Thêm
bằng chứng đây thực sự là kết thúc của lịch sử
Francis Fukuyama - The Atlantic
Trà
Mi chuyển ngứ
POSTED
ON OCTOBER 18, 2022
https://dcvonline.net/2022/10/18/them-bang-chung-day-thuc-su-la-ket-thuc-cua-lich-su/
Trong
năm qua, thế giới đã thấy rõ có những nhược điểm chính ở cốt lõi của những
chính quyền có vẻ hùng mạnh và độc tài.
Những quốc
gia có vẻ hùng mạnh với những người lãnh đạo không bị luật pháp hoặc hiến pháp
kềm chế rõ ràng đã định hình chính trị thế giới trong chục năm qua. Cả Nga và
Trung Hoa đều lập luận rằng nền dân chủ tự do đang suy giảm lâu dài và thương
hiệu chính phủ độc tài cơ bắp của họ có thể hành động dứt khoát và làm được việc
trong khi những đối thủ dân chủ của họ tranh luận, run rẩy và không thực hiện
được lời hứa của họ. Hai quốc gia này là lớp tiên phong của một đợt sóng độc
tài lớn hơn đã đẩy lùi những thành tựu dân chủ trên thế giới, từ Myanmar
đến Tunisia, Hungary đến El Salvador. Tuy nhiên, trong năm qua, thế giới đã thấy
rõ có những nhược điểm chính ở cốt lõi của những chính quyền có vẻ hùng mạnh và
độc tài này.
Có hai loại
nhược điểm. Thứ nhất, việc tập trung quyền lực vào tay một người lãnh đạo tối
cao duy nhất chắc chắn đi đến việc có những quyết định phẩm chất thấp và theo
thời gian sẽ tạo ra những hậu quả thực sự thảm khốc. Thứ hai, việc không có thảo
luận và tranh luận công khai ở các quốc gia “hùng mạnh” và không có bất kỳ cơ
chế trách nhiệm giải trình nào, có nghĩa là sự ủng hộ người lãnh đạo là mỏng
manh và có thể bị xói mòn ngay lập tức.
Những người
ủng hộ nền dân chủ tự do không được nhượng bộ một thuyết định mệnh ngầm chấp nhận
quan niệm Nga-Hoa cho rằng những nền dân chủ như vậy đang suy tàn là điều không
thể tránh khỏi. Sự tiến bộ lâu dài của những thể chế hiện đại không phải là tuyến
tính cũng không phải là tự động. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã thấy có những
bước lùi lớn đối với sự tiến bộ của những thể chế tự do và dân chủ, với sự trỗi
dậy của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản trong những năm 1930, hoặc các
cuộc đảo chính của quân đội và khủng hoảng dầu mỏ trong những năm 1960 và 1970.
Tuy nhiên, nền dân chủ tự do đã kéo dài và trở lại nhiều lần, vì những lựa chọn
thay thế quá tệ. Người dân ở nhiều nền văn hóa khác nhau không thích sống dưới
chế độ độc tài, và họ coi trọng quyền tự do cá nhân con người. Không một chính
phủ độc tài nào thể hiện một xã hội, về lâu dài, hấp dẫn hơn nền dân chủ tự do,
và do đó có thể được coi là mục tiêu hay điểm cuối của tiến bộ lịch sử. Hàng
triệu người bỏ phiếu bằng đôi chân — họ rời khỏi các quốc gia nghèo đói,
tham nhũng hoặc bạo lực suốt đời không phải ở Nga, Trung Hoa hay Iran mà là ở
phương Tây tự do, dân chủ — chứng tỏ đủ cho việc này.
Triết gia
Hegel đã đặt ra nhớm chữ sự kết thúc của lịch sử để ám chỉ sự
trỗi dậy của chính quyền tự do sau Cách mạng Pháp như là mục tiêu hoặc phương
hướng mà tiến trình lịch sử đang thịnh hành. Trong nhiều chục năm sau đó, những
người theo chủ nghĩa Marx đã vay mượn tư tưởng của Hegel và khẳng định rằng kết
thúc thực sự của lịch sử sẽ là một xã hội không tưởng cộng sản. Khi tôi viết một
bài báo vào năm 1989 và một cuốn sách vào năm 1992 dùng nhóm chữ này trong tựa
đề, tôi đã nói rõ rằng phiên bản của chủ nghĩa Marx rõ ràng là sai và dường như
không phải là giải pháp thay thế tốt hơn cho nền dân chủ tự do. Chúng ta đã
nhìn thấy những sự đảo ngược đáng sợ đối với sự tiến bộ của nền dân chủ tự do
trong 15 năm qua, nhưng những thất bại đó không có nghĩa là câu chuyện căn bản
là sai. Không có lựa chọn thay thế nào đã cống hiến có vẻ như đang hoạt động tốt
hơn.
*
* *
Những điểm
yếu của những cường quốc đã hiện ra rõ ràng ở Nga. Tổng thống
Vladimir Putin là người duy nhất có quyền quyết định; thậm chí Liên Xô cũ
có một bộ chính trị, nơi mà bí thư đảng phải duyệt xét những ý tưởng
về chính sách. Chúng ta đã thấy hình Putin ngồi cuối bàn dài với các bộ trưởng
quốc phòng và ngoại giao vì sợ COVID; ông ta bị cô lập đến nỗi không biết
bản sắc dân tộc Ukraine đã trở nên mạnh mẽ như thế nào trong những năm gần đây
hoặc cuộc kháng chiến mà cuộc xâm lược của ông ta sẽ kích động ác liệt như
thế nào. Tương tự như vậy, ông ta không hề biết về tham nhũng và sự
kém cỏi đã bám rễ sâu như thế nào trong quân đội Nga, những vũ khí hiện đại mà
ông ta đã phát triển đang hoạt động tồi tệ đến mức nào, hay đội ngũ
sĩ quan của chính ông ta được huấn luyện kém đến mức nào.
Sự ủng hộ
mỏng manh cho chế độ của ông hiện rõ qua việc thanh niên Nga đổ xô đến vùng
biên giới khi ông tuyên bố động viên “một phần” vào ngày 21 tháng 9. Khoảng
700.000 người Nga đã bỏ Nga đến Georgia, Kazakhstan, Phần Lan và bất kỳ quốc
gia nào khác đón nhận họ, một con số lớn hơn nhiều so với con số tân binh thực
tế đã được động viên. Những người bị động viên đang bị đưa thẳng ra mặt trận,
không được huấn luyện hoặc trang bị đầy đủ, và đã xuất hiện ở mặt trận như những
tù binh hoặc những con số thương vong. Tính hợp pháp của Putin dựa trên một hợp
đồng xã hội hứa hẹn sự ổn định cho công dân và một chút thịnh vượng để đổi lấy
sự thụ động chính trị, nhưng chế độ Putin đã phá vỡ thỏa thuận đó và đang cảm
nhận hậu quả.
Việc quyết
định tồi và sự ủng hộ mỏng manh của Putin đã tạo ra một trong những sai lầm chiến
lược lớn nhất trong ký ức sống. Không thể chứng tỏ sự vĩ đại và khôi phục đế chế
của mình, Nga đã trở thành đối tượng bị chế giễu trên thế giới và sẽ phải chịu
đựng thêm sự sỉ nhục dưới tay Ukraine trong những tuần sắp tới. Toàn bộ vị trí
quân sự của Nga ở phía nam Ukraine có thể sụp đổ, và người Ukraine có cơ hội thực
sự để giải phóng Bán đảo Crimea lần đầu tiên kể từ năm 2014. Những sự đảo ngược
này đã gây ra hiện tượng có rất nhiều sự đổ lỗi ở Moscow; Điện Kremlin thậm chí
còn thẳng tay đàn áp những người bất đồng chính kiến. Liệu bản thân Putin có thể
sống sót sau một thất bại quân sự của Nga hay không hiện là một câu hỏi mở.
Một chuyện
tương tự, nếu ít kịch tính hơn một chút, đang xảy ra ở Trung Hoa. Một trong những
điểm nổi bật của chủ nghĩa độc tài Trung Hoa trong giai đoạn giữa thời đổi mới
của Đặng Tiểu Bình vào năm 1978 và việc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013
là mức độ nó được thể chế hóa. Thể chế có nghĩa là những người cai trị phải
tuân theo quy tắc và không thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Đảng Cộng sản Trung
Hoa tự áp đặt nhiều quy định: tuổi nghỉ hưu bắt buộc đối với cán bộ đảng viên,
tiêu chuẩn tuyển dụng và thăng chức nghiêm ngặt và trên hết là giới hạn nhiệm kỳ
10 năm đối với người lãnh đạo cao cấp nhất của đảng. Đặng Tiểu Bình đã thiết lập
một hệ thống lãnh đạo tập thể một cách chính xác để tránh sự thống trị của một
người lãnh đạo ám ảnh duy nhất như Mao Trạch Đông.
