Wednesday 26 October 2022

MỘT DỊP ĐỂ DIỆN CHẨN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (Nguyễn Gia Kiểng)

 



 

Một dịp để diện chẩn Đảng Cộng Sản

Nguyễn Gia Kiểng

24/10/22

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/26558-m-t-d-p-d-di-n-ch-n-d-ng-c-ng-s-n

 

Dù Đảng Cộng Sản cố che đậy bằng những mỹ từ, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vừa qua đã chỉ là một ghi nhận thất bại và bế tắc. Thất bại trong việc điều hành quốc gia và lành mạnh hóa sinh hoạt của Đảng, bế tắc trong việc tìm kiếm những giải đáp mới để đương đầu với những thử thách mới.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52450704325_d90bb53ddb.jpg

Gần 200 người quyền lực nhất nước họp liên tục trong suốt một tuần để không đưa ra được một kết luận có giá trị nào thì đáng chán thực

 

Cuối tháng 9 các bạn tôi cho biết là Đảng Cộng Sản Việt Nam sắp họp Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào tháng 10 sắp tới nhưng chưa thông báo ngày họp. Thế rồi ngày 03/10/2022 các báo trong nước loan tin là hội nghị đã bắt đầu. Sau ngày 09/10 khi hội nghị bế mạc gần như mọi người đều nhất trí đây là một hội nghị trung ương nhạt nhẽo và vô tích sự, chẳng có gì đáng nói. Một số nhỏ, trong đó có tôi, nghĩ hơi khác. Theo chúng tôi, hội nghị này tiết lộ nhiều điều quan trọng.

 

.

Một nhìn nhận thất bại và bế tắc

 

Dĩ nhiên là các bạn tôi có lý do để đánh giá thấp hội nghị này. Gần 200 người quyền lực nhất nước họp liên tục trong suốt một tuần để không đưa ra được một kết luận có giá trị nào thì đáng chán thực. Các thông báo chính thức cho mỗi ngày họp đều chỉ vỏn vẹn có vài dòng.

 

Thí dụ như thông báo về ngày họp thứ 5 trên báo điện tử của Đảng Cộng Sản (trích nguyên văn) :

 

Trong ngày làm việc thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025.

Buổi sáng : Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Bộ Chính trị điều hành thảo luận.

Buổi chiều : Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận về Đề án định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau đó, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình các nội dung Trung ương thảo luận về Đề án tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới ; Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị ; Đề án tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Tổng cộng 266 chữ, với các dấu chấm (.), phẩy (,) và chấm phẩy (;) cũng như các chữ hoa và chữ thường được sử dụng một cách tùy tiện. Nó đã có thể viết ngắn gọn và sáng sủa hơn nhiều. Tất cả mọi thông báo về các ngày họp đều như thế.

 

Sau khi hội nghị bế mạc, ngày 09/10, báo điện tử của Đảng thông báo như sau :

 

Sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và bế mạc sáng 9/10. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu bế mạc Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và các đại biểu tham dự Hội nghị đã phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc vào các tờ trình, báo cáo, đề án : Về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 ; Về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 ; Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ; Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, làm rõ, nhấn mạnh thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả quan trọng mà Hội nghị đã đạt được.

 

Bản tổng kết của Ban Tuyên giáo Trung ương dài hơn, trên 2000 chữ, nhưng cũng không thông báo được một kết luận đáng lưu ý nào. Người ta có thể nghĩ là Đảng Cộng Sản chỉ thông báo chi tiết kết quả hội nghị cho các đảng viên. Như thế thì coi thường nhân dân quá. Nhưng không, các báo cáo của các tỉnh bộ đảng với các đảng viên cũng sơ sài như vậy thôi.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52449736497_12a9b628c2.jpg

Ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị - Ảnh : VGP/Nhật Bắc

 

Qua ba tài liệu chi tiết nhất –bản tổng kết của Ban Tuyên Giáo và hai bài diễn văn khai mạc và bế mạc của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng- người ta có thể thấy hội nghị chủ yếu thảo luận hai nhóm đề tài chính :

 

1. Kiểm điểm tình hình đất nước và dự phóng những giải đáp cho tương lai : ngân sách năm 2022 và dự kiến cho năm 2023, kế hoạch cho giai đoạn 2023-2025, quy hoạch chung cho giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn 2050. Hai ưu tư được nhấn mạnh là hiện đại hóa công nghiệp và củng cố chính quyền cộng sản qua khẩu hiệu "tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới".

 

2. Tổng kết lại tình trạng của Đảng Cộng Sản Việt Nam sau 15 năm thực hành nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa X năm 2007 về phương thức cầm quyền của đảng. Mục tiêu được xác nhận là ban hành một nghị quyết mới cho phù hợp với tình huống mới.

 

Cũng qua ba tài liệu này người ta có thể ghi nhận một vài sự kiện.

 

Trước hết là Đảng Cộng Sản thừa nhận đã thất bại trong mục tiêu đề ra và theo đuổi từ 15 năm qua là đưa đất nước "ra khỏi tình trạng kém phát triển trước năm 2010 và đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Thất bại thê thảm vì hiện nay, cuối năm 2022, Việt Nam vẫn còn là một nước kém phát triển, công nghiệp vẫn chủ yếu là gia công và lắp ráp. Nhưng sao phải đợi đến bây giờ mới nhận ra ? Đâu có gì đáng ngạc nhiên vì đây chỉ là những mục tiêu duy ý chí của những người thiếu ngay cả những kiến thức cơ bản nhất của việc điều hành một quốc gia. Vào năm 2007, khi Đảng Cộng Sản ra nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 Khóa X, GDP trên mỗi đầu người của Việt Nam chưa tới 1000 USD/năm, nghĩa là rất nghèo, làm sao có thể trở thành một nước phát triển sau 3 năm ? Làm sao có thể trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại sau 13 năm ? Điều thực sự đáng ngạc nhiên là vào năm 2007 Đảng Cộng Sản không biết xấu hổ và rút kinh nghiệm của Đại hội IV năm 1976 trong đó, trong cơn say men chiến thắng, họ đã tưng bừng đưa ra những mục tiêu thần thoại cho năm 1980 để rồi đến hẹn chỉ có một nước Việt Nam cực kỳ nghèo khổ, ngày nào cũng có người chết đói.

 

Trong chương trình nghị sự của hội nghị lần này cũng có việc làm lại một nghị quyết mới thay thế cho nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa X nhưng không thấy công bố, có lẽ vì chưa xong. Tuy vậy với những gì có thể thấy được qua ba tài liệu này người ta có thể quả quyết rằng tư duy của các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam vẫn chưa thay đổi bao nhiêu. Tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa X (thực ra gồm bốn nghị quyết) -coi ảnh hưởng của việc mở ra với thế giới dân chủ như là một cuộc "xâm lăng văn hóa", coi những người dân chủ như những "thế lực thù địch", chủ trương kiên trì "chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh", chống lại "diễn biến hòa bình"- vẫn còn nguyên vẹn. Không những thế, hội nghị trung ương lần này còn chủ trương tăng cường thêm vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhưng còn tăng cường tới mức độ nào nữa ? Hiện nay trong các cơ quan nhà nước, mọi cấp bậc từ phó phòng trở lên đều chỉ dành cho đảng viên cộng sản, trong quân đội và công an các hạ sĩ quan và sĩ quan đều phải là đảng viên. Các ách ngoại thuộc trước đây, dù là Bắc thuộc hay Pháp thuộc, cũng không đến nỗi thô bạo như vậy, vẫn có những người Việt Nam được lên tới những chức vụ cao. Đảng Cộng Sản đã cư xử như một lực lượng chiếm đóng hung bạo quá rồi. Chưa đủ sao, họ còn muốn gì nữa ?

