Monday 3 October 2022

THẤT BẠI TRONG CHIẾN TRANH, ÔNG PUTIN MUỐN GÌ? (Saigon Nhỏ)

 



NỘI DUNG :

Thất bại trong chiến tranh, ông Putin muốn gì?

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ

.

Putin phá vỡ khế ước xã hội với người dân Nga

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ

.

Putin chịu thất bại nhục nhã tại vùng lãnh thổ vừa sáp nhập

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ

.

===================================================

.

.

Thất bại trong chiến tranh, ông Putin muốn gì?

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ

1 tháng 10, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/that-bai-trong-chien-tranh-ong-putin-muon-gi/

 

Putin không chỉ muốn chiếm đất của Ukraine. Ông ta có tham vọng và kế hoạch đối đầu với Phương Tây, giành lại vị thế ngang bằng với Hoa Kỳ trên trường quốc tế cho dù có phải lôi kéo cả thế giới vào một cuộc chiến hạt nhân mà hậu quả không thể lường trước được. Nhưng tham vọng đó không dễ thực hiện.

 

Hôm thứ Sáu 30 Tháng Chín 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức một đại lễ đánh dấu sự kiện sáp nhập vào lãnh thổ Nga bốn khu vực của Ukraine mà quân Nga đang chiếm đóng một phần bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Ukraine và cộng đồng quốc tế. Nhưng bài diễn văn dài 37 phút mà Putin đọc tại điện Kremlin trước hàng trăm nghị sĩ, thống đốc và giới thượng lưu chính trị Nga không chỉ nói tới chuyện bành trướng lãnh thổ mà còn thể hiện khá rõ những tham vọng của nhà độc tài đang cố vùng vẫy để thoát ra khỏi cái bẫy chính ông ta lập nên.

 

Vụ sáp nhập tất nhiên vẫn là chủ đề chính. “Đây là ý chí của hàng triệu người. Đây là quyền của họ, quyền bất khả xâm phạm của họ,” ông Putin nói về cuộc trưng cầu dân ý giả mạo mà Nga vừa thực hiện ở bốn vùng lãnh thổ của Ukraine mà quân Nga đang tạm chiếm và dựng lên những chính quyền bù nhìn tay sai. Ông ta tuyên bố Nga sẽ không bao giờ từ bỏ các vùng đất mới chiếm được, sẽ bảo vệ chúng như là một phần sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga và sử dụng “mọi lực lượng, mọi phương tiện sẵn có”. Cư dân của bốn bốn vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng sẽ trở thành công dân Nga vĩnh viễn, ông Putin nói thêm. 

 

Vụ sáp nhập lãnh thổ – mà Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ gọi thẳng là “chiếm đất” (land grab) dù sao cũng chỉ là kết quả của một kế hoạch mà Nga đã sử dụng nhiều lần: đưa quân chiếm đất, tổ chức trưng cầu dân ý giả mạo rồi sáp nhập vào lãnh thổ Nga. Tám năm trước, Putin đã làm điều tương tự để thâu tóm bán đảo Crimea của Ukraine và ngày đó Putin cũng đọc diễn văn ngay tại cung điện dát vàng mà ông ta đang đứng.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/GettyImages-1243625878.jpg

Ông Vladimir Putin phát biểu tại buổi hòa nhạc ủng hộ việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine vào Liên bang Nga. Ảnh chụp tại Hồng Trường Moscow tối ngày 30 Tháng Chín 2022. Ảnh Contributor/Getty Images.

 

Nhưng phần chủ yếu của bài diễn văn là cách nhìn và giải thích thế giới của Putin, là một bài giảng lịch sử bị bóp méo, một bản liệt kê tẻ nhạt về những tội lỗi của phương Tây và sự bất bình, cũng như lựa chọn của nhà lãnh đạo Nga. Từ cách nhìn đó, nước Nga tự đặt mình vào một cuộc đối đầu không khoan nhượng với Hoa Kỳ, với phương Tây và chiến tranh hủy diệt là khó tránh khỏi.

 

Lần đầu tiên Putin công khai tuyên bố Phương Tây là “kẻ thù”, là những kẻ đang tìm cách phá hoại nước Nga, biến nước Nga thành thuộc địa. Trên bình diện ý thức hệ, Putin lên án “chủ nghĩa chuyên chế của giới tinh hoa phương Tây”, coi đó là “sự lật đổ đức tin và các giá trị truyền thống”, giống như một tôn giáo bị đảo ngược mà ông ta gọi là “chủ nghĩa Sa-Tăng thuần túy” (pure Satanism) do Hoa Kỳ dẫn đầu.

 

“Điều hết sức quan trọng đối với họ là tất cả các quốc gia phải từ bỏ chủ quyền để phục vụ nước Mỹ,” Putin nói. Ông ta kể ra hàng loạt hành động quân sự của Phương Tây trải dài nhiều thế kỷ – từ cuộc Chiến tranh Nha Phiến mà đế quốc Anh thực hiện ở Trung Hoa thế kỷ 19, việc Đồng Minh dội bom nước Đức trong Thế Chiến thứ Hai đến các cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Triều Tiên.

 

Phương Tây hiện nay, theo lời Putin, là một “hệ thống thực dân mới” và Nga là nước lãnh đạo cuộc nổi dậy chống lại hệ thống đó. “Phương Tây không chỉ phủ nhận chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế. Sự bá quyền của họ là thuộc tính của chủ nghĩa toàn trị, chuyên chế và phân biệt chủng tộc,” Putin nhấn mạnh và dùng những từ ngữ mà Phương Tây sử dụng để chỉ chế độ độc tài của chính ông ta.

 

“Sự sụp đổ của chủ nghĩa bá quyền Phương Tây là không thể đảo ngược được”, Putin nói “Số phận và lịch sử kêu gọi chúng ta ra chiến trường, vì nhân dân chúng ta, vì đế chế Nga vĩ đại”, Putin kêu gọi và tuyên bố cuộc xâm lược Ukraine là cần thiết, là “phía đúng đắn của lịch sử”! 

 

                                                         ***

 

Ngoài những kiến thức lịch sử lệch lạc, bài diễn văn của Putin đặt ra một kế hoạch khá cụ thể:

 

 Một là, Putin đổ tội cho Hoa Kỳ gây ra các vụ nổ gần đây làm hư hại đường ống Nord Stream dẫn khí đốt dưới đáy biển Baltic từ Nga sang châu Âu. Không có bằng chứng nào ủng hộ lời buộc tội của Putin và sự việc đang được cả Hoa Kỳ và châu Âu điều tra.

 

Nhưng đổ tội cho Hoa Kỳ, Putin coi như trút bỏ trách nhiệm trong việc cung cấp khí đốt cho châu Âu khi mùa đông lạnh giá đang đến gần. Đổ tội cho Mỹ một cách vô căn cứ, Putin còn có cớ để “ăn miếng trả miếng”: trong tương lai, Nga có thể ra tay phá hoại những đường ống dầu khí của Phương Tây và biện minh rằng Hoa Kỳ đã làm như vậy với đường ống của Nga.

 

Thứ hai, Putin gợi ý rằng các cuộc đàm phán về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine nên bắt đầu ngay lập tức. Ông kêu gọi Ukraine chấm dứt các hành động thù địch, rút ​​quân khỏi “các vùng lãnh thổ mới của Nga” và ngồi vào bàn đàm phán. Điều kiện mà Putin đưa ra là việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine vào Liên bang Nga là “không thương lượng được”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/GettyImages-1243631998.jpg

Hiện trường vụ hỏa tiễn Nga bắn vào một đoàn xe chở hàng viện trợ và di tản thường dân ở tỉnh Zaporizhzhia của Ukraine mới bị Nga thâu tóm, ít nhất 25 người bị thiệt mạng. Ảnh ngày 30 Tháng Chín 2022. Ảnh Wojciech Grzedzinski for The Washington Post via Getty Images

 

Trước khi xua quân xâm lược Ukraine tám tháng về trước, Putin đã đưa ra yêu sách tương tự. Ngày 21 Tháng Hai 2022, ông Putin đã chính thức công nhận cái gọi là “các nước cộng hòa nhân dân” Donetsk và Luhansk, sau đó ông ta yêu cầu quân đội Ukraine rút khỏi cả hai tỉnh này. Khi Ukraine từ chối từ bỏ lãnh thổ, trong vòng vài ngày, Putin đã phát động cuộc xâm lược.

 

Nhưng có sự khác biệt lớn giữa tình hình hiện nay và lúc đó. Cuộc kháng chiến của người dân Ukraine mạnh mẽ và hiệu quả không ngờ và quân Nga đã liên tục thất bại. Những vụ rút lui nhục nhã khỏi vùng thủ đô Kyiv, khỏi khu vực Kharkiv ở miền Đông và mới nhất là tháo chạy khỏi thành phố Lyman ở Donetsk chỉ một ngày sau khi Putin tuyên bố thâu tóm vùng đất này là những ví dụ. Chính thất bại quân sự đã thúc đẩy Putin ra sắc lệnh tổng động viên quân dự bị và vội vàng sáp nhập các vùng lãnh thổ chỉ mới chiếm được một phần.

 

Người Ukraine tất nhiên không chấp nhận yêu sách của Nga, đòi Nga phải rút khỏi toàn bộ lãnh thổ đã chiếm đóng và thề sẽ chiến đấu đến khi nào đất nước sạch bóng quân xâm lược với đường biên giới được quốc tế công nhận. Ngồi vào bàn đàm phán lúc này, với người Ukraine, cũng có nghĩa là đầu hàng. Chính phủ Ukraine nhiều lần nói việc sáp nhập lãnh thổ có nghĩa là chấm dứt mọi nỗ lực đàm phán với nước Nga của ông Putin.“Không thể có một hiệp ước chung sống hòa bình, bình đẳng, chân thật với tổng thống Nga hiện nay. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng chỉ với một tổng thống Nga khác”, Tổng thống Ukraine Zolodymyr Zelenskiy nói.

 

Điểm thứ ba trong bài diễn văn của Putin là rất đáng báo động. Putin nói Hoa Kỳ đã “tạo tiền lệ” cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân khi ném bom xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945. Hàm ý của Putin rất dễ thấy: Nếu phương Tây tiếp tục gửi vũ khí tới Ukraine và từ chối gây sức ép để Kyiv đồng ý với một giải pháp hòa bình theo điều kiện của Nga thì Putin có thể dùng đến vũ khí hạt nhân.

 

Putin bị ám ảnh với tham vọng được ngang bằng với Mỹ – một vị thế đã tan tành khi Liên bang Xô Viết sụp đổ năm 1991 – sự kiện mà Putin nhiều lần gọi là “thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20” và ông ta tự cho mình có nhiệm vụ lịch sử phải khôi phục lại vị thế ngang bằng đó. 

 

Để ngang hàng với Mỹ, Putin phải chứng tỏ rằng Nga có thể làm bất cứ điều gì mà người Mỹ có thể làm; nếu Mỹ đã từng ném bom nguyên tử thì Nga cũng có quyền sử dụng bom hạt nhân. Putin và đồng đảng của ông ta không quan tâm người Mỹ đã làm điều đó vào thời điểm nào hay bối cảnh ra sao. 

 

Trước cuộc xâm lược, Nga quyết liệt phủ nhận không có ý định xâm lược. Bây giờ Putin đang làm ngược lại. Tổng thống Zelenskiy có lý khi nói rằng, “sử dụng vũ khí hạt nhân hôm qua là lời đe dọa, là trò chơi tháu cáy của Putin, nhưng hôm nay là một thực tế”.

 

Đau đớn cho Putin là trong lúc thực hiện tham vọng ngang bằng với Mỹ thì cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta lại biến nước Nga thành một đất nước bị ruồng bỏ, bị xa lánh, và sắp trở thành một chư hầu mới của Tập Cận Bình!

 

-------------------

Đọc thêm:

 

Putin chịu thất bại nhục nhã tại vùng lãnh thổ vừa sáp nhập

 

Bất chấp lên án, Nga tổ chức lễ sáp nhập lãnh thổ của Ukraine

 

Ai phá hoại đường ống dẫn khí đốt ở biển Baltic?

 

Putin sẽ xài vũ khí hạt nhân?

.

=====================================================

.

.

Putin phá vỡ khế ước xã hội với người dân Nga

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ

2 tháng 10, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/putin-pha-vo-khe-uoc-xa-hoi-voi-nguoi-dan-nga/

 

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hủy bỏ khế ước xã hội (social contract) đã giúp ông ta nắm quyền trong hơn hai thập niên.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/GettyImages-1243596940.jpg

Người Nga chia tay thân nhân lên đường nhập ngũ – Moscow, ngày 29 Tháng Chín 2022 (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Từ lâu, thỏa thuận bất thành văn của Putin với cử tri Nga là họ sẽ đứng ngoài chính trường và ông ta sẽ đảm bảo cuộc sống của họ ổn định. Nhưng cam kết này hoá ra chỉ là “màn đánh lừa” khi Putin quyết định tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Ukraine. Vào thời điểm đó, ông ta đã cẩn thận nhấn mạnh cuộc tấn công chỉ là “hoạt động quân sự đặc biệt” và được thực hiện bởi các lực lượng quân sự chuyên nghiệp.

 

Hoá ra đó chỉ là một câu chuyện hư cấu để ru ngủ nhiều người Nga thiếu thông tin, tạo cho họ “cảm giác bình thường” và đẩy họ ra ngoài lề cuộc tàn sát khủng khiếp ở Ukraine. Nhưng mới đây, lệnh “tổng động viên một phần” đã đột ngột chấm dứt sự bình yên giả tạo và làm dấy lên nỗi bất bình lẫn sợ hãi trong dân chúng khiến giới chính trị Nga “sống an toàn trong tháp ngà với bổng lộc hậu hĩnh” đau đầu.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/GettyImages-1243478211.jpg

Cảnh sát Nga bắt người biểu tình chống lệnh tổng động viên – Moscow, ngày 24 Tháng Chín 2022 (Getty Images)

 

Phản ứng tức giận và tuyệt vọng của người dân đã quá rõ. Đoàn xe hơi xếp hàng dài tại biên giới của Nga với Phần Lan, Georgia, Mông Cổ cho thấy hàng ngàn người đàn ông Nga đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự đang “bỏ phiếu bằng chân” khi rời khỏi đất nước vào thời điểm mà những người dân tại các khu vực bị Nga xâm chiếm ở Ukraine bị bắt buộc “bỏ phiếu bằng tay” để gia nhập Nga và chết cho Putin.

 

Các cuộc biểu tình nổ ra ở cả các khu vực dân tộc thiểu số và chống đối bắt lính ở các vùng nông thôn. Nhiều văn phòng nhập ngũ bị đốt cháy và một sĩ quan tuyển dụng bị một thanh niên bắn. Các tin đồn hiện lan rộng là chính phủ Nga có thể chuẩn bị đóng cửa biên giới để ngăn chặn hoàn toàn những người đàn ông trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự rời khỏi đất nước, thậm chí Putin có thể ban bố một hình thức thiết quân luật.

 

Những lời phủ nhận của Kremlin về đóng cửa biên giới hầu như không trấn an được lòng dân. Người phát ngôn Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên khi được hỏi về khả năng đóng cửa biên giới: “Chưa có quyết định nào về vấn đề này!”. Putin đã xây dựng quyền lực của mình bằng cách tự xác định là người đối lập với cựu lãnh đạo Boris Yeltsin, người đưa ông ta lên nắm quyền sau khi điều hành quá trình chuyển đổi hỗn loạn của nước Nga thời hậu Liên Xô vào thập niên 1990.

 

Nhưng ngày nay, cảnh đám đông giận dữ hét vào mặt các quan chức tuyển quân và ẩu đả với cảnh sát địa phương về việc bắt chồng và con họ đi lính khiến nhiều người hồi tưởng về thời kỳ đó. Điều tương tự cũng xảy ra trên các kênh Telegram của Nga và các phương tiện truyền thông xã hội khác. Một số video cho thấy giới quản lý doanh nghiệp Nga nhận được tin họ sẽ phải ra mặt trận sau một khóa huấn luyện ngắn.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/GettyImages-1243597056.jpg

Bữa ăn cuối cùng trước khi (chuẩn bị) lên đường vào chiến trường địa ngục Ukraine (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Một video được chia sẻ rộng rãi cho thấy một phụ nữ mặc quân phục nói với những người mới vào nghề là cần phải chuẩn bị bộ trang bị thiết yếu từ túi ngủ đến băng… vệ sinh! “Hãy hỏi bạn gái, vợ, mẹ bạn về băng vệ sinh. Bạn có biết nó dùng để làm gì không? Khi bị thương, bạn nhấn nó vào, vết thương phù lên và giữ cho phần thịt xung quanh cố định. Tôi học được điều này từ Chechnya” – cô nói.

 

Cuộc chiến đầu tiên ở Chechnya từ 1994 đến năm 1996 kết thúc với thất bại nhục nhã cho Liên bang Nga. Nó cũng bóc trần sự tham nhũng trong hàng ngũ quân đội và sự sụp đổ sức mạnh quân sự Nga. Những hình ảnh binh lính Nga bị chết, bị bắt cũng như những thiết bị quân sự bị phá hủy ở Ukraine ngày nay làm gợi nhớ cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất thảm khốc, khi các nhiếp ảnh gia phát tán cả hình ảnh những lính nghĩa vụ sợ hãi, trang bị kém hay bị đối phương giam cầm.

 

Khi Putin lên nắm quyền trong cuộc chiến Chechnya lần thứ hai năm 1999, Kremlin đã cẩn thận hơn trong việc kiểm soát truyền thông, và xây dựng hình ảnh Putin như một lãnh đạo có khí chất, năng lực và cứng rắn. Vũ lực được sử dụng tối đa bất chấp sinh mạng dân thường và nhà cửa bị huỷ diệt qui mô lớn. Chiến thắng bằng máu đã dẫn đến thành lập một chính phủ tàn bạo thân Nga tại Chechnya. Rút ra bài học từ cuộc chiến Chechnya, Putin đã chủ trì quá trình chuyên nghiệp hóa quân đội với mục đích giảm lệ thuộc vào lính nghĩa vụ theo hợp đồng.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/GettyImages-1243596775.jpg

Hồ sơ nhập ngũ (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Từ lâu, việc đối xử với những người lính nghĩa vụ trong quân đội Nga được xem là tàn bạo, khiến các nhóm như Ủy ban Các bà mẹ Chiến sĩ (Committee of Soldiers’ Mothers) phải vào cuộc để cung cấp lời khuyên pháp lý cho lính nghĩa vụ. Uỷ ban cũng tự tổ chức truy tìm những binh lính Nga bị người Chechnya bắt làm tù binh. Các cuộc biểu tình gần đây phản đối chiến dịch tổng động viên một phần là lời nhắc nhở cho thấy lệnh tuyển quân luôn là một vấn đề nhạy cảm trong đời sống chính trị Nga.

 

Ngày 25 Tháng Chín, trong các cuộc biểu tình lớn chống tuyển quân ở Makhachkala, thủ phủ nước Cộng hoà Dagestan nằm phía Bắc khu vực Caucasus, một phụ nữ bị bắt (được thấy trong video trên mạng xã hội) chất vấn cảnh sát: “Tại sao các người lại bắt con chúng tôi? Ai tấn công ai? Chính Nga đã tấn công Ukraine!” – dẫn lại từ CNN.

 

Những chính quyền địa phương còn làm công chúng phẫn nộ khi đưa cả giấy triệu tập cho những người không đủ sức khoẻ và đập cửa nhà dân để bảo đảm đạt được hạn ngạch tuyển quân quy định. Margarita Simonyan, tổng biên tập kênh truyền hình nhà nước RT (trước đây là Russia Today), cái loa tuyên truyền cho Putin, cho đăng một loạt lời phàn nàn về sự nặng tay của các quan chức địa phương, trong đó có trường hợp một nhân viên đi nghỉ với vé khứ hồi trên tay bị gây khó dễ tại biên giới… Dù được tiến hành một cách chuyên nghiệp hay nghiệp dư, lệnh động viên một phần là một trong những động thái rủi ro nhất của Putin, đặc biệt trong tình hình thành phố Lyman chiến lược ở khu vực vừa bị Nga sáp nhập bị quân Ukraine bao vây và chiếm lại.

                                                  __________

 

BIỂU TÌNH CHỐNG LỆNH TỔNG ĐỘNG VIÊN KHẮP NƯỚC NGA

 

Igor Sushko

@igorsushko

Reports from Saint Petersburg protests: Putin's police is using electric tasers on the detained.

 

VIDEO : https://twitter.com/i/status/1573718644390907904

 

VIDEO :  https://twitter.com/i/status/1574433805418405895

 

VIDEO : https://twitter.com/i/status/1573919093215797248

 

==================================================

.

.

Putin chịu thất bại nhục nhã tại vùng lãnh thổ vừa sáp nhập

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ

30 tháng 9, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/putin-chiu-that-bai-nhuc-nha-tai-vung-lanh-tho-vua-sap-nhap/

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats