Tuesday 18 October 2022

NÓI RÕ THÊM về "NGƯỜI GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG" (Mạc Văn Trang)

 



Nói rõ thêm về “người giáo viên phổ thông”

Mạc Văn Trang

18/10/2022

https://baotiengdan.com/2022/10/18/noi-ro-them-ve-nguoi-giao-vien-pho-thong/

 

Trong bài “Thư gửi Bộ trưởng GD&ĐT về vấn đề giáo viên phổ thông” của tôi, bị nhóm “Thanh Tâm online” làm clip xuyên tạc, có những luận điệu có thể gây hiểu lầm, nên cần nói rõ thêm vài điều.

 

Họ nói quan điểm của ông Mạc Văn Trang “Giáo viên là trụ cột và linh hồn của sự nghiệp giáo dục” là lỗi thời, lạc hậu, vì như thế là coi “giáo viên là trung tâm”, không biết rằng quan điểm giáo dục hiện đại là “lấy học sinh làm trung tâm”…

 

1. Không biết họ NGU hay cố tình xuyên tạc. Tôi đã viết rõ: “Giáo viên (phổ thông) là trụ cột và linh hồn của SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC”; còn nói thêm, giả dụ Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục bỗng nhiên biến mất, mà nhà trường còn, giáo viên còn, mọi hoạt động giáo dục vẫn diễn ra bình thường. Nói vậy không phải coi thường các cấp quản lý, mà nhấn mạnh rằng các cơ quan quản lý sinh ra là để tạo mọi điều kiện, chăm lo cho người giáo viên làm tốt chức năng, sứ mệnh của mình, chứ không phải để “quản” rồi làm khổ giáo viên, gây rối cho hoạt động tự do, tự chủ, sáng tạo của nhà giáo, như tình trạng không ít hiện nay.

 

Không có Thầy thì không có nền giáo dục. Không có Thầy TỐT, không có nền giáo dục TỐT.

Hãy xem Singapoer, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… nhà nước coi trọng việc tuyển chọn, đào tạo; coi trọng vai trò, vị trí, nghề nghiệp, lương bổng của người giáo viên phổ thông như thế nào. Nhờ đó mà nước họ mới phát triển được như ngày nay, con người họ đàng hoàng tử tế.

 

2. “LẤY HỌC SINH LÀM TRUNG TÂM” là quan điểm được nêu ra cũng chừng 30 năm rồi, thực ra đó là quan điểm TRONG GIẢNG DẠY/ DẠY HỌC. Họ cho rằng nếu “Lấy thầy giáo làm trung tâm” thì thầy giữ vai trò: Thầy NÓI – Trò nghe, Thầy GIẢNG – Trò ghi, Thầy ĐỌC – Trò chép. Thầy đóng vai trò chủ động, trò bị động, “Đó là lối giáo dục nhồi sọ, phong kiến, lạc hậu”.

 

Ở ta có thói quen, khi phê phán cái gì “lạc hậu”, “phản động” thì cho là hoàn toàn xấu xa, vứt bỏ hết và làm ngược lại một cách cực đoan. Họ không biết rằng THUYẾT GIẢNG/ Thuyết trình là phương pháp cổ xưa nhất, nay vẫn áp dụng tuỳ điều kiện và nó tiết kiệm, hiệu quả nhanh, nhiều nhất. Các Nhà sư, các Linh mục vẫn áp dụng rất hiệu quả phương pháp này; các chính trị gia, các nhà hùng biện vẫn diễn thuyết trước hàng trăm, hàng nghìn người rất hấp dẫn lôi cuốn. Các bài giảng nhập môn, lý thuyết ở Đại học vẫn áp dụng thường xuyên. Kết quả ra sao phụ thuộc vào nội dung và tri thức, tài nghệ của người thuyết giảng, chứ không phải tại phương pháp.

 

Tuy nhiên, trong dạy học, đối với học sinh càng nhỏ, càng phải hạn chế thuyết giáo, mà phải vận dụng nhiều phương pháp sinh động để tổ chức, hướng dẫn học sinh hoạt động, tự làm việc để lĩnh hội tri thức, kỹ năng.

 

Nói “lấy học sinh là trung tâm” thực ra không chuẩn xác. Phải nói “HỌC SINH LÀ TRUNG TÂM CỦA NHÀ TRƯỜNG”, vì nó mà nhà trường tồn tại. Hết học sinh thì trường chết. Do đó phải hiểu: Mọi cái sinh ra ở nhà trường là để phục vụ việc học hành của học sinh, vì sự phát triển của học sinh. Hiệu trưởng, giáo viên, người bảo vệ, cái hố xí, phòng học, phòng học cụ, nhà tập, sân vận động… tất cả đều nhằm phục vụ học sinh, vì sự phát triển của học sinh. Cái gì không có lợi cho sự phát triển của học sinh phải đưa ra khỏi nhà trường.

 

3. Thực ra quan niệm “LẤY HỌC SINH LÀM TRUNG TÂM” trong DẠY HỌC cũng không cụ thể, không chuẩn xác. Trong DẠY – HỌC có hai hoạt động diễn ra đồng thời, đan xen nhau: HOẠT ĐỘNG DẠY của Thầy và HOẠT ĐỘNG HỌC của Trò, trong đó hoạt động học của trò là LẼ SỐNG, là LÝ DO TỒN TẠI của Thầy.

 

Vai trò, chức năng của Thầy là TỔ CHỨC, HƯỚNG DẪN Trò HOẠT ĐỘNG để Trò tự làm việc, tự lĩnh hội những trị thức, kỹ năng của môn học và nhất là PHƯƠNG PHÁP làm việc để phát triển bản thân. Phát triển là đem lại CÁI MỚI cho bản thân; không học không có được những cái mới đó. Học mà không đem lại cái mới, tức không phát triển thì phí hoài thời gian và gây đau khổ cho trẻ. (Có em học sinh lên lớp 5 mà phải quay lại học lớp 1, Bộ GD&ĐT cho em học “sáng 5- chiều 1”. Thật đau khổ. Tội đó từ giáo viên lớp 1 “phấn đấu đạt chỉ tiêu thi đua lên lớp 100%”).

 

Học cũng như ăn uống. THầy phải hiểu trò để chế biến các món ăn hợp khẩu vị trò; các món ăn phải BỔ DƯỠNG và LÝ THÚ. Có vậy trò mới tiêu hoá tốt, phát triển lành mạnh. Đồ ăn vô bổ cứ nhồi nhét bắt ăn thì thật đau khổ và sinh bệnh; đồ ăn bổ dưỡng nhưng ăn trong môi trường ngột ngạt, tồi tệ thì cũng phản tác dụng.

 

Thầy TỔ CHỨC – TRÒ HOẠT ĐỘNG như thế nào để học sinh làm việc thấy BỔ ÍCH và LÝ THÚ, phát triển tốt, đòi hỏi việc tổ chức, hướng dẫn của Thầy vừa là Khoa học, kỹ thuật, vừa là Nghệ thuật. Tay nghề được như vậy đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo, tổng kết… suốt đời làm nghề.

 

Bắt giáo viên mua giáo án MẪU và mua mấy CHỨNG CHỈ để “chuẩn hóa” chỉ làm thui chột tính chủ động, tích cực học hỏi, sáng tạo của giáo viên. Cập nhật tri thức mới, nâng cao tay nghề của giáo viên không có cách nào tốt hơn là TỰ HỌC, tự nghiên cứu của giáo viên và BỒI DƯỠNG TẠI TRƯỜNG cùng các đồng nghiệp. Mỗi trường, mỗi bộ môn đều cần phát hiện ra những giáo viên thực sự giỏi, có tay nghề cao để làm nòng cốt cho việc bồi dưỡng sư phạm và làm “thương hiệu” của trường. Lâu lắm rồi, có lần tôi hỏi mấy học sinh cấp 3 về giáo viên của trường, các em nói: Trường em nổi tiếng nhất là: Văn thầy Hoán, Toán thầy Hạc, Họa Nhạc thầy Cường.

 

Những giáo viên mới tốt nghiệp sư phạm, không gì tốt hơn là xin đi dự giờ dạy của các Thầy giáo có tay nghề cao để học hỏi, rồi hãy đứng lớp.

 

Trong nhà trường không gì quý bằng có những giáo viên có uy tín cao về chuyên môn + tay nghề sư phạm.

 

------------------

1 Comment

 

Nguyễn Đình Cống

Những người cho rằng nền giáo dục lấy học sinh làm trung tâm là những người nói theo mà không hiểu biết ( thí dụ nhóm Thanh Tâm online). Để phát triển nền giáo dục phải lấy việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên làm gốc. Còn trong từng buổi dạy học một môn cụ thể ( gồm hai hoạt động là dạy và học ) thì lấy việc học làm trung tâm chứ không nên lấy học sinh làm trung tâm .Lấy học sinh và lấy việc học (làm trung tâm ) là hai khái niệm khác nhau về bản chất.(nhiều người, kể cả một số người nước ngoài có một chút tiếng tăm nào đó, vì không hiểu biết nên nhầm lẫn hai khái niệm này, cho chúng là như nhau) Nó giống như câu dạy của Đức Phật là "Y Pháp bất y Nhân". Những ai cho rằng nền giáo dục cần lấy học sinh làm trung tâm là chỉ biết hời hợt về giáo dục. Biết chưa thấu đáo mà vội khua môi múa mép thì rất nguy hiểm, thà không biết còn hơn.





No comments:

Post a Comment

View My Stats