 

Hội nghị trung ương lần này cũng chứng tỏ các cấp lãnh đạo cộng sản chưa tiến bộ bao nhiêu so với 15 năm trước khi họ họp Hội nghị Trung ương 5 Khóa X. Lúc đó, năm 2007, họ đặt mục tiêu đưa đất nước "ra khỏi tình trạng kém phát triển trước năm 2010 và đến năm 2020, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Bây giờ, tháng 10/2022, họ cam kết "đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao" (diễn văn khai mạc của ông Nguyễn Phú Trọng). Vẫn chủ quan và duy ý chí một cách dễ sợ.

 

Thế nào là mức "thu nhập trung bình cao" và thế nào là một mức "thu nhập cao" ? Tiêu chuẩn của Ngân Hàng Thế Giới đã bị rất nhiều chuyên gia phản bác. Nó định nghĩa một cách quá lỏng lẻo -đến độ vô nghĩa- là "thu nhập trung gian cao" những nước có GDP trên đầu người từ 4.100 đến 13.000 USD/năm và "thu nhập cao" những nước có GDP/đầu người trên 13.000 USD/năm. Phần lớn các chuyên gia coi mức thu nhập trung bình cao là từ 10.000 USD đến 15.000 USD/năm và mức thu nhập cao là trên 15.000 USD/năm. Cũng có những chuyên gia chỉ coi là có mức thu nhập cao những nước có thu nhập đầu người trên 30.000 USD/năm. Một thí dụ cụ thể là Tây Ban Nha với GDP trên đầu người 30.000 USD/năm được coi là có thu nhập cao trong khi Ba Lan, 18.000 USD/năm, chưa được coi là có thu nhập cao dù có GDP trên đầu người gần 40.000 USD/năm nếu tính theo mãi lực.

 

GDP trên đầu người của Việt Nam hiện nay chưa tới 2.500 USD/năm nếu ước tính một cách nghiêm chỉnh. Như thế, nếu làm một con tính nhẩm, ngay cả nếu may mắn giữ được mức tăng trưởng đều đặn 5% mỗi năm, một tỷ lệ tăng trưởng rất khó đạt được trong bối cảnh thế giới mới, chúng ta cũng cần 34 năm nữa, nghĩa là phải đợi đến năm 2056 chứ không phải 2045, mới bắt đầu được coi là có thu nhập cao theo tiêu chuẩn rất lỏng lẻo của Ngân Hàng Thế Giới. Còn nếu lấy tiêu chuẩn 30.000 USD/năm (nghiêm chỉnh hơn nhiều) của các chuyên gia thì phải đợi 47 năm nữa, đến năm 2070.

 

Những người lãnh đạo cộng sản đã cố tình tự đánh lừa mình để khoe khoang thành tích. Năm ngoái họ tư nhiên "điều chỉnh" một cách tùy tiện GDP của Việt Nam từ 200 tỷ USD thành 360 tỷ USD, nghĩa là gần gấp đôi, như vậy GDP bình quân trên mỗi đầu người của Việt Nam bỗng dưng nhẩy vọt lên tới gần 4000 USD/năm, sát giới hạn dưới của mức mà Ngân Hàng Thế Giới, trong cách xếp loại rất cẩu thả, gọi là thu nhập trung gian cao. Cách "điều chỉnh" này chẳng có giá trị gì, hơn thế nữa còn là một sự xúc phạm khi gần 70% dân Việt Nam vẫn còn sống ở nông thôn với thu nhập không tới 100 USD/tháng mỗi gia đình.

 

Tâm lý tự sướng của các cấp lãnh đạo Đảng Cộng Sản cũng thể hiện rõ rệt qua mọi phát biểu. Họ tự ca tụng bằng những tính từ mà bình thường phải tránh dùng khi nói về mình như, "sáng tạo", "tâm huyết", "trí tuệ", "sâu sắc", v.v. Cụ thể như câu đã được trích dẫn ở trên : "Tại Hội nghị, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và các đại biểu tham dự Hội nghị đã phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc".

 

Một vấn đề lớn cũng đã được bàn đến trong hội nghị trung ương này là tham nhũng và cũng không có giải pháp mới nào. Đảng Cộng Sản đã báo động về quốc nạn tham nhũng từ hơn mười năm nay nhưng tham nhũng chỉ nghiêm trọng hơn chứ không hề giảm đi. Lý do chỉ giản dị là không thể có giải đáp cho tham nhũng dưới chế độ này, dù đó là căn bênh phải chữa cho bằng được để đất nước có thể sống. Kinh nghiệm của mọi quốc gia đã chứng minh rằng khi tham nhũng đã đạt tới một mức độ nào đó thì chỉ có một giải pháp duy nhất là thay thế chính quyền tham nhũng bằng một chính quyền khác. Tại sao ? Lý do là vì tham nhũng là một vi phạm đạo đức bằng cách lợi dụng công quyền cho lợi ích cá nhân, bằng cách cướp của chung làm của riêng. Nhưng đạo đức là điều người ta có hoặc không có chứ không thể học tập để có, là điều người ta không thể thuyết phục hay ra lệnh mà chỉ có thể làm gương. Nền tảng của tham nhũng là sự thiếu vắng ý thức quốc gia và lòng yêu nước, nhưng một chính quyền chuyên chính đã hành xử như một lực lượng chiếm đóng tước đoạt hết những quyền căn bản nhất của người dân, đã dành độc quyền cho đảng viên của mình những chức vụ từ phó phòng và hạ sỹ quan trở lên còn tư cách nào để kêu gọi lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm đối với quốc gia ? Một đảng đã chiếm đoạt cả một đất nước có tư cách nào để trừng phạt những kẻ gian lận một vài hợp đồng ?

 

Tóm lại, dù Đảng Cộng Sản cố che đậy bằng những mỹ từ, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vừa qua đã chỉ là một ghi nhận thất bại và bế tắc. Thất bại trong việc điều hành quốc gia và lành mạnh hóa sinh hoạt của Đảng, bế tắc trong việc tìm kiếm những giải đáp mới để đương đầu với những thử thách mới. Ông Nguyễn Phú Trọng đã tóm tắt thành tích 15 năm qua của Đảng Cộng Sản trong một câu rất buồn cười : "do nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng ta vẫn chưa thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Các đột phá chiến lược chưa có sự bứt phá". Đã không có bứt phá thì làm sao có đột phá, nói gì đột phá chiến lược ? Hành hạ tiếng Việt vừa thôi chứ !

 

Chọn lựa của con đà điểu

 

Một câu hỏi phải được đặt ra là tại sao hội nghị này không hề đề cập đến những biến chuyển đang làm chao đảo thế giới và có ảnh hưởng trực tiếp và đặc biệt nghiêm trọng đối với nước ta ? Chắc chắn là có bàn nhưng không nói ra được vì không đạt tới một kết luận chung nào.

 

