Tuesday 4 October 2022

LUẬT ĐẤT ĐAI SẼ ĐI VỀ ĐÂU? (Ngô Huy Cương)

 



LUẬT ĐẤT ĐAI SẼ ĐI VỀ ĐÂU? 

Ngô Huy Cương

3-10-2022  22:21   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02gsmUQjsoC8Jo4GEqnEgExKfKFG1PUpHcm7q1B7RS9xXLHuckrQs45QNWaBMB344nl&id=100010780718014

 

Một người yêu cầu phỏng vấn tôi về Dự thảo Luật Đất đai sắp được trình Quốc hội thảo luận trong kỳ họp đang tới để đưa lên phương tiện truyền thông chính thống giúp cho các vị đại biểu Quốc hội nắm rõ hơn về Dự thảo.

 

Xem qua Dự thảo tôi cảm thấy rất buồn!

 

Nếu như đây là Dự thảo đầu tiên về Luật Đất đai của nước ta thì có thể thông cảm được.

Nhưng không! Luật Đất đai đã bị sửa đổi và thay thế quá nhiều lần trong mấy chục năm qua, gây xáo trộn quá nhiều cho xã hội, mà mãi cho tới bây giờ vẫn không tìm ra đường đi thật sự của nó như một đạo luật có tính cách nền tảng với nhiệm vụ tạo ra sự bình ổn cho xã hội, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, bảo vệ môi trường và góp phần củng cố an ninh, quốc phòng.

 

Một đạo luật, xin nhắc nhở Ban soạn thảo, không phải là một bản mô tả công việc thường ngày của một Bộ hay của một anh công chức nào đó. Do đó đạo luật không phải là nơi để đồ lại những mảng công việc quản lý Nhà nước về một lĩnh vực nào đó hay là nơi để ghép những mảnh ghép rời rạc như trò chơi Lego của trẻ con.

 

Đạo luật này tác động vào đất đai, tức là tác động vào mối quan hệ giữa con người với đất đai. Vậy thì trước hết Ban soạn thảo phải làm rõ được mục tiêu hay cái đích mà đạo luật này hướng tới để làm nền tảng hay cơ sở thiết lập nên cách thức tác động (các quy định cụ thể) và làm căn cứ cho việc giải thích tất cả các hành vi của chính quyền, cũng như các giải pháp giải quyết tranh chấp sau này…

 

Vì chỉ đồ lại những hiểu biết thông thường của mình về quản lý Nhà nước đối với đất đai trong điều kiện công hữu hóa toàn bộ, Ban soạn thảo đã không xác định được bản chất pháp lý của đạo luật này, không làm rõ được logic pháp lý mà đạo luật này phải tuân thủ, do đó càng không nắm được mối liên hệ giữa đạo luật này và các quy định trong nó với các đạo luật khác, nhất là sự tác động xấu của nó đến nền pháp lý của đất nước. Hệ quả xấu hơn là có thể gây ảnh hưởng không tốt tới việc xây dựng Nhà nước pháp quyền mà mới hôm qua Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng coi là vấn đề chính trị cốt yếu (trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 6).

 

Một logic pháp lý cốt yếu nhất, nhẽ ra phải được thể hiện trong Dự thảo thì lại không làm được, đó là: nếu đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì người dân nào cũng có quyền ngang nhau đối với toàn bộ đất đai trong lãnh thổ nước ta, tức là họ đều có quyền ngang nhau tác động tới đất đai và có quyền ngang nhau hưởng dụng từ đất.

 

Việc Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai cho thấy Nhà nước chịu sự ủy quyền của bất kỳ người dân nào trong lĩnh vực này. Vậy người thụ ủy (Nhà nước) phải tuân theo chỉ dẫn của người chủ ủy (người dân).

 

Logic pháp lý đó không thể hiện được trong Dự thảo cho thấy Ban soạn thảo yếu cả về chính trị lẫn pháp lý.

 

Nghe nói đây này: hệ quả của logic pháp lý đó phải được thể hiện ít nhất bằng nguyên tắc bình đẳng trong Luật Đất đai, chưa kể đến phải làm rõ một người dân được hưởng lợi gì từ đất đai.

 

Tuy nhiên nguyên tắc này khó đưa vào luật tài sản (bản chất của Luật Đất đai một phần). Cho nên sự cân nhắc đưa nguyên tắc này vào gắn với phần luật công trong đó, tức là các quy định có tính hiến pháp, hành chính.

 

Ban soạn thảo không biết thiết lập quy chế chung và quy chế riêng để đưa vào Dự thảo. Do đó Dự thảo vừa dài không cần thiết và rất rối rắm khiến người dân khó tiếp cận, nhất là về khâu quản lý Nhà nước đối với đất đai.

 

Chế tài đặc trưng thiếu, thuật ngữ và định nghĩa khái niệm thiếu tính pháp lý tràn lan trong Dự thảo. Đó là chưa đi sâu vào bất kỳ một chương mục cụ thể nào.

 

Quy trình lập pháp có vấn đề nên khó khuyến khích các Ban soạn thảo chuyên tâm vào Dự thảo và cũng khó gắn trách nhiệm của Ban soạn thảo vào một đạo luật cụ thể kém chất lượng nào.

 

Tuân theo đường lối của Đảng ở cấp chuyên gia không có nghĩa là chép lại nguyên văn đường lối đó mà phải thể hiện đúng đắn đường lối đó bằng chuyên môn của mình.

 

Nếu chỉ chép đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là đủ thì Dự thảo đã quá thành công!

 

.

36 BÌNH LUẬN   





No comments:

Post a Comment

View My Stats