Friday 7 October 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 06/10/2022 (The Economist)

 



 

THẾ GIỚI HÔM NAY : 06/10/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

06/10/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/10/06/the-gioi-hom-nay-06-10-2022/

 

OPEC +, trong đó bao gồm Nga, đã đồng ý giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày, tương đương với 2% nguồn cung toàn cầu. Đây là mức cắt giảm lớn nhất kể từ năm 2020. Trong khi đó, các đại sứ EU đã đồng ý áp trần giá dầu cho Nga để trừng phạt ông Putin vì cuộc chiến ở Ukraine cũng như lời đe dọa dùng vũ khí hạt nhân của ông. Khối này đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn đạo luật sáp nhập bốn khu vực của Ukraine, ngay cả khi quân đội Ukraine tiếp tục giành lại lãnh thổ. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết hôm thứ Ba rằng hàng chục thị trấn đã được giải phóng ở phía đông và phía nam đất nước, nơi quân Ukraine đang tiến lên một cách “nhanh chóng và mạnh mẽ.” Trong khi đó, các quan chức Mỹ cảnh báo Ukraine phải tận dụng đà tiến trước khi mùa đông đến.

 

Cổ phiếu Twitter tăng hơn 20% khi có thông tin Elon Musk sẽ tiếp quản công ty. Ông Musk đã đồng ‎‎ý với mức giá ban đầu, 54,20 USD/cổ phiếu. Suốt nhiều tháng qua, ông đã tìm cách xé bỏ hợp đồng mua lại, dẫn đến một tranh chấp pháp lý với Twitter vốn dự kiến ​​sẽ ra toà vào cuối tháng này.

 

Giải Nobel hóa học được trao cho Carolyn Bertozzi, Morten Meldal và Barry Sharpless vì công trình phát triển hóa học “click,” trong đó các khối xây dựng phân tử được gắn với nhau một cách nhanh chóng và hiệu quả. Công nghệ này thường được dùng trong nghiên cứu dược phẩm và lập bản đồ DNA.

 

Thủ tướng Anh Liz Truss đã bảo vệ kế hoạch cắt giảm thuế của bà tại hội nghị Đảng Bảo thủ. Dù thừa nhận phải từ bỏ kế hoạch giảm thuế suất thuế thu nhập cho người thu nhập rất cao, bà Truss khẳng định sẽ tiếp tục các phần khác của kế hoạch, vốn đã khiến thị trường bất ổn hồi tháng 9. Đồng bảng Anh giảm 1% so với đồng đô la vào chiều thứ Tư.

 

Virgin Atlantic cho biết sẽ rút khỏi Hồng Kông vĩnh viễn sau gần 30 năm hoạt động tại thành phố này. Hãng hàng không Anh, sau khi không khai thác chuyến bay chở khách nào đến Hồng Kông trong gần một năm qua, nói việc đóng cửa không phận Nga là một trong những nguyên nhân vì nó làm tăng thời gian hành trình bay.

 

Chess.com, nền tảng cờ vua hàng đầu thế giới, nói kiện tướng 19 tuổi người Mỹ Hans Niemann “có khả năng” đã gian lận trong hơn 100 ván đấu trực tuyến. Niemann từng nhanh chóng vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng môn cờ vua, nhưng tháng trước đã bị nhà vô địch thế giới Magnus Carlsen buộc tội gian lận. Niemann trước đó phủ nhận các cáo buộc. Chess.com cho biết Niemann đã thừa nhận riêng với họ và sẽ bị cấm sử dụng nền tảng này một thời gian.

 

Con số trong ngày: 72, là số bộ trưởng mà tổng thống Peru Pedro Castillo đã làm việc cùng trong 14 tháng tại vị.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Liệu Nga có dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine?

Quân Ukraine càng tiến xa, nguy cơ Nga đáp trả bằng vũ khí hạt nhân càng lớn, và Mỹ ngày càng công khai cảnh báo. Hồi tháng 9, các quan chức cấp cao của Mỹ đã cảnh báo Nga về những hậu quả “thảm khốc” và “khủng khiếp” nếu nước này dùng vũ khí hạt nhân. Một số người đồn rằng Mỹ sẽ đáp trả về mặt quân sự, nhưng khả năng là bằng vũ khí thông thường thay vì vũ khí hạt nhân.

 

Trong nhiều tháng, giới chức Mỹ cho biết họ không thấy sự thay đổi nào trong tư thế hạt nhân của Nga. Và giờ đây, họ nói không thấy có gì “khiến chúng tôi phải thay đổi tư thế của mình.” Một người gần đây cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy việc sử dụng vũ khí hạt nhân “sắp xảy ra.” Song hoàn toàn có khả năng Mỹ nhìn thấy điều gì đó trong các cơ sở hạt nhân của Nga nhưng không phản ứng lại. Một nhà phân tích đã phát hiện ra chuyển động của một đơn vị lưu trữ và vận chuyển đầu đạn hạt nhân của Nga. Một tờ báo Ý thậm chí đưa tin Nga có thể sẽ sớm thử nghiệm một ngư lôi hạt nhân. Tuy vậy các quan chức khác khẳng định đây chỉ là tin giả. Kết quả là thế giới ngày càng lo lắng.

 

Pakistan không thể khắc phục hậu quả lũ lụt

Lũ lụt có thể đã rút đi ở Pakistan, nhưng chi phí của chúng đang tăng lên gấp bội. Tuần này, Liên Hợp Quốc đã nâng lời kêu gọi viện trợ cho quốc gia này lên 816 triệu đô la từ mức 160 triệu đô la trước đó. Nguyên nhân là nạn đói và gia tăng các bệnh truyền nhiễm qua nước. Hơn 140.000 ca mắc sốt rét đã được ghi nhận ở tỉnh phía nam Sindh trong ba tuần đầu tiên của tháng 9. Ngoài ra, nhiều vùng đất nông nghiệp vẫn bị ngập nước.

 

Chính phủ Pakistan dường như không đủ trang bị để đối phó. Bộ trưởng khí hậu, Sherry Rehman, thừa nhận kho bạc chính phủ đang cạn kiệt. Phản ứng yếu kém đang khiến các quan chức mất mặt. Hôm thứ Hai, thủ tướng Shehbaz Sharif đã từ chối dùng bảng điều khiển theo dõi cứu trợ lũ lụt của chính phủ vì cho rằng nó được thiết kế kém. Và phe đối lập do cựu thủ tướng Imran Khan lãnh đạo càng khiến cho ông Sharif thêm đau đầu. Ông Khan đã kêu gọi các quan chức trong đảng ông tập hợp hàng triệu người ủng hộ đổ về thủ đô trong tuần này để biểu tình yêu cầu bầu cử.

 

Cuộc bầu cử thượng nghị sĩ Arizona

Những năm gần đây các cuộc bầu cử trên toàn bang ở Arizona, nơi một phần ba số cử tri không tuyên bố trung thành với đảng phái nào, đã trở nên sít sao đáng kinh ngạc. Tuy vậy, thượng nghị sĩ Dân chủ đương nhiệm Mark Kelly lại đang thoải mái dẫn trước đối thủ Cộng hòa của mình. Các cử tri độc lập dường như không bị thuyết phục bởi Blake Masters, một nhà đầu tư mạo hiểm với các phát ngôn phân biệt chủng tộc vốn giúp ông có được sự ủng hộ của Donald Trump. Do đó, ông Masters sẽ cố gắng làm dịu hình ảnh và mở rộng sức hấp dẫn của mình khi ra tranh luận với ông Kelly vào thứ Năm.

 

Ngược lại, ông Kelly biết cách thu hút các cử tri trung dung. Thừa biết điểm yếu về an ninh biên giới của đảng Dân chủ, ông Kelly có quan điểm cứng rắn với vấn đề nhập cư. Ông ủng hộ xây tường dọc theo biên giới của Arizona với Mexico và đã đồng tài trợ một dự luật tăng tuyển dụng và giữ nhiều sĩ quan biên phòng hơn. Mô hình dự báo của Economist đang cho thấy ông có 92% xác suất chiến thắng vào ngày 8 tháng 11.

 

Các nước châu Âu họp thượng đỉnh

Các nhà lãnh đạo của 44 quốc gia châu Âu sẽ tề tựu về Praha vào thứ Năm cho cuộc họp đầu tiên của “Cộng đồng Chính trị châu Âu” (EPC). Cơ chế này được dẫn đầu bởi tổng thống Pháp Emmanuel Macron và có sự tham dự của 27 thành viên EU cũng như 17 quốc gia vòng ngoài: các nước muốn gia nhập (Serbia, Ukraine), các nước phi thành viên (Na Uy, Thụy Sĩ), và cả những người đã ra đi gần đây (Anh).

 

Hội nghị thượng đỉnh sẽ có các luồng thảo luận khác nhau nhằm giữ cho các cặp quốc gia có mâu thuẫn không được ở trong cùng một phòng, chẳng hạn như Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng EPC đã sớm nhận được sự ủng hộ của tân thủ tướng Liz Truss của Anh, người sẽ tham dự bất chấp mối quan hệ sóng gió của nước bà với lục địa. Sau khi thượng đỉnh kết thúc, các lãnh đạo EU sẽ tiếp tục ngồi lại để thảo luận về việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt Nga, sau khi các đại sứ EU thông qua một thỏa thuận áp trần giá dầu đối với Nga vào thứ Tư.





No comments:

Post a Comment

View My Stats