Cuộc chiến Ukraine đang làm rung động cả thế giới. Nó đã và sẽ còn gây nhiều thiệt hại kinh khủng về vật chất và nhân mạng. Tất cả chỉ vì Vladimir Putin đã trắng trợn xua quân xâm lăng và tàn phá Ukraine, một thành viên của Liên Hiệp Quốc mà chủ quyền và lãnh thổ đã được cả thế giới, kể cả Nga, chính thức nhìn nhận từ hơn một nửa thế kỷ qua. Cuộc chiến này sẽ thay đổi hẳn bối cảnh chính trị và trật tự thế giới. Nó sẽ chấm dứt chế độ độc tài mafia của Putin, khiến Liên Bang Nga suy sụp và rất có thể tan vỡ. Làn sóng dân chủ sẽ tràn tới vùng đất Nga, một vùng trong suốt lịch sử thế giới vẫn được coi là thành trì không thể chinh phục của độc tài và bạo lực. Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ mất một quan thầy và một đồng minh chiến lược. Cần nhận định Putin không chỉ phạm tội ác mà còn sai hoàn toàn trong các dự tính cho nên chỉ có thể thảm bại. Chọn lựa bình thường hiển nhiên là phải lên án mạnh mẽ và tức khắc như tuyệt đại đa số các nước trên thế giới đã làm. Hơn nữa điều Putin đang làm đối với Ukraine cũng rất có thể là điều Trung Quốc sẽ làm đối với Việt Nam. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã ứng xử một cách kỳ cục. Họ tuyên bố chọn lẽ phải chứ không chọn phe nhưng lại chọn phe thay vì lẽ phải. Lý do là vì họ vẫn còn là tù nhân của quá khứ. Đảng Cộng Sản Việt Nam do Liên Xô thành lập và nhờ Liên Xô mà chiến thắng. Họ mang ơn sinh thành với Liên Xô mà chế độ Putin đang cố gắng lập lại, do đó không chịu lên án Nga. Thái độ này đã gây thất vọng cho các nước dân chủ và chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tai hại cho quan hệ hợp tác ưu đãi mà cho tới nay các nước này vẫn dành cho Việt Nam. Tuy vậy tuyên bố "chọn lẽ phải chứ không chọn phe" chứng tỏ ngay trong ban lãnh đạo cộng sản cũng đã có những người nhìn thấy tội ác và thế tuyệt vọng của Putin nhưng Đảng Cộng Sản đã quá chia rẽ để có thể lấy một quyết định đúng. Và thảo luận đã bế tắc.

 

Vấn đề lớn thứ hai là Trung Quốc. Hội nghị này họp vào lúc Đảng Cộng Sản Trung Quốc sắp họp Đại Hội 20, biến cố lớn nhất của Trung Quốc trong mỗi 5 năm và lần này diễn ra vào một thời điểm đặc biệt nghiêm trọng. Kinh tế Trung Quốc đang khủng hoảng rất nặng và vẫn còn chưa có lối thoát vì chính sách Zero Covid. Tập Cận Bình đã thất bại trên mọi địa hạt. Sáng kiến Vành Đai Con Đường đã phá sản, các công ty xây dựng, địa ốc, đóng tầu và du lịch đang hấp hối ; Trung Quốc chồng chất nợ nần và ngày càng bị cô lập vì bị nhìn như một đe dọa cho thế giới. Tuy vậy Tập Cận Bình vẫn được bầu làm tổng bí thư bởi vì không có ai thay thế. Tình hình Trung Quốc có ảnh hưởng lớn lên Việt Nam vì Trung Quốc vừa là một đe dọa cho đất nước Việt Nam lại vừa là một quan thầy của chế độ cộng sản Việt Nam. Ngoài ơn sinh thành đối với Liên Xô còn một lý do khiến Việt Nam luôn luôn biểu quyết bênh Nga tại Liên Hiệp Quốc. Đó là vì Việt Nam phải biểu quyết theo Trung Quốc. Việt Nam đã cam kết tham khảo ý kiến, đúng ra là nhận lệnh, của Trung Quốc trong các quyết định đối ngoại, kể cả tại Liên Hiệp Quốc và trong khối ASEAN, như đã xác nhận trong thông cáo chung nhân chuyến thăm Trung Quốc của Trương Tấn Sang năm 2013. Trong tình trạng khủng hoảng này Trung Quốc, vì là một đế quốc chứ không phải một quốc gia, có mọi triển vọng sẽ co cụm lại và không còn là một đe dọa lớn cho Mỹ và các nước dân chủ nữa, do đó các nước này cũng không còn nhu cầu chiều chuộng để lôi kéo Việt Nam như trước nữa, nhất là sau sau khi họ đã thất vọng vì thái độ bênh Nga của Hà Nội. Tóm lại tình hình Trung Quốc quá quan trọng để các cấp lãnh đạo cộng sản có thể không bàn đến trong hội nghị này. Chắc chắn là đã có thảo luận sôi nổi nhưng không đạt được một đồng thuận nào.

 

Câu hỏi lớn thứ ba là bối cảnh và trật tự thế giới sẽ ra sao sau chiến tranh Ukraine, tình trạng mới tại Trung Quốc và dịch Covid-19 ? Một điều chắc chắn và đã được công khai khẳng định là phong trào toàn cầu hóa xô bồ duy lợi nhuận từ ba thập niên qua sẽ chấm dứt. Chủ trương hiện nay của các nước phát triển là phải đem sản xuất lại gần với tiêu thụ. "Gần" chủ yếu có nghĩa là gần về ý thức hệ và chế độ chính trị. Một cách cụ thể các nước dân chủ phát triển sẽ dành ưu tiên hợp tác cho các nước dân chủ, về đầu tư cũng như về ngoại thương.

 

Như vậy Việt Nam sẽ ra sao ? Vào năm 2019 -trước dịch Covid-19, trước khi xảy ra cuộc chiến Ukraine và trước khi Trung Quốc phơi bày sự yếu mệt- Việt Nam là nước có cơ hội thuận lợi nhất, là điểm đến tự nhiên của các công ty rời Trung Quốc. Cơ hội đó đang bị đe dọa nặng nề. Việt Nam dưới chế độ chuyên chính cộng sản không được coi là gần gũi với các nước dân chủ, hơn thế nữa còn đã gây thất vọng cho họ qua thái độ bênh Nga, trong khi họ cũng không còn sợ Trung Quốc đến độ phải tranh thủ Việt Nam bằng mọi giá. Đảng Cộng Sản rất có thể lại đang làm đất nước mất đi một cơ hội lớn. Trong phần trên, khi nhận định về những mục tiêu tăng trưởng của chính quyền cộng sản, tôi đã đưa ra con số 5%. Nhiều độc giả có thể nghĩ là tôi bi quan. Thực ra trong bối cảnh thế giới mới, tỷ lệ tăng trưởng này phải được coi là là một giả thuyết rất lạc quan, trừ khi Việt Nam chứng tỏ đã quả quyết chọn lựa dân chủ. Hội nghị Trung ương 6 vừa qua của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã không thảo luận đề tài này. Hoặc có thảo luận nhưng cũng không đi đến kết luận nào.

 

Giữa một tương lai phải đến và một quá khứ phải qua đi

 

Nói chung, trên những vấn đề lớn và cấp bách Đảng Cộng Sản đã chọn giải pháp của con đà điểu, nghĩa là chúi đầu vào đống cát để đừng nhìn thấy thực tại đầy thử thách. Họ không dám nhìn thực tại nữa. Sau một thời gian quá dài cố tình không chịu thích nghi với bối cảnh đất nước và thế giới, họ không còn thích nghi được nữa. Các vấn đề phải giải quyết bị trì hoãn quá lâu đã trở thành không thể giải quyết.

 

Hội nghị trung ương vừa qua của Đảng Cộng Sản cũng đã chứng tỏ một điều. Đó là đất nước đang đứng trước một khúc quanh lịch sử đòi hỏi những chọn lựa sống còn và Đảng Cộng Sản không những không phải là giải đáp mà còn là chướng ngại.

 

Các đảng viên cộng sản vì thế phải chọn lựa giữa một đất nước Việt Nam dân chủ đa nguyên và Đảng Cộng Sản. Giữa một tương lai đáng mong ước bắt buộc phải đến và một tàn dư của một quá khứ đau buồn bắt buộc phải qua đi và đang chấm dứt.

 

Nguyễn Gia Kiểng

(24/10/2022)

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats