Thursday, 13 October 2022

THAY ĐỔI TƯ DUY, DỄ hay KHÓ? (Từ Thức)

 



Thay đổi tư duy, dễ hay khó?

Từ Thức

13/10/2022

https://baotiengdan.com/2022/10/13/thay-doi-tu-duy-de-hay-kho/

 

Trong một bài trước (Tại sao, 47 năm sau, vẫn chưa có thay đổi ở Việt Nam?) (1), người viết đã đặt câu hỏi: Tại sao, sau gần nửa thế kỷ, một chế độ kỳ quái là chế độ Cộng Sản (CS) vẫn ngự trị trên đầu gần 100 triệu người, ở thế kỷ 21?

 

Trả lời: Bởi vì Cộng Sản đã thành công trong công cuộc “thụ nhân” (trồng người) ở miền Nam, sau khi đã thành công ở miền Bắc.

 

Sau gần nửa thế kỷ, Cộng Sản đã tạo được một thế hệ những người dân hài lòng với thân phận nô lệ của mình, không tìm cách ra khỏi nhà tù nữa. Những người nhai đi nhai lại những câu thần chú: Ngày nay, VN không thua ai, có tiền là có tất cả; xứ nào cũng có tham nhũng; thời nào cũng có bất công.

 

Muốn thay đổi xã hội, phải thay đổi tư duy

Người dân chỉ đòi thay đổi chế độ, nếu ý thức được mình đang nằm trong một nhà tù lớn, ý thức được xã hội sẽ bế tắc, tương lai con cháu họ sẽ đen tối, nếu coi chuyện mất nước là chuyện của thiên hạ, không phải chuyện của một cá nhân nhỏ bé như mình.

 

Hai câu hỏi đặt ra: 1. Thay đổi tư duy: dễ hay khó? 2. Thay đổi tư duy: chuyện có thể làm được, hay chỉ là mơ mộng viển vông? (2)

 

.

TỪ PHẪN NỘ TỚI DẤN THÂN

 

Stéphane Hessel (Pháp), trong cuốn “Indignez-vous!’’– Hãy phẫn nộ! (3), nói cái quyền, và cái bổn phận đầu tiên, của người dân là phải có khả năng bất bình, nổi giận. Bất bình, nổi giận trước tất cả những bất công, bạo hành, những cái chướng tai gai mắt, chà đạp nhân quyền, phá hoại môi sinh.

 

Khi một dân tộc không còn khả năng, không muốn phẫn nộ, vô cảm với mọi chuyện, thờ ơ với tất cả những bất công, trái tai gai mắt, dân tộc đang đi tới giải thể.

 

Khi có, hay còn khả năng phẫn nộ, người ta mới bước sang giai đoạn thứ hai là nhập cuộc, tham dự những hành động nhằm thay đổi, cải tiến xã hội. Đó là đề tài cuốn sách thứ 2 của Stéphane Hessel Engagez-vous! Hãy dấn thân!) (4). Sách của Hessel đã bán hàng triệu cuốn ở Pháp, được dịch ra hàng chục ngôn ngữ, mặc dù không phải là một triết lý sâu xa gì. Điều đó chứng tỏ, ngay cả ở những nước dân chủ, tiến bộ, người dân vẫn cần có khả năng phẫn nộ và dấn thân.

 

Phẫn nộ và dấn thân là 2 điều kiện để xã hội phát triển. Người dân không phó mặc vận mệnh của mình, của dân tộc cho các chính trị gia, kể cả các chính trị gia được dân chọn lựa.

Nếu chỉ phẫn nộ, xã hội chỉ bi quan hơn, rối loạn hơn. Nếu phẫn nộ và dấn thân, xã hội sẽ được cải thiện, cái xấu cái ác sẽ lùi. Triết gia Ayn Rand nói: Cái xấu chỉ ngự trị khi chính bạn đồng loã với nó. Hãy từ bỏ nó. Le mal ne peut dominer que si vous le cautionnez. Refusez le! Bà Cói: cái ác hoành hành bởi vì những người có lương tâm im lặng.

 

Khi người dân không còn khả năng, không còn sức, không còn muốn phẫn nộ và nhập cuộc nữa, cái ác, cái tồi tệ, cái bạo tàn sẽ làm chủ. Đó là một xã hội chết.

 

Đó là điều đang xẩy ra ở VN.

 

Xã hội VN đã trở thành một nhà tù, trong đó tù nhân không muốn vượt ngục nữa. Nhắc lại nhận xét bất hủ của Aldous Huxley (5) đã trích trong bài trước:

 

“Nhờ kiểm soát tư tưởng, nhờ khủng bố thường trực để giữ cá nhân trước sự phuc tòng, ngày nay chúng ta đã bước vào một chế độ độc tài hoàn hảo nhất, một chế độ có bề ngoài dân chủ, một nhà tù không tường, trong đó tù nhân không nghĩ tới chuyện vượt ngục, không nghĩ tới chuyện lật đổ bạo chúa. Một chế độ trong đó, nhờ được tiêu thụ, được giải trí, những người nô lệ đâm ra yêu thích tình trạng nô lệ của mình’’.

 

Cái mà Huxley gọi là dân chủ, tự do bề ngoài, giả tạo ở VN ngày nay còn khủng khiếp hơn nữa: Tự do tiêu thụ, ăn nhậu, rượu chè, hút sách, sa đoạ. Người ta tiêu diệt mọi quyền tự do, trừ tự do huỷ hoại thân thể. Bởi vì cá nhân càng bệnh hoạn, xã hội càng tê liệt, độc tài càng vững.

 

Câu hỏi đặt ra trong bối cảnh đó, chuyện thay đổi tư duy của cả một thế hệ có thể thực hiện được không, hay chỉ là mơ tưởng viển vông?

 

.

HAI ĐIỀU KIỆN ĐỂ THAY ĐỔI

 

Một cuộc cách mạng, hay cụ thể hơn, thay đổi chế độ, từ bỏ độc tài, chỉ có thể thực hiện được nếu hội đủ 2 điều kiện: 1. Đa số dân chúng coi đó là ưu tiên hàng đầu; 2. Sự thay đổi sẽ cải thiện đời sống của chính họ.

 

Dân chúng sống triền miên trong một nước độc tài, hay sinh trưởng dưới chế độ độc tài không thực sự có nhu cầu dân chủ. Người chưa ăn bún bò Huế không nhớ, không thèm, không đi tìm bún bò Huế.

 

Phát triển khái niệm dân chủ, giải thích cơ cấu, bản chất, ưu khuyết điểm của dân chủ là bổn phận của những người có đôi chút kiến thức.

 

Nhưng chỉ lý thuyết suông không đủ. Phải đưa những dữ kiện cụ thể, để người dân thấy dân chủ có thể cải thiện đời sống của chính họ.

 

Thí dụ giải thích chuyện tham nhũng ít có ở những nước dân chủ, nhờ các biện pháp chế tài nghiêm minh, nhờ tam quyền phân lập, quốc hội, toà án hoàn án không lệ thuộc chính quyền, nhờ báo chí, các hội đoàn dân sự hoàn toàn độc lập.

 

Tham nhũng không thể không có trong một chế độ độc tài, bởi vì tất cả quyền hành nằm trong tay một nhóm, một đảng.

 

Không những không thể tránh được, tham nhũng còn cần thiết, bởi vì chia chác lợi nhuận giữa tay chân, giữa những người trung thành để bảo vệ chế độ là lẽ sống còn của một băng đảng, một mafia.

 

Ngày xưa, vua chúa cho phép quân lính hãm hiếp, cướp bóc khi chiếm một thành trì, để trả công cho lính đã liều chết chiến đấu. Ngày nay đảng làm ngơ cho cán bộ tham nhũng để khuyến khích những tay chân còn trung thành. Đó là hiện tượng chia chác nhà cửa, ruộng đất, khi “bên thắng cuộc’’ chiếm miền Nam.

 

Câu nói nổi tiếng người ta gán cho Wilston Churchill (thực ra của Lord Acton): Quyền lực đưa tới tham nhũng, quyền lực tối đa, tham nhũng tối đa. (Power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely).

 

Khi người dân hiểu điều đó, họ hết mơ tưởng một ngày không còn tham nhũng, hết mất thời giờ bàn cãi tại sao chiến dịch chống tham nhũng không thành công, tại sao càng chống, tham nhũng càng mạnh. Hiểu rằng chỉ hết tham nhũng khi hết chế độ độc tài, đảng trị.

 

Thí dụ, người dân phải hiểu rằng không thể có một nền giáo dục nhân bản, tiến bộ, khai phóng dưới một chế độ độc tài. Bởi vì mục đích của độc tài không phải là khai trí. Mục đích của độc tài là ngu dân. Dân càng u mơ, độc tài càng vững. Triết gia Howard Zinn: Dưới chế độ độc tài không có giáo dục, chỉ có tuyên truyền.

 

Tất cả những cuộc tranh luận, bàn cãi về giáo dục VN, rất sôi nổi những ngày gần đây, giữa những vị có kiến thức, có lương tâm, thực tâm muốn cải thiện giáo dục để cứu vãn cả một thế hệ trẻ, thực ra chỉ là những cuộc bàn cãi bên lề. Cái chính, cái nguồn gốc của sự sa đoạ, phá sản ở VN là chế độ độc tài, coi giáo dục là phương tiện tẩy não.

 

Điều đó không có nghĩa là những cuộc tranh luận đều vô bổ. Trái lại dù không đưa tới thay đổi gì khi chế độ còn tồn tại, nó cũng ảnh hưởng đến sự thay đổi tư duy, khả năng phản biện và đặt lại vấn đề.

 

Thí dụ đừng hy vọng văn chương, điện ảnh, âm nhạc, hội hoạ, báo chí, nói chung văn hoá VN phát triển, bắt kịp thiên hạ, bởi vì văn hoá phát triển nhờ tự do sáng tạo, trong chế độ độc tài chỉ có cấm đoán, kiểm duyệt, tù đầy, đốt sách, tịch thu tranh, cấm hát.

 

Nâng cao dân trí, để tạo nhu cầu tự do, dân chủ cho đại chúng, không phải chỉ là lý thuyết suông, mặc dù nghiên cứu sâu sa về chính trị để có một văn hoá chính trị khả quan là điều cần thiết, nhưng cũng là, phải là, nên là những dữ kiện, những thí dụ cụ thể, trong đời sống hàng ngày là chuyện không thể thiếu.

 

Những bài vở trên sách báo VN ở hải ngoại thường là chỉ viết cho một số người cùng trình độ, không phải viết cho đại chúng. Đại chúng không đọc, không hiểu, cho đó là chuyện viển vông, của những người ăn không, ngồi rồi, không liên hệ gì tới họ.

 

Giới gọi là trí thức VN không quan tâm đến chuyện đưa tư tưởng tới số đông, nhiều khi còn cố tình dùng chữ khó hiểu, viết bí hiểm, coi đó như bằng chức của sự uyên bác.

 

Việt Nam, trong đại hoạ, có cái may, là hiện có hàng triệu người cư ngụ ở nước ngoài, ở những quốc gia dân chủ nhất thế giới, sống và có kinh nghiệm hàng ngày về các sinh hoạt dân chủ. Nếu để tâm, mỗi người trong chúng ta có thể đóng góp cho việc truyền bá ý thức dân chủ ở VN. Đó là chuyện hàng ngày, dưới mọi hình thức, từ báo chí, truyền thông, tới những buổi trao đổi, trò truyện giữa thân hữu.

 

Chuyện hàng ngày, nhưng đó chính là một hình thức tranh đấu tư duy để thay đổi xã hội.

Nhắc lại một lần nữa là mặt trận tư duy chưa thắng, khi nào đa số chưa thấy dân chủ là ưu tiên hàng đầu, là phương tiện duy nhất để cải thiện đời sống của chính họ, gia đình, con cái họ, những biến đổi chỉ là nhất thời, phe CS cuối cùng vẫn thắng, vì họ có quyền, có tiền và có khả năng đàn áp, biết dùng cái sợ để củng cố quyền lực.

 

Sẽ không có thay đổi chính trị, nếu không thay đổi tư duy.

 

Phan Chu Trinh, cách đây trên một thế kỷ, đã không nói gì khác hơn, với chủ trương “khai dân trí’’  (cải tiến giáo dục, phát huy kiến thức), chấn dân khí (thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, cởi trói nọc độc chuyên chế), hậu dân sinh (phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của dân).

 

.

THAY ĐỔI TƯ DUY CÓ KHÓ KHÔNG?

 

Phải nói ngay là thay đổi cách suy nghĩ rất khó.

 

Khi bị ảnh hưởng bởi giáo dục, bởi môi trường sống, bởi xã hội, những cách cư xử khởi đầu là một cố gắng, trở thành một thói quen. Khi kéo dài từ thế hệ này tới thế hệ khác, thói quen trở thành một khía cạnh của văn hoá, trở thành một bản năng. Khi đã thành văn hoá, phải hàng thế hệ mới thay đổi được, nếu có ý muốn và quyết tâm thay đổi.

 

Những thí dụ quanh ta không hiếm. Thí dụ Hoa kỳ với tệ nạn súng đạn. Mặc dù mỗi năm trên 20.000 người chết, những vụ thảm sát nơi công cộng diễn ra mỗi ngày, gây thảm kịch cho hàng chục ngàn gia đình, chuyện cấm mua bán, sử dụng súng đạn vẫn là chuyện không tưởng. Không phải chỉ vì quyền mang súng được ghi trong hiến pháp, cũng không hẳn chỉ vì lobby súng đạn mạnh, nhưng vì đó là một khía cạnh của văn hoá Mỹ, của “American way of life”, có từ khi lập quốc, khi người Mỹ khai phá lãnh thổ cần súng đạn để hộ thân. Súng đạn trở thành một vât dụng thường nhật, như bàn ghế, xoong chảo.

 

Thí dụ nhân quyền, đặc biệt là nữ quyền ở những nước Hồi giáo. Trong thời đại của internet, của tiến bộ kỹ thuật, nữ quyền ở những nước này hầu như không thay đổi, không khác gì thời đại bán khai, bởi vì đó là một vấn đề văn hoá.

 

Ngay cả ở một nước tiến bộ như Nhật Bản, nữ quyền vẫn mơ hồ, bởi vì đó là một vấn đề văn hoá

 

Sự thay đổi càng khó khăn hơn nữa, đặc biệt là thay đổi chính trị, dưới một chế độ độc tài, trong đó nhà cầm quyền nắm quyền sinh sát. Chỉ cần suy nghĩ hơi khác với nhà nước cũng vào tù, nếu không mất mạng.

 

.

THAY ĐỔI TƯ DUY CỰC KỲ KHÓ, NHƯNG KHÔNG PHẢI CHUYỆN VIỂN VÔNG

 

Thay đổi tư duy cực kỳ khó, nhưng không phải là chuyện không thể xẩy ra.

 

Lịch sử nhân loại đã cho thấy nhiều thay đổi lớn đã xẩy ra mà chỉ trước đó vài năm, vài tháng người ta không tưởng tượng nổi: Sự sụp đổ của đế quốc La mã, chế độ thuộc địa, tệ trạng buôn bán nô lệ, chủ nghĩa apartheid v.v…

 

Trước đây, chế độ thuộc địa là một chuyện hiển nhiên. Ngày nay là chuyện khó thể tưởng tượng được.

 

Tóm lại, chuyện thay đổi tư duy là chuyện có thể thực hiện được, không có gì là không tưởng.

 

Một cuộc nghiên cứu rất lý thú gần đây cho thấy sự suy nghĩ của người dân có thể bị ảnh hưởng dễ dàng.

 

Cuộc nghiên cứu do đại học Berkley, California, thực hiện năm 2020. Người ta cho những cử tri bảo thủ, bỏ phiếu cho Donald Trump, coi đài truyền hình CNN (chống Trump) trong một tháng (September 2020). Trước đó, họ chỉ coi đài bảo thủ Fox News (ủng hộ Trump), tin Fox News, suy nghĩ như Fox News.

 

Sau 4 tuần lễ trước màn hình CNN, đa số những người này bớt tin tưởng Trump (còn là Tổng Thống) và các chính trị gia thuộc đảng Cộng Hoà, cởi mở hơn với chuyện bỏ phiếu qua thư, hết tin Biden muốn cắt bỏ ngân sách dành cho cảnh sát. Cử tri của Trump đã thay đổi, nhưng thay đổi không lâu.

 

Hai tháng sau cuộc nghiên cứu, họ bỏ CNN, trở lại với Fox News, và dần dần suy luận như trước.

 

Nghiên cứu trên cho thấy:

 

1.Người dân bị các hãng truyền thông ảnh hưởng nặng.

 

2.Sự thay đổi tư duy, nếu muốn lâu dài, phải thực hiện lâu dài, thường trực. Đó là nguyên tắc tẩy não của Cộng Sản. “Một sự dối trá nhắc đi nhắc lại một ngàn lần sẽ trở thành sự thực’’. Khi sự tẩy não được thực hiện từ súc sơ sinh, từ mẫu giáo, suốt ngày, suốt đời, phải nhiều thế hệ mới gột rửa nổi.

 

Không phải vô tình hay ngớ ngẩn mà chính quyền Trung Cộng, hay Việt Nam muốn trở lại chính sách đặt loa phường trên mỗi góc phố.

 

Điều đó cho thấy sự quan trọng của báo chí, truyền thông (media). Nắm media là nắm đầu óc của dân. Việc đầu tiên khi CS chiếm miền Nam là đóng cửa báo, đốt sách, bỏ tù ký giả, văn nghệ sĩ.

 

Quyền tự do báo chí là mẹ đẻ của tất cả các quyền làm người. Vì vậy, đòi hỏi đầu tiên của những người tranh đấu là quyền tự do báo chí. VN hiện nay, theo tổ chức Phóng Viên Không biên giới, là một trong năm quốc gia vi phạm quyền tự do báo chí trắng trợn nhất, bên cạnh Trung Cộng, Bắc Hàn.

 

Tóm tắt: VN sẽ chỉ có thay đổi chính trị, nếu có thay đổi tư duy. Chuyện thay đổi tư duy cực kỳ khó, đòi hỏi kiên trì, kiên nhẫn. Nhưng không thể tránh khỏi, vì vậy phải bắt đầu ngay và làm mỗi ngày.

 

Nếu những hội đoàn có chung một mục tiêu, đồng thuận lộ trình, những tỵ hiềm cá nhân, chia rẽ là một nét văn hoá Việt sẽ giảm bớt.

 

Nhưng bất cứ một người nào trong chúng ta cũng có thể đóng góp vào việc thay đổi tư duy. Bất cứ ai cũng có thể giải thích cho những người u mê hiểu là không, không phải nơi nào cũng có tham nhũng, thời nào cũng có bất công, xứ nào cũng có bóc lột. Ở những nước dân chủ, đó là những ngoại lệ, bị rừng trị. Ở VN, đó là một hệ thống đại quy mô, một phương pháp quản trị, một phương tiện củng cố quyền lực.

 

Rất nhiều người Việt có ý thức, có thiện chí, nhưng thở dài: nhóm cầm quyền tàn bạo lắm, không làm gì được đâu. Đó cũng là một vấn đề tư duy. Người Ukraine không suy nghĩ kiểu đó, khi họ đương đầu với quân xâm lược Nga. Phụ nữ Iran không suy nghĩ kiểu đó, khi họ xuống đường chống tập đoàn hồi giáo cực đoan đang cầm quyền.

 

Đóng góp vào việc thay đổi tư duy là chuyện phải làm. Phải làm ngay. Phải làm lâu dài. Và ai cũng làm được, cũng có thể đóng góp.

 

-------------------

Howard ZinnChúng ta không bắt buộc phải thực hiện những chuyện lớn lao, anh dũng để tham gia vào tiến trình thay đổi xã hội. Mỗi hành động nhỏ nhân lên gấp hàng triệu người có thể thay đổi thế giới (5).

_______

 

1. Tại sao, sau gần nửa thế kỷ, CS vẫn đứng vững? 

https://baotiengdan.com/2022/04/26/ngay-30-4-tai-sao-47-nam-sau-van-chua-co-thay-doi-o-viet-nam/

 

2. Bài này là tóm tắt bài thuyết trình của tác giả, trong buổi hội luận ngày 24-25/09/22, tại Stuttgart (Đức Quốc), do hội Diễn Đàn 21 tổ chức.

 

3. Indignez-vous!Stéphane Hessel, Ed. Indigène, France, 2010

 

4. Engagez-vous! Stéphane Hessel, Ed. Indigène, France, 2010

 

5. “Nous ne sommes pas obligés d’accomplir des grandes actions héroiques pour participer au processus du changement. De petits actes multipliés par des millions de personnes peuvent transformer le monde”.

 

 

                                                ***

 

Ngày 30/4: Tại sao 47 năm sau vẫn chưa có thay đổi ở Việt Nam?   

Từ Thức

26/04/2022

https://baotiengdan.com/2022/04/26/ngay-30-4-tai-sao-47-nam-sau-van-chua-co-thay-doi-o-viet-nam/

 

Ngày 30 tháng Tư – Đã đến lúc đặt câu hỏi nhức nhối: Tại sao 47 năm sau vẫn chưa có thay đổi ở Việt Nam? Tại sao thế giới đã biến đổi không ngừng, với một vận tốc chóng mặt, nhưng Việt Nam vẫn ù lì, dẫm chân một chỗ, vẫn còn là một trong những nước hiếm hoi bám chặt, như đười ươi giữ ống, một chủ nghĩa đã bị nhân loại chối bỏ?

 

 

1001 LÝ DO

 

Người ta đã nêu rất nhiều lý do, nhưng những lý do đưa ra có thực sự giải thích hiện tượng đáng buồn là chế độ Cộng sản vẫn đứng vững ở Việt Nam?

 

Lý do lịch sử: Việt Nam là nạn nhân của chế độ thuộc địa, nhu cầu đòi độc lập, cuộc tranh đấu đòi tự do đã đẩy đất nước rơi vào quỹ đạo Cộng sản quốc tế. Tệ hại hơn nữa, quỹ đạo Trung Cộng. Nhưng rất nhiều quốc gia đã là nạn nhân của chế độ thuộc địa, rất ít rơi vào rọ. Rất nhiều quốc gia đã bị chủ nghĩa Cộng sản cám dỗ lúc đầu, nhưng thức tỉnh kịp thời.

 

Lý do địa lý: Việt Nam có cái bất hạnh là ở sát cạnh nước Tàu, nhưng Việt Nam không phải là trường hợp duy nhất. Trung Cộng giáp ranh với 14 quốc gia.

 

Lý do chính trị: Chế độ Cộng sản tàn bạo, cai trị bằng khủng bố, cái sợ trở thành một bản năng để sống còn, một dân tộc tính; chính sách ngu dân, nhồi sọ của Cộng sản đã thành công trong nghĩa vụ biến người dân thành một đàn cừu.

 

Nhưng chế độ độc tài nào cũng tàn bạo, tàn bạo là một định nghĩa của độc tài. Điều đó đã không ngăn được các chế độ độc tài thi nhau sụp đổ. Chế độ Cộng sản nào cũng cai trị bằng khủng bố, tẩy não, điều đó đã không ngăn được Xô Viết Nga tan rã, bức tường ô nhục Berlin sụp đổ, các nước Đông Âu tìm được tự do.

 

Lý do văn hoá: Văn hoá VN, đặc biệt là văn hoá Khổng giáo, đã khiến người Việt phó mặc chuyện chính trị cho vua quan, chỉ lo việc gia đình. Nhưng văn hoá Á Đông đã không cấm Nhật Bản trở thành một cường quốc, văn hoá Khổng giáo, đã không cản Đài Loan, Đại Hàn trở thành những nước dân chủ kiểu mẫu.

 

Văn hoá gia đình rất cao ở Do Thái (từ ngữ “người mẹ Do Thái” (la mère juive) là biểu tượng của văn hoá gia đình rất nặng của dân tộc này), đã không cấm người Do Thái có tinh thần quốc gia rất cao.

 

Tóm lại, những vấn đề nêu trên có thực, nhất là khi nó tụ hợp tất cả trên đầu một dân tộc (sẽ đi sâu hơn trong một bài khác), đã đóng góp vào đại hoạ chung, nhưng không đủ để giải thích tại sao gần nửa thế kỷ sau ngày 30/4/75, vẫn không có thay đổi lớn tại Việt Nam, bất chấp những yếu tố khách quan khiến người ta nghĩ, đáng lẽ Cộng sản phải sụp đổ.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/04/2-11-696x495.jpg

Ảnh: Dân và quân VNCH bị quân CSVN bắt giữ, đi bộ trên đường phố Sài Gòn sau khi thành phố này rơi vào tay phe cộng sản vào ngày 30-4-1975. Nguồn: AFP/ Getty Images

 

.

YẾU TỐ KHÁCH QUAN

 

Những yếu tố khách quan khiến chế độ độc tài đáng lẽ phải khốn đốn:

 

Internet, Facebook, nói chung mạng lưới xã hội, khiến thông tin khó bị bưng bít, sự thực khó che giấu, tẩy não khó thành công.

 

– Lưu thông, du lịch toàn cầu dễ dàng, khiến người Việt (khác với người Bắc Hàn) có cơ hội tiếp xúc với thiên hạ, để ý thức được thân phận cá chậu, chim lồng của chính mình.

 

Trên 4 triệu người Việt sống ở nước ngoài, nhiều người về nước thường xuyên, trao đổi với gia đình, bè bạn, khiến những trò tuyên truyền rẻ tiền đối với người dân trong nước trở thành lố bịch.

 

– Nhờ kinh tế toàn cầu, kinh tế khả quan hơn ngày xưa, một giai cấp trung lưu ra đời. Trên lý thuyết, giai cấp trung lưu là động lực chính cho các phong trào dân chủ. Họ đủ sống để hết lệ thuộc cơm áo, đủ trình độ để có nhu cầu đòi hỏi tự do, không thuộc guồng máy Đảng để hết lòng bảo vệ chế độ. Ở những nước bình thường, một giai cấp trung lưu đông đủ là điều kiện tối cần cho thể chế dân chủ.

 

– Một nửa dân tộc, sống ở miền Nam trước 75, có kinh nghiệm sống để so sánh một xã hội trong tay Cộng sản, vói một xã hội tự do.

 

– Sau nửa thế kỷ xâm chiếm miền Nam, người Cộng sản đã lộ nguyên hình là một bọn cướp ngày, một mafia đỏ, buôn dân bán nước.

 

– Bất công xã hội, tham nhũng tới độ kinh hoàng, đã phơi bày trước mắt mỗi người, qua những căn “lều của đầy tớ”, nghĩa trang bao la của lãnh tụ, đời sống phè phỡn, bất nhân của giới cầm quyền.

 

– Môi trường, danh lam thắng cảnh bị tàn phá một cách khủng khiếp để làm kinh tài.

 

– Công nhân, phụ nữ bị bán, xuất cảng như những nô lệ.

 

– Tôn giáo bị đàn áp, luân lý rã rời, xã hội tan rã.

 

– Tai hoạ lệ thuộc Trung Cộng càng ngày càng lớn, hiểm hoạ mất nước càng ngày càng gần. Người Việt có bệnh chia rẽ kinh niên, nếu có điều gì đồng thuận, đó là tinh thần chống Tàu, trong khi tập đoàn cầm quyền tình nguyện làm tay sai cho Bắc Kinh.

 

Tất cả những yếu tố khách quan đó, quá đủ, đáng lẽ phải đưa đến sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ.

 

Nhưng sự thực phũ phàng là chế độ vẫn đứng vững.

 

Kỷ niệm 47 năm ngày mất miền Nam, đến lúc chúng ta phải đặt câu hỏi, khẩn cấp, không nhân nhượng, không né tránh: tại sao Cộng sản chưa sụp đổ, tại sao chưa có một thay đổi gì về chính trị, dân chủ, dân quyền ở Việt Nam?

 

.

NHÀ TÙ KHÔNG TƯỜNG

 

Tại sao, bất chấp những yếu tố bất lợi nói trên, tập đoàn cầm quyền Hà Nội vẫn xây được cái mà Aldous Huxley gọi là nhà tù khổng lồ không tường, để giam 90 triệu tù nhân?

 

Aldous Huxley: “Nhờ kiểm soát tư tưởng, nhờ khủng bố thường trực để giữ cá nhân dưới sự phục tòng, ngày nay chúng ta đã bước vào một chế độ độc tài hoàn hảo nhất, một chế độ có bề ngoài dân chủ, một nhà tù không tường, trong đó tù nhân không nghĩ tới chuyện vượt ngục, không nghĩ tới chuyện lật đổ bạo chúa. Một chế độ nô lệ, trong đó, nhờ được tiêu thụ, được giải trí, những người nô lệ đâm ra yêu thích tình trạng nô lệ của mình” (1).

 

Huxley không nói gì khác hơn Juvénal đã nói từ thời đế quốc La Mã: hãy cho dân bánh mì và các trò chơi (panem, circenses), họ sẽ hài lòng, bỏ quên mọi chuyện, vua chúa tha hồ cai trị.

 

Thời La Mã, ngoài bánh mì và trò chơi, lý thú nhất là trò giác đấu giữa các nô lệ.

 

Ngày nay giác đấu (gladiateurs) được thay bằng football, games đủ loại, bánh mì thay bằng ăn nhậu, tiêu pha, mua sắm.

 

Dân không đòi hỏi gì hơn.

 

Được “đi bão” sau một trận bóng tròn, được xếp hàng ăn Mc Donald’s, mua giầy Nike, Adidas, tuổi trẻ thấy mình có đủ tự do, hạnh phúc.

 

Ai đã không nghe người Việt trong nước khoe, một cách hãnh diện: “Ở VN ngày nay không thiếu gì cả, ông ơi. Có tiền là có mọi thứ”.

 

Ít người nghĩ: thiếu một thứ, đáng quý hơn cả, là tự do, là cái hãnh diện được suy nghĩ, hành động như một con người có nhân phẩm, một con người có quyền làm người. Đáng gọi là con người.

 

Một chế độ độc tài cũng có thể làm thoả mãn nhu cầu vật chất của chúng ta, nhưng chúng ta không phải là súc vật, chỉ có nhu cầu vật chất.

 

Cộng sản đã thành công trong việc đào tạo một thế hệ bạc nhược, hèn yếu, vô cảm, vô trách nhiệm, ích kỷ, vô luân, thụ động. Một nền tảng vững chắc cho độc tài toàn trị

 

.

GRAMSCI VÀ THUYẾT « THỐNG TRỊ VĂN HOÁ »

 

Để giải thích hiện tượng CS chưa có gì thay đổi ở VN, dân chủ tự do vẫn là chuyện xa vời, có lẽ phải mượn lý thuyết Gramsci. Theo Gramsci, văn hoá giải thích tất cả.

 

Muốn có cải cách chính trị, phải có nền móng văn hoá, những yếu tố khác, thí dụ kinh tế, chỉ là thứ yếu. Muốn thay đổi xã hội, không thể hà tiện một cuộc cách mạng văn hoá, thay đổi tư duy. Nếu không, nếu có biến chuyển, chỉ là những cuộc đảo chánh, những thay đổi nhất thời, những cuộc nổi loạn, sau đó sẽ đâu trở lại đó.

 

Theo Gramsci, có 2 điều kiện để người dân tích cực tham gia cách mạng:

 

1. Cùng chung một ý thức hệ

 

2. Tin rằng thay đổi sẽ có hậu quả tốt cho chính mình

 

Antonio Gramsci (1891-1937) là một lý thuyết gia thiên tả người Ý, trước đây là cẩm nang tranh đấu cho các phong trào cách mạng trên thế giới, ngày nay là sách gối đầu giường cho các chính trị gia thuộc mọi khuynh hướng, từ tả sang hữu, nhất là ở Âu Châu.

 

Tại Pháp chẳng hạn, phe cực hữu, đã mở một trường học ở Lyon để đào tạo cán bộ, vì đồng ý với Gramsci là nếu không tạo một nền móng văn hoá vững chắc, nếu tư tưởng quốc gia cực đoan của họ không ăn rễ trong dân chúng, dù họ có thắng cử cũng chỉ là những thắng lợi bề mặt, nhất thời.

 

Tạm tóm tắt lý thuyết Gramsci qua 2 chữ “hégémonie culturelle” (thống trị văn hoá) (2).

 

Muốn tiến tới chính quyền và đứng vững lâu dài, phải đi tới thống trị văn hoá.

 

“Gramsci phân biệt xã hội ra 2 thành tố mà ông gọi là 1.Société politique, hay pouvoir politique (xã hội chính trị, quyền lực chính trị ) và 2. Société civile (Xã hội dân sự) .

 

Quyền lực chính trị, bao gồm các cơ chế nhà nước, bộ máy chính quyền: chính phủ, quân đội, công an, cảnh sát… Xã hội dân sự, là tất cả những gì thuộc địa hạt tư nhân, lãnh vực tinh thần, sở hữu của mỗi cá nhân, địa hạt của văn hoá, tôn giáo, tri thức, đạo đức, nhân sinh quan, triết lý sống tiềm tàng trong một xã hội. Tóm lại: Tư duy của một dân tộc.

 

Lật đổ một chính phủ, một tập đoàn cầm quyền, chiếm pouvoir politique, chỉ là một cuộc đảo chánh.

 

Muốn bền vững, muốn thay đổi xã hội, phải đấu tranh và chiến thắng trên địa hạt văn hóa, phải nắm société civile, phải thay đổi tư duy. Phải đặt một nền tảng văn hóa mới.

 

Chính quyền phải được một sự hậu thuẫn ngầm, đương nhiên, của một xã hội cùng chia sẻ những giá trị tinh thần tiềm tàng, sâu kín trong tiềm thức của một dân tộc.

 

Gramsci giải thích tại sao cách mạng “vô sản” chỉ thành công ở Nga nhưng thất bại ở Âu Châu. Bởi vì trong xã hội Nga, và nói chung, xã hội Đông Phương, nhà nước là tất cả, xã hội dân sự còn sơ khai, chỉ cần chiếm vài cơ sở huyết mạch là chiếm được quyền lực.

 

Trái lại, các nước Tây phương, xã hội dân sự, nói khác đi, quyền lực văn hoá phức tạp, sâu xa (với văn chương, nghệ thuật, triết học…), xã hội dân sự phong phú (với các hội đoàn, các nghiệp đoàn, báo chí, đảng phái…), nắm được chính quyền không dễ, áp đặt một chế độ mới là chuyện không thể xẩy ra.

 

Chính vì vậy, Cộng sản chỉ cần chiếm vài cơ sở chính yếu ở Nga đã thành công trong cách mạng 1917, người dân hầu như không hay biết gì. Nhưng sau đó, vì không có cỗi rễ văn hóa, không có sự đồng thuận tư duy, Staline không có cách gì khác hơn để duy trì quyền lực là sự khủng bố (terreur).

 

Không có đồng thuận, nhà nước phải dùng terreur. Nhưng người ta không xây dựng gì trên sự khủng bố. Tất cả tài nguyên, nhân lực quốc gia chỉ dành cho ưu tiên hàng đầu: củng cố guồng máy đàn áp. Guồng máy quốc gia tê liệt, kinh tế khủng hoảng, luân lý suy đồi, xã hội băng hoại (Từ Thức. Gramsci: tất cả là một vấn đề văn hoá).

 


2 MỤC TIÊU

 

Áp dụng lý thuyết Gramsci, chúng ta có thể kết luận, sở dĩ chưa có thay đổi ở VN, Cộng sản vẫn đứng vững, bởi vì:

 

1. Văn hoá dân chủ chưa thực sự ăn sâu trong đầu óc dân Việt.

 

2. Đa số dân chưa tin những thay đổi chế độ sẽ cải thiện đời sống của mình.

 

Bổn phận của những người tranh đấu cho tự do, dân chủ là phải đóng góp vào việc thực hiện hai mục tiêu đó.

 

Đó không phải là điều dễ, bởi vì người ta chỉ thực sự tha thiết với dân chủ khi đã sống trong một xã hội dân chủ. Có người nói: “nếu chưa ăn táo, bạn sẽ không nhớ, không thèm táo”.

Dân không tin thay đổi chế độ sẽ cải thiện đời sống của họ.

 

Tuyên truyền, nhồi sọ đã khiến người dân trong các nước độc tài hài lòng với đời sống của mình. Dân Bắc Hàn tin là nhờ cha con họ Kim mà dân Hàn khỏi đói khổ như các dân tộc khác trên thế giới. Dân Nga tin là nhờ Putin mà khỏi đói như thời Staline. Rất nhiều người Việt nghĩ ở VN ngày nay không thiếu gì, miễn là có tiền, và mục đích ở đời là kiếm tiền.

 

Nếu không đi tới mục tiêu đó, bằng bất cứ giá nào, dưới bất cứ hình thức nào (hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội, media, văn học, nghệ thuật…), sẽ không hy vọng thực sự có thay đổi lớn ở VN.

 

Có người sẽ phản kháng: đó là việc làm quá lâu dài, trong khi tình trạng khẩn cấp như hoả hoạn. Nhưng làm những việc khẩn cấp để chống độc tài không cấm người ta làm những việc lâu dài hơn, khi ý thức đó là chuyện cơ bản. Tướng Pháp Lyautey nói với quân sĩ: “hãy đi từ từ, chúng ta gấp lắm đấy”.

 

.

CHIẾN TRANH VỊ TRÍ

 

Theo Gramsci, đấu tranh không còn là những cuộc giáp chiến, nhưng là những cuộc chiến văn hoá, tranh thủ trí não, mỗi phe tìm cách bành trướng ảnh hưởng của mình.

 

Yếu tố quyết định của trận chiến đó, Gramsci gọi là “guerre de position” chiến tranh vị trí), trái với “guerre de mouvement” (chiến tranh di động). Trong chiến tranh vị trí, võ khí là văn hóa. Văn hoá được coi là địa bàn hoạt động, bộ tổng tham mưu.

 

Khi tư duy đó đã trở thành mẫu số chung, người dân sẽ phân tách thời cuộc, thời sự, lịch sử dưới lăng kính đó. Người dân sẽ hành động dưới lăng kính đó. Đưa những dữ kiện khách quan không đủ thuyết phục, phải thay đổi tư duy.

 

Nếu người dân còn bị nhồi sọ, họ sẽ tìm mọi cách bào chữa cho chế độ. Trước những bằng chứng hiển nhiên về những tệ hại trước mắt, họ sẽ chui vào chỗ ẩn náu cuối cùng, nghĩ đó chỉ là lỗi lầm của lãnh tụ này, bộ trưởng kia, không phải lỗi của chế độ. Trong bất cứ trường hợp nào, việc thay đổi tư duy vẫn là mẫu số chung, không thể gạt sang một bên, chờ một lúc khác

 

Theo Gramsci, chế độ sẽ và chỉ sụp đổ khi nền tảng lung lay, và nền tảng chỉ lung lay khi đa số dân chúng chối bỏ xã hội đang sống, đồng thuận về một xã hội tương lai.

 

.

TỪ SÓNG NGẦM TỚI ĐỘT BIẾN

 

Nghiên cứu những cuộc cách mạng, người ta thấy có 3 yếu tố khiến một chế độ sụp đổ:

 

1. Làn sóng ngầm (sự bất mãn, căm thù tiềm tàng trong lòng dân)

 

2. Đột biến (một cơ hội, một sự kiện thời sự nào đó khiến đợt sóng ngầm bùng nổ)

 

3. Lãnh đạo (hay các tổ chức đã chuẩn bị từ lâu, để hướng dẫn các đột biến đi tới mục tiêu.

 

Tới nay, hầu hết người Việt chống Cộng chỉ ngồi chờ đột biến.

 

“Người ta có thể rút tỉa gì từ Gramsci? Khi nào tư duy của một dân tộc bị nhồi sọ gần một thế kỷ chưa thay đổi, chuyện thay đổi sẽ còn gian nan. Có thể những người bất mãn với chế độ Cộng sản càng ngày càng đông, nhưng người ta khó xây dựng gì vững vàng trên sự chống đối. Chỉ có thể xây dựng xã hội mới trên tư duy mới, khi đa số tin tưởng ở những giá trị mới.

 

Người dân chỉ chủ động trong việc xây dựng dân chủ, khi nghĩ dân chủ sẽ thay đổi cụ thể đời sống cuả mình, tương lai của con cháu mình. Khi nào những ý niệm dân chủ chỉ là những khẩu hiệu, sự thờ ơ vẫn còn, và chính sách khủng bố vẫn hữu hiệu.

 

Tóm lại, mặt trân văn hóa luôn luôn là một ưu tiên, ngay cả trong hoàn cảnh cấp bách.

Ismaïl Kadaré, nhà văn hàng đầu của Albanie, nói: ngay cả trong những lúc khốn cùng, người ta cũng phải có thái độ trân trọng đối với văn hóa” ( Từ Thức. Gramsci: tất cả là một vấn đề văn hoá).

 

.

MẶT TRẬN TƯ DUY

 

Có người sẽ phản kháng: đó là việc làm quá lâu dài, trong khi tình trạng khẩn cấp như hoả hoạn. Nhưng làm những việc khẩn cấp để chống độc tài không cấm người ta làm những việc lâu dài hơn, khi ý thức đó là chuyện cơ bản. Tướng Pháp Lyautey nói với quân sĩ: “hãy đi từ từ, chúng ta gấp lắm đấy”.

 

Đáng lẽ việc vận động để thay đổi tư duy là chuyện của trí thức.

 

Rất tiếc, VN không có một “intelligentsia” (hàng ngũ trí thức), được coi như lương tâm của dân tộc, có đủ kiến thức, và uy tín, để soi đường cho dân tộc.

 

Trong tình huống đó, việc vận động để thay đổi tư duy là nghĩa vụ của mỗi người.

 

Trên địa hạt của mình, với khả năng của mình, mỗi người có thể đóng góp vào cuộc tranh thủ tư duy.

 

Không thể giao chiến để chiếm đất, người ta có thể, và phải giao chiến trên địa hạt trí não. Nghe có vẻ viển vông, nhưng từ cổ chí kim, tư duy vẫn dẫn dắt nhân loại, đi tìm thiên đàng hay xuống địa ngục.

 

Paris 25/04/22

Từ Thức

(tuthuc-paris-blog.com)

 

______

 

Chú thích:

 

(1) Grâce au contrôles des pensées, à la terreur constamment martelée pour maintenir l’individu dans un état de soumission voulu, nous sommes aujourd’hui entrés dans la plus parfaite des dictatures, une dictature qui aurait les apparences de la démocratie, une prison sans murs dont les prisonniers ne songeraient pas à s’évader, dont ils ne songeraient même pas à renverser les tyrans. Système d’esclavage où, grâce à la consommation et au divertissement, les esclaves auraient l’amour de leur servitude’’.

Aldous Huxley. Le Meilleur Des Mondes.

 

(2) Antonio Gramsci. Cahiers de prison.

 

----------------------------------

NGUỒN :

 

30/4. Tại sao,47 năm sau, vẫn chưa có thay đổi gì ở Viêt Nam ?

TỪ THỨC

Paris 25/04/22

 https://www.tuthuc-paris-blog.com/post/30-4-tại-sao-47-năm-sau-vẫn-chưa-có-thay-đổi-gì-ở-viêt-nam

 

30/4. Tại sao,47 năm sau, vẫn chưa có thay đổi gì ở Viêt Nam ? (tuthuc-paris-blog.com)

 

Từ Thức, Paris - Search (bing.com)

 

Từ Thức. Paris

https://www.tuthuc-paris-blog.com





No comments:

Post a Comment

View My Stats