Friday, 21 October 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 20/10/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 20/10/2022

The Economist

Đỗ Đặng NHật Huy, biên dịch

20/10/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/10/20/the-gioi-hom-nay-20-10-2022/

 

Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố thiết quân luật từ thứ Tư tại 4 khu vực Ukraine bị Nga kiểm soát một phần. Ông Putin cũng ra lệnh “huy động kinh tế” tại 8 tỉnh giáp biên giới Ukraine của Nga, qua đó cho phép các chính quyền địa phương gia tăng sản xuất và hạn chế di chuyển. Cuộc phản công gần đây của Ukraine đã đẩy quân đội Nga ở Kherson, một thành phố quan trọng ở phía nam, lùi 30 km. Nhà chức trách thân Nga tuyên bố đã bắt đầu sơ tán dân thường khỏi thành phố trước một cuộc tấn công của Ukraine, điều mà Kiyv gọi là “màn tuyên truyền.”

 

Suella Braverman từ chức bộ trưởng nội vụ Anh, đẩy chính phủ Liz Truss sâu vào khủng hoảng. Bà Braverman cho biết quyết định từ chức vì vi phạm quy tắc của bộ khi gửi một tài liệu chính thức từ email cá nhân. Nhưng bà cũng cáo buộc thủ tướng vi phạm “những cam kết chính.” Trước đó, bà Truss nói “hoàn toàn cam kết” tăng lương hưu phù hợp với lạm phát, vốn lên mức 10,1% trong tháng 9.

 

Emmanuel Macron bỏ qua quốc hội Pháp để thông qua ngân sách năm 2023. Tổng thống đã buộc phải sử dụng “điều 49.3,” một điều khoản hiến pháp cho phép nhánh hành pháp thông qua các đạo luật không cần bỏ phiếu. Kể từ cuộc bầu cử quốc hội tháng 6, liên minh trung dung của ông Macron bị thiếu 44 ghế để có đa số. Hiện chính phủ đang đối mặt với đình công trên toàn quốc, vốn bắt đầu từ thứ Ba.

 

Tập đoàn thực phẩm lớn nhất thế giới Nestlé đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu 8,5% trong 9 tháng tính đến tháng 9, mức tăng mạnh nhất 14 năm qua. Doanh nghiệp này đã tăng giá sản phẩm lên 7,5% trong cùng kỳ mà không bị mất một lượng khách hàng đáng kể. Hiện giá thực phẩm đang trở nên đắt đỏ hơn trên toàn cầu; ở Anh, chi phí thực phẩm đã tăng 14,6% trong 12 tháng tính đến tháng 9.

 

Các ngoại trưởng nữ của thế giới sẽ gặp nhau vào thứ Năm để thảo luận về cách hỗ trợ những người đang biểu tình chống luật đạo đức hà khắc của Iran, theo ngoại trưởng Canada. Vào hôm thứ Tư, vận động viên leo núi Elnaz Rekabi, người không đeo khăn trùm đầu khi thi đấu ở Hàn Quốc, đã được chào đón nhiệt tình bởi đám đông khi trở về thủ đô Tehran của Iran.

 

Goldman Sachs cho biết sẽ chấm dứt chiến lược tái cơ cấu mảng ngân hàng bán lẻ được đưa ra từ năm 2016. Theo kế hoạch tái cơ cấu mới, Goldman sẽ tách mảng bán lẻ, gộp các mảng tiết kiệm và tài sản vào bộ phận quản lý tài sản, và đặt mảng cho vay, ngân hàng bán buôn, tài chính doanh nghiệp vào một đơn vị mới, gọi là mảng “nền tảng.”

 

Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết hôm thứ Tư rằng chính phủ đang xem xét động thái tiếp theo trước vụ đánh đập người biểu tình “không thể chấp nhận được” bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Manchester. Hôm Chủ nhật, cảnh sát Anh đã can thiệp sau khi một nhóm đàn ông đi từ lãnh sự quán ra và hành hung một người đang biểu tình phản đối chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong khi đó, bộ ngoại giao Trung Quốc phàn nàn về việc lãnh sự quán của họ bị xâm nhập bất hợp pháp.

 

Con số trong ngày: 17 tỷ USD, là số tiền ước tính Ukraine sẽ cần để xây dựng lại cơ sở hạ tầng quan trọng và nhà ở cho những người hồi hương.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Triều Tiên tiếp tục khiến Mỹ và đồng minh đau đầu

Khi các bộ óc quân sự hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc gặp nhau vào thứ Năm, họ sẽ nghiền ngẫm một vấn đề đã khiến họ đau đầu suốt ba mươi năm qua: chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Kể từ đầu năm, nước này đã liên tiếp thử công nghệ tên lửa mới. Tháng trước, họ thậm chí tổ chức nhiều cuộc tập trận để xem xét khả năng tác chiến vũ khí. Mỹ và Hàn Quốc dự đoán sẽ sớm có một vụ thử hạt nhân mới, có thể là loại vũ kí “chiến thuật” dùng được trên chiến trường.

 

Cho đến nay, phản ứng vẫn theo một khuôn mẫu quen thuộc: phô trương sức mạnh quân sự, nói về liên minh “sắt đá” Mỹ-Hàn, và đe dọa tiêu diệt Triều Tiên nếu nước này đi quá đà. Tuy nhiên, cách tiếp cận này chỉ giúp Kim Jong Un có thêm thời gian để phát triển vũ khí của mình. Có thể sẽ có chiến lược mới.

 

EU họp thường kỳ

Các lãnh đạo EU sẽ gặp nhau vào thứ Năm để thảo luận về cuộc khủng hoảng năng lượng và cuộc chiến ở Ukraine. Trong chương trình nghị sự sẽ là các biện pháp khẩn cấp do Ủy ban châu Âu tại Brussels đề xuất nhằm buộc 27 chính phủ EU cùng mua khí đốt tự nhiên. Làm vậy sẽ ngăn các nước châu Âu đấu giá với nhau làm tăng giá. Với việc các chính phủ quốc gia tiến hành nhiều biện pháp khắc phục khủng hoảng khác nhau, các nhà ngoại giao đang giảm nhẹ khả năng có các hành động sâu rộng như giới hạn giá khí đốt nhập khẩu.

 

Do đó các bên sẽ có nhiều thời gian hơn để nói về tình hình Ukraine. Cần có tiền để tài trợ chính phủ Kyiv, cũng như để tái thiết trong tương lai. Các quốc gia diều hâu, chủ yếu ở Trung và Đông Âu, đang yêu cầu các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga sau các vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Ukraine; gói trừng phạt mới nhất chỉ vừa được các lãnh đạo EU đồng ý vào hai tuần trước.

 

Nhân viên nhà máy Zaporizhia bị Nga ép đổi phe

Thứ Năm sẽ là ngày mà các quan chức Nga đang giữ quyền kiểm soát nhà máy hạt nhân Zaporizhia phải yêu cầu các kỹ thuật viên Ukraine chuyển sang đầu quân cho Nga. Những người tuân thủ sẽ được bảo lưu thâm niên, ngày nghỉ phép và lương hưu, còn nếu từ chối sẽ đối mặt hậu quả tệ hơn cả sa thải. Trong những tháng sau khi Nga chiếm giữ nhà máy này, hàng chục nhân viên ủng hộ Ukraine đã bị tra tấn, bị giam giữ để đòi tiền chuộc hoặc bị giết. Hôm thứ Hai, có thêm hai nhân viên quản lý nữa bị bắt cóc.

 

Số nhân viên của nhà máy đã giảm hơn 2/3 so với trước cuộc xâm lược. Nhiều nhà quan sát phương Tây, bao gồm cả cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, lo ngại việc giảm nhân công có thể dẫn đến tai nạn hạt nhân. Nhà điều hành quốc doanh của Ukraine, Energoatom, đã kêu gọi nhân viên tiếp tục làm việc nhưng không đổi phe. Hơn nữa, lực lượng Ukraine không ở quá xa nhà máy và đang trên đà tiến công. Chính phủ Ukraine đã nói sẽ truy tố những người cộng tác với Nga, mặc dù các quan chức đề nghị có ngoại lệ cho trường hợp này.

 

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục giảm lãi suất dù lạm phát kỷ lục

Với lạm phát tăng 83% và đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm giá gần 40% so với đồng đô la kể từ đầu năm, liệu Recep Tayyip Erdogan có cân nhắc đảo ngược chính sách giảm lãi suất để kiềm chế lạm phát của ông? Câu trả lời là không. “Miễn là người anh em này của các bạn còn nắm quyền, lãi suất sẽ tiếp tục giảm,” tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hồi đầu tháng. Ông Erdogan đã buộc ngân hàng trung ương phải cắt giảm lãi suất chuẩn từ 18% xuống 12% trong năm qua.

 

Do đó, giới phân tích kỳ vọng lãi suất sẽ giảm hẳn một điểm phần trăm nữa tại cuộc họp ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng vào thứ Năm. Với việc ông Erdogan muốn duy trì tăng trưởng kinh tế, vốn đạt 7,6% trong quý hai, cho đến trước bầu cử tổng thống và quốc hội vào năm tới, lãi suất có thể sẽ bị kéo xuống còn một con số. Hậu quả là lạm phát càng thêm nghiêm trọng.





No comments:

Post a Comment

View My Stats