Phần lớn
những quy định này đã bị phá bỏ dưới thời Tập Cận Bình, người sẽ nhận được hâu
thuẫn của đảng để tiếp tục giữ cương vị lãnh đạo tối cao trong nhiệm kỳ 5 năm lần
thứ ba tại Đại hội Đảng lần thứ 20. Thay vì tập thể lãnh đạo, Trung Hoa đã chuyển
sang một hệ thống cá nhân lãnh đạo, trong đó không một viên chức cao cấp nào
khác trong chính quyền có thể thách thức Tập.
Sự tập
trung quyền lực vào một người lại dẫn đến việc có những quyết định kém. Đảng đã
can thiệp vào nền kinh tế, gây khó khăn cho lĩnh vực kỹ thuật bằng cách theo đuổi
các ngôi sao như Alibaba và Tencent; buộc nông dân Trung Hoa phải trồng các loại
thực phẩm thua lỗ để theo đuổi mục tiêu nông nghiệp tự cung tự cấp; và nhấn mạnh
vào chiến lược zero COVID nhằm giữ cho các phần tử quan trọng của Trung Hoa tiếp
tục bị khóa chặt đã làm cắt giảm tăng trưởng kinh tế của Hoa lục. Trung Hoa
không thể dễ dàng đảo ngược chính sách zero COVID, bởi vì họ đã không mua
được thuốc chủng ngừa hiệu quả và nhận biết rằng một phần lớn dân số cao tuổi của
họ dễ nhiễm dịch bệnh. Hai năm trước, những gì trông giống như một thành công mỹ
mãn trong việc kiểm soát COVID đã trở thành một sự thất bại kéo dài.
Tất cả những
điều này xẩy ra trên sự thất bại của mô hình tăng trưởng căn bản của Trung Hoa,
vốn dựa vào đầu tư lớn của nhà nước vào bất động sản để giữ cho nền kinh tế hoạt
động đều đặn. Kinh tế căn bản cho thấy điều này sẽ dẫn đến sai lầm lớn trong việc
phân bổ tài nguyên, như đã xảy ra trên thực tế. Cứ lên mạng tìm nhớm
chữ các tòa nhà Trung Hoa bị nổ tung (Chinese buildings being blown up),
bạn đọc sẽ thấy nhiều video về những khu nhà ở đồ sộ bị đặt mìn giật sập vì
không ai mua những căn nhà trong đó.
Những thất
bại vì độc tài thế này không chỉ giới hạn ở Trung Hoa. Iran đã bị rung chuyển
vì dân chúng biểu tình nhiều tuần sau cái chết của Mahsa Amini dưới bàn tay của
cảnh sát đạo đức. Iran đang ở trong tình trạng tồi tệ: Nước này phải đối diện với
một cuộc khủng hoảng ngân hàng, cạn kiệt nước, đứng nhìn sự sụt giảm lớn ở khu
nông nghiệp và đang vật lộn với các lệnh trừng phạt và bị cô lập trên trường quốc
tế. Mặc dù bị xa lánh, nhưng Iran có một dân số có trình độ giáo dục tốt, trong
đó phụ nữ chiếm đa số những người tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, chế độ này lại
do một nhóm nhỏ những người đàn ông già cỗi với quan điểm xã hội đã lỗi
thời vài ba thế hệ lãnh đạo. Không có gì lạ khi chế độ hiện ở Iran đang phải đối
phó với thử thách lớn nhất về tính hợp pháp. Quốc gia duy nhất được coi là quản
lý kém hơn nữa là một quốc gia có chế độ độc tài khác; đó là Venezuela, một quốc
gia đã tạo ra dòng người tị nạn lớn nhất thế giới trong chục năm qua.
Do đó, hân
hoan vì sự trỗi dậy của những cường quốc và sự suy tàn của nền dân chủ tự do là
quá vội vàng. Nền dân chủ tự do, chính là vì nó phân phối quyền lực và dựa trên
sự đồng ý của người dân, đang trong tình trạng tốt hơn như nhiều người tưởng. Bất
chấp những thành tựu gần đây của những đảng dân túy ở Thụy Điển và Ý, hầu hết
những quốc gia ở châu Âu vẫn có mức độ đồng thuận xã hội mạnh mẽ.
Thật không
may, dấu hỏi lớn vẫn là Hoa Kỳ. Khoảng 30 đến 35 phần trăm cử tri của Mỹ tiếp tục
tin vào luận điệu tuyên truyền láo lếu là cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã bị
đánh cắp và Đảng Cộng hòa đã bị những người theo MAGA của Donald Trump chiếm giữa.
Họ đang cố gắng hết sức để đưa những người phủ nhận kết quả bầu cử 2020 vào những
vị trí quyền lực trên khắp moi miền đất nước. Nhóm này không đại diện cho đa số
nhưng họ có thể giành lại quyền kiểm soát, ít nhất là ở Hạ viện vào tháng 11
này, và có thể cả vị trí tổng thống vào năm 2024. Người được coi là lãnh đạo
của đảng, Trump, ngày càng lún sâu vào sự điên rồ thúc đẩy bằng thuyết âm
mưu khi Trump tin rằng ông ta có thể được phục hồi chức vụ tổng thống ngay lập
tức và Hoa Kỳ nên truy tố hình sự những vị tổng thống tiền nhiệm kể cả một
người đã chết.
Có một mối
liên hệ mật thiết giữa sự thành công của những cường quốc ở nước ngoài và chính
trị dân túy ở trong nước. Các chính khách như Marine Le Pen và Éric Zemmour ở
Pháp, Viktor Orbán ở Hungary, Matteo Salvini ở Ý, và tất nhiên Trump ở Mỹ đều
bày tỏ thiện cảm với Putin. Họ nhìn thấy ở ông ta một hình mẫu cho kiểu cai trị
bằng sức mạnh mà họ muốn thực hiện ở đất nước của họ. Đổi lại, Putin hy vọng rằng
sự trỗi dậy của họ sẽ làm suy yếu sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine và cứu
vãn “cuộc hành quân đặc biệt” của ông.
Nền dân chủ
tự do sẽ không trở lại trừ khi mọi người sẵn sàng đấu tranh nhân danh nó. Vấn đề
là nhiều người lớn lên sống trong những nền dân chủ tự do hòa bình, thịnh vượng
bắt đầu coi hình thức chính phủ của họ là điều hiển nhiên. Bởi vì họ chưa bao
giờ sống với một chế độ chuyên chế thực sự, họ tưởng tượng rằng những chính phủ
dân cử một cách dân chủ mà họ đang sống chính là những chế độ độc tài xấu xa
đang lừa gạt quyền lợi của họ, cho dù đó là Liên minh Châu Âu hay chính quyền ở
Washington. Nhưng thực tế đã can thiệp. Việc Nga xâm lăng Ukraine chính là hình
ảnh một chế độ độc tài thực sự đang cố gắng bóp chết một xã hội thực sự tự do bằng
hỏa tiễn và xe tăng, đồng thời có thể nhắc nhở thế hệ hiện tại về những gì đang
bị đe dọa. Bằng cách chống lại chủ nghĩa đế quốc Nga, người Ukraine đang chứng
tỏ những nhược điểm yếu trầm trọng hiện hữu ở cốt lõi của một chính quyền có vẻ
mạnh. Họ hiểu giá trị thực sự của tự do và đang thay mặt chúng ta chiến đấu một
trận chiến lớn hơn, một trận chiến mà tất cả chúng ta cần phải tham gia.
https://www.americanacademy.de/wp-content/uploads/2016/12/Fukuyama-Francis.png
Tác giả | Francis Fukuyama là Viện sĩ
Olivier Nomellini tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli của Đại học
Stanford.
©
2022 DCVOnline
Nếu đăng lại,
xin ghi nguồn và đọc “Thể
lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: More Proof That This Really Is the End of History |Francis
Fukuyama | The Atlantic | October 17, 2022.
No comments:
Post a Comment