốc ném đá giấu tay, sử dụng các công ty bình phong để thu thập thông tin tình báo ở quy mô lớn. Đương nhiên Bắc Kinh đã bác bỏ tất cả những tố cáo nói trên. Gần đây, Trung Quốc phản công, lên án Washignton “tiến hành các vụ tấn công tin học nhắm vào lợi ích của Trung Quốc”.

 

Trong khuôn khổ hội thảo về an ninh mạng được tổ chức hồi mùa hè vừa qua, tại Scottdale- bang Arizona, Kris McConkey đã xác định rõ : nhiều vụ tấn công tin học xuất phát từ Trung Quốc, Iran và một số nơi khác trên thế giới. Cũng tại hội thảo này, Adam Kozy, cựu nhân viên của FBI từng đặc trách theo dõi các toán hacker Trung Quốc, trong giai đoạn 2011-2013, đã công bố hình ảnh một tòa nhà của Quân Đội Trung Quốc tại Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến (đông nam Trung Quốc) : đây là một trung tâm “điều phối các chiến dịch nhắm vào các đối thủ của Trung Quốc”. Theo lời Adam Kozy, “đơn vị này có nhiệm vụ nhắm vào Đài Loan và Đài Loan là mục tiêu chính của  chiến dịch tung tin giả” do Trung Quốc tiến hành.

 

Tình báo Trung Quốc “năng động hơn bao giờ hết”

 

Không phải tình cờ mà đầu năm nay, giám đốc FBI Christopher Wray hôm 31/01/2022 khẳng định “Trung Quốc là điểm xuất phát nhiều vụ tấn công tin học nhất nhắm vào Hoa Kỳ”. Cục Điều Tra Liên Bang phân tích “gần 2.000” vụ được coi là những “âm mưu của chính quyền Trung Quốc ăn cắp thông tin, công nghệ của Mỹ”. Cũng ông Wray gần như cùng thời điểm báo động, các hoạt động tình báo của Trung Quốc nhắm vào Hoa Kỳ “đang dồn dập hơn bao giờ hết, táo bạo hơn, nguy hiểm hơn”.

 

Trên báo Pháp Le Figaro, ấn bản ngày 04/09/2022, một nhà cựu ngoại giao Hoa Kỳ và cũng là một chuyên gia về các hoạt động tình báo Trung Quốc, ông Matthew Brazil cho biết : từ 2005 Bắc Kinh đã đẩy mạnh các hoạt động dọ thám cyber và 10 năm sau thì đã ghi được những bàn thắng quan trọng qua việc đột nhập vào hệ thống tin học, đánh cắp thông tin cá nhân của nhân viên làm việc cho chính phủ Mỹ. Họ cũng đã tấn công vào bộ não tin học của tập đoàn hàng không United Airlines, của hệ thống khách sạn Marriott.

 

Vấn đề đặt ra cho phía Hoa Kỳ là tới nay, Washignton vẫn thiếu các “chuyên gia” uyên thâm về văn hóa Trung Quốc, về cách vận hành của các cơ quan trực thuộc Nhà nước Trung Quốc, của các doanh nghiệp Trung Quốc. Ngành tình báo của Trung Quốc lại càng là một chiếc hộp đen với thể thức vận hành rất riêng biệt. Matthew Brazil đơn cử trường hợp của Bộ An Ninh : trên nguyên tắc chỉ lo về khâu tình báo và phản gián, nhưng hoạt động của tổ chức này đã “mở rộng sang những lĩnh vực công nghiệp, cyber và hoạt động một cách độc lập với bên quân đội”.

 

Thế rồi ngay cả đến các tỉnh thành của Trung Quốc, mỗi nơi cũng có một bộ phận đặc trách về an ninh, thí dụ như mãi đến khi một nhân viên tình báo bị “lộ tẩy” ăn cắp công nghệ của tập đoàn General Electric tại Bỉ, người ta mới biết thủ phạm là người của “cơ quan tình báo tỉnh Giang Tô”. Nhà cựu ngoại giao Mỹ, Matthew Brazil giải thích tiếp : tình báo Trung Quốc đôi khi  huy động luôn cả một số các hãng tư nhân, giao hẳn cho họ một số “dịch vụ” và các điệp viên Trung Quốc trong một số trường hợp có khi chỉ cộng tác với chính quyền Trung Quốc một cách “bán thời gian”.

 

Đáng quan ngại không kém là “liên hệ chồng chéo giữa các hoạt động kinh tế hợp pháp và của ngành tình báo” khiến “các hoạt động gián điệp Trung Quốc càng tinh vi hơn” , khó phát hiện hơn. Các hoạt động tình báo theo đuổi các mục tiêu kinh tế, không nhất thiết liên quan đến bên quân đội, hay Nhà nước. Có khi đấy chỉ là sáng kiến của một công ty với dụng ý trục lợi và chính vì thế mà lại càng khó để “phát hiện” những hành vi dọ thám này. Vào lúc mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đang lao vào một cuộc đối đầu về nhiều mặt, từ quân sự đến kinh tế, ngoại giao ... truyền thông quốc tế nói nhiều đến một cuộc chiến tranh lạnh phiên bản mới nhưng lần này là giữa Washignton với Bắc Kinh, câu hỏi đặt ra là phương pháp của các điệp viên Trung Quốc ngày nay có “lợi hại” hơn so với của các thế hệ gián điệp Liên Xô thế kỷ trước hay không ? Chuyên gia Mỹ, Matthew Brazil cho rằng Trung Quốc ngày nay đã “vượt xa” Liên Xô lúc trước : hoạt động của ngành tình báo Trung Quốc giờ đây “muôn hình vạn trạng” và đã được mở rộng ra nhiều lĩnh vực : Đây thực sự là một mối đe dọa đáng gờm nhắm vào an ninh quốc gia Mỹ.

 

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

GIÁN ĐIỆP - TRUNG QUỐC

Khi tình báo Trung Quốc bị tố cáo xen vào bầu cử Mỹ

HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Lãnh đạo tình báo Mỹ : Trung Quốc là "mối đe dọa lớn nhất cho nền dân chủ"

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats